Một số vấn đề lưu ý khi kiểm sát giải quyết về nội dung vụ án tranh chấp sở hữu nhà

Ngày đăng : 18:40, 12/09/2021

(Kiemsat.vn) - Ngày 26/8/2021, VKSND tối cao ban hành Hướng dẫn số 32/HD-VKSTC, nhằm nâng cao chất lượng kiểm sát việc giải quyết các vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất, tranh chấp quyền sở hữu nhà hoặc quyền sở hữu gắn liền với quyền sử dụng đất. Sau đây, Kiểm sát online giới thiệu bạn đọc một số vấn đề lưu ý khi kiểm sát giải quyết về nội dung vụ án tranh chấp sở hữu nhà.

Vụ án tranh chấp quyền sở hữu nhà ở có những đặc thù riêng, nhiều trường hợp người chủ nhà thực sự không có đầy đủ giấy tờ về sở hữu nhà do bị mất trong chiến tranh, cấp phát của chính quyền không kịp thời. Khi nghiên cứu hồ sơ loại án này cần chú ý thực hiện những việc sau:

Nghiên cứu đơn khởi kiện của đương sự

Xác định thẩm quyền giải quyết vụ án theo điểm c khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015, trên cơ sở đó xác định các văn bản pháp luật áp dụng để giải quyết vụ án.

Kiểm sát tính hợp pháp, đầy đủ, khách quan của các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án theo quy định tại các điều 93, 95 và 97 BLTTDS năm 2015

Các tài liệu, chứng cứ được thu thập ở giai đoạn sơ thẩm, gồm: Đơn khởi kiện, các tài liệu, chứng cứ đương sự giao nộp, do Tòa án thu thập… liên quan đến đối tượng tranh chấp là rất cần thiết để có cơ sở đánh giá chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án.

Tài liệu do đương sự cung cấp cho Tòa án:

Giấy chứng nhận quyền sở hữu (GCNQSH) nhà xác định ai là người đứng tên; giấy xác nhận của cơ quan Nhà nước có liên quan; các tài liệu về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của người quản lý, sử dụng nhà.

Các tài liệu, chứng cứ do Tòa án tiến hành thu thập:

- Trường hợp tài liệu, chứng cứ do đương sự cung cấp chưa đủ để giải quyết vụ án, Tòa án có quyền yêu cầu đương sự hoặc cơ quan, tổ chức đang lưu giữ tài liệu, chứng cứ cung cấp cho Tòa án để có cơ sở giải quyết vụ án.

- Trường hợp xác định tài liệu, chứng cứ do đương sự cung cấp, do Tòa án thu thập chưa đủ căn cứ giải quyết vụ án, xét thấy cần phải xác minh, thu thập thêm chứng cứ để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án kịp thời, đúng pháp luật thì Kiểm sát viên ban hành văn bản yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 58 BLTTDS năm 2015, Điều 22 Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016 quy định về quan hệ phối hợp giữa VKSND và TAND trong việc thi hành một số quy định của BLTTDS. Viện kiểm sát thường yêu cầu Tòa án thu thập bổ sung các tài liệu, chứng cứ là hồ sơ về việc cấp GCNQSH nhà; ý kiến của cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương về quá trình quản lý, sử dụng nhà; những biến động về nhà đất; việc thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước; ý kiến của những người sống cùng địa phương nơi có nhà tranh chấp…

- Khi nghiên cứu, đánh giá tài liệu, chứng cứ cần phân biệt nhà tranh chấp đã được cấp GCNQSH nhà hay chưa được cấp GCNQSH nhà:

+ Trường hợp nhà ở chưa được cấp GCNQSH nhà, cần làm rõ các vấn đề về nguồn gốc nhà tranh chấp thông qua việc xem xét các bản tự khai, biên bản ghi lời khai và đối chiếu với các ý kiến, văn bản, tài liệu của cơ quan quản lý nhà ở nơi có nhà tranh chấp.

+ Trường hợp nhà ở đã được cấp GCNQSH nhà cần xem xét hồ sơ cấp GCNQSH nhà và đối chiếu với các quy định của pháp luật về nhà ở tương ứng với từng thời điểm để làm rõ việc cấp GCNQSH nhà có đúng quy định của pháp luật tại thời điểm cấp GCNQSH nhà không.

+ Đối với các trường hợp nhà ở chưa được cấp GCNQSH nhà hoặc đã được cấp GCNQSH nhà đều cần phải nghiên cứu kỹ các tài liệu xác định quá trình quản lý, đăng ký quyền sở hữu, những biến động làm thay đổi quyền sở hữu cũng như giá trị căn nhà, việc kê khai sử dụng, thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước hàng năm; công sức bảo quản, tôn tạo nhà; yêu cầu, ý kiến, nguyện vọng của các bên, kết quả định giá, vị trí, hiện trạng nhà. Ngoài ra, đối chiếu với các ý kiến, văn bản, tài liệu của cơ quản quản lý nhà ở địa phương về thời gian quản lý, sử dụng nhà của đương sự, các văn bản pháp luật về nhà ở tương ứng với từng thời điểm để làm căn cứ xác định quyền sở hữu.

Thùy Linh