Một hành trình vĩ đại

Ngày đăng : 10:21, 05/06/2021

(Kiemsat.vn) - Ngày 5.6.1911, từ Bến cảng Nhà Rồng, Chủ tịch Hồ Chí Minh - lúc này mang tên Nguyễn Tất Thành, bắt đầu cuộc hành trình ra nước ngoài tìm đ­uờng cứu nước, cứu dân.

Từ chuyến đi lịch sử đó, Bác Hồ đã tìm thấy con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam rực rỡ cho đến ngày nay. Đó là con đường của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, con đường mang tầm nhìn vượt thời đại đưa đất nước và dân tộc ta vượt qua biết bao khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, thực hiện công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Nhiều hình ảnh, tài liệu về Bác Hồ được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ảnh: Phạm Đông

Sớm có ý chí, khát vọng lớn

Cách đây 110 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra đi tìm đường cứu nước, qua đó, trở thành một dấu mốc lịch sử, mở ra một thời đại mới cho đất nước ta. Nhìn lại hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi người Việt Nam chúng ta đều khắc ghi sâu trong tim, lòng biết ơn vô hạn đối với những hy sinh lớn lao mà Người đã trải qua trong suốt 30 năm bôn ba nơi đất khách quê người.

Nhân dịp này, Báo Lao Động đã trao đổi với PGS.TS Phạm Xuân Mỹ - Giảng viên cao cấp, nguyên Trưởng khoa Lịch sử Đảng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) - về tầm vóc, ý nghĩa lịch sử sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước.

PGS.TS Phạm Xuân Mỹ cho biết, từ khi còn trẻ, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã sớm nhận thấy con đường do những người đi trước mở ra sẽ không giải phóng được dân tộc. Bởi trước đó, sự thất bại của các phong trào yêu nước Việt Nam nổ ra từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã làm cho cách mạng Việt Nam khủng hoảng về con đường giải phóng dân tộc. Trước thực tế ấy, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành, khi đó mới 21 tuổi, đã quyết định ra đi tìm đường cứu nước, bởi trong anh đang nung nấu một quyết tâm cháy bỏng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”.

Còn sau đó, hành trình tìm đường cứu nước của Người, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lịch sử đấu tranh vì sự sinh tồn và phát triển của dân tộc Việt Nam.

Ông Mỹ cho rằng, sự kiện Đảng ta ra đời đầu năm 1930 là một bước ngoặt vĩ đại của cách mạng nước ta, chứng tỏ giai cấp vô sản Việt Nam đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng. Sau 30 năm bôn ba, ngày 28.1.1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước để trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng. Người chỉ ra rằng, trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, con đường duy nhất phải theo là con đường cách mạng dân tộc dân chủ do Đảng tiên phong của giai cấp công nhân lãnh đạo đánh đổ đế quốc, thực dân, giành độc lập dân tộc, sau đó tiến lên thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Ngày 19.5.1941, giữa vùng núi rừng Pác Bó, Người đã sáng lập Mặt trận Việt Minh, Mặt trận ra đời giữa lúc nhân dân Việt Nam vận mệnh dân tộc đang trong cảnh nước sôi lửa nóng. Sự thành lập và hoạt động của Việt Minh đã trở thành nhân tố cơ bản quyết định thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945.

“Cuộc đời, sự nghiệp, tấm gương của Bác Hồ luôn lan tỏa trong mọi người dân Việt Nam. Dù ở thời kỳ nào, Người cũng là một nguồn động lực to lớn, sức mạnh tinh thần để nhân dân ta tiến hành công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội của Đảng, góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ hằng mong ước.

Đối với các thế hệ người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ thanh niên, sự kiện Người ra đi tìm đường cứu nước vẫn mãi là tấm gương sáng ngời tinh thần yêu nước, tinh thần sẵn sàng xả thân, hy sinh vì đất nước, là đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho các thế hệ người Việt Nam học tập noi theo” - ông Mỹ chia sẻ.

Tư tưởng của Người là kim chỉ nam, nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam

PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - cho rằng, thời gian ở nước ngoài từ năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã xác định mục tiêu rõ ràng là tìm con đường đấu tranh đúng đắn để giải phóng dân tộc, giành độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho đồng bào mình. Chính vì vậy, con đường cứu nước, giải phóng dân tộc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh khác biệt với những xu hướng cứu nước trước đó trên những điểm căn bản. Trong đó, Người xác định con đường cứu nước không thể là tự phát mà phải là hành động tự giác, đoàn kết toàn dân tộc, do một Đảng cách mạng chân chính lãnh đạo và Đảng cách mạng đó phải được trang bị lý luận khoa học.

Chính vì vậy, Người đã đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin, lựa chọn ra con đường cho cách mạng Việt Nam, đó là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, con đường cách mạng đúng đắn, phù hợp với điều kiện thực tiễn của lịch sử nước ta, đưa cách mạng nước ta đến thành công... Tư tưởng đó của Bác đã được Đảng ta lấy làm kim chỉ nam lãnh đạo và là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Quá trình hoạt động cách mạng, Bác thấy rõ sự cần thiết phải giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Với mục tiêu đó, ở Nguyễn Ái Quốc là sự thống nhất giữa người yêu nước và người cộng sản chân chính.

Theo PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc, quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng là căn bản, toàn diện, sâu sắc và có giá trị xuyên suốt và bền vững.

Yêu cầu bắt buộc, thường xuyên đối với toàn Đảng và mỗi cán bô, đảng viên là không ngừng rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng theo những chuẩn mực. Trong đó, phải xây dựng Đảng vững mạnh về tổ chức, giữ nghiêm kỷ luật từ trên xuống dưới. Cán bộ phải là cái gốc của mọi công việc, mọi thành bại của cách mạng đều do cán bộ tốt hay kém.

Laodong.vn