Đất sản xuất của người dân ổn định trên 20 năm bỗng vào diện “Ao hoang vô chủ” ở Long Thành (Đồng Nai)

Ngày đăng : 17:48, 25/11/2021

(Kiemsat.vn) - Ông Phan Hồng Đức (sinh 1949, ngụ tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), có đơn khiếu nại Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai về việc sau hơn 16 năm ông Đức lập hồ sơ đăng ký quyền sử dụng hơn 21.000m2 đất ở Tượng Rũ Bé, rạch Vàm Mặt Trời, ấp Phước Hòa (nay là ấp Tập Phước, huyện Long Thành) nhưng ông không được cấp; oái oăm thay, quyền sử dụng đất trên lại được cấp cho một đơn vị khác trên địa bàn.

Phần đất gia đình ông Phan Hồng Đức đang sản xuất.

Cuộc sống của gia đình ông Phan Hồng Đức lâm vào cảnh sống khó khăn suy kiệt về kinh tế nhiều năm qua, thời gian gần đây thêm suy sụp tinh thần sau khi phát hiện hàng ngàn mét vuông đất gia đình đang đầu tư sản xuất ở ấp Phước Tập, xã Long Phước, huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) đã được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Long Thành. Đối diện với nguy cơ mất đất sản xuất, người dân khiếu nại thường xuyên nhưng nhiều năm qua vẫn chưa được chính quyền địa phương đứng ra giải quyết, chịu trách nhiệm khắc phục hậu quả để người dân có thể tiếp tục đầu tư sản xuất, ổn định cuộc sống...

Sau nhiều năm gửi đơn chờ đợi cấp quyền sử dụng đất đã đăng ký,  kỳ vọng cơ quan quản lý đất đai tại địa phương cấp quyền sử dụng đất trên phần đất nhận sang nhượng và  trực tiếp sản xuất từ năm 1996 đến nay theo quy định pháp luật. Tuy nhiên chính quyền địa phương sau khi chuyển đất sản xuất của người dân thành đất rừng phòng hộ (được thể hiện trên giấy tờ cấp cho Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành) thì lại đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

Trả lời đơn của ông Đức,  ngày 11/11/2021, Chủ tịch UBND huyện Long Thành có Văn bản số 12722/UBND-NC với nội dung: Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Long Thành được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CE 201600 ngày 26/10/2016… Việc cấp không do thẩm quyền của  UBND huyện Long Thành trong đơn tố cáo nên không thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND huyện Long Thành, vì Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Long Thành trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai (?).

Ông Phan Hồng Đức với lá đơn kêu cứu tại nơi ở trọ cùng vợ, con.

Sau đó, ông Phan Hồng Đức tiếp tục gửi đơn tố cáo lên UBND tỉnh Đồng Nai nhờ can thiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình ông, yêu cầu được  làm rõ những dấu hiệu bất thường liên quan  trong quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng khu đất của gia đình đang nuôi, trồng thủy sản… Trong đơn gửi đến Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ông Phan Hồng Đức trình bày: Năm 1996, ông mua 49.000m2 đất bằng giấy tay ở ấp Tập Phước (thuộc ấp Phước Hòa cũ), huyện Long Thành để đầu tư sản xuất nuôi, trồng  thủy sản.

Để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, năm 2000 ông chuyển nhượng lại một phần đất khoảng 13.000m2 cho ông Nguyễn Phát Đạt. Và năm 2001, ông tiếp tục chuyển nhượng lại cho ông La Văn Lớn phần đất 10.500m2; còn lại diện tích khoảng 21.598m2 ông Phan Hồng Đức sử dụng để nuôi cua và tôm sú, trồng cây lâu năm. Năm 2005, ông đăng ký xin cấp giấy CNQSDĐ  phần diện tích đất đang trực tiếp sản xuất. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai và UBND huyện Long Thành tiến hành đo đạc và xác định diện tích xin cấp 20.053m2. Riêng phần diện tích còn lại trên 1.545 m2, trong đó là 02 ao nuôi tôm ông Đức đang cho ông La Văn Lớn mượn để dẫn nước và phục vụ sản xuất tôm nên chưa đăng ký trong đợt này. Phải đến năm 2008, sau khi ông La Văn Lớn ngưng công việc nuôi tôm ở đây và phần đất này ông La Văn Lớn đã  giao trả lại cho gia đình ông Đức sử dụng.

Vụ việc bắt đầu phát sinh từ năm 2015, sau khi ông La Văn Lớn biết được thông tin ban quản lý Lâm trường Long Thành (nay là Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành) tiến hành đăng ký quyền sử dụng phần đất 10.500m2 đất mà ông La Văn Lớn mua của ông Đức, ông La Văn Lớn đưa đơn khiếu nại, tố cáo. Sau đó, năm 2016, UBND huyện Long Thành cùng Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành cấp giấy chứng quyền sử dụng phần đất mà ông La Văn Lớn mua của ông Phan Hồng Đức (thửa số 72). Riêng phần đất ông La Văn Lớn mượn của ông Đức để phục vụ sản xuất, do ông Lớn đã trả lại cho ông Đức, không có khiếu nại nên Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành cũng cho rằng “Ao hoang vô chủ” nên gộp chung đăng ký và cũng được hợp thức cấp quyền sử dụng vào năm 2016.    

Ngày 26/10/2016, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Ban quản lý rừng phòng hộ phần đất của ông Đức đang sử dụng ổn định; tuy nhiên, đến ngày 14/6/2017 lại tiếp tục hướng dẫn ông Đức kê khai lần 02 phần đất đang sử dụng. Đến nay, ông Đức vẫn không được cấp giấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Điều đáng nói, toàn bộ diện tích có giấy biên nhận nộp hồ sơ đăng ký đã bị đưa vào diện “ Ao hoang vô chủ” để sau đó Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành đăng ký quyền sử dụng trên giấy được cấp.

Giấy biên nhận hồ sơ cấp quyền sử dụng đất lần 1 ngày 8/12/2005 .

Giấy biên nhận hồ sơ cấp quyền sử dụng đất lần 2 ngày 14/6/2017.

Cũng cần phải nói thêm rằng, tháng 8/2013, UBND huyện Long Thành đã đồng ý cấp giấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông Phan Hồng Đức và các hộ dân ven sông Thị Vải. Tuy nhiên, dù chung nguồn gốc đất nhưng có hộ được cấp, hộ lại không được cấp…; thậm chí chung một khu đất nhưng người nắm giữ nguồn gốc thì không được cấp (như hộ ông Phan Hồng Đức) trong khi người mua lại bằng giấy tay thì lại được cấp giấy (như hộ ông La Văn Lớn)...

 

Ông Đức trong căn chòi đang ở tạm.

Những “bất thường” trong việc cấp giấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại huyện Long Thành khiến cuộc sống người dân lâm vào nghèo đói do bị thu hồi quyền sử dụng đất đang sản xuất - một trong những quyền được Luật đất đai công nhận cho người sử dụng ổn định. Dư luận tại địa phương đang trông chờ Lãnh đạo các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai sớm vào cuộc làm rõ.

Nhiều năm gần đây, cuộc sống gia đình ông Đức vô cùng khó khăn, tạm bợ, phải thuê trọ để ở.

Hiện nay, đơn tố cáo hành vi “ hô biến” đất sản xuất của người dân thành đất rừng ở ấp Tập Phước, xã Long Phước, huyện Long Thành đã được người dân gửi đến Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai.

PV sẽ tiếp tục thông tin về nội dung vụ việc.

Minh Dũng