Kinh nghiệm thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em
Ngày đăng : 08:58, 08/07/2021
Đặc điểm, tình hình tội phạm xâm hại tình dục trẻ em
Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em được quy định tại Chương XIV “Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người”, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 gồm 5 điều (142, 144, 145, 146, 147); trong đó, lưu ý trẻ em nam có thể trở thành nạn nhân của cả 05 tội danh (Điều 142, 144, 145, 146, 147) trong nhóm xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi.
Tại khoản 8 Điều 4 Luật trẻ em năm 2016 giải thích thuật ngữ xâm hại tình dục trẻ em là “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức khác nhau”. Trong thực tiễn, hình thức xâm hại phổ biến là bằng cách đụng chạm và không đụng chạm. Xâm hại tình dục trẻ em bằng cách đụng chạm bộc lộ qua một số hành vi như hôn hít hoặc ôm trẻ theo kiểu tình dục, sờ mó vào bộ phận sinh dục của trẻ hoặc bắt trẻ sờ mó vào bộ phận sinh dục của người lớn hoặc của một đứa trẻ lớn hơn, ép trẻ thực hiện hành vi mại dâm. Điều đáng quan ngại hơn đó là đối tượng thực hiện tội phạm này phần lớn có mối quan hệ ruột thịt, thân thích, quen biết với nạn nhân như cha ruột, cha dượng, cậu ruột, anh họ, hàng xóm, người quen của gia đình, bạn bè với nhau hoặc có mối quan hệ nam nữ yêu đương với người bị hại.
Luật trẻ em năm 2016 quy định rõ cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và các cá nhân có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em. Mặc dù vậy, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em trong những năm gần đây đã và đang diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn mới, hậu quả để lại cho gia đình và chính bản thân các em hết sức nặng nề, ảnh hưởng xấu đến đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em xảy ra chủ yếu ở khu vực nông thôn, vùng có đời sống kinh tế khó khăn, trình độ dân trí thấp, tập trung tại một số xã của các huyện miền núi, phổ biến ở 03 tội được quy định trong BLHS năm 2015: Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142); Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145); Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (Điều 146).
Nạn nhân của tội phạm xâm hại tình dục trẻ em thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau, nhưng tất cả đều có chung đặc điểm là ít có khả năng tự bảo vệ, chưa có đầy đủ khả năng nhận biết về những hành vi đồi bại xâm hại các em; phần lớn xuất thân từ gia đình có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, thiếu sự quan tâm chăm sóc, bảo vệ của người lớn. Trong số nạn nhân bị xâm hại có cả nạn nhân là trẻ em nam và người dân tộc thiểu số; nhiều em chỉ mới 4, 5 tuổi; có vụ án mặc dù nạn nhân đã nhiều lần nói lại sự việc cho mẹ ruột, ông, bà nghe nhưng do không tin lời trẻ và cũng vì thiếu sự quan tâm lắng nghe, dẫn đến trẻ tiếp tục bị xâm hại.
Một số khó khăn trong việc giải quyết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em
Một là, khó khăn xuất phát từ các quy định của pháp luật như: Bộ luật Hình sự năm 2015 đã thể hiện rõ nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự, cụ thể hóa ở mức tối đa các tình tiết định khung của từng tội phạm, cụ thể hóa một số khái niệm, song vẫn còn một số tình tiết định tội chưa được quy định rõ ràng, đầy đủ dẫn đến cách hiểu và áp dụng pháp luật còn nhiều vướng mắc. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Luật trẻ em năm 2016 có quy định trách nhiệm phối hợp của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân có trách nhiệm bảo đảm thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em; tuy nhiên quy định còn chung chung, chưa có chế tài ràng buộc và trách nhiệm pháp lý phải chịu nếu không thực hiện đầy đủ. Mặt khác, theo quy định của BLHS năm 2015 thì 03 tội danh thuộc loại án xâm hại tình dục trẻ em được quy định tại các điều 145, 146, 147 chỉ áp dụng cho đối tượng “đủ 18 tuổi trở lên”, nên nếu đối tượng phạm tội là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với các tội danh này; do vậy tính giáo dục, răn đe và ngăn ngừa tội phạm không cao.
Bên cạnh đó, theo quy trình giải quyết tin báo thì sau khi tiếp nhận tin báo về tội phạm, Cơ quan điều tra phải phân loại và tổ chức lấy lời khai ban đầu, xác minh, làm thủ tục giới thiệu đến cơ quan chuyên môn thăm khám, lấy mẫu, giám định,… quy trình này kéo dài trên dưới 1 tuần, có trường hợp lâu hơn. Trong khi đó, yêu cầu của việc thu thập mẫu tinh dịch, mẫu ADN để lại trên người và quần áo của nạn nhân hoặc ở hiện trường và giám định pháp y cần phải được tiến hành nhanh chóng, kịp thời bởi dấu vết sinh học trong một số vụ án xâm hại tình dục trẻ em rất mờ nhạt, nhất là ở các vụ dâm ô, nếu để qua một khoảng thời gian nhất định hoặc số tin báo tội phạm do Công an cấp xã tiếp nhận sau một thời gian tiến hành xác minh mới chuyển đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền thì chứng cứ vật chất sinh học đối với các vụ án này là không thể thu thập hoặc thu thập không đầy đủ; mặt khác nếu đối tượng không khai nhận thì việc điều tra xác minh, giải quyết vụ án sẽ gặp nhiều khó khăn.
Việc xử lý tội phạm xâm hại tình dục trẻ em có những đặc trưng riêng cần sớm được hướng dẫn thực hiện. Tuy nhiên, sau gần 02 năm thi hành BLHS năm 2015, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mới ban hành Nghị quyết số 06/2019 ngày 01/10/2019 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 liên quan đến xâm hại tình dục. Việc áp dụng pháp luật trong thời gian này bị vướng mắc, kéo dài thời hạn giải quyết, có vụ việc phải tạm đình chỉ đến nay chưa có căn cứ để phục hồi, nội dung hướng dẫn cũng chưa bao quát hết, vẫn còn một số điểm tùy nghi khi áp dụng.
Hai là, người bị hại hoặc gia đình của họ thường có tâm lý e ngại, lo sợ ảnh hưởng đến danh dự, cuộc sống gia đình, thuần phong mỹ tục mà giấu giếm bỏ qua, không trình báo với cơ quan có thẩm quyền, tự thỏa thuận với người có hành vi phạm tội, nên nhiều trường hợp gia đình biết trẻ em bị xâm hại tình dục nhưng đã lưỡng lự trong cách giải quyết dẫn đến khai báo muộn hoặc không biết cách thu giữ vật chứng cần thiết để giao nộp cho cơ quan chức năng; chính điều đó vô hình trung đã tạo điều kiện để người thực hiện hành vi phạm tội có đủ thời gian xóa hết dấu vết, khi cơ quan chức năng phát hiện thì thời gian xảy ra đã lâu. Mặt khác, sự hợp tác không chặt chẽ của người bị hại gây khó khăn không nhỏ cho công tác giám định, điều tra, truy tố, xét xử, ảnh hưởng đến kết quả giải quyết vụ án.
Trong một số vụ án, việc xác định tuổi của người bị hại gặp nhiều khó khăn, như: Người bị hại không có giấy khai sinh gốc hoặc có giấy khai sinh nhưng ngày, tháng, năm sinh không chính xác; cha, mẹ của người bị hại nhớ nhầm ngày sinh của người bị hại (ngày âm lịch, dương lịch), hoặc khai không đúng ngày sinh nên khi có mâu thuẫn việc thu thập chứng cứ thường gặp khó khăn do phần lớn phụ thuộc vào sự phối hợp cung cấp của cơ quan khác.
Ba là, người được phân công giải quyết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em phần lớn chưa được đào tạo, bồi dưỡng về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi; không có cán bộ chuyên sâu về lĩnh vực này, kinh nghiệm và kỹ năng điều tra thân thiện với trẻ em là nạn nhân còn hạn chế nên khi tiến hành lấy lời khai có thể khiến trẻ không biết trả lời, trả lời không chính xác hoặc thay đổi lời khai liên tục, không xác định được lời khai nào là đúng hoặc phủ nhận lời khai trước đó và một mực bảo vệ cho rằng đối tượng không thực hiện hành vi xâm hại tình dục đối với họ như trong hồ sơ vụ án đã thể hiện.
Một số kinh nghiệm thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết án xâm hại tình dục trẻ em
Để thực hiện đúng, đầy đủ quy định của BLHS, Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, góp phần thống nhất trong nhận thức, trang bị các kỹ năng cần thiết cho Kiểm sát viên (KSV) trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại tình dục trẻ em, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em trong hoạt động tố tụng hình sự, tác giả rút ra một số kinh nghiệm sau:
Thứ nhất, khi giải quyết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em, cơ quan tiến hành tố tụng cần phải làm rõ các đặc điểm riêng biệt như: Độ tuổi, đặc điểm tính cách của nạn nhân, hoàn cảnh gia đình; bởi lẽ, đây là các yếu tố quan trọng hàng đầu để nhận diện tội phạm và người bị xâm phạm. Mặt khác, xuất phát từ đặc thù của đối tượng bị xâm hại là trẻ em đang trong giai đoạn phát triển, chưa hoàn thiện về mặt sinh lý và tâm lý, các dấu vết của loại tội phạm này thường nhanh chóng bị mất mà yêu cầu đặt ra là phải thu thập nhanh chóng, kịp thời đúng trình tự quy định. Vì vậy, trong công tác giải quyết các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, KSV cần chủ động phối hợp chặt chẽ ngay từ khi tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm, kịp thời yêu cầu Cơ quan điều tra phối hợp với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý, bác sĩ chuyên khoa phụ sản, cán bộ đã được đào tạo chuyên môn về quản lý, chăm sóc, giáo dục trẻ em để xử lý thông tin ban đầu; kịp thời thu giữ dấu vết vật chất đặc biệt là lông, tóc, sợi, dịch, máu, quần áo, công cụ trong các vụ án xâm hại tình dục trẻ em; thăm khám, thu thập dấu vết, vật chứng có liên quan trên thân thể nạn nhân để tiến hành giám định pháp y trong thời gian nhanh nhất nhằm kết luận có hay không dấu hiệu xâm hại tình dục.
Thứ hai, đối với một số vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, khi xảy ra người bị hại và gia đình vì dư luận, định kiến xã hội, sợ ảnh hưởng đến tâm lý trẻ mà từ chối không hợp tác khai báo và không cung cấp thông tin liên quan, thậm chí tìm cách che giấu hành vi phạm tội cho chính đối tượng. Đối với những trường hợp này, Kiểm sát viên cần tìm cách gặp và tiếp cận với bị hại hoặc đại diện bị hại, tùy vào từng đối tượng mà có cách tiếp cận khác nhau như: Đối với người đồng bào dân tộc thiểu số thì có thể thông qua già làng, trưởng bản; đối với những gia đình có tôn giáo, tín ngưỡng riêng thì cần thông qua những người có chức sắc, có uy tín, có tầm ảnh hưởng đối với họ… để nhờ họ động viên, tác động phía gia đình và người bị hại hợp tác đưa tội ác của người phạm tội ra trừng trị trước pháp luật.
Trong trường hợp không mời được chuyên gia tâm lý hỗ trợ điều tra, xác minh thì bản thân cán bộ, KSV được phân công giải quyết khi tiếp cận trẻ em cần quan sát thái độ, cử chỉ, hành động của các em. Khi hỏi trẻ em cần hỏi những câu rõ ý để trẻ em trả lời đúng, sử dụng từ ngữ đơn giản, dễ hiểu mà ở nhà ông bà, bố mẹ hay dùng để trao đổi với trẻ. Chú ý những trẻ có những biểu hiện như: Nép và bám chặt vào cha mẹ, không dám nhìn người lạ, òa khóc khi gặp người lạ, trên người có dấu vết, khi lấy lời khai người nhà nạn nhân cần hỏi gia đình xem khi đêm ngủ các em có biểu hiện giật mình và tự nhiên khóc thét lên, ngại tắm, sợ cởi quần áo khi tắm, sợ bị người khác chạm vào người, không thích đến chỗ đông người, không thích ở một mình, thay đổi tính nết, tự nhiên có tiền hoặc quà, phát ngôn những từ mới, vẽ hình ảnh bất thường về tình dục, có hành vi tình dục không phù hợp, để có phương pháp tiếp cận trẻ phù hợp khi lấy lời khai của các em ngay từ những lần đầu tiên, tạo cho các em có cảm giác yên tâm, thân thiện mà tự bộc bạch, khai báo, giãi bày suy nghĩ, giúp cơ quan chức năng sớm nhận diện hành vi phạm tội của đối tượng.
Thứ ba, đối với trường hợp bị hại là những em có quan hệ tình cảm, yêu đương với đối tượng, đồng ý hoặc chủ động rủ rê, tạo điều kiện, gợi ý quan hệ tình dục trước, đến khi bị phát hiện do các em chưa nhận thức đầy đủ đã đồng tình hoặc chủ động trong quan hệ tình dục; khi người lớn phát hiện thường không động viên, nâng đỡ mà dùng bạo lực với các em, cộng với cảm giác mặc cảm, tội lỗi các em đã khai báo không đúng sự thật hoặc trường hợp khi trẻ em bị xâm hại nhưng do bị đe dọa nên sợ không dám nói ra sự thật… Trong những trường hợp này, KSV phải kịp thời nắm bắt diễn biến tâm lý các em, yêu cầu Điều tra viên có phương pháp, cách thức tiếp cận ghi lời khai thu thập chứng cứ cho phù hợp như: Chọn địa điểm lấy lời khai tại địa phương khác, địa điểm không nhất thiết phải là trụ sở cơ quan đơn vị theo quy định mà có thể ở nơi khác do bị hại, người liên quan, người làm chứng lựa chọn… nhằm tạo cảm giác thân thiện và đảm bảo bí mật cá nhân, thân thể để trẻ thấy được tôn trọng, được chia sẻ, được thấu hiểu, yên tâm trình bày nội dung sự việc một cách trung thực nhất.
Thứ tư, công tác khám nghiệm hiện trường đối với loại án này cũng hết sức quan trọng, đòi hỏi tính khẩn trương, kịp thời và nhanh chóng tỉ mỉ, toàn diện hơn các loại hiện trường khác, bởi chứng cứ vật chất phần lớn chỉ thu thập được tại hiện trường và chỉ thu thập được trong một thời gian nhất định. Đây là nguồn chứng cứ trực tiếp có giá trị chứng minh quan trọng để đánh giá lời khai của bị hại có căn cứ hay không, để làm căn cứ để đấu tranh với bị can, vì đây là những chứng cứ quan trọng để truy nguyên đối tượng. Do vậy, đối với loại án này, KSV và Điều tra viên cần có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời yêu cầu điều tra, yêu cầu các cơ quan chức năng có liên quan cùng phối hợp thu thập, ghi nhận dấu vết, vật chứng một cách đầy đủ nhất.
Thứ năm, liên ngành tư pháp cần chủ động xây dựng quy chế phối hợp đối với các cơ quan, đơn vị hữu quan, trong công tác giải quyết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em về nội dung phối hợp xác minh, thu thập chứng cứ, giám định, điều tra, truy tố, xét xử từ khi tiếp nhận thông tin trẻ em bị xâm hại, trong đó quy định rõ các thủ tục, quy trình và trách nhiệm phòng ngừa, phát hiện, tố giác, trợ giúp và giải quyết các trường hợp trẻ em bị xâm hại của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, nhà trường, gia đình, cá nhân và trẻ em.
Thứ sáu, khi phân công cán bộ giải quyết vụ án nên ưu tiên nữ, có kinh nghiệm về lĩnh vực này; trong quá trình giải quyết án cần có thêm chuyên gia tâm lý, thông dịch viên, tổ chức đoàn hội cùng tham gia tác động, hỗ trợ điều tra, xác minh nhằm tạo điều kiện thuận lợi và đạt hiệu quả cao nhất. Kết quả giải quyết, xét xử người phạm tội cũng phải đảm bảo tính nghiêm khắc để giáo dục bị cáo, phòng ngừa chung trong xã hội, ngoài ra còn để bị hại và gia đình của họ thấy được tính nguy hiểm của tội phạm cần được răn đe và sự cần thiết phải xử lý nghiêm của pháp luật đối với loại tội phạm này.
Thứ bảy, cần đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về tâm lý, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi cho cán bộ điều tra, KSV, Thẩm phán để giải quyết các vụ án có liên quan đến người chưa thành niên, trong đó có nhóm tội xâm phạm tình dục trẻ em; thường xuyên tổ chức việc trao đổi, rút kinh nghiệm trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án về xâm hại tình dục trẻ em trong liên ngành tư pháp. Đồng thời, cần quan tâm sắp xếp các cán bộ theo hướng chuyên sâu, có tính ổn định theo từng lĩnh vực công tác.
Một số kiến nghị, đề xuất
Đề nghị bổ sung tội danh mới vào BLHS năm 2015 - Tội quấy rối tình dục trẻ em để xử lý hình sự đối với một số hành vi liên quan đến trẻ em như những hành động chỉ chạm vào người và có những lời lẽ gạ tình rủ quan hệ tình dục chưa được điều chỉnh bằng pháp luật hình sự. Đồng thời, cần có chế tài xử lý nghiêm khắc, tương xứng hơn góp phần hạn chế những hành vi lệch chuẩn của xã hội, hành vi vi phạm pháp luật, hành vi quấy rối tình dục.
Thường xuyên tổ chức các hội nghị tập huấn, hội thảo, mở các lớp bồi dưỡng chuyên sâu về kỹ năng kiểm sát, giải quyết các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em trong phạm vi toàn quốc nhằm trau dồi, nâng cao kiến thức và kỹ năng giải quyết đối với các tội xâm hại tình dục trẻ em và có nhiều thông báo rút kinh nghiệm cho các Viện kiểm sát nhân dân địa phương về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong giải quyết án xâm hại tình dục trẻ em, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động để nâng cao chất lượng công tác kiểm sát trong lĩnh vực này./.