Giới thiệu Tạp chí Kiểm sát số 10/2021

Ngày đăng : 10:41, 22/05/2021

(Kiemsat.vn) - Tạp chí Kiểm sát số 10/2021 phát hành ngày 20/5/2021 có các nội dung chính sau đây:

Bài viết “Một số vấn đề lý luận về chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân” của TS. Lê Ngọc Duy trên chuyên mục CÔNG TÁC KIỂM SÁT phân tích các vấn đề lý luận nhằm đáp ứng yêu cầu tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước trong lĩnh vực tư pháp, xây dựng nền công tố mạnh trong thiết chế Viện kiểm sát nhân dân. Theo đó, chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp cần tiếp tục được mở rộng về đối tượng, phạm vi kiểm sát; các phương thức kiểm sát hoạt động tư pháp do luật quy định cần được áp dụng đầy đủ, linh hoạt trong từng lĩnh vực công tác; các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị cần được quy định cụ thể hơn, có cơ chế hiệu quả để đảm bảo thực hiện.

Cũng tại chuyên mục này, tác giả Nguyễn Thành Chung trong bài viết “Quyền kháng nghị của Viện kiểm sát trong thi hành án hình sự” cho thấy, việc xác định thẩm quyền kháng nghị của Viện kiểm sát trong thi hành án hình sự còn một số vướng mắc trong thực tiễn, đặc biệt là đối với các quyết định về tha tù trước thời hạn có điều kiện, quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh... Vì vậy, một số đơn vị, địa phương còn lúng túng, chưa thực sự chú trọng phát hiện vi phạm để ban hành kháng nghị.

Chuyên mục NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI có bài viết “Người đại diện của người dưới 18 tuổi bị buộc tội trong tố tụng hình sự” của tác giả Ngô Văn Lượng. Bài viết nêu một số vướng mắc trong áp dụng chế định người đại diện của người dưới 18 tuổi bị buộc tội như: Cha mẹ nhận nuôi con nuôi nhưng không đăng ký thì có được công nhận là người giám hộ đương nhiên không? Tham gia tố tụng là quyền hay nghĩa vụ của người đại diện… Từ đó, tác giả đưa ra kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 81/2014/NĐ-CP và Điều 420 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người đại diện.

Tác giả Phạm Thị Thanh Huyền thông qua bài viết “Cần có hướng dẫn cụ thể về xác định tiền án của bị can, bị cáo” tại chuyên mục THỰC TIỄN - KINH NGHIỆM cho rằng, việc xác định tiền án của bị can, bị cáo có ý nghĩa hết sức quan trọng, là căn cứ quyết định hình phạt; trong nhiều tội danh, tiền án còn có ý nghĩa trong việc định tội, định khung. Tuy nhiên, thực tiễn vấn đề xác định tiền án của người phạm tội vẫn còn vướng mắc trong trường hợp chưa thi hành phần án phí, bồi thường thiệt hại và trường hợp đã thi hành xong một bản án được tổng hợp từ nhiều bản án.

Từ kinh nghiệm của một số nước trên thế giới về thủ tục và phương thức thu hồi tài sản như thông qua các hình thức kết án, kết tội, thủ tục hành chính, thủ tục dân sự, trong chuyên mục THÔNG TIN KHOA HỌC, bài viết “Kinh nghiệm một số nước về thu hồi tài sản tham nhũng” của các tác giả Lê Tiến Sinh, Lê Tiến Viên đã đưa ra kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, Tạp chí Kiểm sát số 10/2021 còn có các bài viết đáng chú ý khác như: “Một số khía cạnh của vật quyền hưởng dụng” của PGS.TS. Phùng Trung Tập; “Sự tham gia của người làm chứng trong tố tụng hình sự” của tác giả Nguyễn Thị Ny; “Về việc áp dụng biện pháp buộc lao động phục vụ cộng đồng đối với người bị kết án cải tạo không giam giữ” của tác giả Đinh Công Thành…

Trân trọng giới thiệu và kính mời Quý độc giả đón đọc!

Hạnh Thảo