Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ưu tiên chiến lược về con người

Ngày đăng : 13:43, 12/11/2021

(Kiemsat.vn) - Chính phủ đang xây dựng chương trình phục hồi kinh tế xã hội, trong đó ưu tiên chiến lược về nguồn nhân lực, đặc biệt là an sinh xã hội, vì "con người là vốn quý nhất".

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu thông điệp trên tại phiên chất vấn sáng 12/11. Đây là lần đầu tiên ông đăng đàn trên cương vị người đứng đầu Chính phủ trong hoạt động chất vấn.

Sau khi báo cáo giải trình các vấn đề đại biểu quan tâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính với phong cách trả lời thẳng thắn, không cầm giấy tờ, đã lần lượt giải đáp câu hỏi của 12 đại biểu về công tác phòng, chống Covid-19; phục hồi kinh tế - xã hội; các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp...

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) chất vấn về các biện pháp căn cơ phục hồi và phát triển kinh tế trong hai tháng cuối năm 2021. Thủ tướng nêu rõ, bên cạnh thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, thì việc phải làm là xây dựng, triển khai chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội. Trên cơ sở kết luận của Trung ương, Chính phủ đang phối hợp tích cực với các cơ quan của Quốc hội xây dựng chương trình này theo các hướng:

Thứ nhất, nâng cao năng lực y tế. Theo Thủ tướng, một nguyên nhân tăng trưởng âm trong quý III/2021 là do chúng ta phải thực hiện các biện pháp hành chính về chống dịch. Vì vậy tới đây phải nâng cao năng lực y tế, tập trung vào y tế dự phòng và y tế cơ sở.

Bên cạnh đó, cần xây dựng quỹ cho công tác phòng chống dịch và quỹ an sinh xã hội để chủ động hơn nữa trong sử dụng nguồn lực.

Thứ hai, cần tập trung cho con người. Đây là vốn quý nhất. Đại hội XIII đã xác định phát huy tối đa nhân tố con người, lấy con người là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước. Thủ tướng nhấn mạnh, con người là nguồn lực lớn nhất. Trong quá trình phát triển, lấy nội lực là cơ bản, lâu dài, quyết định, chiến lược; ngoại lực là đột phá.

Thứ ba là hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo đó, cần phối hợp hài hòa, hợp lý giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để vừa bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát, vừa tạo điều kiện cho tăng trưởng.

Thứ tư, đầu tư hạ tầng. Thực hiện chương trình này, Thủ tướng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của gói hỗ trợ "phi tài chính", là các cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng cũng đề cập đến bài toán đầu tư công, "hiện mới giải ngân được hơn 50%, sắp tới có gói kích thích kinh tế, phát triển hạ tầng nữa thì sẽ đầu tư vào đâu cũng là việc phải tính toán".

Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn sáng 12/11.

Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) đề nghị Thủ tướng cho biết chương trình hành động ứng phó với Covid-19 trong thời gian tới?

Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời, đại dịch không chỉ ảnh hưởng đến Việt Nam mà trên toàn thế giới. Vừa qua, sau hai năm chống dịch, Việt Nam đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm. "Chúng ta có trả giá, có cái chưa được, qua chống dịch đã rút được nhiều kinh nghiệm và dần thích ứng, hiểu được dịch bệnh này", Thủ tướng nói.

Từ đó Chính phủ đã đưa ra được các trụ cột để phòng chống dịch, như: Cách ly nhanh chóng, hẹp nhất, nhanh nhất có thể; về xét nghiệm, virus nhìn không thấy, nếm không được, ngửi không được, nên phải xét nghiệm trên cơ sở đảm bảo khoa học, tiết kiệm, hiệu quả, an toàn; về điều trị thì phải từ sớm, từ xa, từ cơ sở để ngăn chặn bệnh nhân chuyển nặng, giảm tử vong.

Trên cơ sở 3 trụ cột này, Chính phủ đã hình thành công thức chống dịch, đầu tiên là 5K, rồi 5K + vaccine, sau đó cộng thêm thuốc điều trị, công nghệ và đề cao ý thức người dân...

Theo Thủ tướng, "chúng ta đã tạm hình thành lý thuyết chống dịch". Ông nói vừa qua công tác nước ngoài, lãnh đạo các nước cũng có trao đổi về vấn đề này và thấy quá trình chống dịch của Việt Nam dù chưa tổng kết "nhưng có bài bản". "Trên cơ sở đó, chúng ta mạnh dạn và tự tin mở cửa", Thủ tướng nói.

"Vấn đề quan trọng nhất, tôi lo nhất là nguồn nhân lực. Chúng ta có thể dành tiền mua trang thiết bị nhanh và sớm, nhưng đào tạo nguồn nhân lực ngành y phải mất nhiều năm. Vì vậy, sắp tới cần tập trung cho đào tạo nhân lực; đồng thời có chính sách thu hút nguồn nhân lực được đào tạo này xuống cơ sở", Thủ tướng nhấn mạnh.

Trả lời đại biểu Trịnh Xuân An về kinh nghiệm rút ra từ giai đoạn chống dịch vừa qua, Thủ tướng nói có 5 bài học kinh nghiệm lớn. Một trong số đó là cách ứng phó linh hoạt. "Tất nhiên có chỗ này, chỗ kia nhưng các địa phương đã ứng phó một cách linh hoạt trong giai đoạn dịch bệnh, dù đây là việc chưa có tiền lệ", Thủ tướng nói. "Ví dụ khi nhận thấy năng lực y tế yếu, chúng ta ngay lập tức điều quân đội, công an giúp chống dịch. Tôi cho đây là kinh nghiệm rất tốt".

Một bài học cũng được người đứng đầu Chính phủ nêu ra là "không quên huy động sự giúp đỡ của quốc tế". Khi Việt Nam thiếu vaccine, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong các cuộc gặp, trực tiếp hay gián tiếp, đều kêu gọi vaccine.

"Vaccine là vũ khí quan trọng ngăn chặn dịch bệnh, chúng ta đã dùng mọi biện pháp, từ mua bán, nhượng, vay vaccine. Chúng ta cũng chỉ đạo việc sản xuất vaccine trong nước", Thủ tướng cho biết.

Ngoài vấn đề chống dịch, một số đại biểu bày tỏ quan tâm vấn đề quy hoạch và phát triển Đồng bằng sông Cửu Long.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) nêu thực trạng từ đầu tháng 11 đến nay, Covid-19 diễn biến phức tạp tại 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long, sau làn sóng người lao động di chuyển về quê từ các thành phố lớn. Các cấp, ngành địa phương nỗ lực khống chế dịch bệnh, nhưng cũng phải chịu áp lực về khả năng thu dung, điều trị, anh sinh xã hội.

"Giải pháp cũng như các gói hỗ trợ của Chính phủ đối với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long là gì? Thời gian tới, chính sách phát triển vùng và liên vùng thế nào để phát huy thế mạnh của vùng, để người dân an cư lạc nghiệp trên chính mảnh đất quê hương mình?", bà chất vấn.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long tại nghị trường.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, dich chuyển lao động là hiện tượng bình thường trong kinh tế thị trường, nhưng thời gian qua không bình thường ở chỗ quản lý Nhà nước còn có sơ hở, nên khi người lao động dịch chuyển đã gây áp lực cho các địa phương.

"Áp lực này cần giải quyết", Thủ tướng nói, cho biết đầu tiên là trung ương và địa phương phải phối hợp, xem xét lại năng lực y tế. Chính phủ, Bộ Y tế và các Bộ ngành liên quan như bộ Tài chính, Kế hoạch Đầu tư nghiên cứu giải pháp nâng cao năng lực y tế cho các tỉnh này.

Thứ 2 là tăng cường cung cấp vaccine. Theo Thủ tướng, thời gian qua, do vaccine ít nên phải ưu tiên các lực lượng tuyến đầu, địa bàn có dịch phức tạp, ban đầu đồng bằng sông Cửu Long chưa được ưu tiên nhiều. Khi TP HCM, các tỉnh miền Đông cơ bản khống chế dịch bệnh thì vaccine đã được chuyển cho đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ 3 là an sinh xã hội. Vừa qua, Chính phủ đã có các chính sách giúp các tỉnh giải quyết khó khăn. Thứ 4 là kêu gọi sự hỗ trợ của các thành phần kinh tế khác để giảm áp lực cho đồng bằng sông Cửu Long.

"Quyết sách căn cơ là tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân. Muốn làm được thì phải giải quyết nút thắt về hạ tầng", lãnh đạo Chính phủ nói.

Các hạ tầng cần chú ý gỡ nút thắt bao gồm giao thông đường bộ, trong đó có đường cao tốc, giao thông thủy nội địa; chống biến đổi khí hậu (theo đánh giá mới nhất, đồng bằng sông Cửu Long không chỉ bị nước biển dâng cao mà còn bị sụt lún, nên chỉ khắc phục được những vấn đề này thì mới ổn định); và hạ tầng y tế, giáo dục.

Trước khi trả lời chất vấn các đại biểu, Thủ tướng đã có bài phát biểu nhấn mạnh các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới. Ông cho hay, sẽ thực hiện lộ trình mở cửa nền kinh tế gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh. Chính phủ đang khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch Covid-19.

Việt Nam đã thay đổi tư duy, phương pháp, biện pháp, tổ chức thực hiện từ quản lý không Covid-19 (zero Covid) sang quản lý rủi ro, giảm thiểu tử vong. Thời gian tới, các Chính phủ sẽ tập trung nâng cao năng lực y tế; tiếp tục thực hiện hiệu quả Chiến lược vaccine đầy đủ, nhanh nhất để tiêm sớm nhất cho người dân; phấn đấu đến hết năm 2021 tiêm 2 mũi đạt tỷ lệ bao phủ 100% cho các nhóm cần thiết theo quy định.

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương xây dựng kế hoạch với lộ trình, phương án cụ thể để từng bước mở cửa lại trường học trong năm 2021.

Thời gian tới, Chính phủ xác định đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công là "một trong những nhiệm vụ trọng tâm". Nhiều giải pháp phục hồi thị trường lao động cũng được người đứng đầu Chính phủ nêu ra.

Phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, không khí diễn ra dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi, xây dựng và thành công. Có 134 đại biểu tham gia chất vấn, trong đó 12 đại biểu đặt câu hỏi với Thủ tướng; 24 đại biểu tham gia tranh luận với các thành viên Chính phủ. Qua 2,5 ngày, tổng số có 171 lượt ý kiến phát biểu tại nghị trường.

Theo ông Huệ, các đại biểu đã đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, bám sát nhóm vấn đề, đồng thời tăng cường tranh luận làm rõ thêm nhiều vấn đề, thẳng thắn chỉ ra yếu kém, yêu cầu làm rõ trách nhiệm cũng như đề xuất giải pháp khắc phục.

Thủ tướng, các Phó thủ tướng, Bộ trưởng, trưởng ngành "với ý thức trách nhiệm cao đã trả lời nghiêm túc, không né tránh vấn đề khó, phức tạp, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu; đồng thời nhận trách nhiệm về những mặt còn tồn tại hạn chế của mình, của ngành mình, lĩnh vực mình, đưa ra cam kết khắc phục tạo sự chuyển biến trong thời gian tới".

vnexpress.net