Kết quả và bài học kinh nghiệm trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra của Viện kiểm sát quân sự

Ngày đăng : 08:00, 13/11/2021

(Kiemsat.vn) - Trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, Viện kiểm sát quân sự đã có nhiều đóng góp trong việc xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm, góp phần to lớn vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ pháp luật trong Quân đội. Trong đó, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự của Viện kiểm sát quân sự những năm qua đã đạt được những kết nổi bật.

Những kết quả đạt được của Viện kiểm sát quân sự trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra

Quá trình xây dựng và phát triển, Viện kiểm sát quân sự (VKSQS) các cấp trải qua các giai đoạn sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy làm việc, bảo đảm việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tiễn trong từng giai đoạn lịch sử. Cùng với quá trình chuyển biến, hoàn thiện về tổ chức bộ máy, ở mỗi giai đoạn lịch sử, VKSQS các cấp đã triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Hằng năm, quán triệt nghị quyết của Đảng, Chỉ thị của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Chỉ thị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân; Viện trưởng VKSQS trung ương ban hành chương trình công tác của ngành Kiểm sát quân sự. Trên cơ sở đó, triển khai đồng bộ những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu cần phải thực hiện của VKSQS các cấp, đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra. Do đó, công tác thực hành quyền công tố (THQCT) và kiểm sát điều tra (KSĐT) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm một cách hiệu quả, góp phần xây dựng kỷ cương, kỷ luật Quân đội.

Ngay sau khi được thành lập, trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, lãnh đạo VKSQS trung ương đã bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Quân đội, chỉ đạo toàn ngành cùng các cơ quan bảo vệ, Tòa án quân sự tiến hành điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh bọn gián điệp, biệt kích xâm phạm phá hoại miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội và ngăn chặn chi viện cho miền Nam. Do đó, VKSQS đã nhanh chóng triển khai sắp xếp tổ chức biên chế, tập trung đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ kiểm sát cho cán bộ, nhân viên toàn ngành với phương châm “vừa học, vừa làm”, góp phần giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm an toàn hậu phương, kịp thời chi viện cho tiền tuyến, tăng cường sức mạnh chiến đấu cho Quân đội, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ tác chiến thắng lợi trên các chiến trường. Theo Luật tổ chức VKSND năm 1960 thì hệ thống Viện kiểm sát được tổ chức theo những nguyên tắc, đặc thù riêng, nên quá trình thực hiện nhiệm vụ, người tiến hành tố tụng trong Viện kiểm sát phải tuân thủ đó là nguyên tắc tập “trung thống nhất lãnh đạo trong ngành”, không lệ thuộc vào bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào của nhà nước ở địa phương. Kiểm sát viên có trách nhiệm kiểm sát việc tuân theo pháp luật và THQCT, đảm bảo cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất, pháp chế được giữ vững.

Công tác công tố chủ yếu tập trung xử lý các vụ án gián điệp do thực dân Pháp cài cắm lại, trấn áp kịp thời, xử lý nghiêm khắc đối với các tội phạm trốn tránh nghĩa vụ quân sự thời chiến, các tội phạm cản trở việc chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến; các hành vi vi phạm chính sách hậu phương quân đội; các hành vi phạm tội trong việc quản lý, sử dụng quân số, vũ khí, phương tiện kỹ thuật, hậu cần quân sự; các tội đào ngũ, vi phạm kỷ luật tác chiến trên chiến trường, vi phạm chính sách tù binh, hàng binh, vi phạm kỷ luật quan hệ dân vận...

Ở giai đoạn lịch sử này, Kiểm sát viên VKSQS các cấp khẩn trương học tập, vận dụng kiến thức đã được trang bị, áp dụng nghiêm chỉnh pháp luật vào công tác công tố, phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra, Tòa án trong việc giải quyết các vụ án hình sự. Đối với mỗi vụ án, VKSQS đã làm rõ hành vi phạm tội của các bị can, bị cáo; vận dụng quan điểm xử lý phù hợp với tình hình an ninh, chính trị tại địa phương, quân binh chủng, được dư luận đồng tình ủng hộ, có tác dụng giáo dục chung trong cán bộ, chiến sĩ trong toàn đơn vị. Mỗi năm, VKSQS giải quyết từ 1.200 đến 1.400 vụ việc tội phạm và vi phạm pháp luật, trong đó số vụ án thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra trung bình chiếm khoảng 70%.

Giai đoạn từ năm 1976 đến năm 1986, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Hiến pháp năm 1980 và Luật tổ chức VKSND năm 1981, nhằm chặn đứng âm mưu, thủ đoạn nguy hiểm của địch tiếp tục phá hoại cách mạng Việt Nam thời kỳ hậu chiến, VKSQS các cấp đã THQCT và KSĐT hàng trăm vụ án thuộc Chuyên án mang bí danh H66. Chuyên án này xử lý các đối tượng hoạt động gây bạo loạn, lật đổ chính quyền (khu vực Tây Nguyên); giải quyết các vấn đề quân nhân phạm tội đầu hàng địch trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Các vụ án xảy ra đều được thống nhất chỉ đạo xử lý kiên quyết, kịp thời bảo đảm giữ nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời hậu chiến của Đảng và Nhà nước ta.

Sau thời kỳ đổi mới, VKSQS các cấp đã tập trung THQCT và KSĐT các tội phạm liên quan đến kinh tế, cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; các hành vi quân phiệt, chiếm đoạt vũ khí quân dụng, đào ngũ, bỏ vị trí chiến đấu và những hành động trái với bản chất truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam. Hằng năm, VKSQS các cấp giải quyết trung bình 800 vụ án. Trong đó, THQCT và KSĐT khoảng 500 vụ. Điển hình như vụ án Nguyễn Trường Xuân, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự thành phố Hải Phòng cùng 21 bị can bị truy tố về tội buôn lậu, đầu cơ buôn bán hàng cấm, cố ý làm trái nguyên tắc, chính sách, chế độ quản lý kinh tế của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng; Viện kiểm sát quân sự THQCT, KSĐT, truy tố kịp thời, chặt chẽ, khách quan, đúng pháp luật, có tác dụng tốt trong việc vừa đảm bảo tính giáo dục riêng và phòng ngừa chung.

Trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, mặc dù ở mỗi giai đoạn lịch sử còn có nhiều biến động về tổ chức, biên chế, chính sách, pháp luật, nhưng công tác THQCT và KSĐT luôn được các VKSQS chú trọng và thực hiện nghiêm chỉnh. Đặc biệt, sau khi Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Chỉ thị số 06/CT-KSTC ngày 06/12/2013 về tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm. Viện kiểm sát quân sự đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm chủ trương “tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”. Vì vậy, chất lượng KSĐT các vụ án hình sự cũng như chất lượng giải quyết án được nâng lên. Các vụ án đưa ra truy tố đảm bảo đúng người, đúng tội, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm hoặc hình sự hóa các quan hệ dân sự và ngược lại.

Từ năm 2016 đến năm 2020, VKSQS các cấp đã THQCT và KSĐT đối với 1.161 vụ/2.129 bị can, Cơ quan điều tra ra kết luận điều tra, đề nghị truy tố 692 vụ/1.554 bị can. Viện kiểm sát quân sự các cấp đã THQCT và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố 744 vụ/1.711 bị can; đã ban hành cáo trạng truy tố, chuyển đến Tòa án quân sự các cấp để xét xử 684 vụ/1.554 bị cáo. Trong đó, 100% các vụ án đều được kiểm sát ngay từ khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can, kịp thời đề ra yêu cầu điều tra, bảo đảm chứng cứ, tài liệu được thu thập đầy đủ, đúng quy định của pháp luật, hạn chế thấp nhất việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung do trách nhiệm của Viện kiểm sát. Kiểm sát viên được phân công giải quyết vụ án đã tích cực nghiên cứu tài liệu, chứng cứ và chủ động tham mưu cho lãnh đạo Viện trong việc quyết định phê chuẩn các quyết định tố tụng bảo đảm có căn cứ, đúng pháp luật; phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra trong quá trình điều tra vụ án, kịp thời đề ra yêu cầu điều tra, bảo đảm việc điều tra thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh tội phạm, người phạm tội trong vụ án khách quan, toàn diện, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự; chủ động kiểm sát hoạt động điều tra, nhất là các hoạt động bắt buộc phải có sự tham gia của Kiểm sát viên (như: Khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, đối chất, khám xét, nhận dạng, nhận biết giọng nói, thực nghiệm điều tra); một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng, khó khăn, phức tạp đã được các đồng chí lãnh đạo Viện chủ động trực tiếp thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết vụ án.

Trong quá trình điều tra vụ án, Kiểm sát viên luôn bám sát tiến độ điều tra và diễn biến vụ án, đề xuất hướng xử lý kịp thời, đảm bảo xử lý vụ án trong hạn luật định, không có vụ án để xảy ra sai sót nghiêm trọng. Đối với các vụ án trọng điểm,  nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, các vụ án phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, các cơ quan tiến hành tố tụng phối hợp chặt chẽ ngay từ giai đoạn khởi tố vụ án đến quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Điển hình như vụ án quân nhân Nguyễn Xuân Dũng, Trung úy chuyên nghiệp, thợ hàn tại Đại đội 1, Cục xăng dầu - Tổng cục Hậu cần do thù hằn cá nhân đã bỏ thuốc độc xyanua vào bình nước của cán bộ đại đội để đầu độc chỉ huy đơn vị, hậu quả làm một người tử vong; vụ án Nguyễn Văn Thông, Thượng úy, trợ lý tác chiến, Lữ đoàn 955 - Quân chủng Hải Quân do đánh lô đề, cờ bạc nợ hơn 2 tỷ đồng, không có khả năng chi trả, đã trộm súng AK của đơn vị, đi de dọa để cướp tài sản.

Từ thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự, VKSQS đã phát hiện những sơ hở trong chủ trương chính sách để kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền có những biện pháp chấn chỉnh kịp thời; thường xuyên tổng kết, rút kinh nghiệm nhằm đánh giá đúng những ưu, khuyết điểm, tồn tại và nguyên nhân của công tác KSĐT, truy tố, xét xử các vụ án. Đặc biệt, tập trung rút kinh nghiệm công tác THQCT, KSĐT các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, giết người, cướp tài sản, ma túy và các tội phạm xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm quân nhân, làm cơ sở giải quyết các giai đoạn tiếp theo của các vụ án. Qua đó, VKSQS đã kiến nghị Cơ quan điều tra, Tòa án quân sự các cấp kịp thời khắc phục vi phạm, xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong từng vụ án hình sự. Điển hình như vụ án Đinh Ngọc Hệ (tên gọi khác là Út Trọc) cùng đồng phạm bị khởi tố, điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” gây thiệt hại cho nhà nước số tiền hơn 939 tỷ đồng; vụ án nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân bị khởi tố, điều tra về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”… Quá trình THQCT và KSĐT, VKSQS đã kiên quyết không phê chuẩn các lệnh bắt, các quyết định khởi tố bị can chưa đủ căn cứ; chú trọng kết hợp chặt chẽ giữa trừng trị và phòng ngừa tội phạm.

Cùng với việc không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác THQCT và KSĐT, VKSQS các cấp còn quan tâm, quản lý chặt chẽ các vụ án tạm đình chỉ đúng quy định. Đặc biệt, sau khi Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Chỉ thị về tăng cường trách nhiệm của Viện kiểm sát trong việc theo dõi, quản lý, giải quyết án hình sự tạm đình chỉ. Theo đó, tại các hội nghị tổng kết công tác kiểm sát, hội nghị tập huấn của ngành Kiểm sát quân sự, Viện trưởng VKSQS trung ương đều quán triệt, yêu cầu VKSQS các cấp thực hiện nghiêm túc việc theo dõi, quản lý, giải quyết án hình sự tạm đình chỉ, lưu ý các trường hợp đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án đối với các vụ án tạm đình chỉ phải đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật.

Một số bài học kinh nghiệm

Trên cơ sở kết quả hoạt động THQCT và KSĐT trong 60 năm qua của ngành Kiểm sát quân sự, để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động THQCT và KSĐT, cần làm tốt một số nội dung sau:

Một là, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong hoạt động của VKSQS:

Thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp của Đảng, Nhà nước ta, VKSQS các cấp đã quán triệt, triển khai nghiêm túc Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 67 của Quân ủy Trung ương, Kế hoạch của Bộ Quốc phòng về cải cách tư pháp. Viện kiểm sát quân sự các cấp cần tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện việc cải cách tư pháp trong Quân đội gắn liền với tiến trình cải cách tư pháp nhà nước, đồng thời phù hợp với yêu cầu đặc thù về nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động Quân đội trong tình hình mới; giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo quân đội tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt.

Cải cách tư pháp trong Quân đội phải được tiến hành đồng bộ, vững chắc, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác, bám sát nhiệm vụ chính trị, đấu tranh kiên quyết, kịp thời có hiệu quả với các loại tội phạm, góp phần tăng cường kỷ luật, sức mạnh chiến đấu của Quân đội.

Hai là, tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trong hoạt động THQCT và KSĐT các vụ án hình sự:

Viện kiểm sát quân sự các cấp cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các yêu cầu nghiệp vụ được nêu trong Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 06/12/2013 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra; Chỉ thị số 04/CT-VKSTC ngày 10/7/2015 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai...; Chỉ thị số 05/CT-VKSTC ngày 27/4/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường trách nhiệm công tố trong giải quyết các vụ án hình sự, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm và các quy chế nghiệp vụ của ngành.

Lãnh đạo Viện cần bố trí, phân công Kiểm sát viên có đủ năng lực trình độ, kinh nghiệm làm công tác này kết hợp với kiện toàn, bổ sung số lượng cán bộ, Kiểm sát viên. Cần chỉ đạo, đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động của ngành về xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm” gắn với việc rèn luyện 5 đức tính của người cán bộ Kiểm sát “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.

Khi phân công Kiểm sát viên THQCT và KSĐT, phải căn cứ vào năng lực, trách nhiệm và yêu cầu nghiệp vụ đối với từng vụ án, tránh tình cảm cá nhân, nể nang, tăng cường công tác lãnh đạo, hướng dẫn, kiểm tra các hoạt động nghiệp vụ của Kiểm sát viên trong các giai đoạn tố tụng, nhất là kiểm tra việc thực hiện các yêu cầu nghiệp vụ về kiểm sát việc khởi tố, đề ra yêu cầu điều tra, kiểm sát việc lập hồ sơ, kết thúc hồ sơ, nghiên cứu đề xuất... Lãnh đạo Viện cần chỉ đạo, xử lý kịp thời các vướng mắc trong quá trình THQCT và KSĐT các vụ án, đặc biệt là công tác hướng dẫn, kiểm tra nghiệp vụ của cấp trên đối với cấp dưới, thể hiện vai trò, trách nhiệm đối với công việc, thận trọng, khách quan khi xem xét các ý kiến đề xuất của cán bộ, Kiểm sát viên nhất là những vấn đề có nhiều quan điểm khác nhau. Khi phê duyệt báo cáo đề xuất phải chi tiết, cụ thể, làm đúng vai trò trách nhiệm, tránh để xảy ra sai sót khi đã phê chuẩn việc khởi tố, quyết định truy tố.

Ba là, nâng cao trình độ nghiệp vụ của đội ngũ Kiểm sát viên được phân công giải quyết các vụ án hình sự ở giai đoạn điều tra; xây dựng đội ngũ Kiểm sát viên có phẩm chất, năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao:

Để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ THQCT, KSĐT các vụ án hình sự đòi hỏi đội ngũ Kiểm sát viên phải có trình độ, năng lực, kinh nghiệm công tác và có tính chuyên nghiệp cao. Yêu cầu bắt buộc mỗi Kiểm sát viên, Kiểm tra viên làm công tác hình sự phải nắm chắc các đạo luật cơ bản như: Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Hình sự; thường xuyên nghiên cứu và cập nhật, tích lũy các văn bản quy phạm pháp luật mới về hình sự, các nghị quyết, nghị định, thông tư hướng dẫn có liên quan đến công tác nghiệp vụ, quy chế của ngành để áp dụng vào thực tiễn. Nâng cao ý thức, trách nhiệm hành động vì mục đích chung trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.

Công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng sử dụng cán bộ, Kiểm sát viên phải đáp ứng được các tiêu chí của ngành; việc bố trí, sắp xếp cán bộ phải đủ theo biên chế, khoa học và hợp lý, với phương châm lấy việc để chọn người, trong đó ưu tiên cho công tác THQCT và KSĐT các vụ án hình sự; kiên quyết không sử dụng cán bộ không yêu ngành, yêu nghề, làm việc không hiệu quả, chất lượng thấp; tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông pháp luật, công tâm bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”.

Bốn là, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng:

Trong giải quyết các vụ án hình sự, Kiểm sát viên cần chủ động tăng cường phối hợp với Điều tra viên và Thẩm phán. Nếu có vướng mắc hoặc phát sinh những vấn đề mới, Kiểm sát viên phải kịp thời phối hợp trao đổi với Điều tra viên để xử lý, đồng thời báo cáo lãnh đạo liên ngành cho ý kiến để giải quyết. Trường hợp không thống nhất được thì nên tổ chức cuộc họp liên ngành để bàn biện pháp giải quyết những vấn đề phát sinh.

Trong công tác phối hợp, Kiểm sát viên cần kiên quyết thực hiện đúng, áp dụng đầy đủ các biện pháp pháp lý thuộc trách nhiệm Viện kiểm sát được quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự. Mặt khác, Viện kiểm sát cần tổ chức rút kinh nghiệm trong công tác phối hợp với Cơ quan điều tra và Tòa án nhằm phát huy những mặt mạnh, khắc phục những mặt còn hạn chế. Những vụ án hồ sơ thiếu chứng cứ mà không phải chứng cứ quan trọng hoặc vi phạm thủ tục tố tụng nhưng không phải là vi phạm nghiêm trọng thì các cơ quan tiến hành tố tụng trao đổi, rút kinh nghiệm, hạn chế thấp nhất việc phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Duy trì đều đặn chế độ giao ban liên ngành, trong đó, cần tổng hợp những vi phạm trong quá trình giải quyết vụ án ở ba giai đoạn (điều tra, truy tố, xét xử) để rút kinh nghiệm trong các cuộc họp giao ban liên ngành. Lãnh đạo Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án cần chỉ đạo kiểm điểm làm rõ trách nhiệm về những thiếu sót đối với Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán để cùng rút kinh nghiệm đối với những vụ án điều tra, truy tố, xét xử mà để xảy ra vi phạm thủ tục tố tụng, hướng tới mục đích đảm bảo việc điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đúng thời hạn luật định./.

 

Ts. Nguyễn Trọng Nghĩa