Lục Nam (Bắc Giang): Cơ quan chức năng có “bắt cóc bỏ đĩa”?

Ngày đăng : 12:08, 26/09/2021

(Kiemsat.vn) - Liên quan đến bài phản ánh của Kiểm sát Online về việc khai thác mỏ của Công ty Mạnh Tuấn HD có nhiều sai phạm, mới đây, UBND huyện Lục Nam đã có phản hồi các cơ quan báo chí thể hiện đã nhiều lần phạt tiền đối với Công ty Mạnh Tuấn HD do vi phạm trong hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản. Tuy nhiên, không hiểu vì sao sai phạm của Công ty Mạnh Tuấn HD vẫn không hề giảm mà có phần rầm rộ, ngang nhiên hơn (!?).

Phạt tiền nhưng không xử lý dứt điểm vi phạm?

UBND huyện Lục Nam cho các cơ quan báo chí biết về công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý, theo đó, hàng năm Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bắc Giang, Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Lục Nam thường xuyên kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản. Qua kiểm tra UBND huyện cũng đã nhiều lần tiến hành xử phạt Công ty Mạnh Tuấn. Cụ thể:

Tháng 3/2020, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lục Nam phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với Công ty CP Mạnh Tuấn HD; qua kiểm tra, Chánh thanh tra Sở đã ban hành Quyết định số 15/QĐ-XPVPHC xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi khai thác vượt công suất, tổng số tiền là 72 triệu đồng, nộp lợi ích bất hợp pháp 33,4 triệu đồng và yêu cầu nộp nghĩa vụ tài chính (thuế, phí bảo vệ môi trường) tại Chi cục Thuế khu vực Lạng Giang - Lục Nam đối với khối lượng đất (60.250m3) đã khai thác với số tiền 327.157.500 đồng, Công ty đã nộp ngày 27/10/2020. Cũng trong năm 2020, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp cùng Công an huyện, UBND xã Huyền Sơn kiểm tra phát hiện và xử lý Công ty CP Mạnh Tuấn HD với số tiền 20 triệu đồng và tịch thu lợi ích bất hợp pháp 33,340 triệu đồng đối với hành vi khai thác ngoài ranh giới cấp phép.

Ngày 09/8/2021, cơ quan chuyên môn của huyện (Phòng Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Thuế khu vực Lạng Giang - Lục Nam) kiểm tra nội dung về sản lượng khai thác, việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Công ty CP Mạnh Tuấn HD. Qua kiểm tra, ngày 23/9/2021 Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 3264/TNMT-TNKS đề nghị UBND huyện Lục Nam tiếp tục chỉ đạo cơ quan chức năng của huyện kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Hoạt động vẫn chuyển đất, tài nguyên diễn ra hàng ngày tại bến thủy nội địa chưa được cấp phép, cũng không biết đem đi tiêu thụ ở đâu?

Năm 2020, Chủ tịch UBND huyện Lục Nam đã có văn bản phê bình Chủ tịch UBND xã Huyền Sơn do thiếu tinh thần trách nhiệm, chưa phát huy nêu cao vai trò của người đứng đầu UBND xã trong thực hiện chức trách nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản, để xảy ra tình trạng các đối tượng tự ý khai thác khoáng sản trái phép làm thất thu thuế và ảnh hưởng tới an ninh trật tự trên địa bàn quản lý.

Như vậy, chỉ riêng lĩnh vực thuế, nghĩa vụ tài chính và khai thác tài nguyên, làm hỏng đường giao thông, Công ty CP Mạnh Tuấn HD đã có nhiều vi phạm kéo dài phải xử lý. Tuy nhiên, việc xử phạt và không kèm theo các chế tài khác như khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại hoặc buộc dừng hoạt động... khiến công tác xử lý vi phạm không khác gì “bắt cóc bỏ đĩa”, dẫn đến “nhờn” luật.

Vi phạm cứ vi phạm, phạt tiền cứ phạt tiền; miễn là thu được lợi nhuận lớn hơn số tiền bị phạt... Tình trạng này lặp đi, lặp lại nhiều lần tại nhiều địa phương khiến người dân bức xúc, thậm chí có dư luận cho rằng có sự bảo kê, lợi ích nhóm trong đó(?).

Cấp dưới quản lý yếu kém, cấp trên trả lời vòng vo, thiếu thuyết phục

Trong bài phản ánh của Kiểm sát Online, có nhiều dấu hiệu sai phạm khá rõ của Công ty CP Mạnh Tuấn HD; tuy nhiên, phần trả lời báo chí của UBND huyện còn chưa đi thẳng vào vấn đề và thiếu thuyết phục. Cụ thể, với dấu hiệu Công ty CP Mạnh Tuấn HD chuyển đất, tài nguyên đưa xuống tầu, thuyền vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ, UBND huyện trả lời: Việc tại điểm bến cảng có các tàu thuyền biển số Quảng Ninh, Hải Dương neo đậu chờ lấy đất vận chuyển là đúng. Qua xác minh, kiểm tra của cơ quan chuyên môn thì việc các tàu thuyền biển số tỉnh ngoài như Quảng Ninh, Hải Dương neo đậu tại bến chờ lấy đất tập kết khoảng 4 tầu thuyền, lượng đất được khai thác tại mỏ được vận chuyển đổ xuống tầu thuyền rồi vận chuyển đem đi tiêu thụ, tuy nhiên việc đem đi tiêu thụ ở đâu thì cơ quan chuyên môn đang xác minh, vì trong giấy phép cấp cho Công ty Mạnh Tuấn chỉ cho phép vận chuyển tiêu thụ cho các công trình trên địa bàn tỉnh Bắc Giang (?!).

Về vấn đề cảng đất của Công ty CP Mạnh Tuấn HD, UBND huyện cho biết: Hiện tại khu vực neo đậu tầu, thuyền lấy đất là vị trí bãi ven sông thuộc khu vực Cống Dừa, thôn An Sơn, xã Huyền Sơn, cách vị trí mỏ đất khai thác khoảng 1,5km, là của Công ty TNHH Thương mại và khai thác khoáng sản Núi Huyền đã được UBND tỉnh Bắc Giang chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 312/QĐ-UBND ngày 16/4/2020 với diện tích 500m2, thời gian hoạt động 49 năm. Công ty TNHH Thương mại và khai thác khoảng sản Núi Huyền đã xây dựng cầu cảng bằng bê tông cốt thép (chiều dài 11,5m, chiều rộng 2,85m), tuy nhiên về cấp phép bến thủy nội địa chưa có. Hiện tại Công ty TNHH Thương mại và khai thác khoáng sản Núi Huyền cho Công ty Cổ phần Mạnh Tuấn HD thuê lại để đưa đất xuống tầu, thuyền vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ.

Vậy, vì sao hoạt động vận chuyển đất, tài nguyên bằng tàu, thuyền rầm rộ ở một ví trí chưa được cấp phép; vận chuyển đi đến đâu mà chính quyền địa phương không hay biết? Cần phải có cơ quan chuyên môn xác minh?  Vai trò quản lý nhà nước của UBND xã Huyền Sơn, UBND huyện Lục Nam ra sao khi năm 2020 UBND huyện Lục Nam đã có văn bản phê bình Chủ tịch UBND xã Huyền Sơn do thiếu tinh thần trách nhiệm, chưa phát huy nêu cao vai trò của người đứng đầu UBND xã trong thực hiện chức trách nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản, để xảy ra tình trạng các đối tượng tự ý khai thác khoáng sản trái phép làm thất thu thuế và ảnh hưởng tới an ninh, trật tự trên địa bàn quản lý. Tuy nhiên, đến nay đã gần cuối năm 2021, tình trạng trên vẫn không hề giảm mà có phần rầm rộ, ngang nhiên hơn (?!).

Qua tìm hiểu của phóng viên, những cầu cảng vận chuyển tài nguyên không phép như vậy không chỉ tồn tại huyện Lục Nam mà còn ở các huyện dọc theo con sông Lục Nam, sông Thương như Lục Ngạn, Yên Dũng… Những cảng này không giấy phép, không được thông qua thiết kế, bản vẽ thi công… tồn tại nhiều nguy cơ như ảnh hưởng giao thông đường thuỷ, làm xuống cấp các tuyến đê xung yếu, ảnh hưởng dòng chảy tự nhiên và tiềm ẩn nguy cơ chết người.

Trước đó, vào hồi 5h15 sáng 22/9, một chiếc xe tải chở đất đã bị lật ngửa xuống thân tàu khi đang đổ đất xuống tàu thủy tại bến sông thôn Hòa Mục, xã Mỹ An, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Hiện trường cho thấy xe tải lật ngửa, khiến anh T.D.Đ. (40 tuổi), trú tại thôn Thủ Dương, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn văng xuống sông và mất tích. Trao đổi với báo chí vào  tối 22/9, Thượng tá Nguyễn Văn Duân, Trưởng Công an huyện Lục Ngạn cho biết: "Nguyên nhân được xác định là xe tải lùi xuống cầu phao tại bờ sông nhưng thành chắn thùng xe lại không mở khiến xe lật".

Như vậy, có thể thấy, việc trả lời cơ quan báo chí của UBND huyện Lục Nam là chưa thuyết phục, khi không đề cập đến biện pháp xử lý, giải quyết một cách triệt để những tồn tại, vi phạm. Cần phải nhắc lại rằng, chỉ riêng việc Công ty CP Mạnh Tuấn HD tổ chức khai thác vượt quá diện tích cấp phép (04 ha) nhiều lần, bị xử phạt nhiều lần với số tiền hàng trăm triệu đồng như vậy, theo quy định cần phải đóng hoạt động của mỏ, thu hồi giấy phép khai thác... (Theo quy định Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản); tuy nhiên, các cơ quan chức năng cũng không đề cập đến. Cần phải xem xét trách nhiệm quản lý của UNND xã và Chủ tịch UBND xã Huyền Sơn với tư cách là người đứng đầu theo quy định của Đảng, của Nhà nước khi để cho những sai phạm nêu trên tồn tại trong một thời gian dài, chứ không chỉ dừng lại ở văn bản phê bình (?) của UBND huyện Lục Nam.

Minh Tú