Một số khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm sát quyết định công nhận hòa giải thành tại Tòa án

Ngày đăng : 12:33, 16/08/2021

(Kiemsat.vn) - Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án năm 2020 đã được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 16/6/2020, có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Luật mới cho phép các bên được lựa chọn giải quyết tranh chấp của mình; đây là quy trình mới, cách thức mới ngoài quy trình tố tụng theo quy định của Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm sát quyết định công nhận hòa giải thành tại Tòa án, tác giả nhận thấy còn có một số khó khăn, vướng mắc.

Điều 32 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định: 1. Sau khi lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, biên bản ghi nhận kết quả đối thoại, Hòa giải viên chuyển biên bản cùng tài liệu kèm theo cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính để ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành trong trường hợp các bên có yêu cầu.

Như vậy, sau khi các bên hòa giải thành, Hòa giải viên sẽ tiến hành ghi nhận kết quả bằng biên bản. Nếu các bên có yêu cầu, Hòa giải viên chuyển toàn bộ tài liệu cùng biên bản hòa giải thành đến Tòa án có thẩm quyền để ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành.

Tuy nhiên, thực tiễn công tác kiểm sát quyết định công nhận hòa giải thành tại Tòa áncó một số bất cập, khó khăn, vướng mắc. Thông qua vụ việc cụ thể như sau:

Ngày 6/4/2021, anh Q.V.T và chị N.T.X cùng có đơn yêu cầu thuận tình ly hôn. Căn cứ biên bản ghi nhận kết quả hòa giải thành ngày 15/4/2021, các bên đã thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ yêu cầu thuận tình ly hôn cùng các tài liệu kèm theo do Hòa giải viên chuyển sang Tòa án. Tòa án nhân dân quận C, thành phố H đã căn cứ Điều 32,33,34,35 và Điều 36 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Điều 55,82,83 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 ban hành Quyết định:

1. Công nhận nội dung hòa giải thành của các bên cụ thể như sau:

1.1/ Công nhận thuận tình ly hôn giữa: Anh Q.V.T và chị N.T.X.

1.2/ Về con chung: Anh Q.V.T và chị N.T.X có 02 con chung là:

Cháu Q.T.H.L – sinh ngày 30/08/2001. Hiện nay cháu L đã trên 18 tuổi, anh chị không yêu cầu nên Tòa án không giải quyết.

Cháu Q.T.P.A – sinh ngày 21/03/2007. Khi ly hôn anh chị thỏa thuận cháu A sẽ do anh T trực tiếp nuôi dưỡng. Anh T không yêu cầu chị X cấp dưỡng nuôi con chung. Tạm miễn việc cấp dưỡng nuôi con chung cho chị X cho đến khi có quyết định khác.

Chị X được quyền thăm nom, chăm sóc con chung. Anh T và những người thân trong gia đình anh T không ai được ngăn cản.

1.3/ Về tài sản chung và nợ chung: Anh Q.V.T và chị N.T.X xác định không có tài sản chung, nợ chung không có. Khi ly hôn anh T và chị X không yêu cầu, nên Tòa án không giải quyết.

2. Quyết định này có hiệu lực pháp luật, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và được thi hành theo quy định của pháp luật về Thi hành án dân sự.

3. Các bên, người đại diện, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến quyết định của Tòa án có quyền đề nghị xem xét lại Quyết định này trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp có quyền kiến nghị xem xét lại quyết định trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định nếu có căn cứ cho rằng nội dung thỏa thuận, thống nhất của các bên vi phạm một trong các điều kiện quy định tại Điều 33 của luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Sau khi nhận được Quyết định công nhận hòa giải thành của TAND quận C, thành phố H, tác giả thấy có một số vướng mắc, bật cập như sau:

Thứ nhất, về hình thức của Quyết định:

Quyết định công nhận hòa giải thành tại Tòa án không có trong hệ thống biểu mẫu ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 và biểu mẫu ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐTP ngày 09/08/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Do đó, khi kiểm sát Quyết định trên thì Kiểm sát viên không có căn cứ để kiểm sát hình thức ban hành quyết định.

Ngoài ra, theo Quyết định số 399/QĐ-VKSTC ngày 06/9/2019 của Viện trưởng VKSND tối cao ban hành về quy trình, kỹ năng kiểm sát bản án, quyết định giải quyết vụ án dân sự của Tòa án thì sau khi nhận được quyết định do Tòa án chuyển đến, cán bộ Kiểm sát phải vào Sổ thụ lý kiểm sát quyết định. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy trước khi ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, Tòa án không tiến hành thụ lý vụ việc mà ban hành quyết định ngay. Như vậy, có thể không thụ lý vụ việc nhưng lại có kết quả giải quyết. Vậy khi kiểm sát Quyết định trên, Kiểm sát viên sẽ tiến hành cập nhật trong cột, mục nào? Việc nhập sổ sách hay nhập phần mềm sẽ được tiến hành cập nhật ra sao? Điều này có thể dẫn đến những khó khăn trong báo cáo kết quả số liệu và trong công tác kiểm sát.

Thứ hai, về nội dung của Quyết định:

Theo quy định tại Điều 36 của Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án thì Viện kiểm sát có quyền kiến nghị nếu có căn cứ cho rằng nội dung thỏa thuận, thống nhất của các bên vi phạm một trong các điều kiện quy định tại Điều 33 của Luật này.

Như vậy, Viện kiểm sát chỉ có quyền kiến nghị nếu các bên vi phạm Điều 33 của Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án. Tuy nhiên, nếu phát hiện quyết định có nội dung gây khó khăn trong việc thi hành án, cụ thể như trong Quyết định nêu trên TAND quận C quyết định:  “cháu A sẽ do anh T trực tiếp nuôi dưỡng” vậy nuôi dưỡng đến thời điểm nào? hoặc “anh T và những người thân trong gia đình anh T không ai được ngăn cản” vậy những người thân là ai?... Với nội dung như trên thì Viện kiểm sát có được quyền kiến nghị hay không?

Thứ ba, về Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành tại Tòa án và việc thi hành quyết định công nhận kết quả hòa giải thành:

Theo Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án, quyết định công nhận kết quả hòa giải thành sẽ được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 1 và Điều 2 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) và theo quy định Điều 482 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 thì không có quyết định công nhận kết quả hòa giải thành tại Tòa án. Nói cách khác, phạm vi điều chỉnh của Luật Thi hành án dân sự là những bản án, quyết định dân sự được ban hành theo thủ tục tố tụng dân sự quy định tại BLTTDS. Việc quy định một quyết định công nhận kết quả hòa giải thành được ban hành đặc thù theo Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án nhưng lại có hiệu lực bắt buộc thi hành như một quyết định được ban hành theo thủ tục tố tụng dân sự.

Với những khó khăn vướng mắc nêu trên, để áp dụng pháp luật thống nhất, đảm bảo cho hoạt động tư pháp được kiểm sát một cách chặt chẽ, chính xác, tác giả đề xuất một số kiến nghị như sau:

Thứ nhất, trước khi ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, Tòa án cần phải tiến hành thụ lý vụ việc để có đầu vào và đầu ra đảm bảo việc báo cáo số liệu đồng thời bổ sung biểu mẫu để Tòa án áp dụng cho thống nhất.

Thứ hai, trường hợp thụ lý vụ việc thì kết quả giải quyết, Thẩm phán vẫn phải tuân theo quy định của BLTTDS và ra quyết định Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 203 BLTTDS.

Thứ ba, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị nếu có căn cứ cho rằng nội dung thỏa thuận, thống nhất của các bên không phù hợp với quy định của pháp luật để đảm bảo quyết định có khả năng thi hành./.

ThS. Lê Thị Hồng Hạnh