Chủ tịch nước chủ trì Phiên họp thứ 13 Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương

Ngày đăng : 12:43, 26/08/2021

(Kiemsat.vn) - Sáng 26/8, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương tổ chức Phiên họp thứ 13 dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Phiên họp. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo xem xét, cho ý kiến về các nội dung lớn: Đề án Đổi mới và hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia xét xử tại Toà án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp; báo cáo xin ý kiến về chủ trương ban hành Quy chế tổ chức phiên toà xét xử trực tuyến tại Toà án, do Ban Cán sự đảng Toà án nhân dân tối cao trình. 

Theo đó, Ban Chỉ đạo đã thống nhất đánh giá đối với từng nội dung trên.

Cụ thể, đối với Đề án “Đổi mới và hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia xét xử tại Toà án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”, Đề án đã đánh giá được thực trạng tổ chức và hoạt động của hội thẩm, đến ngày 31/3/2021, toàn quốc có 17.299 hội thẩm (16.913 hội thẩm nhân dân và 386 hội thẩm quân nhân). Trong đó, có 14.390 hội thẩm là cán bộ, công chức, viên chức đang công tác (chiếm 83,2%); 2.901 hội thẩm là cán bộ hưu trí (chiếm 16,77%); 08 hội thẩm là người dân, không làm việc cho cơ quan, tổ chức, đoàn thể (chiếm 0,03%). 

Trong nhiệm kỳ 2016-2021, hội thẩm nhân dân đã tham gia xét xử sơ thẩm 998.257 vụ án, bình quân mỗi hội thẩm tham gia xét xử 70 vụ/ nhiệm kỳ; hội thẩm quân nhân đã tham gia xét xử sơ thẩm 672 vụ án, bình quân là 3,5 vụ/ nhiệm kỳ. Tuy nhiên, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hội thẩm còn tản mạn, chưa đầy đủ, một số quy định còn chưa phù hợp với thực tiễn, tổ chức thực hiện có phần hình thức, chưa phản ánh đúng vị trí, vai trò của nhân dân trong tham gia hoạt động xét xử, mức độ đóng góp của hội thẩm vào chất lượng xét xử chưa cao, chưa tương xứng với vị trí, vai trò của hội thẩm; một số chế độ, chính sách đối với hội thẩm còn chưa phù hợp.

Trên cơ sở thực trạng, khó khăn, vướng mắc, Đề án đề ra 8 giải pháp gồm: Hoàn thiện cơ chế hội thẩm tham gia xét xử tại Toà án; bổ sung chế định hội thẩm đoàn trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự; hoàn thiện hệ thống pháp luật về hội thẩm; tăng cường chuyên môn của hội thẩm khi tham gia xét xử một số loại vụ án đặc thù; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cho hội thẩm; hoàn thiện chế độ, chính sách đối với hội thẩm; tổ chức thí điểm xét xử sơ thẩm vụ án hình sự bằng hội đồng xét xử và hội thẩm đoàn và thí điểm xét xử sơ thẩm bằng hội đồng xét xử gồm 1 thẩm phán và 2 hội thẩm có chuyên môn về một số lĩnh vực tương ứng đối với một số vụ án có tính chất đặc thù.

Đây là những giải pháp thiết thực, có tính khả thi, nếu triển khai thực hiện tốt sẽ khắc phục được những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong việc xây dựng đội ngũ hội thẩm, nâng cao hiệu quả nhân dân tham gia giám sát việc thực hiện quyền lực tư pháp, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân, phù hơp với mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. 

Các thành viên Ban Chỉ đạo tham dự Phiên họp thứ 13. Ảnh: VGP/Lê Sơn.

Đối với Báo cáo xin ý kiến về chủ trương ban hành Quy chế tổ chức phiên toà xét xử trực tuyến tại Toà án.

Thời gian gần đây, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, do thực hiện giãn cách xã hội, nhiều Toà án không thể đưa vụ án ra xét xử theo thời gian luật định, làm ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động tư pháp, quyền và lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân. 

Trước tình hình đó, căn cứ vào vào chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về cải cách tư pháp, xây dựng chính quyền điện tử và ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động của bộ máy nhà nước; các đạo luật về tố tụng tư pháp và kinh nghiệm tổ chức xét xử trực tuyến của một số nước, Toà án nhân dân tối cao đã chủ động xây dựng dự thảo Quy chế tổ chức xét xử trực tuyến trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định là cần thiết.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, xét xử trực tuyến là vấn đề mới, pháp luật hiện hành chưa có quy định về hình thức xét xử trực tuyến và cách thức tổ chức phiên toà xét xử trực tuyến; việc xét xử liên quan đến nhiều quy định của pháp luật tố tụng hiện hành, tác động đến quyền và nghĩa vụ hợp pháp của tổ chức, cá nhân. 

Do đó, để Ban Chỉ đạo có đầy đủ thông tin cho việc xem xét, cho ý kiến về chủ trương này, đề nghị Toà án nhân dân tối cao cần tổ chức xin ý kiến chính thức của các cơ quan, tổ chức có liên quan về việc xét xử trực tuyến. 

Tại Phiên họp, Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết: Việt Nam đã tham gia Hội đồng Chánh án khu vực châu Á-Thái Bình Dương nên đến hết 2025 phải tổ chức xét xử trực tuyến, nhiều nước trong khu vực đã tổ chức trực tuyến với nhiều loại án khác nhau. Việc thực hiện xét xử trực tuyến (do ở xa, dịch bệnh, tội phạm nguy hiểm…) vẫn bảo đảm nguyên tắc trực tiếp, công khai, liên tục, bằng lời nói, có sự chứng kiến của các bên và bảo đảm nguyên tắc tố tụng. Nếu làm được thì đáp ứng thực tiễn hiện nay, nhất là trong tình hình dịch bệnh phức tạp khó lường.

Baochinhphu.vn