Thủ tướng động viên, kiểm tra nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh và thúc đẩy sản xuất kinh doanh tại Bình Dương

Ngày đăng : 14:09, 27/06/2021

(Kiemsat.vn) - Sáng ngày 27/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đi động viên, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch bệnh và tổ chức sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bình Dương, bàn và đưa ra các giải pháp nhằm sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Sau khi kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế với TPHCM và 7 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với TPHCM và các địa phương lân cận thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang vào chiều 26.6.

Lãnh đạo các tỉnh đã đề xuất một loạt các giải pháp cần tập trung thực hiện để chủ động ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Lãnh đạo các tỉnh đã đề xuất một loạt các giải pháp cần tập trung thực hiện để chủ động ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Xu hướng lây nhiễm ngoài cộng đồng bắt đầu giảm

Dự họp tại điểm cầu Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, về cơ bản tình hình dịch trên cả nước đang được kiểm soát. Kinh nghiệm qua tất cả các đợt chống dịch vừa rồi cho thấy, khi có dịch phải khoanh nhanh, khoanh gọn, nhất là “khoanh ra khoanh, chặt ra chặt”. Các địa phương cũng phải rất lưu ý nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung.

Về tình hình dịch bệnh tại TPHCM, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: “Nếu chỉ nghe báo cáo về số lượng ca nhiễm lớn thì có thể thấy tình hình Thành phố nóng lên nhưng phân tích trên dữ liệu cho thấy, ngoài số ca lây nhiễm trong khu vực cách ly thì xu hướng lây nhiễm bên ngoài cộng đồng bắt đầu giảm. Chỉ thị 10 của Thành phố đã đúng hướng, “không mặc đồng phục cho cả thành phố”, còn có nơi, có lúc chưa thực hiện nghiêm thì chúng ta phải siết lại”.

Điều quan trọng hàng đầu của TPHCM hiện nay là phải có sự kết nối dữ liệu thông suốt, thống nhất, đầy đủ từ truy vết, đến xét nghiệm, thông tin các ca F0, F1, F2… để đánh giá chính xác, toàn diện đúng mức độ nguy cơ dịch bệnh ở từng quận, huyện, thậm chí đến từng phường. Từ đó, lực lượng phòng chống dịch xác định được những khu vực nguy cơ để tổ chức xét nghiệm đón đầu, tập trung làm sạch những địa bàn trọng điểm.

Thực hiện mục tiêu kép với nỗ lực rất lớn

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, TPHCM và 7 tỉnh chiếm 20% dân số, 45% GDP, 40% thu ngân sách của cả nước, là trung tâm giao dịch quốc tế lớn nhất. Đến nay, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại TP, tác động tới các tỉnh xung quanh.

Thủ tướng nhận định, ngoài nguyên nhân khách quan là chủng virus mới mạnh hơn còn có tâm lý lơ là, chủ quan, mất cảnh giác khi chưa có dịch và khi dịch đã đi qua; có những sơ hở trong quản lý cách ly và sau cách ly, nhập cảnh và cư trú trái phép, dẫn tới mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Việc kiểm soát được tình hình như hiện nay là nỗ lực rất lớn của TP Hồ Chí Minh. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Việc kiểm soát được tình hình như hiện nay là nỗ lực rất lớn của TP Hồ Chí Minh. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong bối cảnh tiếp tục phải phòng chống dịch bệnh, việc phát triển kinh tế gặp nhiều trở ngại nhưng chúng ta vẫn đang thực hiện được mục tiêu kép dù chưa ngăn chặn triệt để được dịch bệnh.

Không máy móc, hành chính trong chống dịch

Thủ tướng nêu rõ, bài học kinh nghiệm thứ nhất được rút ra từ đợt dịch hiện nay là phải nắm chắc tình hình thực tế để lãnh đạo, chỉ đạo, đưa ra nhiệm vụ giải pháp khả thi, tổ chức thực hiện có hiệu quả. Không máy móc, không hành chính đơn thuần trong phong tỏa, giãn cách xã hội và tổ chức sản xuất kinh doanh.

Bài học thứ hai là các cơ quan, đơn vị, địa phương phát huy tính tự lực, tự cường, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi thẩm quyền, đối tượng, địa bàn quản lý, vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối, chính sách, quy định chung để thực hiện nhiệm vụ.

Thứ ba là bài học về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn.

Bài học thứ tư là không để tình trạng “chặt ngoài, lỏng trong”- phong tỏa chặt bên ngoài nhưng để lây nhiễm trong khu vực cách ly, phong tỏa.

Thủ tướng lưu ý về bài học quý về khoanh vùng ổ dịch theo "3 lớp”: Kiểm soát nghiêm ngặt lớp lõi bên trong có ca F0 với khả năng lây nhiễm lớn; giãn cách, quản lý chặt chẽ ở lớp thứ 2; thực hiện phòng ngừa mức độ cao ở lớp ngoài cùng.

Một bài học khác là kiểm soát chặt chẽ các cơ sở y tế, nhà thuốc, nơi cách ly và sau cách ly; kiểm soát, xử lý nghiêm nhập cảnh và cư trú trái phép theo đúng quy định.

Không chủ quan nhưng có thể lạc quan

Dự báo thời gian tới, dịch bệnh có thể tiếp tục diễn biến phức tạp hơn, có yếu tố khó lường, chưa kiểm soát hết; sản xuất kinh doanh có thể gặp khó khăn hơn do tác động từ các biện pháp phòng chống dịch. Thủ tướng yêu cầu, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.

 

Về nhiệm vụ, giải pháp, Thủ tướng nêu rõ, trước hết, phải thống nhất nhận thức rằng việc thực hiện mục tiêu kép là rất khó khăn nhưng không thể không làm, không có lựa chọn nào tốt hơn. Chống được dịch để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, sản xuất kinh doanh được mới có nguồn lực để chống dịch tốt hơn.

Thủ tướng yêu cầu, các địa phương phải chủ động, linh hoạt áp dụng các giải pháp để thực hiện cho được mục tiêu kép, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chống dịch và phát triển kinh tế. Tùy tình hình trong từng thời điểm, từng nơi để dành ưu tiên, tập trung cho nhiệm vụ phát triển kinh tế hoặc nhiệm vụ chống dịch, có những nơi phải thực hiện đồng bộ, đồng thời các giải pháp cho cả hai nhiệm vụ này.

"Vừa sản xuất, vừa chiến đấu"

Thủ tướng lưu ý, TPHCM phải phân tích kỹ hơn, xác định rõ nguồn lây nhiễm trong khu cách ly, trong cộng đồng để đưa ra giải pháp phù hợp. Thực hiện xét nghiệm diện rộng, xét nghiệm xác suất tại những nơi nghi ngờ, có nguy cơ cao. Mạnh dạn nhưng thận trọng khi tiến hành thí điểm tự xét nghiệm vì liên quan tới sức khỏe, tính mạng con người, phải tuân thủ quy định, quy trình rất nghiêm ngặt.

Tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, tổ chức xe đưa đón công nhân theo tuyến cố định, ăn ở tại chỗ theo tinh thần “vừa sản xuất, vừa chiến đấu”. Kiểm soát chặt chẽ, kỹ lưỡng các chợ đầu mối theo quy định.

Các bộ ngành, địa phương căn cứ tình hình thực tế và theo chức năng, nhiệm vụ được giao để hỗ trợ, chi viện cao nhất có thể cho các địa phương khác.

Thủ tướng cũng lưu ý TPHCM và các địa phương tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT an toàn, hiệu quả, đúng quy định, giảm phiền hà cho thí sinh và người dân.

Thủ tướng tới thăm và làm việc với Công ty sữa Vinamilk tại khu công nghiệp Mỹ Phước, huyện Bến Cát. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng và đoàn công tác tới thăm khu điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương; làm việc với Công ty sữa Vinamilk tại khu công nghiệp Mỹ Phước, huyện Bến Cát.

Theo Thủ tướng, với vị trí quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương là một địa bàn trọng điểm cần quan tâm của Chính phủ. Trong tình hình dịch bệnh phức tạp, yêu cầu đặt ra với cả nước nói chung và Bình Dương nói riêng là vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm sức khỏe cho người dân.

Cùng đi với Thủ tướng có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan.

Báo cáo Thủ tướng và đoàn công tác, Tổng Giám đốc Vinamilk, anh hùng lao động Mai Kiều Liên cho biết, Công ty hiện nằm trong nhóm 40 công ty sữa có doanh thu cao nhất toàn cầu, doanh thu năm 2020 đạt gần 60.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 11.000 tỷ đồng. Nộp ngân sách nhà nước hơn 10 năm qua đạt 42.000 tỷ đồng. Tổng số cổ tức bằng tiền mà cổ đông nhà nước (SCIC) nhận được từ năm 2006 đến nay là 23.000 tỷ đồng. Tổng giá trị vốn nhà nước đã thu và hiện tại của SCIC tại Vinamilk là gần 113.000 tỷ đồng, gấp 39 lần so với thời điểm tiến hành cổ phần hóa năm 2003.

Vinamilk nêu một số kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan tới việc triển khai các dự án nông trường sông Hậu – Cần Thơ, dự án Mộc Châu – Sơn La và dự án nhà máy sữa Hưng Yên. Đồng thời, đề nghị cho phép phát hành cổ phiếu ưu đãi cho người lao động nhân kỷ niệm 45 năm thành lập Công ty.

Thủ tướng đề nghị Công ty báo cáo công tác phòng chống dịch, duy trì sản xuất kinh doanh thời gian qua. Đồng thời, cung cấp thông tin, làm rõ thêm về những lợi ích mà Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động có được sau khi cổ phần hóa, việc phát hành cổ phiếu ưu đãi sẽ ảnh hưởng, tác động như thế nào tới lợi ích chung và lợi ích của người lao động.

Vinamilk là một trong những nhà máy chống dịch tốt nhất, thực hiện nghiêm túc 5K. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Bà Mai Kiều Liên cho biết, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt trong và ngoài nước, lợi ích lớn nhất của cổ phần hóa là tự chủ, doanh nghiệp có thể  đưa ra các quyết định đầu tư rất nhanh, chớp được thời cơ phát triển. Nhà nước đỡ mất thời gian để duyệt các dự án của doanh nghiệp, tỷ lệ vốn nhà nước giảm xuống nhưng giá trị tuyệt đối lại tăng rất mạnh. Hoạt động của doanh nghiệp sau cổ phần hóa tốt hơn nhiều, nên thu nhập của người lao động cũng cao hơn.

Bà Mai Kiều Liên cho biết, cổ phiếu ưu đãi là một đòn bẩy rất tốt để thúc đẩy người lao động gắn bó, cống hiến với công ty, điều này rất ý nghĩa bởi con người là yếu tố quyết định với sự phát triển của mỗi doanh nghiệp.

Lãnh đạo Công ty khẳng định Vinamilk là một trong những nhà máy chống dịch tốt nhất, thực hiện nghiêm túc 5K với các nguyên tắc như trong nhà máy một người không tiếp xúc quá 5 người. Nhà máy của Vinamilk tại Bắc Ninh tổ chức cách ly công nhân ngay tại nơi sản xuất để duy trì hoạt động và tất cả các nhà máy của Vinamilk đều xây dựng phương án tương tự…

Thủ tướng chúc mừng những thành tích Vinamilk đạt được trong 45 năm qua, thực hiện có hiệu quả các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về cổ phần hóa, về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và về công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Qua hoạt động của Công ty, sản phẩm nông nghiệp được chế biến, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cải thiện đời sống người nông dân, nâng cao đời sống người lao động, góp phần nâng cao sức khỏe và tầm vóc của người Việt Nam. Công ty cũng thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, có nhiều đóng góp cho cộng đồng trong phòng chống thiên tai, ứng phó dịch bệnh…

Thủ tướng ghi nhận Vinamilk là đơn vị “vừa sản xuất vừa chiến đấu”, góp phần cùng cả nước thực hiện mục tiêu kép. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Chính phủ đã xác định “chống dịch như chống giặc”, Thủ tướng ghi nhận Vinamilk là đơn vị “vừa sản xuất vừa chiến đấu”, góp phần cùng cả nước thực hiện mục tiêu kép. Thủ tướng nhấn mạnh, thực hiện mục tiêu kép là nhiệm vụ khó nhưng không còn cách nào khác; chống được dịch để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, sản xuất kinh doanh được mới có nguồn lực để chống dịch tốt hơn.

Yêu cầu các bộ, ngành giải đáp các vấn đề liên quan kiến nghị của Vinamilk, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ đôn đốc giải quyết. Những việc thuộc thẩm quyền của Chính phủ, của các Bộ phải giải quyết ngay, không để mất thời cơ của doanh nghiệp.

“Chính phủ đã phân cấp triệt để cùng với đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, vấn đề nào thuộc thẩm quyền, phạm vi, đối tượng, địa bàn quản lý thì các Bộ trưởng giải quyết ngay, đừng lấy ý kiến nhiều. Cái gì chưa có luật hoặc vượt quá luật thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội”, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng cũng cho rằng, nếu việc phát hành cổ phiếu ưu đãi theo đúng các nguyên tắc, chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Nhà nước, bảo đảm được tỷ lệ cổ phần của SCIC phải nắm quyền phủ quyết, phù hợp thực tiễn, tránh được tiêu cực, nâng cao đời sống của người lao động thì phải khuyến khích.

Thủ tướng yêu cầu Vinamilk cần tiếp tục phát huy thành quả, kết quả đã đạt được, không chủ quan, thỏa mãn, không ngừng đổi mới sáng tạo, nâng cao giá trị thương hiệu, tiếp tục phát triển các sản phẩm thuận lợi nhất cho người sử dụng, thích ứng có hiệu quả với tình hình dịch bệnh, “năm sau tốt hơn năm trước” về trên mọi mặt, đóng góp nhiều hơn cho đất nước.

Tới kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 tại khu điều trị của Bệnh viện đa khoa Bình Dương, Thủ tướng yêu cầu bệnh viện cần tiếp tục nỗ lực, cố gắng vượt qua mọi khó khăn, phục vụ người bệnh, phục vụ nhân dân tốt nhất. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Không để “thủng” từ vòng trong tại các bệnh viện

Cũng trong sáng 27/6, Thủ tướng đã tới kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 tại khu điều trị của Bệnh viện đa khoa Bình Dương.

Báo cáo Thủ tướng, lãnh đạo Bệnh viện cho biết đang điều trị cho 146 bệnh nhân COVID-19 và  đang khẩn trương mở rộng thêm 200 giường điều trị mới. Cơ sở mới của bệnh viện với quy mô 1.500 giường cũng đang được xây dựng.

Trao đổi với lãnh đạo Bệnh viện và thăm hỏi các bệnh nhân đang điều trị, Thủ tướng yêu cầu bệnh viện cần tiếp tục nỗ lực, cố gắng vượt qua mọi khó khăn, phục vụ người bệnh, phục vụ nhân dân tốt nhất. Riêng với điều trị các ca bệnh COVID-19, cần đẩy mạnh kết nối với các cơ sở khác trong việc hội chẩn, điều trị; chú ý việc tổng kết thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm để góp phần nghiên cứu khoa học, xây dựng lý luận phòng chống dịch, điều trị bệnh.

Thủ tướng lưu ý lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Bình Dương: “Cần quán triệt cán bộ, y bác sĩ là làm nhiệm vụ đặc biệt phải có chế độ, chính sách đặc biệt, quản lý đặc biệt, phải thực hiện hết sức nghiêm ngặt các quy định, quy trình phòng chống dịch, không để “thủng” từ vòng trong tại các bệnh viện”. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng lưu ý cần vừa chú trọng thực hiện nhiệm vụ đột xuất là điều trị bệnh nhân COVID-19, vừa bảo đảm nhiệm vụ thường xuyên là chăm sóc sức khỏe nhân dân, điều trị các loại bệnh khác, tuyệt đối tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

“Cần quán triệt cán bộ, y bác sĩ là làm nhiệm vụ đặc biệt phải có chế độ, chính sách đặc biệt, quản lý đặc biệt, phải thực hiện hết sức nghiêm ngặt các quy định, quy trình phòng chống dịch, không để “thủng” từ vòng trong tại các bệnh viện”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng đề nghị cần vừa điều trị bệnh nhân về mặt bệnh lý, vừa chăm sóc tinh thần để người bệnh có tâm lý tốt, nâng cao hiệu quả  điều trị, việc này phải kết hợp hài hòa giữa các môn khoa học, y học, xã hội học, tâm lý học… 

Thủ tướng và đoàn công tác đã có cuộc làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương về tình hình, các giải pháp để thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch hiệu quả vừa duy trì, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Sau khi thăm hai cơ sở trên, Thủ tướng và đoàn công tác đã có cuộc làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương về tình hình, các giải pháp để thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch hiệu quả vừa duy trì, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế.

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về cuộc họp này.

VGP