Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng công tác kiểm sát trong Viện kiểm sát quân sự
Ngày đăng : 08:00, 16/11/2021
Vai trò của ứng dụng công nghệ thông tin trong Viện kiểm sát quân sự
Công nghệ thông tin (CNTT) tác động rất lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội, cho phép kết nối các cơ quan quản lý với đối tượng quản lý, giúp cho việc giải quyết công việc được chuẩn xác, kịp thời và tiết kiệm tối đa chi phí, thời gian; qua đó, từng bước nâng cao chất lượng công tác chuyên môn.
Trong lĩnh vực kiểm sát cũng vậy, các Viện kiểm sát quân sự (VKSQS) thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp theo địa bàn lãnh thổ (VKSQS Quân khu 1, Quân khu 2…) hoặc theo phân cấp quản lý hành chính, quân sự (VKSQS Bộ đội biên phòng, Phòng không - Không quân…), do đó nhiều VKSQS phải thực hiện chức năng, nhiệm vụ trên phạm vi địa bàn rộng, thậm chí trong phạm vi cả nước, bên cạnh đó còn thực hiện những nhiệm vụ chính trị, quân sự của Quân đội. Việc áp dụng các thành tựu tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ thông tin vào trong giải quyết công việc chuyên môn và quản lý, chỉ đạo, điều hành có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với ngành Kiểm sát nói chung và VKSQS nói riêng. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, đặc biệt là hạ tầng mạng đã giúp các VKSQS và các đơn vị trong toàn quân xóa bỏ được rào cản về khoảng cách địa lý; trao đổi thông tin giữa các đơn vị được nhanh chóng, chính xác; quản lý kịp thời, đầy đủ; tiết kiệm thời gian, kinh phí; tinh gọn bộ máy, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, Kiểm sát viên (KSV) trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Cụ thể:
Hệ thống phần mềm quản lý thông tin về giải quyết vụ án giúp KSV kịp thời nắm được thông tin về vụ việc, vụ án, về thời hạn, thời hiệu…, giúp KSV xử lý, giải quyết vụ việc, vụ án đúng quy định của pháp luật. Hồ sơ vụ án hình sự được số hóa giúp cho nhiều KSV có thể tiếp cận thông tin cùng một lúc, từ đó phân tích, đánh giá trên nhiều phương diện, sớm phát hiện ra các tài liệu, chứng cứ chưa rõ ràng để có phương án xử lý. Hệ thống chuyển đổi giọng nói ra văn bản giúp KSV ghi chép đầy đủ, chi tiết thông tin diễn biến tại phiên tòa, trong quá trình kiểm sát việc hỏi cung; từ đó, KSV nhận ra những điểm bất hợp lý, cần làm sáng tỏ, kịp thời đề ra yêu cầu bổ sung, củng cố hồ sơ.
Các hệ thống truyền hình trực tuyến cho phép VKSQS các cấp kết nối với Tòa án quân sự các cấp truyền hình trực tuyến phiên tòa xét xử hình sự qua đó giúp cán bộ, KSV, Kiểm tra viên quân sự được theo dõi nhiều phiên tòa xét xử, học hỏi, rút kinh nghiệm kỹ năng ứng xử, xử lý các tình huống phát sinh tại phiên tòa cho bản thân và đơn vị mình, tích lũy kinh nghiệm, từng bước nâng cao kỹ năng xét hỏi, tranh luận, luận tội và kiểm sát hoạt động của Hội đồng xét xử. Qua các phiên tòa trực tuyến, lãnh đạo VKSQS các cấp có thể chủ động nắm được chất lượng, đánh giá được ưu, khuyết điểm của KSV tại phiên tòa. Từ đó có kế hoạch đào tào, bồi dưỡng các kỹ năng kiểm sát một cách phù hợp, chất lượng và hiệu quả. Việc sử dụng hệ thống truyền hình trực tuyến trong đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu cho phép không hạn chế thành phần tham gia, đối tượng tiếp cận được mở rộng, nội dung thông tin được tiếp nhận một cách trực tiếp, đầy đủ, chính xác và sinh động.
Kết quả ứng dụng công nghệ thông tin trong Viện kiểm sát quân sự
Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị, Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 05/11/2012 của Viện trưởng VKSND tối cao về việc tăng cường công tác thống kê và ứng dụng CNTT, lãnh đạo VKSQS trung ương đã quan tâm chỉ đạo và triển khai đến cán bộ, nhân viên trong VKSQS ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý, điều hành và nghiệp vụ chuyên môn của đơn vị. Chỉ thị công tác hàng năm của ngành đều nhấn mạnh việc tăng cường ứng dụng CNTT vào hoạt động của đơn vị, phục vụ hiệu quả, thiết thực công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Viện các cấp, từng bước hoàn thiện cở sở hạ tầng, phát triển các ứng dụng về CNTT trong công tác quản lý, điều hành và nghiệp vụ.
Hàng năm, lãnh đạo VKSQS trung ương cũng đã quan tâm đến việc đầu tư, xây dựng hạ tầng cho các VKSQS, tuy nhiên do nguồn kinh phí hạn hẹp nên chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của ngành. Hiện nay, chỉ có VKSQS trung ương có hệ thống máy chủ có nhiệm vụ điều khiển hệ thống mạng máy tính, hệ thống phần mềm dùng chung của VKSQS trung ương. Lãnh đạo Viện cũng đã tổ chức các khóa đào tạo cơ bản về tin học văn phòng cho cán bộ, KSV của các cấp kiểm sát. Đến nay, đa số các cán bộ, KSV đều đã sử dụng thành thạo tin học văn phục vụ công tác chuyên môn; gửi, nhận, duyệt, chỉnh sửa văn bản, sử dụng máy scan quét gửi văn bản đến các đơn vị trong ngành nghiên cứu; phát huy có hiệu quả việc sử dụng máy in dùng chung qua hệ thống mạng LAN để in ấn tài liệu, tiết kiệm chi phí hành chính cho cơ quan, góp phần tích cực vào việc đẩy mạnh tin học hóa hành chính theo xu hướng đổi mới hiện nay.
Các VKSQS quân khu và tương đương, VKSQS khu vực cũng được đầu tư cơ sở vật chất, trang bị hệ thống mạng, trong đó có 10/11 VKSQS cấp quân khu và tương đương kết nối vào mạng MISTEN, sử dụng mạng LAN cho việc trao đổi thông tin trong nội bộ đơn vị và với các đơn vị liên quan trong toàn quân. Mặc dù chưa có biên chế cán bộ chuyên trách về CNTT, nhưng trong quá trình sử dụng hầu hết các đơn vị đã tự đào tạo về kỹ năng sử dụng mạng máy tính để đảm bảo đường truyền của đơn vị luôn ổn định, thông suốt và phát huy có hiệu quả việc khai thác, trao đổi thông tin.
Hệ thống truyền hình hội nghị tại các điểm cầu gồm VKSQS trung ương, các VKSQS cấp quân khu và VKSQS khu vực đã đầu tư trang thiết bị để kết nối vào hệ thống hội nghị truyền hình của ngành. Từ khi trang bị đến nay, các VKSQS đã khai thác hiệu quả hệ thống này phục vụ cho hội nghị toàn ngành và tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ trực tuyến thay thế cho hình thức tập trung truyền thống.
Việc sử dụng hệ thống thư điện tử nội bộ trên mạng MISTEN cho phép trao đổi thông tin trong nội bộ ngành và các cơ quan liên trong Bộ Quốc phòng, góp phần giảm dần lượng báo cáo theo đường công văn, giúp cho việc trao đổi thông tin giữa các cấp kiểm sát được nhanh chóng, thuận tiện; hệ thống truyền hình trực tuyến trên mạng LAN của đơn vị giúp hạn chế các cuộc họp, hạn chế di chuyển, chủ động tránh được việc tập trung đông người, vừa đảm bảo công việc của các đơn vị không bị gián đoạn, thông tin chỉ đạo của lãnh đạo Viện tới các phòng được cập nhật liên tục, vừa góp phần tích cực trong công tác phòng chống lây lan dịch bệnh trong Bộ Quốc phòng trong thời gian qua.
Việc sử dụng các phần mềm thống kê được tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, công tác thống kê nghiệp vụ, thống kê tội phạm, thống kê hình sự liên ngành được thực hiện kịp thời, chính xác, chất lượng công tác thống kê của đơn vị ngày càng được nâng cao.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động ứng dụng CNTT của VKSQS vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Hạ tầng kỹ thuật còn thấp, chưa đồng bộ so với sự phát triển của công nghệ hiện đại; việc điều hành, xử lý công việc qua mạng còn ít, việc triển khai kết nối vào mạng MISTEN của các đơn vị còn chậm dẫn đến hạn chế trong triển khai các phần mềm dùng chung trong toàn ngành; lãnh đạo một số đơn vị chưa thực sự quyết tâm triển khai ứng dụng CNTT; chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức nói chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển về CNTT, việc ứng dụng CNTT chưa đạt được yêu cầu tin học hóa gắn với xử lý công việc chuyên môn và chưa gắn kết với việc cải cách hành chính, đổi mới lề lối làm việc, tăng cường hiệu quả công việc. Các ứng dụng CNTT hiện có hỗ trợ chưa thực sự hiệu quả cho công tác kiểm sát như: Kiểm sát viên các cấp còn mất nhiều thời gian trong việc theo dõi thời hạn, thời hiệu trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, giải quyết vụ án, cá biệt có những trường hợp do phải xử lý nhiều việc mà không quản lý được thời hạn đã dẫn đến tình trạng quá hạn; kiểm sát quá trình giải quyết tin báo về tội phạm của Cơ quan điều tra còn gặp nhiều khó khăn (còn mất nhiều thời gian trong theo dõi thời hạn chuyển thông báo việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm đến Viện kiểm sát; thời hạn gửi quyết định, thông báo tạm đình chỉ kèm theo hồ sơ giải quyết đến Viện kiểm sát…); nhiều chứng cứ, tài liệu đưa ra tại phiên tòa chưa thực sự thuyết phục; việc lưu trữ hồ sơ vụ án còn bất cập; việc nắm bắt quá trình giải quyết vụ án của Viện trưởng VKSQS các cấp đôi lúc còn mang tính bị động theo báo cáo của cấp dưới…
Những hạn chế này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: Một số lãnh đạo các cấp chưa thực sự thấy được tầm quan trọng của CNTT đối với công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và trong hoạt động chuyên môn; chưa quyết tâm, chỉ đạo sâu sát, ưu tiên ứng dụng CNTT nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động; kinh phí đầu tư cho ứng dụng CNTT còn thấp; nhiều cán bộ, công chức chưa có thói quen, kỹ năng ứng dụng CNTT vào công việc, chưa hình thành văn hóa chia sẻ thông tin.
Giải pháp nâng cao chất lượng ứng dụng công nghệ thông tin trong Viện kiểm sát quân sự
Để tiếp tục kế thừa, phát huy những thành quả đạt được, để CNTT phục vụ tốt cho các hoạt động nghiệp vụ của ngành, thời gian tới, cần xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật CNTT đáp ứng cho 100% cán bộ là KSV, Kiểm tra viên, chuyên viên ở các VKSQS thực hiện ứng dụng CNTT an toàn, hiệu quả; tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp theo nguyên tắc: Hạ tầng tập trung, thông tin thống nhất, hành chính liên thông, chuyên ngành hợp tác; cân đối giữa nhu cầu và khả năng thực hiện, phù hợp với các điều kiện về tổ chức, kỹ thuật và nguồn lực của ngành; có lộ trình phù hợp, trong đó ưu tiên triển khai những nội dung có tính khả thi, có hiệu quả cao, ứng dụng ở mọi đơn vị.
Mục tiêu đến năm 2025, 100% các vụ án, quyết định trong ngày được quản lý và cập nhật vào các phần mềm quản lý án; các văn bản, tài liệu chính thức (trừ các tài liệu mật) trao đổi giữa các đơn vị trong ngành Kiểm sát, với các cơ quan tư pháp trong Quân đội, với các đơn vị ngoài ngành (theo lộ trình kết nối của Bộ Quốc phòng với các cơ quan bên ngoài nhà nước) được thực hiện hoàn toàn dưới dạng điện tử; từng bước hoàn thiện, nâng cấp tiến tới có thể trao đổi các văn bản mật theo lộ trình ứng dụng CNTT của Bộ Quốc phòng; các cuộc họp giữa các cấp được thực hiện bằng hình thức trực tuyến; Viện trưởng VKSQS các cấp theo dõi được tất cả các phiên tòa cùng cấp và cấp dưới bằng hình thức trực tuyến; trang bị máy tính cho cán bộ, nhân viên của VKSQS sử dụng hệ điều hành và phần mềm diệt virus có bản quyền; sử dụng hệ thống thư điện tử trên môi trường mạng MISTEN trong công việc; đơn thư khiếu nại, tố cáo được quản lý bằng phần mềm trong toàn ngành và liên thông giữa các cấp, các cơ quan tư pháp trong Quân đội và Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công văn, hồ sơ, tài liệu không mật được quản lý bằng phần mềm quản lý văn bản và điều hành tại 3 cấp và liên thông với các đơn vị trong toàn quân; các đơn vị sử dụng sổ nghiệp vụ điện tử, hồ sơ quản lý cán bộ, nhân viên và người lao động tại các đơn vị được quản lý, tác nghiệp thống nhất trên môi trường mạng MISTEN, cho phép trích xuất và báo cáo một số trường thông tin điện tử tới Viện kiểm sát nhân dân tối cao; đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công trực tuyến (đơn thư khiếu nại, tố cáo; tin báo tố giác tội phạm; cung cấp hồ sơ vụ án cho bị can tạm giam,...).
Để nâng cao chất lượng ứng dụng CNTT trong ngành Kiểm sát quân sự, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, đổi mới và nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp về tầm quan trọng của CNTT trong việc quản lý, chỉ đạo điều hành và hoạt động nghiệp vụ; hoàn thiện cơ chế, chính sách, tăng cường quản lý nhà nước về ứng dụng CNTT phù hợp với quy định của pháp luật và thực tế công tác của ngành. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, lãnh đạo đơn vị đối với phát triển CNTT, tạo bước chuyển biến từ nhận thức đến hành động góp phần thực hiện nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính trong ngành, coi ứng dụng CNTT là nội dung bắt buộc trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển để từng bước triển khai thực hiện Nghị quyết trung ương VI Khóa XII về sắp xếp lại bộ máy tổ chức tinh gọn bảo đảm hiệu lực, hiệu quả. Ban hành bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng mức động ứng dụng CNTT trong VKSQS làm cơ sở chấm điểm thi đua.
Hai là, chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ và hoàn thiện hạ tầng CNTT.
Quy trình nghiệp vụ là một chuỗi các công việc được sắp xếp theo một trật tự nhất định, nhằm biến đổi các yếu tố đầu vào thành kết quả đầu ra để hoàn thành một nghiệp vụ. Chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ là tiền đề để tin học hóa, để dễ dàng triển khai trong thực tế, cần mô hình hóa quy trình nghiệp vụ để truyền đạt cho cán bộ, nhân viên để có thể ứng dụng và điều chỉnh công việc sao cho đạt kết quả cao nhất.
Cần đầu tư xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu VKSQS trung ương hiện đại đủ khả năng quản lý toàn bộ ứng dụng cho các VKSQS, giúp cho các đơn vị không cần đầu tư máy chủ cho riêng mình. Như vậy sẽ tiết kiệm hơn so với việc đầu tư cho tất cả các đơn vị; việc quản trị bảo mật, an toàn và chuyên nghiệp hơn; dễ dàng nâng cấp, chỉnh sửa; tính sẵn sàng của hệ thống cao hơn; hệ thống dữ liệu tập trung đáp ứng được sự bùng nổ của dữ liệu; giảm bớt chi phí đào tạo CNTT…; xây dựng phương án ảo hóa máy chủ, áp dụng công nghệ điện toán đám mây; hoàn chỉnh hệ thống mạng LAN, mạng MISTEN ở các đơn vị. Đầu tư, nâng cấp máy tính cho cán bộ trong ngành.
Ba là, xây dựng và triển khai hệ thống phần mềm chung trong ngành Kiểm sát quân sự. Trong đó: (1) Xây dựng phần mềm hệ thống thông tin quản lý và thống kê án hình sự có sự liên thông giữa các cơ quan tư pháp Quân đội. Phần mềm hệ thống thông tin quản lý và thống kê án hình sự để đáp ứng nhu cầu quản lý quá toàn bộ quá trình giải quyết vụ án từ giai đoạn khởi tố vụ án đến khi thi hành án xong, giúp cán bộ Kiểm sát, Điều tra viên, Thẩm phán... nhập và khai thác dữ liệu về án hình sự phục vụ công tác tra cứu, quản lý, giải quyết án hình sự các tại đơn vị, cho phép trao đổi án giữa các cấp, theo dõi giám sát quá trình giải quyết án, in ra báo cáo tổng họp, chi tiết về án hình sự; (2) Xây dựng phần mềm quản lý đơn khiếu nại, tố cáo ứng dụng trong toàn ngành, tiến tới kết nối với các cơ quan tư pháp trong Quân đội nhằm đáp ứng nhu cầu tìm kiếm, theo dõi quản lý đơn, quản lý vụ việc, phân loại tình trạng xử lý đơn của các đơn vị, đáp ứng yêu cầu về sự đa dạng về đơn, đa dạng về việc, về các nguồn dữ liệu, mỗi đơn có nhiều việc, mỗi việc có nhiều đơn, nhiều cơ quan tham gia trong quá trình xử lý, giải quyết, khối lượng dữ liệu lớn... Dữ liệu này cần được nhất quán tập trung trên máy chủ, phân quyền cho từng đơn vị sử dụng, có khả năng quản lý nhiều nguồn đơn, quản lý cả những đơn tái khiếu về một việc, cho phép phân loại theo nhiều tiêu chí và phân ra nhiều việc.
Bốn là, tăng cường sử dụng các hệ thống CNTT hiện có trong chỉ đạo, điều hành, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả trong thực hiện chức năng nhiệm vụ. Bao gồm: (1) Hệ thống thư điện tử, nhất là hệ thống thư điện tử trên mạng truyền số liệu trong việc gửi nhận văn bản, các văn bản có nội dung thông tin “không mật” giữa VKSQS trung ương và VKSQS cấp quân khu thực hiện gửi văn bản điện tử (bản có scan có dấu) và không gửi kèm bản giấy; (2) Trang thông tin điện tử VKSQS trung ương trong việc tuyên truyền, triển khai kế hoạch công tác; thông báo, kế hoạch công tác, yêu cầu báo cáo, đóng góp ý kiến, quy định, chủ trương... được cập nhật lên trang thông tin điện tử VKSQS trung ương và không gửi bản giấy; (3) Hệ thống truyền hình trực tuyến phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, hội nghị, tập huấn. Phối hợp với Tòa án quân sự các cấp lựa chọn vụ án để thực hiện truyền hình trực tuyến, các phiên tòa rút kinh nghiệm… giúp cán bộ, KSV trong ngành có điều kiện học tập, rút kinh nghiệm, đồng thời cũng là biện pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kỹ năng tranh tụng của KSV tại phiên tòa; (4) Phần mềm số hóa hồ sơ vụ án hình sự trong tranh tụng tại phiên tòa, các phiên tòa rút kinh nghiệm, KSV thực hành quyền công tố tại phiên tòa phải thực hiện số hóa hồ sơ vụ án và sử dụng phần mềm số hóa hồ sơ để thực hiện tốt vai trò của KSV tại phiên tòa.
Năm là, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia vào quá trình ứng dụng CNTT, mở các lớp tập huấn, đào tạo chuyên sâu cho cán bộ chuyên trách, tổ chức đào tạo và đào tạo lại cho cán bộ, nhân viên trong ngành; có chế độ, chính sách phù hợp nhằm tạo sự gắn bó, yên tâm công tác cho cán bộ chuyên trách và kiêm nhiệm./.