Chấp nhận hi sinh một hai tháng để "xanh hoá vùng đỏ", đổi lại bình yên

Ngày đăng : 21:32, 08/08/2021

(Kiemssat.vn) - Nhấn mạnh tinh thần không để xảy ra khủng hoảng y tế, bảo đảm sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết, Thủ tướng Chính phủ cho biết: "Chúng ta quyết tâm hi sinh một, hai tháng để xanh hóa vùng đỏ; chấp nhận mất mát hi sinh, đổi lại có sự bình yên, khỏe mạnh".

Phấn đấu cao nhất đưa đất nước ta trở lại bình thường trong thời gian ngắn nhất

Kết luận hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp và bộ, ngành, địa phương diễn ra vào ngày 8.8, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, sát thực tế, thể hiện đồng lòng, quyết tâm cao trong việc khắc phục mọi khó khăn để phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. Ảnh Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. Ảnh Nhật Bắc

Thủ tướng Chính phủ nhắc lại, với tinh thần "chống dịch như chống giặc", chuyển từ phòng ngự sang tấn công, chúng ta đặt mục tiêu cao nhất là không để xảy ra khủng hoảng y tế, bảo đảm sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết; không để xảy ra khủng hoảng kinh tế - xã hội; phấn đấu cao nhất đưa đất nước ta trở lại bình thường trong thời gian ngắn nhất, chậm nhất là cuối năm 2021 đầu năm 2022.

Để làm được điều này, theo Thủ tướng, chúng ta phải thực hiện thật tốt phòng, chống dịch COVID-19, trong đó phải chống lây nhiễm, phải giãn cách xã hội để tránh lây nhiễm.

"Chúng ta quyết tâm hi sinh một, hai tháng để xanh hóa vùng đỏ; chấp nhận mất mát hi sinh, đổi lại có sự bình yên, khỏe mạnh", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước quan tâm, thấu hiểu và chia sẻ khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp. Chính phủ cũng chủ động ban hành các nghị quyết, các chính sách thuộc thẩm quyền để giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp.

Đây là thời điểm khó khăn đối với doanh nghiệp, nhưng không vì thế đánh mất lạc quan, bản lĩnh, niềm tin chiến thắng, mà phải xác định càng khó khăn, càng phức tạp, càng phải giữ bản lĩnh, phát huy dân chủ, lắng nghe ý kiến, trí tuệ tập thể, sự đoàn kết của toàn dân để chống dịch và sản xuất. Mỗi người dân khỏe mạnh, mỗi doanh nghiệp khỏe mạnh thì đất nước khỏe mạnh.

Tổ chức tiêm vaccine miễn phí cho toàn dân theo thứ tự ưu tiên

Về chiến lược vaccine, Thủ tướng lưu ý có ba điểm quan trọng. Đó là: Nhập khẩu vaccine nhiều nhất và sớm nhất có thể, nhất là trong điều kiện khan hiếm trên toàn cầu; Chuyển giao công nghệ nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước; Tổ chức tiêm miễn phí vaccine cho toàn dân theo thứ tự ưu tiên.

Theo Thủ tướng, cả 3 vấn đề này đang được Chính phủ chỉ đạo thực hiện quyết liệt bằng mọi kênh, mọi cơ chế và đạt được hiệu quả, triển vọng.

Về các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ đang nỗ lực, làm hết sức có thể, cân đối vĩ mô hợp lý, hài hòa, phù hợp điều kiện hoàn cảnh của đất nước.

Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các Phó Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương, đồng thời tiếp tục thực hiện phân quyền, phân cấp, gắn với trách nhiệm người đứng đầu và thực hiện kiểm tra, giám sát. Tới đây, Thủ tướng Chính phủ sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Ảnh Nhật Bắc
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Ảnh Nhật Bắc

Đối với các vấn đề cụ thể, Thủ tướng giao: Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành thực hiện hiệu quả chiến lược vaccine. Trong đó phải thúc đẩy hợp tác công - tư trong chiến lược vaccine, đẩy mạnh tiêm vaccine theo thứ tự ưu tiên không phụ thuộc địa giới hành chính;

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nắm tình hình, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng đưa ra giải pháp kịp thời về tháo gỡ khó khăn, phát triển kinh tế - xã hội;

Bộ Tài chính khẩn trương triển khai giải pháp miễn giảm thuế, phí, nhanh chóng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Có giải pháp về thị trường chứng khoán. Đẩy mạnh hợp tác công - tư, bảo đảm cân đối lớn. Dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực ngoài Nhà nước;

Bộ Giao thông vận tải xây dựng các giải pháp bảo đảm lưu thông hàng hóa. Trong đó, mọi chính sách đưa ra phải thực hiện nhất quán. Không được đẻ ra các giấy phép con;

Bộ Thông tin và Truyền thông thúc đẩy các biện pháp công nghệ trong phòng, chống dịch;

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đôn đốc giải pháp hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp. Có thể mở rộng đối tượng, quy mô trong điều kiện cho phép;

Bộ Công Thương nhanh chóng kết nối tiêu thụ hàng hóa;

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bảo đảm đầy đủ hàng hóa lương thực, nguyên liệu phục vụ sản xuất và dân sinh.

Tin tưởng cộng đồng doanh nghiệp vượt qua thử thách với "tâm, tài, trí, tín"

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch linh hoạt, bảo đảm cho doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh. Hạn chế tối đa thanh kiểm tra doanh nghiệp trong thời kỳ dịch bệnh;

Các tổ chức, Hiệp hội doanh nghiệp phát huy, chia sẻ với doanh nghiệp cùng nhau vượt qua khó khăn; Các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng quản trị, chất lượng hoạt động và khả năng chống chọi với cú sốc cả bên trong và bên ngoài để phát triển bền vững, cùng với đất nước vượt qua khó khăn.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tới các địa phương. Ảnh Nhật Bắc
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tới các địa phương. Ảnh Nhật Bắc

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ luôn thể hiện tinh thần đổi mới, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp; nói đi đôi với làm, chú trọng hiệu quả, không phô trương hình thức; xem doanh nghiệp và người dân là chủ thể để phục vụ...

Đây là thử thách rất lớn nhưng Thủ tướng tin tưởng cộng đồng doanh nghiệp sẽ vượt qua thử thách này với 4 yếu tố "tâm, tài, trí, tín".

"Kinh tế có thể khó khăn nhưng niềm tin trong xã hội sẽ được củng cố. Mỗi địa phương, nhà máy là pháo đài chống dịch; mỗi người dân, công nhân là chiến sĩ xung kích trên mặt trận chống dịch, đất nước ta sẽ chiến thắng đại dịch, vượt qua khó khăn và phát triển bền vững" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Laodong.vn