Những vướng mắc khi thực hành quyền công tố trong giải quyết nguồn tin về tội phạm trong lĩnh vực CNTT, mạng viễn thông

Ngày đăng : 22:22, 09/06/2021

(Kiemsat.vn) - Trong thực tế, khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra tiếp nhận, xử lý nguồn tin về tội phạm trong lĩnh vực CNTT, mạng viễn thông vẫn còn có những nhận thức khác nhau về thẩm quyền thụ lý, định tội danh để khởi tố vụ án về các tội xâm phạm sở hữu hay xâm phạm an toàn công cộng. Đây cũng là nguyên nhân phát sinh những khó khăn cho Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố trong giải quyết các tin báo về tội phạm thuộc lĩnh vực này.

Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015) quy định tại Mục 2 Chương XXI - Tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông; trong đó, có 9 tội danh về tội phạm sử dụng công nghệ cao, quy định từ Điều 285 đến Điều 294. Tuy nhiên, qua 3 năm thực hiện BLHS năm 2015, đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn của liên ngành trung ương về khái niệm loại tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông. Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định số 25/2014/NĐ-CP ngày 07/04/2014 của Chính phủ quy định về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao quy định: “Tội phạm có sử dụng công nghệ cao là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự có sử dụng công nghệ cao”. Như vậy, khái niệm “sử dụng công nghệ cao” ở đây không chỉ dừng lại ở mặt khách quan của các tội phạm quy định tại Mục 2 Chương XXI BLHS năm 2015, mà còn có ở các tội chiếm đoạt như: Điều 173 (Tội trộm cắp tài sản), Điều 174 (Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản); cấu thành định khung của các tội đánh bạc (Điều 321), tổ chức đánh bạc (Điều 322); là yếu tố định tội của tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy (Điều 326). Trong thực tế, khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra tiếp nhận, xử lý nguồn tin về tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông vẫn còn có những nhận thức khác nhau về thẩm quyền thụ lý, định tội danh để khởi tố vụ án về các tội xâm phạm sở hữu hay xâm phạm an toàn công cộng. Đây cũng là nguyên nhân phát sinh những khó khăn cho Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố (THQCT) trong giải quyết các tin báo về tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông nói chung và sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản theo Điều 290 BLHS năm 2015) nói riêng.

Về xử lý nguồn tin tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông

Các loại tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông mới xuất hiện ở Việt Nam với hình thức đa dạng và phức tạp, hoạt động phạm tội trong lĩnh vực này thường khó phát hiện, đòi hỏi Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán phải chuyên nghiệp, có kiến thức chuyên sâu về công nghệ thông tin (CNTT) để thường xuyên truy cập vào các trang mạng, thâm nhập vào các diễn đàn CNTT để chủ động nắm thông tin, tìm hiểu phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm, các công cụ, phương tiện do các đối tượng phạm tội sử dụng. Song, thực tế, một bộ phận Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán chưa hiểu rõ về CNTT; mặt khác, trang thiết bị kỹ thuật phần nào chưa đầy đủ để xử lý loại tội phạm này; kinh nghiệm đấu tranh đối với loại tội phạm này còn hạn chế. Mặt khác, Bộ luật Hình sự năm 1999 (có bổ sung thêm một số tội danh mới năm 2009), nhưng đến năm 2012 mới có văn bản hướng dẫn thi hành (Thông tư liên tịch số 10/2012/BCA-BQP-BTP-BTT&TT-VKSTC-TANDTC ngày 10/9/2012 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao - gọi tắt là Thông tư liên tịch số 10). Theo đó, tại Điều 10 Thông tư này hướng dẫn Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 226b BLHS), nay đã được pháp điển hóa trong Điều 290 BLHS năm 2015. Chính vì vậy dẫn đến nhận thức chưa thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.

Theo số liệu của Cục thống kê tội phạm và công nghệ thông tin Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao (trong 03 năm, từ 2018 đến 2020) cho thấy, số vụ phạm tội sử dụng công nghệ cao năm sau cao hơn năm trước, chủ yếu là phạm vào Điều 290 BLHS năm 2015. Cụ thể: Số vụ khởi tố theo Điều 290 BLHS năm 2015 trong 03 năm là 914 vụ/399 bị can chiếm trên 90,4%, trong đó: Năm 2018 là 193vụ/110 bị can, chiếm tỷ lệ trên 94,6%; năm 2019 là 286 vụ/114 bị can, chiếm 95,39%; năm 2020 là 435 vụ/175 bị can, chiếm 96,66%). Có thể thấy rằng, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao đang có chiều hướng ngày càng tăng cả về số vụ và tính chất, mức độ và hậu quả ngày càng nghiêm trọng, nhưng số vụ khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử vẫn còn thấp, bởi chủ thể tội phạm thực hiện trên không gian mạng, gây ra hậu quả trên toàn quốc, thậm chí vượt ra khỏi phạm vi quốc gia, dẫn đến rất khó xác định chủ thể để truy nguyên. Gần đây xuất hiện một số thủ đoạn được các đối tượng sử dụng như: Giả danh Điều tra viên, Kiểm sát viên hoặc cán bộ Tòa án gọi điện thông báo cho bị hại có liên quan đến các vụ án về buôn lậu, rửa tiền, mua bán trái phép chất ma túy, đồng thời, yêu cầu bị hại chuyển tiền vào số tài khoản do đối tượng cung cấp để phong tỏa tài khoản nhằm phục vụ công tác điều tra rồi chiếm đoạt, yêu cầu bị hại mở khoá tài khoản ngân hàng chuyển tiền vào để thực hiện việc kiểm tra; sau đó, lợi dụng sự không hiểu biết của bị hại, các đối tượng đã chiếm đoạt tiền thông qua thực hiện chuyển tiền bằng hình thức internet banking.

Một số vướng mắc, bất cập

Thứ nhất, trong việc giải quyết các nguồn tin về tội phạm có mục đích chiếm đoạt tài sản hiện nay đang có những nhận thức chưa thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, trong việc xác định dấu hiệu khách quan của Tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản (Điều 290 BLHS năm 2015) hay Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 BLHS năm 2015).

Ví dụ: Khoảng 09 giờ sáng ngày 23/8/2019, bà Phạm Thị T nhận được điện thoại của người tự xưng là cán bộ Toà án nhân dân thành phố H và thông báo cho bà có liên quan đến một vụ án đang bị điều tra và yêu cầu bà hợp tác. Sau đó, bà T tiếp tục nhận được điện thoại từ số thuê bao khác tự xưng là cán bộ Công an hình sự của Bộ Công an và thông báo bà đang liên quan đến vụ án mua bán trái phép chất ma tuý, đã bắt giữ đối tượng và đối tượng phạm tội có chuyển vào tài khoản của bà T số tiền 5,6 tỷ đồng, mỗi lần giao dịch bà T được hưởng 20% tiền hoa hồng. Tiếp đến, đối tượng tự xưng là Công an yêu cầu bà T cung cấp số chứng minh nhân dân, tên, tuổi, địa chỉ và các thành viên trong gia đình, bà T đã đồng ý cung cấp. Khi bà T nói không liên quan gì đến vụ án ma tuý, thì đối tượng yêu cầu chụp hình sổ tiết kiệm của bà T rồi truy cập vào mạng xã hội zalo gửi hình vào tài khoản tên “Cục CSHS, Bộ Công an – Phòng PC45” để Công an điều tra. Đến khoảng 13h30 phút cùng ngày, bà T tiếp tục nhận được điện thoại yêu cầu bà T đến Ngân hàng rút tiền từ sổ tiết kiệm chuyển vào tài khoản cá nhân của bà T. Sau đó, bà T đã đến ngân hàng chuyển số tiền có trong sổ tiết kiệm là 9 tỉ đồng vào tài khoản cá nhân của bà. Khi chuyển tiền vào tài khoản cá nhân, bà T yêu cầu ngân hàng khoá tài khoản không cho phép thực hiện giao dịch. Ngay sau đó, số thuê bao trên tiếp tục gọi điện thoại yêu cầu bà T mở khoá tài khoản ngân hàng để thực hiện việc kiểm tra, bà T đồng ý và yêu cầu ngân hàng mở khoá tài khoản. Sau khi có được thông tin cá nhân và thông tin tài khoản ngân hàng của bà Phạm Thị T thì đối tượng yêu cầu bà T cung cấp mã số OTP gửi đến số điện thoại của bà nhưng bà không cung cấp vì biết đó là mã số để xác nhận chuyển tiền đi khi thực hiện giao dịch internet banking. Do không lấy được mã OTP, các đối tượng lại yêu cầu bà T cung cấp một dãy số do ngân hàng gửi tin nhắn đến, bà T không biết mã số gửi đến là để đăng ký ứng dụng xác nhận giao dịch internet banking, thay thế cho hình thức xác nhận giao dịch bằng mã OTP qua tin nhắn điện thoại, nên đã cung cấp cho đối tượng. Sau khi có mã số, các đối tượng đã đăng ký ứng dụng và thực hiện chuyển tiền internet banking. Trong khoảng thời gian từ 14h 29 phút đến 16h54 phút cùng ngày, tổng số tiền bị chuyển đi từ tài khoản ngân hàng của bà T là 5 tỉ đồng, thực hiện bằng 19 lệnh chuyển tiền. Sau khi phát hiện mình bị lừa đảo, bà T đã trình báo Cơ quan điều tra.

Hiện vụ án đang có hai quan điểm không thống nhất về tội danh, cụ thể:

Ý kiến thứ nhất cho rằng, các đối tượng đã có hành vi gian dối khi giả danh là cán bộ Tòa án và cán bộ Công an hình sự của Bộ Công an để yêu cầu bà T chuyển tiền từ sổ tiết kiệm vào tài khoản cá nhân; sau đó, yêu cầu bà T cung cấp mà OTP, nhưng bà T không cung cấp vì biết rằng đó là mã số để xác nhận chuyển tiền đi khi thực hiện giao dịch ngân hàng trực tuyến (internet banking). Các đối tượng tiếp tục yêu cầu bà T cung cấp một dãy số do Ngân hàng Sacombank gửi tin nhắn đến. Lợi dụng sự không hiểu biết của bà T, các đối tượng đã yêu cầu bà T chụp hình sổ tiết kiệm rồi truy cập vào zalo để bà T tin là thật rồi chiếm đoạt tiền trong tài khoản của bà T thông qua giao dịch internet banking. Như vậy, các đối tượng đã có một loạt hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt số tiền 5 tỉ đồng của bà T và đã thỏa mãn dấu hiệu của Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ý kiến thứ hai cho rằng, các đối tượng đã dùng thủ đoạn gọi điện thoại và dọa bà T có liên quan đến tội phạm. Bà T đã cảnh giác không cung cấp mã OTP theo yêu cầu, nhưng các đối tượng đã lấy được mã số thay thế mã OTP để thông qua mạng viễn thông chiếm đoạt tiền trong tài khoản của bà T, chứ không phải bà T chủ động chuyển tiền. Như vậy, trong trường hợp này, các đối tượng đã sử dụng mạng viễn thông, phương điện tử để đăng ký ứng dụng Sacombank Msign, chiếm đoạt tiền trong tài khoản của bà T, thông qua giao dịch internet banking. Bởi vì, sau khi có mã số, các đối tượng đã đăng ký ứng dụng Sacombank Msign và thực hiện chuyển tiền. Vì vậy, hành vi trên của các đối tượng không thỏa mãn mặt khách quan của Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, là gian dối; hay Tội trộm cắp tài sản, là lén lút; mà đã thỏa mãn dấu hiệu cấu thành Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông chiếm đoạt tài sản (điểm a khoản 1 Điều 290 BLHS năm 2015). Tác giả đồng tình với quan điểm này.

Thứ hai, trong một vụ án chiếm đoạt tài sản bằng công nghệ cao, có tới hàng trăm người bị hại ở khắp các nơi, nhưng Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định “bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra”. Do đó Cơ quan điều tra phải lấy đầy đủ lời khai của các bị hại để xác định thiệt hại dẫn đến yêu cầu này vượt quá khả năng của Cơ quan điều tra, trong khi đó, thời hạn kiểm tra, xác minh tin báo, kể cả gia hạn giải quyết tin báo tối đa là 4 tháng. Mặt khác, theo quy định tại Điều 4 Thông tư liên tịch số 10, về xác định bị hại thì: “Trong quá trình điều tra vụ án hình sự về các tội trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông, các cơ quan tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp để xác minh, lấy lời khai người bị hại theo quy định của pháp luật. Trường hợp vì lý do khách quan, không thể xác định được người bị hại (do người bị hại sống ở nước ngoài; không xác định được người bị hại cụ thể hoặc không xác định được họ tên và địa chỉ thật của người bị hại do người phạm tội và người bị hại không tiếp xúc trực tiếp với nhau mà chỉ thông qua mạng internet, mạng viễn thông; người bị hại không hợp tác vì không muốn lộ danh tính, số tiền thiệt hại không nhiều...), nhưng, căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thu thập được, có cơ sở xác định bị can, bị cáo đã thực hiện hành vi phạm tội thì việc không xác định được người bị hại hoặc xác định không đủ số người bị hại không làm ảnh hưởng đến việc xác định bản chất vụ án và việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử là có căn cứ pháp luật”. Hướng dẫn trên còn mang tính định tính, tùy nghi, trong khi định khung tăng nặng ở khoản 2, 3, 4 Điều 290 BLHS năm 2015 lại quy định cụ thể giá trị tài sản bị chiếm đoạt. Xét về khoa học pháp lý, trong vụ án có tính chiếm đoạt mà không xác định được bị hại (khách thể bị xâm hại), thì chưa đủ cơ sở pháp lý để định tội danh.

Thứ ba, các đối tượng phạm tội sử dụng công nghệ cao rất tinh vi, xảo quyệt trong việc che giấu hành vi phạm tội; trong khi đó, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao còn mỏng. Cơ quan điều tra chỉ xác minh được đến tài khoản F1, tài khoản F2 là thông tin bị mờ về chủ tài khoản, dẫn tới gặp nhiều khó khăn trong việc xác định đối tượng phạm tội.

Ngoài ra, việc xác minh những người cho thuê, mở hộ, bán tài khoản cho các đối tượng phạm tội cũng rất khó khăn. Bởi vì, do họ khai bị mất chứng minh thư nhân dân, một phần do nhận thức và những lợi ích nhận được từ việc cho thuê, mở hộ, bán tài khoản. Họ không biết các đối tượng nhờ mở hộ, thuê tài khoản thực hiện hành vi phạm tội, dẫn đến không có căn cứ để xác định họ đồng phạm; bởi vì, thường những người này liên hệ việc mở hộ, thuê, bán tài khoản qua sim rác, mạng xã hội… với các đối tượng phạm tội nên khó xác định được chủ thuê bao điện thoại. Thông thường thì họ chỉ mở một tài khoản lấy thù lao từ 1 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng, cũng chưa đủ căn cứ để xử lý theo Điều 291 BLHS năm 2015 về Tội mua bán tài khoản ngân hàng. Đây là những khó khăn làm kéo dài thời gian giải quyết tin báo cũng như vướng mắc về xử lý những hành vi này.

Một số kiến nghị

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm tra xác minh tin báo, cũng như tăng cường trách nhiệm công tố trong công tác kiểm sát giải quyết các tin báo tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông nói chung và Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện thử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản nói riêng. Tác giả đưa ra kiến nghị, đề xuất như sau:

Một là, đề nghị liên ngành tư pháp trung ương cần sớm sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 10/2012 cho phù hợp với BLHS, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, trong đó cần phải đưa Ngân hàng Nhà nước tham gia ký kết Thông tư; đề nghị bổ sung nội dung quy định tại khoản 3 Điều 10 Nghị định số 117/2018 ngày 11/9/2018 của Chính phủ vào Thông tư liên tịch đó là: “Khi các cơ quan tiến hành tố tụng có văn bản yêu cầu thì ngân hàng phải cung cấp thông tin khách hàng cho mục đích thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ phục vụ công tác giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; bảo vệ an ninh quốc gia; phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ được pháp luật quy định”. Đồng thời, cần phải giải thích rõ các khái niệm: Sử dụng mạng máy tính, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt…; phương thức thu thập dữ liệu điện tử.

Hai là, đề nghị liên ngành tư pháp trung ương cần mở các lớp tập huấn chuyên sâu cho Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán để xử lý tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Đặc biệt, cần có văn bản hướng dẫn phân biệt giữa tội này với Tội trộm cắp tài sản, Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ba là, đề nghị các cơ quan, ban ngành cần phải làm tốt công tác tuyên truyền để phòng ngừa tội phạm công nghệ cao; mỗi cá nhân cần giữ bí mật thông tin bảo mật các dịch vụ ngân hàng (tuyệt đối không tiết lộ mã PIN thẻ, mật khẩu truy cập, mật khẩu giao dịch một lần OTP, mật khẩu truy cập địa chỉ email với người lạ, kể cả nhân viên ngân hàng). Tuyệt đối không chuyển tiền, nộp tiền vào tài khoản người khác khi không xác định được cụ thể họ là ai, sử dụng tiền vào mục đích gì, không có giấy tờ từ cơ quan có thẩm quyền./.                               

Nguyễn Quốc Hân