Kỹ năng phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa kinh doanh, thương mại đối với một số loại án cụ thể
Ngày đăng : 08:00, 23/10/2021
Phát biểu của Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa xét xử vụ án kinh doanh, thương mại (KDTM) là trung tâm của công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án; thể hiện trực tiếp, chính thức, tập trung và đầy đủ kết quả hoạt động kiểm sát việc giải quyết vụ án kinh doanh, thương mại; góp phần củng cố vai trò, vị trí của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) trong tố tụng dân sự (nói chung), thể hiện trách nhiệm của VKSND đối với xã hội và nhân dân; là cơ sở quan trọng để Tòa án xem xét ban hành bản án, quyết định giải quyết vụ án KDTM có căn cứ và đúng pháp luật; mặt khác, cũng là phương thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức pháp luật của người tham gia tố tụng và nhân dân; là cơ sở để nhân dân thực hiện giám sát trực tiếp đối với các hoạt động của VKSND trong quá trình giải quyết vụ án KDTM.
Khi phát biểu tại phiên tòa, Kiểm sát viên cần tuân thủ một số yêu cầu chung như: Nắm vững tính chất, phạm vi của từng giai đoạn tố tụng; các yêu cầu đối với Kiểm sát viên trước và sau phiên tòa.
Thứ nhất, nắm vững pháp luật về tố tụng và nội dung
Các quy định của pháp luật về tố tụng
Bên cạnh những văn bản pháp luật là Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015, Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016 quy định việc phối hợp giữa VKSND và Tòa án nhân dân (TAND) trong việc thi hành một số quy định của BLTTDS năm 2015 (gọi tắt là Thông tư liên tịch số 02/2016), Kiểm sát viên phải bám sát các quy chế, quy định của ngành trong từng giai đoạn tố tụng (sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm), như:
- Giai đoạn sơ thẩm, Kiểm sát viên thực hiện các bước về hoạt động của Kiểm sát viên trước, trong và sau phiên tòa theo Quy chế Công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự ban hành kèm theo Quyết định số 364/QĐ-VKS ngày 02/10/2017 của VKSND tối cao (Quy chế số 364/2017), Quy định về hướng dẫn hoạt động của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa dân sự sơ thẩm ban hành kèm theo Quyết định số 458/QĐ-VKSTC ngày 04/10/2019 (Quy định số 458/2019). Tại phiên tòa sơ thẩm, Kiểm sát viên thực hiện đúng quy định về phát biểu của Kiểm sát viên theo Điều 262 BLTTDS năm 2015, Điều 28 Thông tư liên tịch số 02/2016, Điều 23 Quy chế số 364/2017 (việc hỏi, yêu cầu, đề nghị, kiến nghị, phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát tại phiên tòa) và phải sử dụng đúng Mẫu số 24/DS ban hành kèm theo Quyết định số 204/QĐ-VKSTC ngày 01/6/2017 của VKSND tối cao về mẫu văn bản tố tụng, nghiệp vụ tạm thời trong lĩnh vực kiểm sát hoạt động tư pháp (Quyết định số 204/2017).
- Giai đoạn phúc thẩm, Kiểm sát viên thực hiện các bước về hoạt động của Kiểm sát viên trước, trong và sau phiên tòa theo Quy chế số 364/2017, quy định về hướng dẫn hoạt động của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa dân sự phúc thẩm ban hành kèm theo Quyết định số 363/QĐ-VKSTC ngày 12/10/2020 (Quy định số 363/2020). Tại phiên tòa phúc thẩm, Kiểm sát viên thực hiện đúng quy định về phát biểu của Kiểm sát viên theo Điều 306 BLTTDS năm 2015, Điều 30 Thông tư liên tịch số 02/2016, Điều 37 Quy chế số 364/2017 (việc trình bày, hỏi, tranh luận, yêu cầu, đề nghị, kiến nghị và phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát tại phiên tòa phúc thẩm) và phải sử dụng đúng Mẫu số 27/DS ban hành kèm theo Quyết định số 204/2017.
Kiểm sát viên phải phát biểu trong từng trường hợp cụ thể: Chỉ có kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát; chỉ có kháng cáo của đương sự; vừa có kháng cáo, vừa có kháng nghị phúc thẩm; phạm vi kháng cáo, kháng nghị đối với một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định sơ thẩm; những thay đổi, bổ sung đối với kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm (nếu có).
Đối với kháng nghị phúc thẩm, Kiểm sát viên phải chú ý xem xét thật kỹ nội dung, phạm vi kháng nghị có phù hợp với quyền tự định đoạt của đương sự theo quy định tại Điều 5 BLTTDS năm 2015 hay không, trừ trường hợp bản án, quyết định sơ thẩm xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.
- Giai đoạn giám đốc thẩm, tái thẩm, Kiểm sát viên thực hiện các bước về hoạt động của Kiểm sát viên trước, trong và sau phiên tòa theo Quy chế số 364/2017, Quy định về hướng dẫn hoạt động của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa dân sự giám đốc thẩm, tái thẩm ban hành kèm theo Quyết định số 371/QĐ-VKSTC ngày 15/10/2019 (Quy định số 371/2019). Tại phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm, Kiểm sát viên thực hiện đúng quy định về phát biểu của Kiểm sát viên theo các điều 341, 357 BLTTDS năm 2015, Điều 31 Thông tư liên tịch số 02/2016, lưu ý phát biểu trong các trường hợp cụ thể (trường hợp kháng nghị của Viện trưởng VKSND, trường hợp kháng nghị của Chánh án Tòa án). Điều 51 Quy chế số 364/2017 (về trình bày, phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát, yêu cầu, đề nghị, kiến nghị tại phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm); phạm vi kháng nghị đối với một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật; những thay đổi, bổ sung đối với kháng nghị phúc thẩm (nếu có) và sử dụng đúng Mẫu số 39/DS về phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm (trường hợp Viện trưởng VKSND kháng nghị), Mẫu số 40/DS (trường hợp Chánh án Tòa án kháng nghị) ban hành kèm theo Quyết định số 204/2017.
- Đối với phiên tòa rút kinh nghiệm, ngoài việc thực hiện những quy định nêu trên, Kiểm sát viên phải vận dụng đúng Hướng dẫn số 32/HD-VKSTC ngày 30/11/2018 của VKSND tối cao về việc tham gia, tham dự phiên toà dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động rút kinh nghiệm.
Các quy định pháp luật về nội dung
Kiểm sát viên cần phải phân biệt vụ án thuộc loại án KDTM hay dân sự (theo nghĩa hẹp), vì trong quá trình giải quyết sẽ có nhiều vụ án có tên quan hệ tranh chấp giống nhau, ví dụ tranh chấp hợp đồng tín dụng, hợp đồng xây dựng, hợp đồng mua bán hàng hóa nếu phục vụ cho mục đích thiết yếu thì là tranh chấp dân sự (nghĩa hẹp), nếu các bên có đăng ký kinh doanh, thậm chí một hoặc các bên không có đăng ký kinh doanh, nhưng đều có mục đích lợi nhuận thì phải xác định là án KDTM. Thực tiễn giải quyết cho thấy, việc nhầm lẫn trong việc phân loại án này xảy ra không ít dẫn đến áp dụng pháp luật không chính xác, không đầy đủ. Trong từng loại án, Kiểm sát viên còn phải phân định từng loại tranh chấp khác nhau (ví dụ, trong vụ án KDTM có tranh chấp thành viên công ty với công ty, tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa đều có mục đích kinh doanh, tranh chấp hợp đồng xây dựng… để áp dụng đúng những căn cứ pháp luật. Trên cơ sở Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015, cần chú ý áp dụng các luật chuyên ngành, như Luật thương mại, Luật doanh nghiệp, Luật xây dựng, Luật sở hữu trí tuệ, Luật kinh doanh bảo hiểm, Bộ luật hàng hải Việt Nam, Luật đất đai, Nghị quyết về án phí, lệ phí Tòa án… và những văn bản pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung, thay thế qua các thời kỳ để vận dụng một cách chính xác thời điểm văn bản pháp luật có hiệu lực áp dụng đối với quan hệ tranh chấp xảy ra.
Ví dụ, trong giải quyết vụ án KDTM có nhiều quy định về thời hiệu khác nhau đối với mỗi quan hệ tranh chấp, như thời hiệu khởi kiện về hợp đồng theo Điều 429 BLDS năm 2015, thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại theo Điều 588 BLDS năm 2015, tranh chấp về hợp đồng kinh doanh bảo hiểm thì thời hiệu khởi kiện thực hiện theo Điều 30 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000;… Mặt khác, Kiểm sát viên phải xem xét áp dụng những trường hợp không tính thời hiệu theo Điều 155 BLDS năm 2015.
Đối với những tranh chấp KDTM có yếu tố nước ngoài, Kiểm sát viên phải xác định các điều ước quốc tế, tập quán thương mại quốc tế có liên quan đến việc giải quyết tranh chấp và vận dụng một cách phù hợp các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia, như: Hiệp định thương mại tự do song phương giữa Việt Nam với các nước khác, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA), Công ước Viên năm 1980 về mua bán hàng hóa quốc tế, Bộ quy tắc về thương mại quốc tế trong các Incoterms…
Đối với những tranh chấp chưa có điều luật để áp dụng, Kiểm sát viên cần nghiên cứu áp dụng tập quán, áp dụng tương tự pháp luật, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật, án lệ, lẽ công bằng theo Điều 5, Điều 6 BLDS năm 2015, Điều 45 BLTTDS năm 2015 và tham khảo các hướng dẫn nghiệp vụ của VKSND tối cao, TAND tối cao để giải quyết. Gần đây có nhiều án lệ và các giải đáp, hướng dẫn nghiệp vụ của VKSND tối cao, TAND tối cao được ban hành trên cơ sở tổng kết từ thực tiễn công tác xét xử, công tác kiểm sát và những khó khăn, bất cập, nhận thức còn khác nhau đối với quy định của pháp luật có ý nghĩa rất thiết thực cho hoạt động phát biểu quan điểm giải quyết của Kiểm sát viên tại các phiên tòa được chính xác.
Nghiên cứu kỹ, chi tiết, toàn diện hồ sơ vụ án
Trên cơ sở nắm chắc các quy định của pháp luật về tố tụng, nội dung, Kiểm sát viên phải nghiên cứu toàn bộ tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, nắm chắc nội dung các tài liệu đó; kiểm tra các tài liệu trong hồ sơ vụ án, qua đó xác định tài liệu nào là chứng cứ, tài liệu nào không phải là chứng cứ, các tài liệu, chứng cứ bị trùng (do đương sự gửi nhiều lần kèm theo đơn); xem xét có cần phải thu thập thêm tài liệu, chứng cứ không; nhận dạng, tập hợp các vi phạm của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để đưa ra các yêu cầu, kiến nghị kịp thời; đồng thời, xem các tài liệu nào cần phải trích cứu hoặc sao chụp để lập hồ sơ kiểm sát.
Kiểm sát viên phải tập trung phân tích theo từng vấn đề hoặc nhóm vấn đề cụ thể, như phân tích yêu cầu của nguyên đơn, hệ thống tài liệu, chứng cứ mà nguyên đơn xuất trình; phân tích nội dung trình bày hoặc yêu cầu phản tố của bị đơn, hệ thống tài liệu, chứng cứ mà bị đơn xuất trình; phân tích yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, hệ thống tài liệu, chứng cứ mà người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan xuất trình; phân tích lời khai của người làm chứng, hệ thống tài liệu, chứng cứ mà người làm chứng xuất trình (nếu có), các tài liệu do Tòa án thu thập… Xác định các tài liệu, chứng cứ nào có giá trị quan trọng trong việc chứng minh các tình tiết khách quan của vụ án.
Khi phát biểu, Kiểm sát viên phải đề cập toàn diện, đầy đủ các yêu cầu của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (nếu có) trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa; xem xét tính có căn cứ của các tài liệu do đương sự xuất trình hoặc Tòa án thu thập được, tính hợp pháp của việc cung cấp, thu thập chứng cứ.
Thứ hai, phát biểu của Kiểm sát viên đối với một số loại án cụ thể
Đối với vụ án “tranh chấp thành viên công ty với công ty” hoặc “tranh chấp giữa các thành viên công ty”
Đối với loại tranh chấp này, phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa tập trung vào những vấn đề sau:
- Thẩm quyền giải quyết tranh chấp: Khác với đa số các loại tranh chấp khác thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp huyện, đối với tranh chấp thành viên công ty với công ty hoặc giữa thành viên công ty với nhau thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp tỉnh theo khoản 4 Điều 30, điểm a khoản 1 Điều 37 BLTTDS năm 2015.
- Xác định người tham gia tố tụng: Kiểm sát viên xem xét phát biểu về việc Tòa án có xác định đúng và đầy đủ người tham gia tố tụng hay chưa. Thực tế, nhiều vụ án tranh chấp giữa các thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, Tòa án cho rằng thành viên công ty đã tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện theo pháp luật như giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị của doanh nghiệp hoặc là người đại diện theo ủy quyền nên không cần thiết đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo khoản 4 Điều 68 và Điều 73 BLTTDS năm 2015 là không đầy đủ, không bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của họ và không giải quyết toàn diện, triệt để vụ án. Ví dụ, vụ án “tranh chấp thành viên công ty với công ty”, giữa nguyên đơn: Ông Lưu Doãn Th với bị đơn: Công ty T do ông Nguyễn Ngọc T là người đại diện theo pháp luật. Một trong những nguyên nhân hủy án là do vi phạm tố tụng. Ông Nguyễn Ngọc T là người đại diện theo pháp luật của Công ty T, đồng thời là thành viên của Công ty, đã góp vốn tỷ lệ 50%, Toà án cấp sơ thẩm, phúc thẩm không đưa cá nhân ông T tham gia tố tụng với tư cách người liên quan là vi phạm khoản 4 Điều 68 BLTTDS năm 2015 (Quyết định Giám đốc thẩm số 05/2019/KDTM-GĐT ngày 03/4/2019 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao).
- Về đánh giá tài liệu, chứng cứ: Cần xem xét tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp, xác định thuộc loại hình doanh nghiệp nào, ai là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thể hiện qua các tài liệu, chứng cứ: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và các lần đăng ký thay đổi, bổ sung; điều lệ doanh nghiệp…; xem xét các loại sổ sách kế toán, báo cáo tài chính, biên bản họp hội đồng quản trị, hội đồng thành viên công ty... Trong các vụ án tranh chấp giữa thành viên công ty với công ty, thành viên công ty khó có thể cung cấp cho Tòa án đầy đủ những tài liệu, chứng cứ làm căn cứ cho việc khởi kiện của họ, do những tài liệu, chứng cứ này công ty đang quản lý, nắm giữ. Trong khi đó, phía công ty thì hạn chế cung cấp cho Tòa án trong trường hợp bất lợi cho công ty, do vậy Kiểm sát viên phải xem xét phát biểu về việc Tòa án có thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ giải quyết vụ án chưa.
- Nội dung quan hệ tranh chấp phụ thuộc vào vụ án cụ thể, trên thực tế thường bao gồm những nội dung sau:
+ Nội dung thỏa thuận giữa thành viên công ty với công ty hoặc giữa các thành viên công ty, giá trị cổ phần, vốn góp, việc bàn giao tài sản vào doanh nghiệp. Phương thức phân chia lợi nhuận hoặc về nghĩa vụ chịu lỗ, thanh toán nợ của công ty, nhiệm vụ, quyền hạn của các thành viên trong doanh nghiệp;
+ Việc chuyển nhượng phần vốn góp vào công ty giữa các thành viên của công ty hoặc về việc chuyển nhượng phần vốn góp vào công ty của thành viên công ty đó cho người khác không phải là thành viên của công ty;
+ Việc thanh lý tài sản, phân chia nợ giữa các thành viên của công ty trong trường hợp công ty bị giải thể;
+ Về các vấn đề khác giữa các thành viên của công ty liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty…
Kiểm sát viên cần tham khảo quy định tại điểm a, b khoản 5 Điều 6 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao về hướng dẫn phần chung của BLTTDS năm 2005 để xác định chính xác quan hệ tranh chấp. Nếu giữa công ty với các thành viên của công ty hoặc giữa các thành viên của công ty có tranh chấp với nhau, nhưng tranh chấp đó không liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty mà chỉ liên quan đến các quan hệ khác như quan hệ lao động, dân sự (ví dụ: Tranh chấp về bảo hiểm xã hội, trợ cấp cho người lao động, hợp đồng lao động, hợp đồng vay,...) thì không phải là tranh chấp KDTM theo khoản 4 Điều 30 BLTTDS năm 2015. Tùy từng trường hợp cụ thể mà Kiểm sát viên xác định đó là tranh chấp về dân sự hay tranh chấp về lao động.
Quá trình giải quyết, phải căn cứ vào các luật chuyên ngành như Luật doanh nghiệp (lưu ý văn bản mới là Luật doanh nghiệp năm 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021, Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 về đăng ký doanh nghiệp có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành), Luật kế toán năm 2015, Luật chứng khoán, Luật thương mại, Luật đầu tư… và các văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết thi hành để xem xét, giải quyết vụ án toàn diện, chính xác.
Đây cũng là tranh chấp xảy ra tương đối nhiều hiện nay, do trong quá trình tổ chức, hoạt động của nhiều doanh nghiệp không tránh khỏi những mâu thuẫn nội bộ về phương pháp quản lý, điều hành, phương án sản xuất kinh doanh, công khai tài chính, phân chia lợi nhuận...
Đối với vụ án “tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa”
Kiểm sát viên cần chú ý xác định rõ tranh chấp cụ thể trong lĩnh vực này thuộc trường hợp nào trong các tranh chấp sau: Bên bán chậm giao hàng, hoặc giao hàng không đầy đủ; bên mua chậm nghĩa vụ thanh toán, hoặc thanh toán không đầy đủ; giao hàng không đúng số lượng, chất lượng, chủng loại…
Khi phát biểu, Kiểm sát viên phải chú ý hình thức của hợp đồng (thể hiện bằng văn bản, giao dịch điện tử, fax hay bằng lời nói).
- Nội dung của hợp đồng như: Thông tin các bên tham gia hợp đồng; thời điểm mua bán, số lượng, chất lượng hàng hóa, kiểm tra chất lượng hàng hóa (giá trị pháp lý của chứng thư giám định đối với bên yêu cầu giám định, đối với các bên trong hợp đồng theo các điều 261, 262 Luật thương mại năm 2005); có thỏa thuận lãi chậm thanh toán không, nếu có lãi thì thỏa thuận của các bên về lãi có đúng quy định của pháp luật không, lưu ý có nhiều trường hợp trong một vụ án có nhiều thỏa thuận lãi suất vi phạm pháp luật; có thỏa thuận về phạt vi phạm không, mức thỏa thuận có đúng quy định pháp luật không; phương thức giao hàng, địa điểm giao hàng, trách nhiệm của người vận chuyển, thời hạn giao hàng, khắc phục giao hàng thiếu, thừa, bàn giao chứng từ; việc chuyển quyền sở hữu và thời điểm xác định rủi ro; phương thức thanh toán, đồng tiền thanh toán, người đại diện ký kết hợp đồng, người nhận hàng hóa có được phân công, ủy quyền nhận hàng không… (theo quy định của Luật thương mại năm 2005 từ Điều 34 đến Điều 44 và các điều khoản khác liên quan).
- Đối với hợp đồng mua bán hàng hóa ngoại thương cần chú ý xem xét về thẩm quyền giải quyết (vì đối tác nước ngoài thường hay thỏa thuận chọn Trọng tài thương mại giải quyết khi có tranh chấp phát sinh), việc hợp pháp lãnh sự các tài liệu, chứng cứ...
- Những vấn đề khác có liên quan đến việc mua bán hàng hóa như hợp đồng vận chuyển, hợp đồng bảo hiểm…
- Xác định lỗi của các bên trong việc vi phạm hợp đồng.
Khác với những hợp đồng mua bán hàng hóa phục vụ sinh hoạt thông thường có tính đơn giản, đối với những hợp đồng mua bán hàng hóa có tính thương mại, hàng hóa có số lượng lớn, đa dạng chủng loại (như mua bán những lô hàng nông sản hàng nghìn tấn, mua bán những lô hàng có hàng triệu máy móc, thiết bị, hàng trăm chiếc xe ô tô…), thì hợp đồng mua bán hàng hóa càng phức tạp hơn nhiều, Kiểm sát viên cần phải nắm chắc những nội dung trên để phát biểu đầy đủ, toàn diện, chi tiết.
Đối với vụ án “tranh chấp hợp đồng xây dựng”
Đối với loại tranh chấp này, phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa tập trung vào những vấn đề sau: Hợp đồng xây dựng, phụ lục hợp đồng xây dựng (nội dung về từng hạng mục xây dựng, giá cả (bao gồm giá thi công hay gồm cả thi công và cung cấp vật liệu), phương thức tạm ứng và thanh toán, phương thức nghiệm thu, việc bảo hành, bảo trì công trình, về giám sát thi công xây dựng…); hồ sơ thiết kế công trình, nhật ký công trình; biên bản xác nhận khối lượng công trình, thông báo nghiệm thu, biên bản nghiệm thu từng hạng mục công trình, nghiệm thu toàn bộ công trình, biên bản đối chiếu công nợ; hóa đơn giá trị gia tăng, các chứng từ thanh toán khác; hồ sơ về thiệt hại ngoài hợp đồng, các tài liệu thể hiện việc chấm dứt hợp đồng do sự kiện bất ngờ hoặc ngoài ý muốn của nhà thầu…; hồ sơ quyết toán toàn bộ công trình giữa nhà thầu và chủ đầu tư.
Các dạng tranh chấp thường thấy là: Vi phạm nghĩa vụ thanh toán; thi công không đúng thiết kế, không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng công trình; kéo dài tiến độ thi công công trình, không chấp hành lệnh thay đổi của chủ đầu tư dẫn đến thiệt hại kinh tế hoặc kéo dài ngày công; không thanh toán đúng tiến độ, khối lượng công việc…
Liên quan đến việc xác định tính chất, mức độ lỗi trong vi phạm hợp đồng xây dựng của các bên và yêu cầu bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm, Kiểm sát viên phát biểu lưu ý về sự cần thiết phải có kết quả giám định của cơ quan chuyên môn theo quy định tại Luật giám định tư pháp trong việc xem xét, đánh giá chất lượng công trình, để từ đó xác định tính chất, mức độ lỗi và xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm hợp đồng.
Khi xem xét mức phạt do vi phạm hợp đồng trong lĩnh vực xây dựng, Kiểm sát viên cần lưu ý áp dụng Luật xây dựng năm 2014 (khoản 2 Điều 146) và Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng có mức phạt vi phạm tối đa không quá 12% giá trị vi phạm.
Trên đây là một số kỹ năng về hoạt động phát biểu của Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa xét xử vụ án KDTM nói chung, một số lưu ý có tính đặc thù đối với một số loại án KDTM cụ thể. Qua đó nhằm góp phần nâng cao chất lượng phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử vụ án KDTM, một hoạt động có vị trí trung tâm, quan trọng trong công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án KDTM thể hiện vai trò, vị thế của ngành Kiểm sát nhân dân./.