VKSND tối cao tham dự trực tuyến Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XIII
Ngày đăng : 18:01, 24/11/2021
Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XIII |
Tham dự hội nghị có khoảng 600 đại biểu là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà quản lý văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiêu biểu với hơn 150 tham luận, được kết nối trực tuyến từ Hội trường Diên Hồng đến các điểm cầu ở tất cả các tỉnh, thành trong cả nước.
Dự Hội nghị tại điểm cầu VKSND tối cao có đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao; các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư đảng ủy, chi ủy, các đồng chí lãnh đạo các đơn vị thuộc VKSND tối cao.
Đây là Hội nghị rất quan trọng nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong công tác văn hóa, văn nghệ; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam; đưa ra những thông điệp quan trọng về văn hóa; đánh giá thực trạng kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm đổi mới; đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045.
Đại biểu tham dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XIII tại điểm cầu VKSND tối cao |
Văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội
Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc; hình thành nên những giá trị văn hóa Việt Nam cao đẹp, bền vững: yêu nước, đoàn kết, cần cù, dũng cảm, tài trí, lạc quan, hiếu học, nghĩa tình, hòa hiếu, khoan dung…
Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, ngay từ khi ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định 3 mặt trận quan trọng của cách mạng nước ta là chính trị, kinh tế và văn hóa.
Trong những năm qua, Đảng không ngừng đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, ban hành nhiều chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị, kết luận về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam; công tác nghiên cứu lý luận về xây dựng và phát triển văn hóa có nhiều kết quả. Một số chuẩn mực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của con người thời đại mới đã được đưa vào các văn bản pháp luật; vào quy ước, hương ước làng, xã; vào quy chế, quy định, nội dung, quy tắc của cơ quan, đơn vị, tổ chức. Tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tính tích cực xã hội của nhân dân về cơ bản được phát huy. Các phong trào thi đua yêu nước được đẩy mạnh.
Mặc dù đạt được rất nhiều kết quả quan trọng, nhưng qua 35 năm đổi mới, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam còn không ít hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Quan điểm xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp chưa được triển khai mạnh mẽ, chưa thật sự thấm sâu trong các tầng lớp xã hội.
Để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần xã hội, là mục tiêu, động lực của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới và hội nhập, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (2021) đã xác định: Tập trung khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào, ý chí tự cường, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội và khát vọng phát triển đất nước của toàn dân tộc. Xây dựng các cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của mọi người dân Việt Nam. Phát huy tối đa nhân tố con người; con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển. Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại. Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh; vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế”.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Hội nghị trình bày Báo cáo tổng kết 35 năm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam kể từ công cuộc đổi mới |
10 giải pháp xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam thời gian tới
Để xây dựng văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, dân chủ, khoa học và nhân văn. Xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Cùng với đó, để phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc như Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra, 10 giải pháp trọng tâm được nêu trong Báo cáo tóm tắt tại Hội nghị đã chỉ rõ:
Tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển văn hóa, xây dựng con người trong đổi mới và phát triển bền vững.
Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát huy hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.
Hoàn thiện thể chế, đổi mới tư duy quản lý văn hóa, cải cách bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa. Trong đó kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa theo hướng tinh gọn, tinh thông, hiệu lực, hiệu quả; phân định rõ trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa ở trung ương và địa phương, đề cao vai trò, vị trí, nhiệm vụ của cấp cơ sở.
Phát triển nguồn nhân lực ngành văn hóa, văn nghệ, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý; cho các lĩnh vực then chốt, đặc thù.
Xây dựng văn hóa trong chính trị, trong kinh tế, đặc biệt là văn hóa trong Đảng trở thành tấm gương đạo đức cho xã hội; văn hóa doanh nghiệp trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Phát triển thị trường văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận, hưởng thụ của người tiêu dùng và thị trường ngoài nước.
Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Phát triển văn học, nghệ thuật đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xây dựng con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Tập trung nguồn lực từ Nhà nước và các thành phần kinh tế khác đầu tư cho phát triển văn hóa, xây dựng con người. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, xây dựng Việt Nam thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế…