Tôi yêu Hà Nội!

Ngày đăng : 15:58, 04/10/2021

(Kiemsat.vn) - Những ngày tháng 10 này, trời thu Hà Nội như cũng hòa cùng truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tình yêu Hà Nội và tự hào về Thủ đô nghìn năm văn hiến, anh hùng, với hào khí, trí tuệ Thăng Long, khát vọng hòa bình, phẩm chất hào hoa... “Em nghe chăng, trong lắng sâu nơi hồng trái tim mình. Hà Nội mùa thu, nghe xao xuyến trong lòng ta...” - Lời bài hát như cứ ngân nga trong lòng tác giả khi về thăm Hà Nội.

Hà Nội có sức hút kỳ lạ với 4 mùa xuân - hạ - thu - đông rõ rệt. Mùa thu Hà Nội được cho là mùa đẹp nhất. Mùa thu Hà Nội bầu trời trong xanh, dịu mát, cảnh vật tươi sáng, người Hà Nội thanh lịch, quyến rũ... làm xao xuyến bao người.

Hà Nội, lưu giữ biết bao trầm tích văn hóa và lịch sử. Năm 1010 vua Lý Công Uẩn xuống Chiếu dời đô từ Hoa Lư ra thành Ðại La, viết: “Ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này, mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời. Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở, các khanh nghĩ thế nào?”. Truyền thuyết cũng kể rằng, khi vua Lý tới bến sông Cái (sông Hồng), thì có con Rồng vàng hiện trên sông, rồi bay lên cao. Vua cho là điềm lành, đặt tên kinh đô mới là Thăng Long.

Trải qua các triều đại Lý - Trần - Lê - Mạc, kinh thành Thăng Long luôn là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của cả nước. Năm 1802, nhà Nguyễn lên ngôi dời đô về Huế, kinh thành Thăng Long đổi thành phủ Hoài Ðức. Năm 1831, nhà Nguyễn có cuộc cải cách lớn xóa bỏ các phủ, trấn thành lập các tỉnh, trong đó có tỉnh Hà Nội (thời vua Minh Mạng). Sở dĩ có tên Hà Nội, vì tỉnh mới nằm trong sông (sông Hồng và sông Ðáy), sông là , trong là Nội gọi tắt là Hà Nội. Tuy nhà Nguyễn đóng đô ở Huế (1802 - 1945), nhưng Thăng Long - Hà Nội vẫn là đất văn hiến, đứng đầu cả nước về nghệ thuật, công thương nghiệp và văn hóa.

Hà Nội, với truyền thống kháng chiến đầy tự hào, khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, ở thành Hà Nội, giặc Pháp đã vấp phải sức phản kháng mãnh liệt nhất. Ðỉnh cao là ngày 19/8/1945, Hà Nội khởi nghĩa lập chính quyền cách mạng, mở đầu cho tổng khởi nghĩa trên phạm vi toàn quốc. Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Ðình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Đến năm 1965, Hà Nội quyết liệt đánh trả chiến tranh phá hoại của Mỹ bằng không quân. Ðặc biệt, 12 ngày đêm năm 1972 đã đập tan cuộc tập kích không quân lớn nhất của Mỹ, làm nên chiến dịch “Ðiện Biên Phủ trên không” lừng lẫy; cùng với cả nước buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam. Năm 1976, kỳ họp đầu tiên Quốc hội khoá VI đã quyết định lấy Hà Nội là Thủ đô nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hà Nội ngày nay có diện tích 3.345km2, là thành phố lớn nhất cả nước, đang được xây dựng ngày càng hiện đại, văn minh.

Bất kỳ người Việt Nam nào dù ở đâu, đều mơ ước một lần về thăm Hà Nội. Đối với những người mê nhiếp ảnh, được chụp về Hà Nội là niềm hạnh phúc và tự hào. Hà Nội được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì Hòa bình”. Hà Nội là địa chỉ du lịch nổi tiếng nhất của Việt Nam - nơi hồn thiêng sông núi, nơi “Dáng vóc của Thủ đô...”.

Tôi yêu Hà Nội!

Khuê Văn Các (Ảnh: Hà Hữu Nết).

Tượng đài vua Lý Thái Tổ (Ảnh: Hà Hữu Nết).

Chùa Một Cột (Ảnh: Hà Hữu Nết).

Cột cờ Hà Nội (Ảnh: Hà Hữu Nết).

Hàng bia Tiến sĩ tọa lạc trong Văn Miếu (Ảnh: Hà Hữu Nết).

Hồ Gươm về đêm (Ảnh: Hà Hữu Nết).

Tháp Bút bên bờ Hồ Gươm (Ảnh: Hà Hữu Nết).

Cầu Long Biên (Ảnh: Hà Hữu Nết).

Hàng tre xanh bên Lăng Bác (Ảnh: Hà Hữu Nết).

Những cô thiếu nữ Hà Nội dịu dàng, đằm thắm (Ảnh: Hà Hữu Nết).

Hà Hữu Nết