Huyện Kon Plông: Đất rừng có bị “hợp thức hóa” thành dự án?

Ngày đăng : 21:48, 14/09/2021

(Kiemsat.vn) - Trong khoảng 01 năm trở lại đây, gần chục hecta rừng tự nhiên và rừng trồng tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã bị mất; cùng với đó, việc UBND huyện tiếp tục xin chuyển mục đích sử dụng chính diện tích đất nói trên để thực hiện dự án xây dựng biệt thự đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều, cho rằng huyện Kon Plông đang “hợp thức hóa” đất rừng để làm dự án xây dựng.

Khu vực đất rừng nay trở thành đất trống, chuẩn bị "nhường chỗ" cho Dự án xây dựng khu biệt thự.

Đất rừng bỗng chốc trở thành đất trống

Theo thông tin đã phản ánh ở kỳ trước, Dự án khai thác quỹ đất khu biệt thự phía Bắc trung tâm huyện Kon Plông có diện tích 21,3ha do UBND huyện Kon Plông làm chủ đầu tư đã bị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum trả hồ sơ đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện Dự án (Công văn số 1569/STNMT – QHKHSDĐ). Nguyên nhân chính là có hơn 06 (sáu) ha rừng tự nhiên và rừng trồng đang tọa lạc trên đất của dự án có sự khác nhau giữa thực địa và trong báo cáo kiểm kê.

Dựa theo bản đồ kiểm kê rừng năm 2014 được phê duyệt tại Quyết định số 1307/QĐ-UBND ngày 24/12/2014 của UBND tỉnh Kon Tum; Quyết định số 255/QĐ-UBND ngày 26/02/2021 của UBND huyện Kon Plông về việc công bố hiện trạng rừng năm 2020; Quyết định số 257/QĐ-UBND ngày 02/4/2021 của UBND tỉnh Kon Tum về việc phê duyệt kết quả theo dõi diễn biến rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2020, hiện trạng khu vực dự án được xác định: Đất có rừng, chức năng sản xuất là 6,01ha (trong đó rừng tự nhiên TXP là 5,75ha; rừng trồng RTG là 0,26ha); Đất không có rừng, ngoài quy hoạch ba loại rừng là 0,19ha (gồm đất trống DT2, đất khác DKH).

Tuy nhiên, tại Tờ trình xin chuyển mục đích sử dụng đất Dự án Đấu giá quyền sử dụng đất khu biệt thự phía Bắc trung tâm huyện Kon Plông (tại tiểu khu 438A, thị trấn Măng Đen) lại khẳng định trên diện tích xin chuyển mục đích thì hiện trạng chỉ là đất không có rừng, đất chưa sử dụng, đất giao thông do UBND thị trấn Măng Đen quản lý(?).

Như vậy, có thể thấy rằng chỉ sau khoảng 01 năm, huyện Kon Plông đã để mất đến hơn 06ha rừng tự nhiên và rừng trồng, việc này khiến người người dân rất bức xúc, một số cơ quan quản lý địa bàn cũng đã lên tiếng đề nghị UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo UBND huyện Kon Plông làm rõ nguyên nhân làm giảm diện tích rừng theo quy định tại Khoản 2 Điều 37 Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc quy định về điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến rừng; thiết lập hồ sơ xử lý việc giảm diện tích rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp và xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân (nếu có) theo quy định.

Con voi có chui lọt lỗ kim?

Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt yêu cầu các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt các giải pháp trọng yếu để sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý rừng; Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng ban hành Chỉ thị số 13-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên có thể thấy, với thực trạng rừng ở huyện Kon Plông đang bị tàn phá nghiêm trọng như hiện nay, việc khôi phục, bảo vệ, phát triển rừng chưa được các cấp chính quyền quan tâm, thực hiện một cách triệt để.

Với việc làm mất một diện tích rừng như trên, dư luận cho rằng cần phải nghiêm khắc xử lý những vi phạm của các tập thể, cá nhân có liên quan; xem xét trách nhiệm của người đứng đầu theo quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cấp lãnh đạo chủ chốt các cấp. Tuy nhiên, mức xử lý mới chỉ dừng ở tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệp tổ chức, tập thể, cá nhân có liên quan trong việc quản lý rừng và “chờ chỉ đạo cấp trên (?); cùng với sự việc UBND huyện Kon Plông tiếp tục đề nghị xem xét giảm diện tích rừng tại khu vực dự án nhằm chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án với lý do là khai thác quỹ đất tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện khiến người dân vô cùng bức xúc.

Theo Thông báo của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ (số 191/TB-VPCP ngày 22/7/2016) tại Hội nghị “Về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 - 2020”, Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng thì đất rừng nói trên của huyện Kon Plông không thuộc trường hợp được chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng nếu hiện trạng đang là rừng tự nhiên.

Chuyện “con voi chui lọt lỗ kim” tưởng như chỉ là câu thành ngữ xa xưa, nay lại hiện hữu ngay tại một trong ba vùng kinh tế động lực của tỉnh Kon Tum - nơi đã được đưa vào quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 với tiềm năng thu hút đầu tư của Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen - khi một diện tích rừng không hề nhỏ (6ha) nhưng bị mất cả năm trời mà UBND thị trấn Măng Đen và UBND huyện Kon Plông - cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý đất lại không phát hiện ra, cho đến khi xin chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án (?).

Dư luận cho rằng, cần phải làm rõ có hay không việc buông lỏng quản lý dẫn đến mất rừng; xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong công tác quản lý rừng trên địa bàn huyện Kon Plông để xử lý thích đáng; kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội có tác động tiêu cực đến diện tích, chất lượng rừng, đặc biệt là đối với rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, bảo vệ “lá phổi xanh của đất nước”./.

Chu Loan