Giới thiệu Tạp chí Kiểm sát số 19/2021

Ngày đăng : 09:09, 07/10/2021

(Kiemsat.vn) - Tạp chí Kiểm sát số 19/2021, phát hành ngày 05/10/2021 có các nội dung chính sau đây:

Tranh chấp thừa kế nói chung và tranh chấp chia di sản thừa kế nói riêng ở nước ta ngày càng phổ biến, liên quan đến nhiều lĩnh vực pháp luật. Các tranh chấp chia di sản thừa kế không chỉ phức tạp trong việc nghiên cứu, đánh giá tài liệu, chứng cứ mà việc nhận thức, áp dụng pháp luật trong xác định quyền thừa kế, di sản thừa kế cũng còn một số vướng mắc. Bài viết “Những lưu ý khi kiểm sát việc giải quyết vụ án tranh chấp di sản thừa kế tại Tòa án cấp sơ thẩm” của tác giả Vương Văn Bép - Nguyễn Văn Trường trên chuyên mục CÔNG TÁC KIỂM SÁT đã phân tích, làm rõ những vướng mắc; đồng thời đưa ra những vấn đề cần lưu ý trong quá trình giải quyết loại án này.

Cũng trên Chuyên mục này, tác giả Nguyễn Thành Chung với bài viết “Về hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự” cho thấy ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ, tài liệu của Viện kiểm sát để thực hiện quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. Song, pháp luật tố tụng hình sự chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về vấn đề này dẫn đến bất cập trong thực tiễn áp dụng.

Chuyên mục NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI có bài viết “Những vấn đề đặt ra liên quan đến thi hành án phạt tù đối với phạm nhân là người dưới 18 tuổi” của các tác giả Nguyễn Ngọc Kiện - Trịnh Tuấn Anh - Lê Thị Hoa cho thấy, phạm nhân dưới 18 tuổi là đối tượng dễ bị tổn thương, nên cần có sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt của gia đình và xã hội. Vì vậy, chính sách hình sự và chính sách thi hành án hình sự đối với phạm nhân là người dưới 18 tuổi nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh để hoàn lương. Từ những bất cập trong quy định pháp luật về thi hành hình phạt tù đối với phạm nhân là người dưới 18 tuổi, tác giả kiến nghị hoàn thiện pháp luật nhằm bảo đảm tính nhân văn, tiến bộ.

Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và các văn bản hướng dẫn áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời chưa có quy định cụ thể về việc xem xét yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời từ khi kết thúc phiên tòa dân sự sơ thẩm đến trước thời điểm Tòa án cấp phúc thẩm thụ lý vụ án, nên dẫn đến vướng mắc trong thực tiễn áp dụng. Nội dung này được phân tích, làm rõ qua bài viết “Cần bổ sung thêm quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự” của tác giả Thái Chí Bình trên Chuyên mục THỰC TIỄN - KINH NGHIỆM.

Tạp chí Kiểm sát số 19/2021 còn có các bài viết đáng chú ý khác như: “Sự vắng mặt của đương sự tại phiên tòa sơ thẩm - Một số vấn đề cần trao đổi” của tác giả Nguyễn Minh Hằng - Nguyễn Thị Thu Hà; “Bàn về thẩm quyền xét xử trường hợp phạm tội trong khu vực Quân đội quản lý, bảo vệ” của tác giả Đinh Minh Lượng - Đặng Thế Thanh; “Phòng, chống người chưa thành niên phạm tội của Cơ quan công tố (Viện kiểm sát) một số nước” của tác giả Trần Thị Minh Thư…

Trân trọng giới thiệu và kính mời Quý độc giả đón đọc!

Hồng Phong