Đề xuất về quyền yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập và việc giao nộp chứng cứ của đương sự

Ngày đăng : 12:54, 10/09/2021

(Kiemsat.vn) - Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao vừa hoàn thiện dự thảo (lần 2) Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân.

Ảnh minh họa. 

Theo đó, Dự thảo Nghị quyết này hướng dẫn một số quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2015 (sau đây gọi tắt là Bộ luật Tố tụng dân sự) về quyền yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập; việc giao nộp tài liệu, chứng cứ của đương sự; phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. 

Đối với yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập: Tại Điều 2 của Dự thảo Nghị quyết nêu rõ, nguyên đơn có quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện nếu việc thay đổi, bổ sung được thực hiện trước khi nhận được Thông báo của Thẩm phán về thời gian, địa điểm tiến hành phiên họp và nội dung của phiên họp giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải lần thứ nhất. Cùng với việc nộp đơn yêu cầu thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện, nguyên đơn phải nộp tài liệu, chứng cứ kèm theo.

Khi chấp nhận nội dung thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn theo quy định tại khoản 1 Điều này thì Thẩm phán thông báo cho bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan và ấn định thời hạn không quá 30 ngày để bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bổ sung yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bổ sung yêu cầu độc lập và giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ.

Sau thời điểm nhận được Thông báo của Thẩm phán về thời gian, địa điểm tiến hành phiên họp và nội dung của phiên họp giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải thì Tòa án chỉ chấp nhận việc nguyên đơn thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện nếu yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu. 

Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền đưa ra yêu cầu độc lập trong thời hạn do Thẩm phán ấn định theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 196 của Bộ luật Tố tụng dân sự hoặc theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều này. Sau thời điểm nói trên thì Tòa án chỉ chấp nhận việc bị đơn thay đổi, bổ sung yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thay đổi, bổ sung yêu cầu độc lập nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập ban đầu.

Đối với việc giao nộp tài liệu, chứng cứ của đương sự: Dự thảo Nghị quyết quy định, đương sự có nghĩa vụ giao nộp tài liệu, chứng cứ trong thời hạn do Thẩm phán ấn định theo quy định tại Khoản 4 Điều 96 của Bộ luật Tố tụng dân sự. 

Khi hết thời hạn hướng dẫn thì Tòa án chỉ chấp nhận việc giao nộp tài liệu, chứng cứ mà Tòa án đã yêu cầu đương sự giao nộp nếu có lý do chính đáng và đương sự phải chứng minh lý do của việc chậm giao nộp tài liệu, chứng cứ đó. 

Đối với tài liệu, chứng cứ mà trước đó Tòa án không yêu cầu đương sự giao nộp hoặc tài liệu, chứng cứ mà đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án thì trước khi giao nộp cho Tòa án, đương sự phải sao tài liệu, chứng cứ đó cho các đương sự khác. 

Bên cạnh đó, Dự thảo nêu ra các điều kiện cần có khi Thẩm phán ấn định thời điểm tiến hành việc chuẩn bị mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, bao gồm: Tòa án đã nhận được ý kiến bằng văn bản của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đối với yêu cầu của người khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập hoặc hết thời hạn do Thẩm phán ấn định trong các trường hợp hướng dẫn tại khoản 3 Điều 2 của Nghị quyết này mà Tòa án chưa nhận được ý kiến bằng văn bản của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; Tòa án đã nhận được tài liệu, chứng cứ do đương sự, các cơ quan, tổ chức, cá nhân giao nộp hoặc hết thời hạn do Thẩm phán ấn định trong trường hợp hướng dẫn tại Khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết này mà Tòa án chưa nhận được tài liệu, chứng cứ; Thẩm phán đã thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các Điểm a, b, c, d và đ Khoản 2 Điều 203 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Ngoài ra, Dự thảo Nghị quyết cũng đề cập đến các nội dung liên quan đến việc hoãn phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải; về phiên họp, biên bản phiên họp, hậu quả pháp lý của phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải./.

Khánh Linh