Những vấn đề cần lưu ý khi kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá năm 2021

Ngày đăng : 17:56, 23/07/2021

(Kiemsat.vn) - Ngày 30/6/2021, Chủ tịch nước ban hành Quyết định số 1161/2021/QĐ-CTN về đặc xá năm 2021 nhân dịp Quốc khánh 02/9. Từ khi Luật đặc xá năm 2018 có hiệu lực đến nay, đây là lần đầu tiên Chủ tịch nước thực hiện đặc xá tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, người bị kết án tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn và người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước.

Sáng 02/7/2021, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Quyết định về đặc xá năm 2021 của Chủ tịch nước cho các phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù và những phạm nhân đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù có điều kiện được đặc xá theo quy định của pháp luật nhân kỷ niệm 76 năm ngày Quốc khánh 2-9.

Đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, người bị kết án tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt.

Theo quy định của Luật đặc xá năm 2018, trong công tác đặc xá, Viện kiểm sát có trách nhiệm thực hiện các hoạt động kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá, tham gia Tổ thẩm định liên ngành, tham gia Tổ giúp việc cho Thành viên Hội đồng tư vấn đặc xá và kiểm sát thực hiện quyết định đặc xá. Như vậy, có 02 hoạt động sẽ do Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao trực tiếp thực hiện là: Tham gia Tổ thẩm định liên ngành, tham gia Tổ giúp việc cho Thành viên Hội đồng tư vấn đặc xá; hoạt động kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá và kiểm sát thực hiện quyết định đặc xá do Viện kiểm sát các cấp có trách nhiệm thực hiện.

Để thống nhất nhận thức nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác đặc xá năm 2021, toàn ngành cần xác định rõ hơn trách nhiệm của mình trong công tác đặc xá, bởi lẽ, VKSND là một trong các bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ thực hiện Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá. Trong công tác đặc xá, VKSND giữ vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính thống nhất, công bằng, nghiêm minh của pháp luật nhằm phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Hoạt động kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá của Viện kiểm sát bảo đảm việc thực hiện trình tự, thủ tục lập hồ sơ đề nghị đặc xá đối với người đang chấp hành án phạt tù của trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh, trại tạm giam cấp quân khu, cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh; trình tự lập hồ sơ, đề nghị đặc xá đối với người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu, được thực hiện đúng quy định của Luật đặc xá năm 2018 và những văn bản hướng dẫn. Theo đó, VKSND là cơ quan duy nhất được giao trách nhiệm kiểm sát trong công tác đặc xá (kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá và kiểm sát thực hiện quyết định đặc xá). Trong hoạt động kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá, Viện kiểm sát là cơ quan duy nhất thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị đặc xá cho đối tượng bị kết án nếu họ có đủ điều kiện được đặc xá; đồng thời kiến nghị đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân để yêu cầu chấm dứt, khắc phục vi phạm trong lập hồ sơ đề nghị đặc xá.

Khi thực hiện hoạt động kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá, Kiểm sát viên cần nắm vững những nội dung sau:

1. Căn cứ pháp lý, đối tượng, trách nhiệm, thẩm quyền, phương thức kiểm sát và nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi tiến hành kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá

- Về căn cứ pháp lý tiến hành kiểm sát: Được quy định tại Điều 30, Điều 37 Luật đặc xá năm 2018 và Điều 21 Quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự ban hành kèm theo Quyết định số 501/QĐ-VKSTC ngày 12/12/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao (Quy chế số 501).

- Về đối tượng của hoạt động kiểm sát: Là việc tuân theo pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền thuộc trại giam, trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan Thi hành án hình sự cấp quân khu, Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án quân sự cấp quân khu trong việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá.

- Về trách nhiệm, thẩm quyền của VKSND trong kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá: Được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật đặc xá năm 2018, thẩm quyền được xác định như sau: (1) Đối với VKSND tối cao: Trực tiếp kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá tại trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quy định tại khoản 1, các điểm a, b, d và đ khoản 2, khoản 4 Điều 15 Luật đặc xá năm 2018 khi xét thấy cần thiết; trực tiếp kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá tại trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh, trại tạm giam cấp quân khu, cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu thuộc thẩm quyền kiểm sát của VKSND cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu quy định tại khoản 2 Điều 30 Luật đặc xá năm 2018. (2) Đối với VKSND tỉnh: Kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá tại trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh, trại tạm giam cấp quân khu, cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu quy định tại khoản 1, các điểm c, d và đ khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 15 Luật đặc xá năm 2018. (3) Khi kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá theo thẩm quyền, VKSND thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị.

Với quy định như trên thì phạm vi, thẩm quyền kiểm sát của VKSND tối cao rất lớn, trong khi đặc xá là nhiệm vụ mang ý nghĩa chính trị - pháp luật cao, diễn ra trong thời gian ngắn, đòi hỏi đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công bằng, khách quan, công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Để bảo đảm trách nhiệm của Viện kiểm sát các cấp trong kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá, theo yêu cầu của Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 18/6/2019 của Viện trưởng VKSND tối cao thì VKSND tối cao sẽ phân công nhiệm vụ đối với Viện kiểm sát các cấp như sau: (1) Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 8) sẽ trực tiếp kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá tại một số trại tạm giam và trại giam thuộc Bộ Công an. (2) Viện kiểm sát quân sự trung ương sẽ tiến hành trực tiếp kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá tại trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng. (3) Đối với VKSND cấp tỉnh, ngoài việc trực tiếp kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá tại trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh, cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp tỉnh theo thẩm quyền thì còn phải trực tiếp kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá tại trại giam thuộc Bộ Công an đóng trên địa bàn theo phân công của VKSND tối cao.

- Về thời điểm Viện kiểm sát có thẩm quyền tiến hành kiểm sát: Là sau khi nhận được “Thông báo bằng văn bản” của Giám thị trại giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Thủ trưởng cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Thủ trưởng cơ quan Thi hành án hình sự cấp quân khu, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu về kết quả lập danh sách, hồ sơ của người được đề nghị đặc xá, theo quy định tại khoản 5 Điều 15 Luật đặc xá năm 2018 và trước khi Tổ thẩm định liên ngành tiến hành thẩm định danh sách, hồ sơ của người được đề nghị đặc xá tại đơn vị được kiểm sát.

- Về phương thức kiểm sát: Viện kiểm sát có thể lựa chọn một trong hai phương thức kiểm sát là trực tiếp kiểm sát hoặc kiểm sát thông qua văn bản thông báo về kết quả lập danh sách, hồ sơ của người được đề nghị đặc xá.

+ Về kiểm sát thông qua văn bản Thông báo, chỉ thực hiện trong trường hợp đơn vị không có điều kiện để trực tiếp kiểm sát như do tình hình dịch bệnh, yêu cầu phòng chống Covid 19 hoặc yêu cầu khác thì thực hiện phương thức này. Trong đó lưu ý, kiểm sát chặt chẽ về thời hạn gửi văn bản thông báo (căn cứ để tính thời hạn gửi văn bản thông báo là thời gian ghi trên tiêu đề của văn bản hoặc dấu bưu điện trên bì gửi văn bản hoặc ngày các cơ quan trên fax đến Viện kiểm sát); hình thức văn bản thông báo; nghiên cứu nội dung thông báo về kết quả lập danh sách, hồ sơ để đánh giá kết quả công tác triển khai quyết định về đặc xá của cơ quan có thẩm quyền. Khi tiến hành kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải lập phiếu kiểm sát và thể hiện quan điểm đối với việc nghiên cứu, trường hợp phát hiện vi phạm thì tham mưu cho lãnh đạo Viện kiểm sát ban hành văn bản kiến nghị yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền chấm dứt vi phạm, có biện pháp khắc phục và xử lý người vi phạm.

+ Về trực tiếp kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá, được thực hiện theo quy định của Luật đặc xá năm 2018 và hướng dẫn, yêu cầu, quy định của Viện trưởng VKSND tối cao. Trình tự, thủ tục khi tiến hành kiểm sát được thực hiện như đối với hoạt động trực tiếp kiểm sát nêu tại Điều 41 Quy chế số 501. Mẫu Quyết định, Kế hoạch, Kết luận trực tiếp kiểm sát được thực hiện theo hướng dẫn của VKSND tối cao. Do thời gian đặc xá năm nay ngắn, nên Quyết định, Kế hoạch phải được gửi trước cho cơ quan, đơn vị được kiểm sát trước khi tiến hành kiểm sát để phục vụ công tác chuẩn bị. Kế hoạch kiểm sát phải cụ thể, chi tiết về nội dung, nêu rõ trọng điểm cần quan tâm khi tiến hành kiểm sát và thời gian kiểm sát; những yêu cầu của Đoàn kiểm sát.

Kiểm sát viên cần lưu ý, nội dung quan trọng nhất của kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá là kiểm sát quy trình rà soát, lập danh sách, hồ sơ đề nghị đặc xá của cơ quan, người có thẩm quyền đối với người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, người bị kết án phạt tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn, người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù có đủ các điều kiện theo quy định của Luật đặc xá năm 2018 và Quyết định về đặc xá của Chủ tịch nước phải được xem xét, lập hồ sơ đề nghị đặc xá.

Khi tiến hành kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải trực tiếp nghiên cứu từng hồ sơ phạm nhân, người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, đối chiếu với điều kiện được đề nghị đặc xá và những trường hợp có đủ điều kiện nhưng không được đề nghị đặc xá để xem xét. Việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá, bảo đảm đầy đủ tài liệu theo quy định tại Điều 14 Luật đặc xá năm 2018, được hướng dẫn tại Điều 5 Nghị định số 52/2019/NĐ-CP ngày 14/6/2019 của Chính phủ; điểm 1 Mục IV Hướng dẫn số 63/HD-HĐTVĐX ngày 07/7/2021 của Hội đồng tư vấn đặc xá. Trường hợp đủ điều kiện đề nghị đặc xá nhưng không được xem xét thì yêu cầu Chủ tịch Hội đồng xét đề nghị đặc xá hoặc Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh bổ sung hồ sơ, danh sách để Tổ thẩm định liên ngành xem xét, hoặc phát hiện trường hợp không đủ điều kiện đề nghị đặc xá nhưng vẫn đề nghị thì để bảo đảm tính thận trọng cần đề nghị người có thẩm quyền xem xét lại việc lập hồ sơ, danh sách đề nghị, đồng thời báo cáo ngay về Vụ 8 VKSND tối cao để chỉ đạo Kiểm sát viên là thành viên tham gia Tổ thẩm định liên ngành kiểm tra, xem xét.

- Về nhiệm vụ, quyền hạn: Khi tiến hành kiểm sát, Viện kiểm sát cần căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND được quy định tại Luật tổ chức VKSND năm 2014 để thực hiện trách nhiệm như yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu, kiểm sát hồ sơ, gặp hỏi người chấp hành án phạt tù; yêu cầu người có liên quan giải trình và tiến hành xác minh… Trách nhiệm của VKSND trong công tác đặc xá,được quy định tại Điều 30 và Điều 37 Luật đặc xá năm 2018.

Về thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị của Viện kiểm sát, khi kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá được quy định tại Điều 30 Luật đặc xá. Quyền yêu cầu được thực hiện khi phát hiện còn trường hợp có đủ điều kiện, tiêu chuẩn nhưng cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ không lập danh sách, hồ sơ đề nghị đặc xá cho họ thì Viện kiểm sát yêu cầu cơ quan này lập hồ sơ, đưa họ vào danh sách đặc xá, đồng thời tổng hợp ngay tình hình báo cáo về VKSND tối cao (Vụ 8) để chỉ đạo. Quyền kiến nghị được thực hiện trong trường hợp phát hiện vi phạm, sơ hở, thiếu sót hoặc nguyên nhân, điều kiện có thể dẫn đến vi phạm pháp luật trong hoạt động quản lý thì Viện kiểm sát kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan khắc phục và áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm.

Luật đặc xá năm 2018 không quy định quyền kháng nghị của Viện kiểm sát, tuy nhiên, qua kiểm sát nếu phát hiện vi phạm nghiêm trọng trong việc thực hiện chế độ đối với người được đặc xá của trại giam, trại trại tạm giam, nhà tạm giữ như cấp tiền tàu xe về quê, tiền tái hòa nhập cộng đồng, trả lại tài sản lưu ký..., Viện kiểm sát lập biên bản vi phạm và căn cứ các quy định của pháp luật về thi hành án hình sự để kháng nghị yêu cầu cơ quan Thi hành án hình sự cùng cấp, cấp dưới, cơ quan, tổ chức được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự trong việc thi hành án hình sự và cá nhân có liên quan; yêu cầu đình chỉ việc thi hành, sửa đổi hoặc bãi bỏ quyết định có vi phạm pháp luật trong việc thi hành án hình sự; chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật.

Về kiểm sát việc giải quyết khiếu nại của Viện kiểm sát được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 30 và Điều 37 Luật đặc xá năm 2018. Theo đó, Viện kiểm sát đã thực hiện kiểm sát việc lập hồ sơ, danh sách người đủ điều kiện được đề nghị đặc xá có thẩm quyền kiểm sát việc giải quyết khiếu nại về việc lập danh sách người đủ điều kiện được đề nghị đặc xá, hoạt động kiểm sát nhằm bảo đảm thời hạn khiếu nại theo khoản 3 Điều 36 Luật đặc xá năm 2018; thẩm quyền và thời hạn giải quyết theo khoản 1 Điều 37 Luật đặc xá năm 2018; thủ tục và kiểm sát việc gửi quyết định giải quyết khiếu nại theo quy định.

Để bảo đảm hiệu quả hoạt động kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên xây dựng kỹ năng vận dụng thành thạo các quy định của pháp luật về việc xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và nội dung, phương thức kiểm sát của Viện kiểm sát trong các hoạt động kiểm sát trong từng lĩnh vực chuyên biệt, từng giai đoạn cụ thể như trong hoạt động kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá để kiểm tra, hướng dẫn, nghiên cứu, để bảo đảm đặc xá đúng đối tượng, đảm bảo tính khách quan, chặt chẽ, công bằng và chính xác; bảo đảm tính nhân văn, nhân đạo, góp phần bảo đảm mục đích giáo dục, cải tạo người phạm tội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội; bảo đảm phục vụ tốt nhiệm vụ đối ngoại của Nhà nước trong quá trình hội nhập và phát triển.

2. Điều kiện, tiêu chuẩn những người được lập hồ sơ đề nghị đặc xá; hồ sơ đề nghị đặc xá và trình tự, thủ tục lập hồ sơ, danh sách người có đủ điều kiện đề nghị đặc xá năm 2021

Về các điều kiện của những người được lập hồ sơ đề nghị đặc xá được quy định tại Điều 3 Quyết định số 1161/2021/QĐ-CTN ngày 30/6/2021 của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2021 và Mục II của Hướng dẫn số 63/HD- HĐTVĐX ngày 07/7/2021 của Hội đồng tư vấn đặc xá. Bên cạnh đó, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên cũng cần phải nắm chắc về các trường hợp không được đề nghị đặc xá quy định tại Điều 4 Quyết định số 1161/2021/QĐ-CTN nêu trên và Mục III của Hướng dẫn số 63/HD- HĐTVĐX ngày 07/7/2021 của Hội đồng tư vấn đặc xá. Đối với hồ sơ đề nghị đặc xá, bảo đảm đầy đủ tài liệu theo quy định tại Điều 14 Luật đặc xá năm 2018 được hướng dẫn tại Điều 5 Nghị định số 52/2019/NĐ-CP ngày 14/6/2019 của Chính phủ, điểm 1 Mục IV Hướng dẫn số 63/HD-HĐTVĐX ngày 07/7/2021 của Hội đồng tư vấn đặc xá.

Về trình tự, thủ tục lập hồ sơ, danh sách người có đủ điều kiện đề nghị đặc xá theo quy định tại Điều 15 Luật đặc xá  năm 2018 được hướng dẫn tại Điều 7 Nghị định số 52/2019/NĐ-CP ngày 14/6/2019 của Chính phủ, điểm 2 Mục IV Hướng dẫn số 63/HD-HĐTVĐX ngày 07/7/2021 của Hội đồng tư vấn đặc xá.

3. Tăng cường công tác phối hợp để thực hiện tốt nhiệm vụ đặc xá

Yêu cầu tăng cường công tác phối hợp trong nội bộ ngành Kiểm sát nhân dân, giữa Viện kiểm sát và đơn vị có thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị đặc xá, giữa Viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm sát lập hồ sơ đề nghị đặc xá với Tổ thẩm định liên ngành là hết sức quan trọng, cần thiết nhằm thực hiện có hiệu quả hoạt động kiểm sát, tránh việc sót, lọt trường hợp đủ điều kiện tiêu chuẩn nhưng không được đề nghị đặc xá, kịp thời phát hiện, loại trừ vi phạm pháp luật.

Tăng cường mối quan hệ phối hợp trong nội bộ ngành Kiểm sát nhân dân bao gồm mối quan hệ giữa Viện kiểm sát cấp trên và Viện kiểm sát cấp dưới, cụ thể là mối quan hệ giữa VKSND tối cao với VKSND cấp tỉnh có thẩm quyền kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ kiểm sát, trao đổi thông tin liên quan đến đối tượng đặc xá; mối quan hệ giữa các đơn vị kiểm sát như đơn vị kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự với đơn vị kiểm sát thi hành án dân sự và đơn vị thực hành quyền công tố kiểm sát xét xử trong việc trao đổi, xác minh thông tin về điều kiện thi hành án dân sự, về các trường hợp được đề nghị đặc xá nhưng đang bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo hướng tăng nặng trách nhiệm hình sự hoặc bị điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật hình sự khác…

- Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Viện kiểm sát và đơn vị có thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị đặc xá, đây là mối quan hệ phối hợp và chế ước lẫn nhau, Viện kiểm sát phối hợp để nắm chắc tiến độ rà soát, lập hồ sơ đề nghị đặc xá; kịp thời tiếp nhận văn bản thông báo về kết quả lập danh sách và hồ sơ đề nghị đặc xá; thời gian Tổ thẩm định liên ngành tiến hành thẩm định, kết quả thẩm định, đặc biệt là phối hợp trong xử lý đối với các trường hợp có khó khăn, vướng mắc. Trên cơ sở những thông tin liên quan như trên sẽ giúp lãnh đạo, Kiểm sát viên lựa chọn phương thức kiểm sát phù hợp, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong công tác.

- Thường xuyên giữ mối liên hệ trực tiếp giữa Viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá với Kiểm sát viên được cử tham gia Tổ thẩm định liên ngành để trao đổi thông tin về đặc xá, về kết quả kiểm sát lập hồ sơ đề nghị đặc xá, kịp thời cung cấp thông tin, tài liệu về trường hợp không đủ điều kiện đặc xá nhưng cơ quan có thẩm quyền lập danh sách, hồ sơ đề nghị hoặc trường hợp đủ điều kiện đặc xá nhưng cơ quan có thẩm quyền không lập danh sách, hồ sơ người có đủ điều kiện đề nghị đặc xá báo cáo Tổ thẩm định liên ngành, để có biện pháp phối hợp kiểm tra, xử lý.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp cần chú trọng bố trí những công chức có chức danh pháp lý cao, có năng lực, kinh nghiệm, trách nhiệm để thực hiện hoạt động kiểm sát.

Thực tế ở một số Viện kiểm sát địa phương hiện nay, số lượng Kiểm sát viên, Kiểm tra viên kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự không nhiều, do vậy cần thiết phải trưng dụng Kiểm sát viên, Kiểm tra viên trước đây đã từng công tác tại đơn vị kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự, đã từng tham gia công tác đặc xá, hiện đang công tác tại bộ phận nghiệp vụ khác để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ.

Ngoài ra, cần bảo đảm điều kiện về phương tiện kỹ thuật, kinh phí; thực hiện nghiêm túc, kịp thời chế độ thông tin báo cáo để thực hiện tốt công tác kiểm sát lập hồ sơ đề nghị đặc xá năm 2021.

(Nguồn: Tạp chí Kiểm sát - Số 14/2021)

Lương Minh Thống - Bùi Trung Thành