Hội thảo liên ngành góp ý Dự thảo Bộ chỉ tiêu, Biểu mẫu và Hướng dẫn biểu mẫu thống kê người dưới 18 tuổi phạm tội trong ngành KSND
Ngày đăng : 15:46, 15/07/2021
Toàn cảnh Hội thảo |
Sáng ngày 15/7/2021, tại trụ sở VKSND tối cao đã diễn ra Hội thảo liên ngành góp ý Dự thảo Bộ chỉ tiêu, Biểu mẫu và Hướng dẫn biểu mẫu thống kê người dưới 18 tuổi phạm tội trong ngành KSND. Đồng chí Nguyễn Như Hùng, Cục trưởng Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin (Cục 2) chủ trì Hội thảo; tham dự Hội thảo còn có chuyên gia Trần Văn Trung, nguyên Cục trưởng Cục 2; các Phó Cục trưởng Cục 2, các cán bộ, công chức các phòng liên quan; đại diện Vụ Tổng hợp TAND tối cao và đại diện Văn phòng Bộ Công an (V01).
Báo cáo tổng kết tình hình thực hiện Thông tư liên tịch số 02/2013 ngày 04/02/2013 về việc quản lý, cung cấp, sử dụng số liệu về người chưa thành niên phạm tội trong ngành KSND khẳng định: Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo VKSDN tối cao, trong gần 9 năm thực hiện, việc thu thập, quản lý và sử dụng số liệu thống kê người chưa thành niên phạm tội của ngành KSND đã đạt được những kết quả quan trọng; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong xây dựng, hoàn thiện, hoạch định chính sách pháp luật hình sự, tố tụng hình sự; chính sách đấu tranh phòng chống người chưa thành niên phạm tội cũng như chính sách bảo vệ người chưa thành niên trong đấu tranh, chống người chưa thành niên phạm tội... có hiệu quả.
Việc chú trọng, phát huy ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động công tác thống kê tội phạm nói chung, trong đó có thống kê người chưa thành niên phạm tội nói riêng đã phục vụ hiệu quả cho Lãnh đạo VKSND các cấp trong công tác quản lý chỉ đạo điều hành; kết quả số liệu ngành KSND đã thu thập, thống kê được là cơ sở để phân tích, đánh giá tình hình, thực trạng người chưa thành niên phạm tội, làm căn cứ cho Đảng, Nhà nước trong xây dựng và hoàn thiện các chính sách pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, nhất là chính sách đấu tranh, phòng chống người chưa thành niên phạm tội và các chính sách bảo vệ, giúp đỡ người chưa thành niên sửa chữa sai lầm và trở thành công dân có ích cho xã hội...
Báo cáo cũng cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thu thập, quản lý và sử dụng số liệu thống kê người chưa thành niên phạm tội của ngành KSND vẫn còn có một số hạn chế nhất định; như việc mới chỉ tập trung vào việc thu thập, thống kê, phân tích số liệu về người chưa thành niên phạm tội trong giai đoạn điều tra và truy tố, chưa thu thập, thống kê được tốt những tiêu chí làm cơ sở để đánh giá chuyên sâu về điều kiện, nguyên nhân dân đến người chưa thành niên phạm tội dẫn đến không có đủ cơ sở dữ liệu, thông tin để đánh giá toàn cảnh về người chưa thành niên phạm tội trên thực tế. Ngoài ra, việc thu thập, thống kê, quản lý, phân tích số liệu... về người chưa thành niên vi phạm pháp luật của các bộ, ngành theo quy định của Thông tư liên tịch số 02/2013 ngày 04/02/2013 còn mang tính riêng rẽ, độc lập... mỗi bộ, ngành có một hệ thống, cách thức thu thập, quản lý riêng; chưa quy định cụ thể cơ chế điều phối, quản lý, nhất là cơ chế chia sẻ thông tin, số liệu thống kê về người chưa thành niên bị xử lý hình sự nói chung và người chưa thành niên bị xét xử sơ thẩm nói riêng...
Trên cơ sở kết quả tổng kết tình hình thực hiện Thông tư liên tịch số 02/2013 ngày 04/02/2013 của ngành KSND, ý kiến tham luận của đại diện các đơn vị tham gia, VKSND tối cao đề xuất chỉnh lý, sửa đổi Bộ chỉ tiêu, Biểu mẫu, Hướng dẫn biểu mẫu thống kê người dưới 18 tuổi phạm tội ban hành theo Quyết định số 203/QĐ-VKSTC ngày 17/5/2013 của Viện trưởng VKSND tối cao; đồng thời kiến nghị với lãnh đạo của bộ, ngành Trung ương (BLĐTB&XH, BCA, TANDTC, VKSNDTC) tiến hành tổng kết việc thực hiện Thông tư liên tịch, trên cơ sở đó xem xét, sửa đổi Thông tư liên tịch theo hướng: Bổ sung Bộ Tư pháp với tư cách là cơ quan chịu trách nhiệm tham gia xây dựng và ký Thông tư liên tịch sửa đổi; quy định rõ cơ chế, trách nhiệm của cơ quan tổng hợp, quản lý thông tin, số liệu chung về người chưa thành niên vi phạm pháp luật (cả hình sự và hành chính) trên phạm vi toàn quốc trong việc chia sẻ, cung cấp số liệu cho các bộ, ngành để khai thác, sử dụng có hiệu quả đối với số liệu này...