Xây dựng, hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu
Ngày đăng : 09:39, 17/09/2021
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc). |
Hội nghị thống nhất xác định rõ xây dựng, hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu, là một trong ba đột phá chiến lược theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng để tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, minh bạch, khả thi, lấy quyền, lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm giúp khơi thông nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao kỷ cương, kỷ luật, phòng, chống tham nhũng; tạo lập được khuôn khổ pháp lý thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Thời gian tới, sẽ tập trung tháo gỡ các “điểm nghẽn”, “nút thắt” về thể chế trong các lĩnh vực được coi là “điểm nóng”, đang được dư luận xã hội, doanh nghiệp, người dân quan tâm; kịp thời ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như: pháp luật về môi trường, đất đai, an sinh xã hội, tài chính, hợp tác công - tư; hoàn thiện các quy định về tổ chức bộ máy nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát bằng hệ thống pháp luật; ứng dụng thành tựu của khoa học, công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới.
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh một số nội dung được các đại biểu quan tâm đề cập tại Hội nghị để các bộ ngành, địa phương quán triệt, làm tốt hơn nữa công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế trong thời gian tới. Cụ thể như sau:
Trước hết, phải nâng cao hơn nữa nhận thức về tầm quan trọng của công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế. Thời gian qua, nhiều nơi chưa nhận thức đúng tầm về công tác này, chưa thấy rõ đầu tư cho xây dựng thể chế chính là đầu tư cho phát triển, thể chế chất lượng cao, sát thực tế, khả thi, dễ vận dụng sẽ tạo điều kiện cho phát triển bền vững. Từ đó, lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư vẫn chưa xứng tầm với một khâu đột phá chiến lược.
Thực tế có bộ chỉ phân công thứ trưởng, thậm chí vụ trưởng, địa phương chỉ phân công phó chủ tịch ủy ban nhân dân phụ trách công tác này. Vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo điều chỉnh, sau Hội nghị này, những bộ ngành, địa phương nào chưa điều chỉnh phải điều chỉnh ngay; bí thư, chủ tịch tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, với quy chế, quy định làm việc đúng tầm, bảo đảm lãnh đạo chỉ đạo tập trung, thống nhất, chuyên sâu. Cùng với đó, tăng cường cán bộ có năng lực, trình độ, kinh nghiệm thực tiễn, đầu tư thỏa đáng về cơ sở vật chất, kinh phí, quan tâm chính sách cho người làm công tác xây dựng pháp luật.
Tại Nghị quyết phiên họp đầu tiên sau kiện toàn, Chính phủ đã giao các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục và khẩn trương rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công, theo dõi, tổ chức thực hiện để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển. Với các thông tư, các Bộ trưởng phải sửa đổi, tháo gỡ ngay những ách tắc, cản trở, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, trước hết. Với các nghị định của Chính phủ, thuộc lĩnh vực quản lý của bộ ngành nào thì phân công bộ ngành đó đề xuất sửa đổi, bổ sung với lộ trình cụ thể, có đôn đốc, kiểm tra, rà soát.
Thứ hai, yêu cầu tiếp tục tập trung cụ thể hóa, thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, đồng bộ các chủ trương, đường lối của Đảng, bám sát 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trên tinh thần nhà nước pháp quyền. Sau khi luật được ban hành thì Chính phủ xây dựng các nghị định, các bộ hướng dẫn bảo đảm đồng bộ, nhịp nhàng để đưa chủ trương, đường lối của Đảng đi vào cuộc sống. Các địa phương cũng phải cụ thể hóa, thể chế hóa các chủ trương, đường lối trong nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp.
Thứ ba, xây dựng và hoàn thiện thể chế để bảo đảm thực sự là “đòn bẩy” kiến tạo phát triển, tạo động lực phát triển, phát huy các nguồn lực, trong đó nguồn lực con người là quyết định (con người là trung tâm, chủ thể, là động lực, nguồn lực và mục tiêu của sự phát triển), cùng với nguồn lực tài nguyên và nguồn lực văn hóa, truyền thống lịch sử.
Thứ tư, rà soát, giải quyết các vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách, trên tinh thần xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong rà soát, xây dựng thể chế. Mọi chính sách, pháp luật phải hướng tới người dân và doanh nghiệp, để người dân và doanh nghiệp phát huy hết nội lực, khả năng đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế, phải quan tâm lấy ý kiến của các đối tượng bị tác động, người dân và doanh nghiệp phải được tham gia. “Lãnh đạo, chỉ đạo từ trên xuống nhưng tổ chức thực hiện, tháo gỡ vướng mắc phải từ dưới lên”.
Thứ năm, việc tổ chức thi hành và theo dõi thi hành pháp luật còn yếu; phải tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực thi pháp luật để biết chính sách đúng sai thế nào, nguyên nhân do quy định, do cách hiểu chưa đúng hay do khâu thực thi? Trong tổ chức thi hành pháp luật, phải quán triệt tận cơ sở, tới người dân, doanh nghiệp, tới đối tượng điều chỉnh. Tổ chức thực hiện phải quan tâm tới cơ sở, nơi gần dân nhất, sát dân nhất, biết dân nhất, sống với dân, cùng làm với dân, tiếp xúc trực tiếp nhất, nhiều nhất với dân.
Thủ tướng lấy ví dụ, vừa qua ông đã chỉ đạo Bộ trưởng Y tế có ngay hướng dẫn cụ thể, dễ hiểu, rõ ràng về công tác xét nghiệm phòng chống dịch COVID-19 tới tận xã phường, tránh tình trạng mỗi nơi hiểu một kiểu. Thực tế kiểm tra công tác phòng chống dịch vừa qua cũng cho thấy, những nơi nào mà lãnh đạo nắm chắc tình hình, quan điểm, giải pháp, thì tổ chức thực hiện tốt và ngược lại. “Nghe báo cáo chỗ nào cũng tốt, nhưng kiểm tra mới biết chỗ nào tốt hay không tốt”. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).
Thứ sáu, việc đẩy mạnh phân cấp phân quyền phải đi đôi với quy định trách nhiệm, thiết kế công cụ để kiểm tra giám sát, kiểm soát quyền lực, bố trí nguồn lực và cắt giảm các thủ tục hành chính. “Nếu không phân cấp phân quyền, không biết mà quản thì chỉ là hợp thức hóa, không biết mà ký thì rất dễ bị sai”.
Nhiều ý kiến tại hội nghị đề cập yêu cầu vận dụng sáng tạo các quy định của pháp luật, về nội dung này, không có quy định luật pháp nào phủ hết được các góc cạnh của cuộc sống. Có những quy định vừa ban hành hôm trước là đúng nhưng hôm sau không còn phù hợp do tình hình thay đổi, trong khi quy trình sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật không thể làm ngay. Do đó, trong tổ chức thực thi pháp luật phải nắm chắc nguyên lý cơ bản, vận dụng sáng tạo, linh hoạt để vừa không vi phạm, vừa phù hợp điều kiện, hoàn cảnh thực tế, trên cơ sở lấy lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích nhân dân là trên hết, trước hết, nếu vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm thì phải xử lý. Điều này phụ thuộc năng lực, trình độ, phẩm chất của cán bộ các cấp.
Các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy trình ban hành và sửa đổi luật. Tình hình thực tế diễn biến rất nhanh chóng, khó lường, bất ngờ, liên tục, trong khi yêu cầu của nhà nước pháp quyền là phải làm theo luật, do đó, nếu không kịp điều chỉnh quy định thì hoặc là bị lạc hậu so với tình hình, gây ách tắc nguồn lực xã hội, hoặc là vi phạm các quy định.