Bình Dương áp dụng hiệu quả phương thức thở oxy dòng cao qua ống thông mũi (HFNC) cho bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch

Ngày đăng : 18:47, 12/10/2021

(Kiemsat.vn) - Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và ngành y tế tỉnh Bình Dương cho phép mở rộng việc áp dụng phương thức thở oxy dòng cao qua ống thông mũi (HFNC) theo hướng dẫn của Bộ y tế tại các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch ở các bệnh viện đã chiến, các khoa hồi sức tích cực.

Trong thời gian qua tại Bình Dương, tình hình bệnh nhân bị Covid-19 suy hô hấp tiến triển (ARDS) nguy kịch ngày càng tăng cần phải được điều trị với thông khí cơ học và một số trường hợp rất nặng cần phải cân nhắc việc đặt nội khí quản (NKQ) - thở máy. Việc áp dụng phương thức thở oxy dòng cao qua ống thông mũi (HFNC) đã giúp làm giảm một tỷ lệ đáng kể những bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch có thể tránh khỏi việc đặt NKQ - thở máy và giảm tỷ lệ tử vong cho người bệnh bị Covid-19 nặng, nguy kịch.

Cài đặt HFNC tại Khu Điều trị Covid-19 Phú Chánh - Bệnh viện Đa khoa Bình Dương. 

Trao đổi với phóng viên, GS.TSKH. BS Dương Quý Sỹ, Chủ tịch Hội Y học giấc ngủ Việt Nam – Phó Chủ tịch Hội hô hấp Việt Nam, chuyên gia hồi sức hô hấp có nhiều năm làm việc tại các trung tâm và các khoa bệnh phổi thuộc các bệnh viện lớn tại Pháp (Haut-Leveque - Bordeaux, Cochin - Paris) và Mỹ (Bệnh viện Hershey - Đại học Y khoa Penn State) cho biết: Việc đặt NKQ - thở máy là một phương thức điều trị xâm lấn và có rất nhiều nguy cơ cho người bệnh như là viêm phổi do thở máy, thở máy kéo dài khó cai máy và làm tăng nguy cơ tử vong do tai biến và biến chứng. Bên cạnh đó việc đặt nội khí quản (NKQ) - thở máy cho bệnh nhân Covid-19 vào giai đoạn đỉnh điểm dịch kéo dài với rất nhiều bệnh nhân nặng, nguy kịch là khó khả thi vì thở máy xâm lấn chỉ có thể được thực hiện tại các khoa hồi sức tích cực của Khu điều trị Covid-19 Phú Chánh - Bệnh viện Đa khoa Bình Dương và Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Becamex.

Ngoài ra với số lượng máy thở chức năng cao và cơ sở vật chất tại cả hai cơ sở hồi sức tích cực này chỉ bảo đảm được cho khoảng hơn 100 bệnh nhân được đặt NKQ - thở máy trong dài ngày. Bên cạnh đó việc đặt NKQ làm tăng nguy cơ lây nhiễm Covid-19 rất cao cho các bác sĩ và nhân viên y tế vì đây là một thủ thuật mà người bác sĩ tiến hành đặt NKQ phải tiếp xúc cận kề với đường thở của người bệnh và luôn có nguy cơ hít phải hoặc tiếp nhận các chất tiết có chứa vi rút Covid-19 bắn ra từ đường thở người bệnh khi bị đặt NKQ. Thế nhưng điều quan trọng nhất là việc chỉ định đặt NKQ sớm và rộng rãi sẽ là một gánh nặng chăm sóc y tế vào thời điểm dịch lan rộng với một số lượng lớn bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch, trong khi đó địa phương còn có nhiều khó khăn về nhân lực bác sĩ, điều dưỡng cơ hữu và tình nguyện được đào tạo chuyên ngành về hồi sức tích cực bảo đảm cho việc điều trị và chăm sóc bệnh nhân thở máy xâm lấn, do vậy sẽ làm tăng nguy cơ tử vong cho người bệnh. 

Việc lãnh đạo và ngành y tế địa phương tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc, đặc biệt là máy thở HFNC cho các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch là một định hướng mang tính đột phá giúp giảm tỷ lệ tử vong chung của bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong thời gian qua và tránh được tình trạng quá tải bệnh nhân đặt nội khí quản (NKQ) - thở máy tại các cơ sở hồi sức tích cực của tỉnh Bình Dương, GS.TSKH. BS Dương Quý Sỹ cho biết thêm.

Được biết, hệ thống HFNC có khả năng cung cấp oxy với nồng độ 100% với lưu lượng dòng từ 20 – 100 lít phút (thường chỉ sử dụng ở mức 50-60 lít/phút) rất phù hợp với bệnh nhân bị Covid-19 nặng, nguy kịch vì những bệnh nhân này có tình trạng giảm oxy máu rất nặng. Ngoài những ưu điểm của thở HFNC về chức năng hỗ trợ thông khí cơ học như làm mở các vùng phổi bị xẹp, cải thiện sự trao đổi oxy tại phổi, làm tăng độ dãn nở phổi và giảm sự mệt mỏi của cơ hô hấp, thở HFNC giúp cho bệnh nhân dễ chịu vì không cần phải gắng sức hô hấp nhiều và vẫn có thể ăn uống và nói chuyện như bình thường, không phải chụp mặt nạ áp lực dương che kín mũi miệng như thở CPAP hoặc BiPAP. Đặc biệt việc điều trị đồng thời HFNC và cho bệnh nhân nằm sấp đã góp phần làm tăng có ý nghĩa tỷ lệ thành công của việc điều trị.

Điều trị bằng HFNC phối hợp với tư thế nằm sấp ở bệnh nhân Covid-19 bị ARDS tại Khoa hồi sức tích cực Khu điều trị Covid-19 Phú Chánh.

Là người trực tiếp chỉ định điều trị và theo dõi bệnh nhân bị Covid-19 nặng, nguy kịch thở HFNC, GS.TSKH. Dương Quý Sỹ cùng với các đồng nghiệp tại Khoa hồi sức tích cực - Khu điều trị Covid-19 Phú Chánh - Bệnh viện Đa khoa Bình Dương đã tiến hành phân tích số liệu trên nhóm bệnh nhân thở HFNC gần đây và đã đưa ra kết quả ban đầu rất hữu ích: Trong số 40 bệnh nhân thở HFNC (độ tuổi từ 22 - 76 tuổi), những bệnh nhân này lúc nhập viện vào khoa hồi sức tích cực Phú Chánh đều được chuyển từ các bệnh viện dã chiến tầng 2 vì tình trạng suy hô hấp nặng không đáp ứng với thở oxy qua mặt nạ thông thường cần phải cân nhắc việc đặt NKQ-thở máy trong gần hơn 50% trường hợp.

Tuy nhiên những bệnh nhân này đã được điều trị bằng thở oxy dòng cao HFNC. Kết quả cho thấy có 33 trường hợp đáp ứng tốt với điều trị HFNC và chỉ có 7 trường hợp không cải thiện tình trạng khó thở sau 48 - 72 giờ (nhịp thở trên 30 lần/phút) và chỉ số oxy hóa máu/tiêu thụ oxy - phút (tích số của nhịp thở và nồng độ oxy sử dụng) hay còn gọi là chỉ số ROX vẫn nhỏ hơn mong muốn (Hình 3) nên được chuyển sang thở BiPAP hoặc phải đặt nội khí quản (NKQ) - thở máy sau đó. Các bệnh nhân đáp ứng tốt sau khi ngưng HFNC đều được chuyển sang thở oxy mặt nạ liều thấp hoặc oxy gọng mũi sau 7-12 ngày điều trị HFNC. Trong quá trình điều trị HFNC, người bệnh dung nạp và tuân thủ việc điều trị rất tốt, phối hợp với nằm sấp và ăn uống bình thường. Trong 3 - 5 ngày đầu điều trị, nồng độ oxy tiêu thụ trung bình của 40 bệnh nhân chỉ ở mức 75 - 80% (chỉ số FiO2) và giảm xuống còn thấp hơn 50% sau 7 ngày điều trị. Như vậy việc điều trị bằng HFNC đã góp phần giảm được tỷ lệ bệnh nhân đặt NKQ - thở máy và giảm được tỷ lệ tử vong và tai biến - biến chứng liên quan đến việc thở máy qua NKQ.

Hiện nay, việc điều trị bằng HFNC còn có nhiều sự trở ngại ở một số cơ sở y tế vì liên quan đến việc tiêu thụ oxy dòng cao với nguồn oxy lỏng y tế không bảo đảm và chi phí điều trị. Việv điều trị bằng thở oxy dòng cao qua mũi HFNC tiêu thụ lượng oxy gấp 4 - 5 lần so với thở oxy qua mặt nạ có túi chứa và thở máy qua NKQ. Thật vậy, nếu việc cài đặt tối đa cho 1 máy HFNC là 50 - 60 lít/phút với nồng độ oxy là 80-100% thì trong 24 giờ đầu lượng oxy cần thiết là 72,0 - 86,4m3 và chi phí cho việc sử dụng oxy theo đơn giá chi trả của Bảo hiểm y tế sẽ là 486.720 - 584.160 đồng/ngày/bệnh nhân; tuy nhiên chi phí cho việc sử dụng oxy sẽ giảm dần trong những ngày tiếp theo khi tình trạng hô hấp của người bệnh được cải thiện và nhu cầu sử dụng oxy thấp hơn.

Thuật đồ theo dõi đáp ứng điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch thở HFNC do GS.TSKH. BS Dương Quý Sỹ và cộng sự thiết lập.

Như vậy việc triển khai điều trị thở oxy dòng cao qua canula mũi (HFNC) cho bệnh nhân bị Covid-19 nặng và nguy kịch bị suy hô hấp tiến triển (ARDS) cần phải thông khí hỗ trợ tại các cơ sở điều trị Covid-19 tại Bình Dương đã đạt được nhiều kết quả khả quan do bởi các cơ sở này đã được địa phương đầu tư đồng bộ các máy HFNC và có nguồn dự trữ oxy lỏng y tế bảo đảm.

Trong thời gian qua, ngành y tế tỉnh Bình Dương đã có nhiều thuận lợi trong việc phòng chống dịch thành công là nhờ nhận được sự hỗ trợ rất lớn về nhân lực, trang thiết bị từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Quốc gia, Bộ y tế, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh, các lực lượng tình nguyện, các Ban ngành Đoàn thể TW và địa phương, sự đóng góp và đồng hành của các doang nghiệp và mạnh thường quân của tỉnh trong việc bảo đảm nguồn cung cấp oxy cho các đơn vị điều trị Covid-19. Với sự nỗ lực đó, Bình Dương sẽ sớm trở lại bình thường mới, ổn định kinh tế, xã hội trong thời gian tới.

Lê Cúc