Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch Covid-19

Ngày đăng : 11:01, 25/07/2021

(Kiemsat.vn) - Ngày 25/7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận tại hội trường về đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Phát biểu khai mạc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, tránh trùng lặp. Trong quá trình thảo luận, Đoàn Chủ tịch sẽ đề nghị các cơ quan của Chính phủ giải trình những vấn đề mà ĐBQH quan tâm.

Cần quan tâm nhiều hơn nữa đến các giải pháp hỗ trợ người lao động

Phát biểu trước Quốc hội, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Đoàn Hà Nội) cho rằng, khi con người là trung tâm sẽ tạo được xung lực tích cực mới để kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, theo Đại biểu, trong giai đoạn và bối cảnh này cần quan tâm nhiều hơn nữa đến các giải pháp hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, đảm bảo kịp thời.

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Đoàn ĐBQH Hà Nội)

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cũng bày tỏ sự tán thành với các phương án, nhiệm vụ và 8 giải pháp mà Chính phủ đề ra cho 6 tháng cuối năm và tin tưởng chúng ta sẽ đạt được mục tiêu kép đã đề ra. Để đạt được những chỉ tiêu đã đặt ra cho cả năm 2021, theo ĐBQH, trước hết cần đánh giá bối cảnh thực hiện. Đó là Việt Nam đang là quốc gia có nền kinh tế với độ mở cao, các động lực tăng trưởng đang được duy trì, thể hiện qua kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, Chính phủ đã và đang có nhiều động thái tích cực trong kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với sự điều hành chủ động linh hoạt, phối hợp chặt chẽ.

Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn ra trên toàn thế giới, đất nước ta tự hào là một trong những đất nước đã và đang kiểm soát dịch rất tốt dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự đồng tình, chung sức chung lòng của toàn dân với phương châm "Không để ai bị bỏ lại phía sau", ĐBQH đoàn Hà Nội nhấn mạnh.

Cần có kịch bản cụ thể cho hoạt động của các cơ quan Nhà nước

Khẳng định những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng qua rất đáng ghi nhận, đó là tăng trưởng GDP 6 đạt 5,64%, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, an ninh thị trường tiền tệ, tín dụng được giữ vững, nhưng ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình) cho rằng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2021 và kế hoạch 2021 - 2025 sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Cụ thể là kinh tế - xã hội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn lớn, thiên tai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, đặc biệt dịch bệnh Covid-19 kéo dài…

ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (Đoàn ĐBQH Quảng Bình)

Theo Đại biểu, Quốc hội và Chính phủ cần quan tâm những vấn đề: Dịch bệnh có thể kéo dài, chưa có dấu hiệu dừng lại nên cần có chiến lược lâu dài, cần có chiến lược sống chung với dịch bệnh, sớm đưa tình trạng bình thường mới trở lại, cần có kịch bản cụ thể cho hoạt động của cơ quan nhà nước….

Với sản xuất kinh doanh, bên cạnh hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp để không đứt gãy chuỗi sản xuất rất cần đảm bảo quyền của người lao động trong khu công nghiệp bị cách ly; về nguồn lực phòng, chống dịch bệnh, cần bảo đảm nguồn lực lâu dài trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn khó khăn, cần huy động nguồn đóng góp của doanh nghiệp, xã hội; ngoài ra, các cơ quan nhà nước cần tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống pháp luật để phục vụ phòng chống dịch bệnh Covid-19 vì một số văn bản, quy định trong phòng chống bệnh truyền nhiễm đã lạc hậu, rất cần thay đổi để phù hợp với thời điểm hiện tại…

Đề xuất Quốc hội tạo cơ sở pháp lý cho Chính phủ áp dụng một số biện pháp đặc biệt

ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đoàn Đắk Nông) cho rằng, điều quan trọng là phải tiếp tục quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, trong đó việc ứng phó, ngăn chặn, kiểm soát thành công dịch Covid-19, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là yếu tố quan trọng, có vai trò quyết định tới sự ổn định và phục hồi kinh tế. Để thực hiện thành công mục tiêu này, cả hệ thống chính trị, nhân dân, cử tri cả nước cần đồng hành, đồng lòng, chung tay. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa, trong đó có thể có những biện pháp chưa có quy định của luật hiện hành hoặc khác với quy định của luật hiện hành để có cơ sở pháp lý tạo thế chủ động, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…

ĐBQH Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) tán thành với việc Quốc hội cần xem xét, quyết định, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tạo cơ sở pháp lý cho Chính phủ áp dụng một số biện pháp đặc biệt chưa từng quy định trong luật để công tác phòng chống dịch bệnh hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, Đại biểu đoàn Kon Tum cho rằng, đối với công tác xây dựng thể chế nhằm cụ thể hóa đường lối của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng cần xác định rõ vấn đề và coi đó là một trong những đột phá chiến lược, tổ chức thực hiện có hiệu quả. Trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ đã kiện toàn bộ máy, ban hành nhiều Nghị định và văn bản quy phạm pháp luật, đơn giản hóa hàng nghìn thủ tục sản xuất kinh doanh đã tạo khung pháp lý thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc xây dựng cải cách thủ tục hành chính vẫn tồn tại nội dung trùng lắp, thủ tục hành chính vẫn còn yếu tố phiền hà, gây khó dễ, diện mạo quy mô nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có lúc chưa thật đồng bộ. Bởi vậy, quan điểm khi làm luật phải hướng vào cải cách thể chế và quan điểm Chính phủ cần tập trung vào cải cách thể chế; đây cũng là yếu tố quyết định cho việc hoàn thành kế hoạch phát triển 5 năm tới.

Quốc hội dành 01 ngày thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch Covid-19

Theo Nghị trình, hôm nay, 25/7, Quốc hội sẽ dành 01 ngày thảo luận tại hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Cuối ngày làm việc, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022.

Minh Tú