Giới thiệu Tạp chí Kiểm sát số 22/2021

Ngày đăng : 14:42, 23/11/2021

(Kiemsat.vn) - Nhằm thông tin những kết quả sau 05 năm triển khai thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 trong ngành Kiểm sát nhân dân; đồng thời, trao đổi những bài học kinh nghiệm, cách làm hay, góp phần nâng cao chất lượng khâu công tác này, Tạp chí Kiểm sát giới thiệu tới bạn đọc Tạp chí số 22/2021 về chuyên đề “Những vấn đề rút ra qua 05 năm thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 trong ngành Kiểm sát nhân dân”.

Theo tác giả Vương Văn Bép - Đoàn Thị Thu, công tác kiểm sát giải giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động là công tác có liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong 05 năm qua, VKSND đã thực hiện đồng bộnhiều giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác; thực hiện tốt thẩm quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị; bảo đảm số lượng và chất lượng công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm đáp ứng yêu cầu của Quốc hội và chỉ tiêu nghiệp vụ của ngành; bảo đảm quyền và lợi ích của đương sự. Nội dung này được đề cập trong bài viết “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự”.

Bài viết “Quyền yêu cầu của VKSND trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự” của tác giả Nguyễn Huy Quang và Nguyễn Thị Thu Trang cho thấy, đây là một trong những quyền năng pháp lý quan trọng của VKSND. Quyền này thể hiện sự chủ động của Viện kiểm sát khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành, tạo cơ sở để thực hiện các quyền tiếp theo như quyền kiến nghị, quyền kháng nghị...

Bên cạnh đó, trong hoạt động thu thập chứng cứ và chứng minh thì giám định và định giá có vai trò rất quan trọng, bởi đa số các vụ việc dân sự, mục đích chính các đương sự hướng tới là lợi ích vật chất, nên việc định giá tài sản đúng, phù hợp là chìa khóa để giải quyết tranh chấp và là căn cứ để tính án phí. Bài viết “Một số vướng mắc trong kiểm sát hoạt động định giá tài sản vụ án dân sự và đề xuất, kiến nghị” của tác giả Phạm Thị Kim Hoa và Nguyễn Thị Long Hà nêu quy định pháp luật, những khó khăn, vướng mắc, đưa ra kinh nghiệm và một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động này.

Bài phát biểu của Kiểm sát viên là văn bản pháp lý quan trọng của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự, thể hiện quan điểm của Viện kiểm sát về toàn bộquá trình xác minh, thu thập chứng cứ của Tòa án trong giai đoạn xét xử sơ thẩm và phúc thẩm. Thông qua bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự, khẳng định được vị trí, vai trò của Viện kiểm sát. Đây là nguồn tài liệu quan trọng cho Hội đồng xét xử tham khảo, xem xét để ra bản án có căn cứ, đúng pháp luật. Các kỹ năng quan trọng được tác giả Nguyễn Quang Minh phân tích trong bài viết “Kỹ năng chuẩn bị bài phát biểu của Kiểm sát viên trong giai đoạn sơ thẩm, phúc thẩm vụ án dân sự”.

Ngoài ra, số chuyên đề còn có các nội dung đáng chú ý như: “Kinh nghiệm từ công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự” của tác giả Nguyễn Thị Kiều Diễm; “Kinh nghiệm thực hiện hiệu quả quyền kiến nghị trong kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự của VKSND tỉnh Nghệ An” của tác giả Nguyễn Thị Tuyết Loan; “Tự đào tạo - Giải pháp thiết thực để nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ việc dân sự” của tác giả Nguyễn Tấn Bảo...

Trân trọng giới thiệu và kính mời Quý độc giả đón đọc!

Hạnh Thảo