Giới thiệu Tạp chí Kiểm sát số 13/2021

Ngày đăng : 15:04, 07/07/2021

(Kiemsat.vn) - Tạp chí Kiểm sát số 13/2021, phát hành ngày 05/7/2021 có các nội dung chính sau đây:

Từ thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản cho thấy, việc xác định tội phạm và người phạm tội ngay từ giai đoạn khởi tố gặp nhiều khó khăn, do tội phạm có đặc trưng riêng, dễ bị nhầm lẫn với tội phạm có yếu tố chiếm đoạt hoặc quan hệ dân sự, kinh tế. Tác giả Lê Thị Thùy Dương và Nguyễn Thu Quý có bài viết “Kinh nghiệm thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, trong đó đưa ra một số vấn đề cần lưu ý đối với Kiểm sát viên khi giải quyết các vụ án liên quan đến tội phạm này, trên chuyên mục CÔNG TÁC KIỂM SÁT.

Chuyên mục NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI có bài viết “Vai trò của Viện kiểm sát theo Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020” của Tiến sĩ Đặng Thanh Hoa và Lê Bá Đức cho thấy những điểm mới về hoạt động hòa giải tại Tòa án theo Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020; nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát theo Luật này và vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau đang đặt ra trong thực tiễn áp dụng quy định pháp luật.

Chuyên mục THỰC TIỄN - KINH NGHIỆM có bài “Về nghĩa vụ chịu án phí của bị cáo” của tác giả Nguyễn Đình Tiến và Võ Văn Tuấn Khanh. Bài viết chỉ ra bất cập trong thực tế về nghĩa vụ chịu án phí, theo đó, trường hợp giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự vẫn chưa có sự thống nhất về nghĩa vụ chịu án phí của bị cáo thuộc hộ nghèo khi có quan điểm cho rằng họ được miễn toàn bộ án phí dân sự và hình sự; quan điểm khác lại cho rằng họ chỉ được miễn án phí dân sự và vẫn phải chịu án phí hình sự như là căn cứ chấp hành bản án và có liên quan đến việc xác định án tích.

Trong bài viết “Kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin của Viện kiểm sát nhân dân Trung Quốc” trên chuyên mục THÔNG TIN KHOA HỌC của tác giả Vũ Thị Hải Yến, Bùi Việt Dương cho thấy: Từ việc nhận thức được ý nghĩa tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng hiệu quả các nhiệm vụ được giao, Viện kiểm sát nhân dân Trung Quốc đã đề ra chiến lược “Kiểm sát thông minh”, hiện đại hóa phương tiện, trang thiết bị làm án, quản lý điều hành, tuyên truyền và phục vụ nhân dân; đặc biệt là góp phần hỗ trợ Kiểm sát viên giải quyết kịp thời, hiệu quả các vụ án trong 04 lĩnh vực nghiệp vụ kiểm sát mũi nhọn là: Kiểm sát hình sự, kiểm sát dân sự, kiểm sát hành chính và kiểm sát tố tụng công ích.

Tạp chí Kiểm sát số 13/2021 còn có các bài viết đáng chú ý khác như: "Kỹ năng kiểm sát thụ lý vụ việc dân sự theo thủ tục sơ thẩm” của tác giả Chu Đăng Chung; “Bảo đảm quyền được suy đoán vô tội của bị cáo trong giai đoạn xét xử” của tác giả Hoàng Đình Dũng; “Kỹ năng lấy lời khai người bị hại dưới 16 tuổi” của tác giả Nguyễn Thị Thúy Hạnh…

Trân trọng giới thiệu và kính mời Quý độc giả đón đọc!

Hồng Phong