Bài học kinh nghiệm phòng chống dịch giúp chúng ta tự tin thích ứng an toàn

Ngày đăng : 16:36, 12/10/2021

(Kiemsat.vn) - Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, những bài học, kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong thời gian qua giúp chúng ta tự tin hơn trong việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Tập trung hỗ trợ khôi phục và thúc đẩy sản xuất kinh doanh

Phát biểu tại cuộc gặp doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13.10), Thủ tướng bày tỏ cảm ơn, tri ân đội ngũ doanh nhân luôn đồng hành cùng đất nước với những nỗ lực, đóng góp quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, góp phần thực hiện khát vọng xây dựng đất nước hùng cường và thịnh vượng.

Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã đóng góp tích cực, kịp thời, hiệu quả, cùng cả nước kiềm chế, kiểm soát được đợt bùng phát dịch COVID–19 lần thứ 4 hết sức nguy hiểm.

Người đứng đầu Chính phủ kêu gọi sự đồng lòng, chung sức, quyết tâm, phát huy tài sản vô giá của dân tộc ta là tinh thần đại đoàn kết dân tộc để vượt qua khó khăn, thách thức, lấy đó làm động lực phấn đấu, vươn lên, mạnh mẽ hơn, trưởng thành hơn, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân. Đó là điều mong muốn nhất mà tất cả chúng ta hướng tới, cũng là chủ trương lớn nhất của Đảng và Nhà nước ta.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc làm việc.

Thủ tướng nhấn mạnh, điều quan trọng trong thời gian tới là kiểm soát được dịch bệnh để phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Các bộ ngành đang cụ thể hóa Nghị quyết này nhằm thực hiện lộ trình từng bước mở cửa an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tổ chức sản xuất kinh doanh đồng thời đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

Chính phủ sẽ sớm hoàn thiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó tập trung hỗ trợ khôi phục và thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp.

Thủ tướng cũng khẳng định, những bài học, kinh nghiệm trong thời gian qua giúp chúng ta tự tin hơn trong việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Các trụ cột trong phòng chống dịch là giãn cách, cách ly hẹp nhất, nhanh nhất, chặt chẽ nhất có thể; xét nghiệm thần tốc, khoa học, an toàn, hiệu quả, nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch); điều trị (người bệnh được tiếp cận y tế nhanh nhất, sớm nhất, từ xa, ngay tại cơ sở).

Thủ tướng nhắc lại nhiều bài học trong công tác phòng, chống dịch như: Giãn cách hẹp nhất tại Hà Nam, xét nghiệm thần tốc tại Hà Nội và thiết lập hơn 400 trạm y tế lưu động ngay tại xã, phường, thị trấn tại TP. Hồ Chí Minh. Cùng với đó là bài học huy động nguồn lực từ nhiều địa phương để tổng lực hỗ trợ một địa phương khoanh vùng, kiểm soát dịch trong thời gian ngắn nhất, sớm nhất.

Ông nêu các ví dụ như, một thôn có dịch thì cả phường tập trung làm, một xã có dịch thì cả huyện tập trung làm, một tỉnh có dịch thì dồn lực các tỉnh xung quanh để làm. Tiếp tục thực hiện 5K, chiến lược vaccine, ứng dụng công nghệ.

Xây dựng đội ngũ doanh nhân có bản lĩnh, trí tuệ

Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã và đang nghiên cứu các chính sách thử nghiệm mở cửa trở lại các hoạt động thương mại, dịch vụ; từng bước mở lại hoạt động du lịch; nghiên cứu áp dụng hộ chiếu vaccine; có chính sách hỗ trợ tiếp cận vốn; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; khôi phục thị trường lao động; thiết lập các kênh thông tin hợp lý để các ý kiến của người dân, doanh nghiệp được tiếp cận, giải quyết nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Chính phủ tiếp tục tạo ra những yếu tố nền tảng để cộng đồng doanh nghiệp phát triển hiệu quả, bền vững như: Đẩy mạnh đổi mới, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để thích ứng với bối cảnh mới; tập trung cải cách thủ tục hành chính, chính sách pháp luật về đất đai, tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, minh bạch và thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tiếp cận bình đẳng với các nguồn lực phát triển; hỗ trợ nâng cao năng lực, sức cạnh tranh, khả năng chống chịu của doanh nghiệp, doanh nhân.

Chính phủ tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng về giao thông, công nghệ thông tin, hạ tầng các khu công nghiệp, hạ tầng phục vụ người lao động, hệ thống y tế cơ sở; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp lớn, có hiệu quả và sức cạnh tranh cao, khẳng định vị trí tại thị trường trong nước và thâm nhập có hiệu quả vào thị trường thế giới; xây dựng chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp gắn với chuyển dịch cơ cấu ngành...

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam không ngừng đổi mới tư duy, nỗ lực hết mình, đổi mới và sáng tạo, tìm ra cơ hội trong thách thức, xoay chuyển và thích ứng với tình hình mới. Tiếp tục nêu cao tinh thần dân tộc, đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, phát huy tính chủ động, tự lực, tự cường, tăng cường hợp tác, cùng nhau nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức.

Chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số; nâng cao năng lực, sức cạnh tranh; quan tâm đến việc giữ chân người lao động, tái cấu trúc lao động; đầu tư hơn nữa cho công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quản lý và quản trị doanh nghiệp; tạo chuẩn giá trị mới, quan tâm hơn đến phục vụ người dân và nhu cầu trong nước; mở rộng thị trường, tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị cộng đồng doanh nghiệp tích cực hiến kế cho chính quyền các cấp để xây dựng kế hoạch mở cửa của từng địa phương; đóng góp sáng kiến cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, nhất là các nội dung liên quan đến khu vực doanh nghiệp. Tiếp tục nỗ lực xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam có bản sắc, có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, có bản lĩnh, trí tuệ, văn hóa kinh doanh, không chỉ nhìn lợi ích trong ngắn hạn mà phải có chiến lược, tư duy dài hạn trong kinh doanh, tuân thủ pháp luật; có khát vọng vươn lên làm giàu cho mình, cho đất nước, có trách nhiệm với người lao động, với cộng đồng, xã hội và có đạo đức, văn hoá kinh doanh, góp phần chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, trước mắt còn rất nhiều khó khăn, do đó kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đồng lòng, chung sức, quyết tâm, phát huy tài sản vô giá của dân tộc đó là tinh thần đại đoàn kết, tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa vào quá trình xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, người dân hạnh phúc, ấm no./.

laodong.vn