Trình Quốc hội cho ý kiến về đề nghị tổ chức phiên tòa trực tuyến tại kỳ họp thứ hai

Ngày đăng : 19:09, 21/09/2021

(Kiemsat.vn) - Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 3, chiều 21/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) về đề nghị tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên họp.

Báo cáo tại phiên họp, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ cho biết, phiên tòa trực tuyếnlà việc tổ chức phiên tòa để xét xử vụ án theo trình tự luật định có sử dụng các thiết bị điện tử, liên kết với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác không nhất thiết phải có mặt tập trung tại một phòng xử án, nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi và tham gia mọi diễn biến của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng trực diện, liên tục, công khai, có sự chứng kiến của các chủ thể và vào cùng một thời điểm.

Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là nhu cầu, xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp. Xét xử trực tuyến nói riêng, tố tụng trực tuyến nói chung phù hợp với chủ trương của Đảng, các nguyên tắc cơ bản và thủ tục tố tụng do pháp luật quy định; phù hợp với thực tiễn; đảm bảo tư pháp không chậm trễ; tiết kiệm chi phí xã hội.

Phạm vi áp dụng phiên tòa trực tuyến gồm các vụ án hình sự, hành chính, dân sự (trước mắt là các vụ án không phức tạp về chứng cứ và nghĩa vụ chứng minh); xét xử sơ thẩm, phúc thẩm; có sự đồng thuận của các chủ thể tham gia.

Các điểm cầu của phiên tòa trực tuyến gồm điểm cầu trung tâm và điểm cầu thành phần. Điểm cầu trung tâm được tổ chức tại trụ sở tòa án, hoặc địa điểm do tòa án lựa chọn. Thành phần tham gia tại điểm cầu này gồm những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng khác.

Về điểm cầu thành phần, số lượng điểm cầu thành phần trong một phiên tòa trực tuyến trước mắt tối đa không quá 3 điểm cầu. Thành phần tham gia tại điểm cầu này gồm bị cáo, người làm chứng, các bên đương sự và những người tham gia tố tụng khác theo quy định của pháp luật (nếu không tham gia tại điểm cầu trung tâm).

Tất cả các phiên tòa trực tuyến phải được tòa án tổ chức ghi âm, ghi hình có âm thanh để lưu trữ cùng hồ sơ vụ án phục vụ công tác giám đốc thẩm, tái thẩm, thanh tra, kiểm tra.

TANDTC đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định một số vấn đề, như giao cho TANDTC chủ trì, phối hợp Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng quy chế tổ chức phiên tòa trực tuyến. Trên cơ sở ý kiến tham gia của các bộ, ngành trung ương, Chánh án TANDTC ban hành quy chế.

Giao TANDTC chủ trì, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Công an tổ chức triển khai thực hiện quy chế. Sau một thời gian thích hợp, tổng kết thực tiễn thi hành và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội có chủ trương tiếp theo.

Ý kiến của Thường trực Ủy ban Tư pháp đối với đề nghị của TANDTC về tổ chức phiên tòa trực tuyến khẳng định, Thường trực Ủy ban tán thành với chủ trương tổ chức phiên tòa trực tuyến; nhấn mạnh, đề xuất của TANDTC về tổ chức phiên tòa trực tuyến phù hợp với quan điểm, chủ trương của Đảng về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của tòa án. Đề xuất của TANDTC kịp thời đáp ứng yêu cầu của hoạt động xét xử trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp hiện nay. Việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến cũng đã được nhiều nước áp dụng và nước ta cũng đã cam kết thực hiện xây dựng tòa án điện tử tại Hội đồng Chánh án Tòa án tối cao các nước châu Á-Thái Bình Dương. Nội dung đề xuất của TANDTC đã được báo cáo Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương...

Kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhất trí sẽ trình Quốc hội cho ý kiến về đề nghị của TANDTC về tổ chức phiên tòa trực tuyến tại kỳ họp thứ hai tới để Quốc hội xem xét, quyết nghị trong nghị quyết chung của kỳ họp.

Baochinhphu.vn