Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới
Ngày đăng : 22:01, 04/09/2021
Sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW, ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị khoá X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, công tác phòng, chống tội phạm đã có nhiều chuyển biến tích cực, thực hiện hiệu quả, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia. Tuy nhiên, tại một số nơi, việc thực hiện chỉ thị còn mang tính hình thức, chưa quyết liệt, thiếu kiểm tra, giám sát, chưa huy động được hết sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân.
Dự báo trong thời gian tới, tình hình tội phạm sẽ còn diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm có xu hướng tăng, xuất hiện nhiều thủ đoạn phạm tội mới, tinh vi, xảo quyệt, nguy hiểm hơn, có xu hướng trẻ hoá, quốc tế hoá… Vì vậy, để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục hạn chế, yếu kém và chủ động hơn trong công tác phòng, chống tội phạm, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cần tiếp tục thực hiện nghiêm các nội dung, nhiệm vụ trong Chỉ thị 48; chú trọng thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng, chống tội phạm. Đẩy mạnh công tác phòng ngừa tội phạm; củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phát hiện và giải quyết các xung đột xã hội, hoà giải các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân; làm tốt công tác quản lý những đối tượng có nguy cơ phạm tội, vi phạm pháp luật ngay tại địa bàn cơ sở.
Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền cần đấu tranh mạnh mẽ, phản bác những quan điểm, tư tưởng sai trái, luận điệu xuyên tạc, thông tin không đúng sự thật về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác phòng, chống tội phạm. Tích cực tấn công, trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia; tội phạm lợi dụng thiên tai, dịch bệnh; tội phạm về ma tuý; tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội phạm liên quan đến hoạt động "tín dụng đen"... Không ngừng đẩy mạnh cải cách tư pháp, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tội phạm; kết hợp giữa cải cách tư pháp với cải cách hành chính.
Cần tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học và ứng dụng thành tựu tiên tiến của khoa học, công nghệ trong công tác phòng, chống tội phạm. Thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng về xử lý tổ chức đảng, đảng viên vi phạm; làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, kịp thời phát hiện dấu hiệu tội phạm, có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn cán bộ, đảng viên có dấu hiệu vi phạm.
Cùng với đó, tăng cường mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống tội phạm, tổ chức thực hiện tốt các Công ước quốc tế, Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự, Hiệp định hợp tác phòng, chống tội phạm mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập./.