Những điểm nhấn của Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV

Ngày đăng : 14:17, 30/07/2021

(Kiemsat.vn) - Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV diễn ra trong hoàn cảnh dịch bệnh Covid 19 bùng phát mạnh, cả nước đang căng sức trên mặt trận chống dịch. Quốc hội đã quyết định rút ngắn Kỳ họp chỉ còn 9 ngày. Trong 9 ngày làm việc nỗ lực, khẩn trương, khách nhiệm và quyết tâm cao độ, Kỳ họp Quốc hội đã thành công tốt đẹp với nhiều điểm nhấn quan trọng.

Kiện toàn nhân sự lãnh đạo với sự đồng thuận cao

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã bầu, phê chuẩn 50 nhân sự lãnh đạo bộ máy Nhà nước, gồm đồng chí Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình và Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí...

Cơ cấu số lượng bộ ngành của Chính phủ nhiệm kỳ mới giữ nguyên như khóa trước, với 22 cơ quan; tuy nhiên, số lượng Phó Thủ tướng Chính phủ giảm từ 5 xuống 4. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1997, Chính phủ có số lượng Phó Thủ tướng ít nhất tính ở thời điểm đầu nhiệm kỳ. Bộ máy Cơ quan hành chính nhà nước có 27 chức danh.

Khối nhân sự Quốc hội được kiện toàn với 18 nhân sự, các chức danh lãnh đạo Quốc hội khóa XV mới gồm Chủ tịch, 4 Phó chủ tịch và 13 Ủy viên Thường vụ.

Trao quyền có thời hạn cho Chính phủ để chủ động trong phòng chống dịch Covid-19

Trên cơ sở chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư và sự đồng ý của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề xuất và phối hợp chặt chẽ với Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh chương trình, thảo luận và bổ sung vào Nghị quyết chung của Kỳ họp những biện pháp cấp bách áp dụng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và giới hạn trong một thời gian nhất định nhằm tạo cơ sở pháp lý, tăng tính chủ động cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các địa phương, kịp thời đáp ứng công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch, kể cả khi tình huống dịch bệnh phức tạp hơn có thể phát sinh trong thời gian tới.

Cụ thể, Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách trong chống dịch, như: Áp dụng biện pháp hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn cần thiết...

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng được tổ chức các lực lượng để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong vùng có dịch; biện pháp đặc biệt về thông tin liên lạc và các biện pháp khác có thể áp dụng trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan.

Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19: Áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong cấp phép, đăng ký lưu hành, sản xuất, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất và đầu tư cơ sở vật chất.

Việc mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh cũng được trao quyền cho Chính phủ, Thủ tướng, song phải giải pháp không để xảy ra tiêu cực, hạn chế tối đa lãng phí trong hoạt động này.

Trường hợp cần thiết phải ban hành quy định về phòng, chống dịch Covid-19 khác với quy định của luật, trong thời gian Quốc hội không họp, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn trước khi thực hiện.

Thống nhất triển khai dự án Luật đất đai (sửa đổi) theo quy trình 3 Kỳ họp

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định đây là một trong những nội dung trọng tâm của nhiệm kỳ để quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lực đất đai. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sau hơn 7 năm thực hiện, Luật Đất đai năm 2013 vẫn còn những hạn chế về mặt tổ chức thực thi pháp luật và còn một số nội dung phát sinh, chưa hợp lý, tính khả thi còn thấp, chưa phù hợp thực tiễn triển khai tại các địa phương. Đặc biệt, Luật còn một số mâu thuẫn, chồng chéo với các Luật khác liên quan như: Luật Đầu tư; Luật Doanh nghiệp; Luật Đấu thầu; Luật Nhà ở; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công...

Đất đai không những chưa trở thành nguồn lực lớn, chưa được sử dụng tốt để phát triển kinh tế - xã hội mà trong quá trình quản lý, sử dụng đã phát sinh nhiều tiêu cực, sai phạm ở nhiều địa phương… là nguyên phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp, kéo dài. Nhiều đại biểu Quốc hội mong muốn việc sửa đổi Luật Đất đai hiện nay càng được tiến hành sớm càng tốt để khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập trong thực tiễn và bảo đảm tốt hơn quyền sử dụng, quản lý tài sản, đất đai của công dân.

Tuy nhiên, đây là dự án luật lớn, có nhiều nội dung phức tạp, tác động sâu rộng nhiều mặt đến kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân nên Quốc hội cần có thời gian để chuẩn bị, xem xét, đánh giá một cách kỹ lưỡng, thận trọng. Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã thống nhất không ban hành ngay nghị quyết về đất đai, mà sẽ cho ý kiến Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 3, thứ 4 để thông qua vào Kỳ họp thứ 5 - năm 2023. Trường hợp dự án luật này đảm bảo chất lượng tốt, đạt đồng thuận cao sẽ báo cáo Quốc hội để thông qua vào Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).

Thành lập Ban Chỉ đạo chung cho cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia

Quốc hội đã thảo luận và Phê duyệt chủ trương đầu tư cho ba Chương trình mục tiêu quốc gia là: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Để đảm bảo sự thống nhất triển khai cả 3 Chương trình, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết thành lập Ban Chỉ đạo chung cho cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia ở cấp Trung ương và ở địa phương bảo đảm hạn chế sự chồng chéo, chồng lấn giữa 3 Chương trình.

Trong quá trình điều hành, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo rà soát, bảo đảm không để trùng lặp, bỏ sót nội dung, đối tượng hỗ trợ; có cơ chế lồng ghép chính sách, tích hợp nguồn lực giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm hiệu quả nguồn lực đầu tư; cân đối, bổ sung ngân sách trung ương để thực hiện tín dụng chính sách xã hội hỗ trợ giảm nghèo và có giải pháp huy động hợp lý các nguồn vốn ODA, vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, vốn xã hội hóa cho Chương trình; nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận của các cấp, các ngành và toàn xã hội về giảm nghèo bền vững, khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo của người dân, cộng đồng. Hằng năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Chương trình tại Kỳ họp cuối năm của Quốc hội. Năm 2025 tổng kết việc thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc tiếp tục thực hiện Chương trình giai đoạn 2026 - 2030.

Có thể nói, những điểm nhấn quan trọng của Kỳ họp thứ nhất đã góp phần tạo nên một Kỳ họp thành công trong một hoàn cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó khăn.

Phát biểu tại phiên bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định kỳ họp thứ nhất thành công là sự khởi đầu tốt đẹp cho nhiệm kỳ mới. Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ: Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, thấm nhuần các nhiệm vụ trọng tâm, những định hướng lớn, quan trọng trong bài phát biểu tại phiên khai mạc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thực hiện tốt chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, với tinh thần luôn đổi mới, luôn tự hoàn thiện, phát huy truyền thống vẻ vang 75 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành của cả hệ thống chính trị; sự chung sức, đồng lòng, tin tưởng và ủng hộ của Nhân dân và cử tri cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, Quốc hội Khóa XV chắc chắn sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng và Nhân dân giao phó./.

 

 

 

 

 

 

 

 

Minh Tú