Sở Công thương Hà Nội tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trên địa bàn Thành phố

Ngày đăng : 16:35, 20/07/2021

(Kiemsat.vn) - Trước tình trạng nhiều người vẫn dễ dàng bị “sập bẫy” loại hình biến tướng của kinh doanh đa cấp, Sở Công thương Hà Nội cùng các cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện hàng loạt các biện pháp mạnh mẽ và đồng bộ trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trên địa bàn TP Hà Nội nhằm mục tiêu nâng cao toàn diện hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đảm bảo môi trường hoạt động cho các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp hợp pháp.

Về tổng thể, đến nay hoạt động bán hàng đa cấp (BHĐC) đã và đang từng bước ổn định, không còn các vụ việc có hậu quả nghiêm trọng, doanh thu ngành tăng đều và các doanh nghiệp đã có những đóng góp nhất định vào ngân sách của Nhà nước.

Theo Sở Công thương Hà Nội, đến hết ngày 31/12/2020, trên địa bàn Hà Nội còn 18 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh BHĐC, giảm 18,18% so với thời điểm cuối năm 2019 do hết hạn hiệu lực hoặc bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC. Các doanh nghiệp này chủ yếu kinh doanh các mặt hàng thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ gia dụng,… trong đó thực phẩm chức năng là mặt hàng có số lượng doanh nghiệp tham gia kinh doanh nhiều nhất, với trên 80% số doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh đa cấp.

Bên cạnh đó, số lượng người tham gia BHĐC tại địa bàn Hà Nội năm 2020 là 102.873 người, tăng 89% so với năm 2019 (năm 2019 tại địa bàn Hà Nội có 54.500 người tham gia BHĐC), giảm 35% so với năm 2018 (năm 2018 tại địa bàn Hà Nội có 158.691 người tham gia BHĐC).

Do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường trên thế giới và Việt Nam, Sở Công thương Hà Nội đã tăng cường chỉ đạo, giám sát doanh nghiệp BHĐC trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND TP. Hà Nội về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và đề nghị các doanh nghiệp BHĐC trên địa bàn tạm dừng các hội nghị, hội thảo, đào tạo, không tập trung đông người, xem xét chuyển sang hình thức trực tuyến. Do đó, số lượng hồ sơ thông báo tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo về BHĐC của các doanh nghiệp thông báo đến Sở Công Thương Hà Nội năm 2020 giảm nhiều so với năm 2019.

Theo ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thời gian gần đây, do thắt chặt công tác cấp giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp và sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử, hoạt động kinh doanh đa cấp không phép và kinh doanh dịch vụ sử dụng mô hình trả thưởng đa cấp như đầu tư tài chính, tiền ảo, dịch vụ giáo dục, đào tạo,… có xu hướng phát triển nhanh chóng, thu hút người dân ở mọi lứa tuổi tham gia. Trên các phương tiện truyền thông đang phản ánh về hiện tượng sử dụng mô hình kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép như: Mô hình cashback, App Myaladdinz; Tập đoàn Thời gian vàng (Gold Time hay Gold Time Coffee - GTC); Edunetwork;… Đến nay, các mô hình trên chưa được Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

Sở Công thương Hà Nội cảnh báo người dân nên tìm hiểu kỹ thông tin, cân nhắc không tham gia hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép (nếu được chào mời) vì không có cơ sở để bảo vệ quyền lợi khi gặp thiệt hại. Cùng với đó, Sở Công thương Hà Nội cũng đã phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước liên quan trên địa bàn Thành phố tăng cường thông tin, tuyên truyền về pháp luật liên quan đến bán hàng đa cấp thông qua các hình thức: Hội nghị, hội thảo, tập huấn, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Thành phố và trang web của các Sở, ngành, các báo, đài,… nhằm phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, cảnh báo về các dấu hiệu kinh doanh đa cấp không phép, đa cấp trá hình, qua đó giúp nâng cao nhận thức của người dân và hạn chế nguy cơ người dân tham gia vào các hệ thống này.

Mặt khác, Sở Công thương Hà Nội đã tăng cường công tác phối hợp trong quản lý hoạt động BHĐC. Cử 01 cán bộ tham gia Đoàn thanh tra về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công Thương đối với Công ty CP liên kết Việt Nam. Các Sở, ngành, quận, huyện đã thường xuyên chủ động trong công tác phối hợp quản lý hoạt động BHĐC trên địa bàn Thành phố đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật.

Không những vậy, Sở Công thương Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra nhằm đưa hoạt động BHĐC trên địa bàn minh bạch, lành mạnh. Trong năm 2020, Hà Nội tiếp tục thực hiện thanh tra chuyên ngành việc chấp hành các qui định của pháp luật về kinh doanh BHĐC đối với các doanh nghiệp BHĐC, đồng thời thực hiện việc thanh, kiểm tra đột xuất đối với doanh nghiệp BHĐC có dấu hiệu vi phạm nhằm phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã thường xuyên giám sát, kiểm tra đối với hoạt động BHĐC tại địa bàn; tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo về BHĐC của doanh nghiệp tổ chức tại địa bàn Hà Nội.

Tiếp nối những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Sở Công thương Hà Nội tiếp tục tăng cường sự phối hợp tích cực và đồng bộ của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp; Nâng cao toàn diện hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo môi trường hoạt động cho các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp hợp pháp, đồng thời ngăn ngừa và hạn chế tối đa các vi phạm, biểu hiện tiêu cực, các thiệt hại của người dân trước các hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép, bất chính.

Quốc Khánh