Giới thiệu Tạp chí Kiểm sát số 20/2021

Ngày đăng : 14:40, 25/10/2021

(Kiemsat.vn) - Tạp chí Kiểm sát số 20/2021, phát hành ngày 20/10/2021, có các nội dung chính sau đây:

Nghiên cứu hồ sơ vụ án hành chính nói chung và vụ án hành chính về đất đai nói riêng luôn là yêu cầu bắt buộc và quyết định đến việc hoàn thành nhiệm vụ công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính của Kiểm sát viên. Bài viết: "Kỹ năng nghiên cứu hồ sơ vụ án hành chính về đất đai" của tác giả Thái Văn Đoàn trên chuyên mục CÔNG TÁC KIỂM SÁT đã chỉ ra một số kỹ năng cần thiết của Kiểm sát viên khi nghiên cứu hồ sơ vụ án hành chính về tranh chấp đất đai, giải quyết khiếu nại trong quản lý và sử dụng đất như: Cần chú ý về hệ thống chứng cứ, việc thu thập chứng cứ khi không có giấy tờ chứng minh, nội dung tranh chấp; quan tâm đến số lần khiếu nại, hiệu lực của quyết định, thời hiệu khiếu nại...

Cũng tại chuyên mục này, từ thực tiễn kiểm sát hoạt động thiết lập biên bản điều tra của Cơ quan điều tra còn gặp một số bất cập, vướng mắc xuất phát từ chính quy định của pháp luật tố tụng hình sự, làm ảnh hưởng đến hiệu quả chung của quá trình giải quyết vụ án, tác giả Hoàng Ngọc Anh với bài viết: "Kỹ năng kiểm sát biên bản điều tra" chia sẻ một số vấn đề mà Kiểm sát viên cần lưu ý về trình tự, thủ tục, hình thức lập biên bản điều tra, nội dung biên bản điều tra.

Chứng cứ là cơ sở quan trọng nhất để giải quyết vụ án. Trong tố tụng dân sự, Tòa án có được chứng cứ chủ yếu thông qua việc cung cấp của đương sự. Tuy nhiên, quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 liên quan đến thời hạn cung cấp chứng cứ trong vụ án dân sự còn thiếu thống nhất nên dẫn đến vướng mắc trong thực tiễn áp dụng. Nội dung này được phân tích, làm rõ qua bài viết “Bàn về thời hạn cung cấp chứng cứ của đương sự trong vụ án dân sự” của tác giả Vũ Hoàng Anh trên chuyên mục NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI.

Thông qua vụ án cụ thể, bài viết "Về giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự" trên chuyên mục THỰC TIỄN - KINH NGHIỆM cho thấy thực tiễn xét xử còn gặp khó khăn trong việc xác định vấn đề dân sự được giải quyết trong cùng vụ án hình sự, trường hợp nào được tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Vì vậy, tác giả Lương Hữu Thật đề xuất sửa đổi Điều 30 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 theo hướng việc xác định các vấn đề dân sự được giải quyết chung với vụ án hình sự là các vấn đề liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Pháp luật hình sự của Hungary và Việt Nam đều xây dựng trên nền tảng kết hợp giáo dục, thuyết phục với cưỡng chế, trấn áp, thể hiện qua việc quy định các loại hình phạt. Từ sự phân tích, so sánh quy định  hình phạt trong pháp luật của hai nước, tác giả Nguyễn Văn Vương qua bài viết: "Quy định về hình phạt trong Bộ luật Hình sự Hungary" trên chuyên mục THÔNG TIN KHOA HỌC đề xuất một số vấn đề nhằm hoàn thiện hệ thống hình phạt của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Tạp chí Kiểm sát số 20/2021 còn có các bài viết đáng chú ý khác như: “Những lưu ý khi kiểm sát việc quyết định hình phạt dưới mức thấp nhât của khung hình phạt” của tác giả Bùi Thanh Hằng; "Cần hoàn thiện quy định về chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án dân sự" của các tác giả Trần Thăng Long - Danh Nguyễn Thuý Quyên; “Căn cứ, thẩm quyền ra quyết định hoãn phiên toà hình sự sơ thẩm” của tác giả Huỳnh Ngọc Diện ...

Trân trọng giới thiệu và kính mời Quý độc giả đón đọc!

Khánh Trâm