Tạp chí Kiểm sát giai đoạn 1990 – 2000: Cơ quan báo chí chính thống của ngành Kiểm sát nhân dân

Ngày đăng : 13:13, 21/05/2021

(Kiemsat.vn) - Một trong những yếu tố quan trọng của việc chuyển từ "Tập san công tác kiểm sát" thành "Tạp chí Kiểm sát" là sự phát triển của bản thân Tạp chí và yêu cầu của ngành Kiểm sát nhân dân cần có một cơ quan báo chí độc lập là diễn đàn hướng dẫn nghiệp vụ kiểm sát cho toàn ngành sau 30 năm xây dựng và phát triển.

Sau 4 năm thực hiện đường lối đổi mới kể từ sau Đại hội VI của Đảng, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã thu được một số kết quả quan trọng bước đầu, đời sống của nhân dân được cải thiện, chính trị ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững, hoạt động đối ngoại tiếp tục phát triển. Hệ thống pháp luật từng bước được xây dựng hoàn thiện để quản lý kinh tế và có hiệu quả cao hơn, đồng thời đã đặt ra những yêu cầu mới cho công tác của ngành Kiểm sát cũng như của từng đơn vị của ngành Kiểm sát nhân dân. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1988 có những điểm mới về tổ chức và hoạt động của Ngành. Mặt khác, sự phát triển của báo chí trong cả nước và yêu cầu của công tác thông tin tuyên truyền của Đảng và Nhà nước cũng đặt ra những yêu cầu mới cho công tác tuyên truyền của ngành Kiểm sát. Trước đó, ngày 28/12/1989, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua Luật Báo chí - là luật đầu tiên của Nhà nước quy định cụ thể về nghề báo ở nước ta. Luật Báo chí đã mở ra những hướng đi và yêu cầu đổi mới hoạt động báo chí trong cả nước, trong đó có báo chí của ngành Kiểm sát nhân dân.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định đường lối đổi mới do Đại hội VI lựa chọn là hoàn toàn đúng đắn. Đại hội đề ra Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000. Theo đó, điều kiện quan trọng để phát huy dân chủ là xây dựng hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tăng cường hiệu lực của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Đổi mới hệ thống tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân. Bảo đảm các điều kiện và phương tiện cần thiết để các cơ quan bảo vệ pháp luật làm tốt nhiệm vụ.

Đối với công tác tuyên truyền của ngành Kiểm sát, giai đoạn này chứng kiến nhiều thay đổi lớn và sự trưởng thành cả về chất và lượng. Ngày 12/10/1990, đồng chí Trần Quyết, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ký Quyết định số 79/QĐ thành lập đơn vị “Tạp chí Kiểm sát” là một đơn vị tương đương cấp Vụ, trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Đơn vị Tạp chí Kiểm sát tiếp tục nhiệm vụ làm và phát hành các số “Tập san công tác kiểm sát” đến hết năm 1991. Ngày 14/12/1991, Bộ Văn hoá và Thông tin chính thức cấp Giấy phép báo chí và đổi tên “Tập san công tác kiểm sát” thành “Tạp chí Kiểm sát”.

Việc chuyển từ “Tập san công tác kiểm sát” thành “Tạp chí Kiểm sát” xuất phát từ hai yếu tố quan trọng: Một là, sự phát triển của bản thân Tạp chí và yêu cầu của ngành Kiểm sát nhân dân cần có một cơ quan báo chí độc lập là diễn đàn hướng dẫn nghiệp vụ kiểm sát cho toàn ngành sau 30 năm xây dựng; Hai là, chủ trương của Nhà nước lúc bấy giờ là tăng cường các cơ quan báo chí của các bộ ngành, các tập san, nội san chuyển thành tạp chí, là diễn đàn lý luận và thực tiễn của các lĩnh vực hoạt động trọng yếu của Nhà nước.

Việc thành lập cơ quan báo chí Tạp chí Kiểm sát là một đơn vị tương đương cấp Vụ trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao có ý nghĩa quan trọng đối với công tác thông tin, tuyên truyền của toàn ngành. Từ đây, công tác thông tin tuyên truyền của ngành Kiểm sát do một cơ quan báo chí chính thống đảm nhiệm thực hiện mang tính chuyên nghiệp. Đồng thời ghi nhận sự đánh giá đúng mức của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao đối với tầm quan trọng của công tác thông tin khoa học, nghiệp vụ trong ngành Kiểm sát nhân dân. Ngoài công tác xuất bản tạp chí, Tạp chí Kiểm sát còn tham gia nhiều cuộc hội thảo chuyên đề, có ý kiến đóng góp chất lượng vào các cuộc hội thảo; tham gia xây dựng tổng kết 30 năm của Ngành; xây dựng sửa đổi Hiến pháp; bổ sung, sửa đổi Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân.

Trang bìa Tạp chí Kiểm sát số 01 năm 1991

Ngày 31/3/1992, sau khi nghe báo cáo về những vấn đề còn ý kiến khác nhau trong quá trình thảo luận bản dự thảo IV sửa đổi Hiến pháp năm 1980 tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội hóa VIII, Bộ Chính trị có ý kiến về “Viện kiểm sát nhân dân”: Nên giữ hai chức năng kiểm sát chung và công tố của Viện kiểm sát nhân dân; Nên thành lập Ủy ban Kiểm sát để “thảo luận và quyết định theo đa số những vấn đề quan trọng theo luật định” ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự Trung ương, Viện kiểm sát Quân sự cấp quân khu và tương đương” (Điều 139, 140)

Ngày 15/4/1992, Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá VIII đã thông qua bản Hiến pháp mới - Hiến pháp năm 1992. Hiến pháp mới ra đời là cơ sở pháp lý trong việc đổi mới chính trị, đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp nói chung, ngành Kiểm sát nói riêng. Hiến pháp đã thể chế hoá đường lối đổi mới của Đảng và khẳng định rõ chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân: “Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các bộ, các cơ quan ngang bộ, các cơ quan khác thuộc Chính phủ, các cơ quan chính quyền địa phương, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân, thực hành quyền công tố, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Các Viện kiểm sát nhân dân địa phương, các Viện kiểm sát quân sự kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố trong phạm vi trách nhiệm do luật định” (Điều 137).

Ngày 07/10/1992, Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa IX thông qua Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1992. Luật gồm 9 chương, 41 điều quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân. So với Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1981, Luật lần này có nhiều điểm mới như: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ngoài việc báo cáo trước Quốc hội, báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội thêm nội dung báo cáo Chủ tịch nước và trả lời chất vấn trước Quốc hội. Đối với Viện kiểm sát nhân dân địa phương, Luật quy định Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân địa phương chịu sự giám sát của Hội đồng nhân dân cùng cấp, chịu trách nhiệm báo cáo trước Hội đồng nhân dân về tình hình thi hành pháp luật của địa phương, về công tác của Viện kiểm sát ở địa phương, trả lời chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân (Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1981 quy định Viện kiểm sát nhân dân địa phương không lệ thuộc vào bất cứ cơ quan nào của Nhà nước ở địa phương).

Nhằm đẩy mạnh công cuộc đổi mới, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, năm 1996, Đại hội lần thứ VIII của Đảng nhấn mạnh: Cần phải đẩy mạnh cải cách tổ chức và hoạt động tư pháp. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp luật là cơ sở cho tổ chức và hoạt động của hệ thống các cơ quan tư pháp, đảm bảo mọi vi phạm pháp luật đều phải xử lý, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Theo đó, cần phải củng cố, kiện toàn bộ máy cơ quan tư pháp. Đổi mới tổ chức, hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân, các Cơ quan điều tra, Cơ quan thi hành án. Xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất chính trị và đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, đảm bảo cho bộ máy trong sạch vững mạnh. Quan điểm của Đại hội VIII là bước phát triển mới trong tư duy về xây dựng Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Đó là cơ sở quan trọng để ngành Kiểm sát tiếp tục củng cố, tăng cường bộ máy tổ chức và hoạt động của mình nhằm đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ mới. Theo đó, Tạp chí Kiểm sát cũng có những định hướng mới trong quá trình biên tập, xuất bản, phát hành tạp chí.

Chỉ thị số 03/VP ngày 20/01/1996 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nêu rõ về nhiệm vụ của công tác tuyên truyền năm 1996 như sau: Nâng cao chất lượng của Tạp chí Kiểm sát, phát hành tạp chí hàng tháng, nội dung tạp chí phải tập trung phản ánh lý luận và thực tiễn công tác của ngành, tuyên truyền nêu gương người tốt việc tốt trong hoạt động kiểm sát.

Giai đoạn này, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao luôn dành một sự quan tâm đặc biệt tới Tạp chí Kiểm sát; phân công một Phó Viện trưởng trực tiếp phụ trách Tạp chí Kiểm sát: Đồng chí Hà Mạnh Trí (từ năm 1991 đến 1992); đồng chí Vũ Đức Khiển (từ năm 1992 đến năm 1996); đồng chí Nguyễn Văn Đức (từ năm 1996 đến năm 2000).

Năm 1991, Chi bộ Tạp chí Kiểm sát được thành lập,  sau khi Tạp chí Kiểm sát trở thành đơn vị độc lập trong cơ cấu tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Trước đó, Chi bộ có 04 đảng viên sinh hoạt trong Chi bộ Viện khoa học kiểm sát (gồm các đồng chí: Nguyễn Đình Quế, Khuất Văn Nga, Trần Văn Nam, Phạm Xuân Chiến). Khi Chi bộ được thành lập, đồng chí Trần Văn Nam được giao Phụ trách Bí thư Chi bộ. Tháng 9/1995, Đại hội Chi bộ bầu đồng chí Trần Đình Khai làm Bí thư Chi bộ. Đại hội Chi bộ năm 1997, đồng chí Trần Văn Nam được bầu làm Bí thư Chi bộ.

Các cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Tạp chí Kiểm sát cũng có nhiều thay đổi ở giai đoạn này. Khi Tạp chí Kiểm sát chính thức thành lập, đồng chí Khuất Văn Nga, Phó Viện trưởng Viện khoa học kiểm sát được Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm làm Tổng Biên tập, là Tổng Biên tập đầu tiên của Tạp chí Kiểm sát; đồng chí Nguyễn Đình Quế được bổ nhiệm làm Phó Tổng Biên tập.

Tháng 01/1993, đồng chí Khuất Văn Nga, Tổng Biên tập được Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện khoa học kiểm sát; đồng chí Nguyễn Đình Quế được bổ nhiệm làm Tổng Biên tập. Tháng 5/1995, đồng chí Trần Đình Khai được bổ nhiệm làm Phó Tổng Biên tập. Đến tháng 7/1997, đồng chí Trần Đình Khai, Phó Tổng Biên tập được bổ nhiệm làm Quyền Tổng Biên tập Tạp chí Kiểm sát; đồng chí Phạm Huỳnh Công được bổ nhiệm làm Phó Tổng Biên tập.

Tiến sĩ Khuất Văn Nga (nguyên Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao) là Tổng Biên tập đầu tiên khi Tạp chí Kiểm sát chính thức được thành lập (năm 1991). Theo ông, Tạp chí Kiểm sát đã tỏ rõ là một diễn đàn hướng dẫn nghiệp vụ kiểm sát có hiệu quả những vấn đề lý luận và thực tiễn công tác kiểm sát. Tạp chí Kiểm sát đã góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động kiểm sát, góp phần bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho cán bộ, Kiểm sát viên các cấp ở những giai đoạn lịch sử phát triển của ngành.

Nhà báo Trần Đình Khai công tác tại Tạp chí Kiểm sát từ tháng 5/1995 đến tháng 7/1998. Giai đoạn 1997, 1998, ông là Quyền Tổng Biên tập Tạp chí Kiểm sát. Sau đó, ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Vụ trưởng Vụ kiểm sát giải quyết khiếu tố của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Từ năm 2004, ông được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng Biên tập báo Bảo vệ pháp luật cho đến khi nghỉ hưu.

Nhà báo Phạm Huỳnh Công làm việc tại Tòa soạn từ tháng 3/1977 đến năm 1989, sau đó ông chuyển công tác tới Viện kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Hà Nội. Tháng 7/1997, ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Tổng Biên tập Tạp chí Kiểm sát. Năm 1998, ông chuyển ngành sang làm Chánh Thanh tra Tổng cục Du lịch Việt Nam. Nhà báo Phạm Huỳnh Công có nhiều đóng góp trong việc đổi mới nội dung, hình thức và thay đổi cơ chế làm báo của “Tập san công tác kiểm sát” vào những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ XX - giai đoạn chuẩn bị cho việc chuyển tờ Tập san thành Tạp chí.

Tháng 8/1998, đồng chí Lại Hợp Việt, Phó Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao được Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm làm Tổng Biên tập Tạp chí Kiểm sát. Cùng năm, đồng chí Phạm Xuân Khánh, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao công tác tại Vụ Kiểm sát xét xử án hình sự được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Tổng Biên tập.

Năm 2000, đồng chí Phạm Xuân Chiến, Trưởng phòng Biên tập - Tuyên truyền được bổ nhiệm là Phó Tổng Biên tập.

Nhà báo Lại Hợp Việt là người giữ chức vụ Tổng Biên tập Tạp chí Kiểm sát lâu năm (8/1998 - 8/2008). Theo ông, Tạp chí Kiểm sát “phải đem đến cho người đọc những gì họ cần chứ không phải những gì mà Tòa soạn hiện có”. Ông đã có nhiều sáng kiến, cải tiến công tác quản lý, chỉ đạo để đưa Tạp chí Kiểm sát trở thành tạp chí khoa học pháp lý hàng đầu của khối Nội chính; là người tổ chức sưu tầm, tổng hợp, phục chế một lượng lớn ảnh tư liệu về hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân, hiện được lưu trữ tại Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và tại Tạp chí Kiểm sát.

Nhà báo Phạm Xuân Chiến công tác tại Tạp chí Kiểm sát từ tháng 8/1986 đến tháng 11/2002. Trong 16 năm làm việc tại Toà soạn, ông vừa làm nhiệm vụ biên tập, phóng viên vừa tham gia trình bày maket, vẽ bìa cho Tạp chí. Năm 2002, ông được điều động sang tham gia Ban trù bị làm tờ báo Bảo vệ pháp luật. Khi báo Bảo vệ pháp luật được thành lập, tháng 11/2002, ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng Biên tập báo Bảo vệ pháp luật.

Cơ cấu phòng ban của Tạp chí Kiểm sát cũng có sự thay đổi cho phù hợp với chức năng và nhiệm vụ mới. Ngày 25/3/1999, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có Quyết định số 09/QĐ về việc ban hành Quy chế về chức trách, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy hoạt động và lề lối làm việc của Tạp chí Kiểm sát. Việc Viện kiểm sát nhân dân tối cao có văn bản quy định cụ thể về chức trách, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, hoạt động, lề lối làm việc của Tạp chí Kiểm sát đã mở ra một thời kỳ phát triển mới của đơn vị. Theo đó, “Tạp chí Kiểm sát là đơn vị sự nghiệp thuộc bộ máy làm việc của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, là cơ quan báo chí và tuyên truyền của ngành Kiểm sát nhân dân. Tạp chí Kiểm sát hoạt động theo quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Báo chí và các quy định của Nhà nước về quản lý báo chí” (Điều 1 của Quy chế).

Tôn chỉ, mục đích của Tạp chí Kiểm sát theo Quy chế là: Trao đổi, hướng dẫn về lý luận khoa học pháp lý, trao đổi về nghiệp vụ và phương pháp công tác kiểm sát, về các vấn đề phát sinh trong thực tiễn thi hành pháp luật; trong đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; phổ biến các văn bản pháp luật và thông tin về hoạt động của các đơn vị trong ngành Kiểm sát nhân dân (Điều 2 của Quy chế).

Trên cơ sở Quy chế về tổ chức, bộ máy của đơn vị được ban hành, Tổng Biên tập Tạp chí Kiểm sát đã chỉ đạo đơn vị tiếp tục ổn định tổ chức, hoạt động bằng các quy định cụ thể như: Quy định về chức trách, nhiệm vụ và lề lối làm việc của Phòng Biên tập - Tuyên truyền (ban hành kèm theo Quyết định số 99/TCKS ngày 11/11/1999); Quy định về chức trách, nhiệm vụ và lề lối làm việc của Phòng Trị sự - Hành chính (ban hành kèm theo Quyết định số 98/TCKS ngày 11/11/1999); Quy định về dịch vụ quảng cáo trên Tạp chí Kiểm sát (ban hành kèm theo Quyết định số 120/1999-TCKS ngày 28/12/1999).

Cơ cấu cán bộ của Tạp chí gồm: Tổng Biên tập, Phó Tổng biên tập, các Trưởng phòng, các phóng viên, chuyên viên, cán bộ, nhân viên khác. Tạp chí Kiểm sát có 2 Phòng là: Phòng Biên tập - Tuyên truyền do đồng chí Phạm Xuân Chiến làm Trưởng phòng và Phòng Trị sự - Hành chính do đồng chí Trần Văn Nam làm Trưởng phòng.

Biên tập viên, Phóng viên và nhân viên của Toà soạn thời gian này gồm: Đồng chí Trần Văn Nam (Biên tập viên, 1999 là Trưởng phòng Trị sự - Hành chính), Phạm Xuân Chiến (Biên tập viên, năm 1999 là Trưởng phòng Biên tập – Tuyên truyền, năm 2000 là Phó Tổng Biên tập), Hoàng Phương Hồng (Biên tập viên),

Hoàng Công Huấn (Biên tập viên), Bùi Thị Sim (Phóng viên), Hoàng Thế Anh (Phóng viên), Nguyễn Hương Nhung (Phóng viên), Nguyễn Lệ Thuỷ (Trị sự, Kế toán), Trần Thị Phượng (Thủ quỹ).

Công tác xây dựng đội ngũ Cộng tác viên được chú trọng bằng việc đề nghị mỗi đơn vị nghiệp vụ thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Viện kiểm sát các tỉnh thành cử ít nhất 01 người làm Cộng tác viên của Tạp chí Kiểm sát. Toà soạn cũng đặt chế độ gửi mỗi số 1 cuốn tạp chí tới các Cộng tác viên để tham khảo và nghiên cứu viết tin, bài.

Là một đơn vị độc lập, Tạp chí Kiểm sát đã mở rộng quan hệ với các cơ quan thông tấn báo chí. Đặt quan hệ thường xuyên với 15 cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình; xây dựng được những mối quan hệ chặt chẽ với Tạp chí Toà án (Toà án nhân dân tối cao), Tạp chí Pháp chế (Bộ Tư pháp), Tạp chí Nhà nước và pháp luật (Viện nghiên cứu Nhà nước và pháp luật - Viện hàn lâm khoa học Việt Nam)... Những bài viết đăng trên Tạp chí Kiểm sát đã được sử dụng phát trên sóng nhiều lần trong các chương trình Nhà nước và pháp luật của Đài Tiếng nói Việt Nam, góp phần vào công tác tuyên truyền phục vụ hoạt động kiểm sát.

Giai đoạn này Tạp chí Kiểm sát đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ làm công tác kiểm sát hình sự mở ra những cuộc thảo luận về áp dụng điều luật, xử lý tội phạm trên Tạp chí Kiểm sát. Những thảo luận trên Tạp chí Kiểm sát đã thu hút sự quan tâm của nhiều cán bộ, Kiểm sát viên từ cơ sở, tạo sự hào hứng với bạn đọc và góp phần nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, Kiểm sát viên trong ngành.

Hình thức của ấn phẩm Tạp chí Kiểm sát cũng có những thay đổi đáng ghi nhận. Giai đoạn 1991 - 1995, Tạp chí Kiểm sát phát hành 2 tháng/1kỳ, cả năm có 6 số, mỗi số 32 trang (một vài số tăng lên 40 trang), in trên khổ 19cm x 27cm, số lượng in là 4.000 bản, phát hành tới các đơn vị trong và ngoài ngành Kiểm sát nhân dân.

Từ số 01 đến số 04/1991, ngoài trang bìa chỉ in tên gọi: “KIỂM SÁT”. Bắt đầu từ số 5/1991, ngoài bìa vẫn đề là “KIỂM SÁT” nhưng trong trang lót bìa in đầy đủ là “Tạp chí Kiểm sát”. Năm 1992, ngoài bìa ghi đầy đủ là “Tạp chí Kiểm sát”, có một vài số in ảnh trên trang bìa.

Từ năm 1993, nội dung các số Tạp chí Kiểm sát dần hình thành ba mảng chuyên đề là: Lý luận cơ bản về nhà nước pháp luật; Lý luận và kinh nghiệm thực tế công tác kiểm sát nói chung và từng khâu nghiệp vụ, trong đó đặc biệt chú ý đến kinh nghiệm về phối hợp đấu tranh phòng chống vi phạm và tội phạm;  Thông tin hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân.

Ngày 24/9/1994, Bộ Văn hoá - Thông tin cấp Giấy phép xuất bản báo chí số 2627/GPXB cho Tạp chí Kiểm sát. Theo đó: Tạp chí Kiểm sát trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao với tôn chỉ, mục đích hoạt động là: Hướng dẫn nghiệp vụ kiểm sát trong đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật; phổ biến các văn bản pháp luật, các vấn đề khoa học pháp lý phục vụ công tác kiểm sát. Đối tượng phục vụ và phạm vi phát hành: Cán bộ trong ngành Kiểm sát nhân dân. Khuôn khổ: 19 x 27 cm, Số trang: 32 trang, Số lượng bản/kỳ: 4.000 bản/kỳ. Nguồn giấy in: Tự lo. Nơi in: Xưởng in Công đoàn, Phát hành: Qua bưu điện.

Ngày 09/12/1995, Bộ Văn hoá - Thông tin có Văn bản số 3647/BC về việc đồng ý cho Tạp chí Kiểm sát được tăng từ 2 tháng/1 kỳ lên 1 tháng/1 kỳ. Mọi quy định khác vẫn thực hiện theo Giấy phép số 2627-GPXB ngày 24/9/1994 của Bộ Văn hoá - Thông tin. Tạp chí Kiểm sát đã được Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định tăng số lượng phát hành lên 5.000 bản. Giai đoạn 1996 - 1999, Tạp chí Kiểm sát tăng kỳ phát hành lên 1 tháng/1 kỳ, mỗi số 32 trang, số lượng phát hành tăng lên thành 5.000 bản mỗi kỳ. Phạm vi phát hành rộng rãi trong toàn quốc. Từ số 01/1997, tạp chí bắt đầu in ảnh màu trong phần nội dung. Từ số 12/1997, nội dung tạp chí bắt đầu chia thành các chuyên mục như: Tin hoạt động trong ngành; Nghiên cứu lý luận; Từ thực tiễn áp dụng pháp luật; Cùng bạn đọc; Nhìn ra Thế giới... Tuy nhiên, việc chia chuyên mục và tên gọi các chuyên mục chưa ổn định mà có sự thay đổi như: Người tốt, việc tốt; Ống kính phóng viên; Tìm trong lịch sử; Ý kiến bạn đọc; Thư giãn...

Chỉ thị số 01/2000/CT ngày 10/01/2000 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nêu rõ về nhiệm vụ của công tác tuyên truyền năm 2000 như sau: Nâng cao chất lượng của Tạp chí Kiểm sát, tập trung phản ánh sâu về hoạt động nghiệp vụ của Ngành, tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật và hoạt động của các Viện kiểm sát, các điển hình tốt trong công tác kiểm sát nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập ngành. Để tập trung phản ánh sâu về hoạt động nghiệp vụ của Ngành, Tạp chí Kiểm sát đã có mục “Tin hoạt động trong ngành” và tăng cường việc đặt bài các Cộng tác viên chủ chốt. Nhiều hoạt động phục vụ kỷ niệm 40 năm thành lập ngành Kiểm sát nhân dân đã được Tạp chí Kiểm sát triển khai, trong đó nổi bật là đã tham mưu cho Lãnh đạo Viện xây dựng và xuất bản cuốn Kỷ yếu “Bốn mươi năm Viện kiểm sát nhân dân 1960 - 2000”.

Ngày 08/3/2000, Bộ Văn hoá - Thông tin có Văn bản số 810/BC, đồng ý cho phép Tạp chí Kiểm sát tăng từ 32 trang lên 48 trang, thời gian thực hiện từ tháng 3/2000. Đồng thời, Tạp chí Kiểm sát được Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định tăng số lượng phát hành lên 6.500 bản/1 kỳ.

Ngày 15/3/2000, Tổng Biên tập Tạp chí Kiểm sát đã ban hành Quyết định số 30/2000-TCKS quy định về trình tự ấn hành Tạp chí Kiểm sát. Tiếp đó, ngày 25/4/2000, Tạp chí Kiểm sát cũng đã ban hành Quyết định số 40/2000-TCKS quy định về chi trả nhuận bút, nhuận ảnh trên các số Tạp chí Kiểm sát.

Ngày 30/8/2000, Bộ Văn hoá - Thông tin có văn bản số 3639/BC đồng ý cho Tạp chí Kiểm sát xuất bản tạm thời tờ “Bản tin Kiểm sát” để phục vụ nhu cầu thông tin trong ngành Kiểm sát nhân dân, phản ánh kịp thời hoạt động của các Viện kiểm sát nhân dân địa phương, các điển hình tiên tiến, các kinh nghiệm tốt trong công tác và hoạt động thi đua của toàn ngành. Bản tin Kiểm sát được in 16 trang 2 màu; phát hành nội bộ 1 tháng/2 kỳ (vào ngày 05 và ngày 20) với số lượng 1.500 cuốn.

Việc làm và phát hành “Bản tin Kiểm sát” đã mở ra một kênh thông tin mới để kịp thời thông tin đến các đơn vị trong toàn ngành tình hình và kết quả hoạt động của các đơn vị trong ngành Kiểm sát nhân dân, các chủ trương, chính sách mới ban hành có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát và gương người tốt, việc tốt trong ngành Kiểm sát nhân dân. “Bản tin Kiểm sát” cũng là ấn phẩm thử nghiệm để sau này Tạp chí Kiểm sát đề xuất với Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao xuất bản báo Bảo vệ pháp luật.

Trong giai đoạn này, phương châm hoạt động của Tạp chí Kiểm sát là tập trung nâng cao chất lượng nội dung và tính thẩm mỹ, đổi mới phương thức phát hành của của tờ tạp chí, đồng thời đòi hỏi phải đưa dần việc quản lý Toà soạn theo hoạt động của một đơn vị sự nghiệp có thu. Tạp chí Kiểm sát bắt đầu làm và phát hành nhiều ấn phẩm sách in văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật, sách tham khảo về nghiệp vụ và ấn phẩm tuyên truyền như kỷ yếu, lịch treo tường...

Việc in ấn tạp chí giai đoạn này được thực hiện tại xưởng in của Tổng Công đoàn, sau đó là Công ty in Công đoàn, Xí nghiệp in Bản đồ thuộc Tổng cục Địa chính Việt Nam, Nhà in Thống nhất; Nhà in Báo nhân dân, Nhà in Thông tấn xã Việt Nam, Nhà in báo Hà Nội mới, Xí nghiệp in Ba Đình (Bộ Công an). Hình thức in cũng chuyển từ in đen trắng thành in 2 màu rồi in 4 màu, từ chỉ in màu các trang bìa đến in màu các trang nội dung, việc thiết kế, chế bản được chú trọng, hình thức của ấn phẩm ngày càng được hoàn thiện.

Tạp chí Kiểm sát đã chuyển đổi phương thức phát hành từ chỗ chuyển ấn phẩm từ Nhà in và danh sách nhận tạp chí giao cho bưu điện sang phương thức đóng gói tại Toà soạn rồi chuyển giao cho bưu điện. Việc làm này không những đảm bảo việc phát hành chính xác và không thất lạc, mà còn góp phần tăng thêm thu nhập hàng tháng cho cán bộ, nhân viên Toà soạn.

Cùng với việc biên tập, đăng các bài viết nghiên cứu của các tác giả gửi về, phóng viên Tạp chí Kiểm sát đã tích cực đi cơ sở, thâm nhập thực tiễn để ghi nhận, viết bài, thực hiện các cuộc trao đổi, phỏng vấn, kịp thời truyền tải thông tin về hoạt động của ngành Kiểm sát, nâng cao tính lý luận và thực tiễn. Không chỉ có thông tin, trao đổi nghiệp vụ kiểm sát mà tạp chí bắt đầu có những bài viết mới tập trung vào các vấn đề trao đổi về lý luận, trao đổi về pháp luật, thảo luận về cải cách tư pháp, bàn về Hiến pháp và chức năng của Viện kiểm sát nhân dân.

Trước đó có nhiều bài viết đáng chú ý như: Bài “Hiến pháp 1992 tiếp tục khẳng định chức năng của Viện kiểm sát nhân dân trong việc bảo đảm cho pháp luật được chấp hành” của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Văn Tửu; bài “Nắm vững những quy định về Viện kiểm sát nhân dân trong Hiến pháp mới” của tác giả Hà Mạnh Trí  (số 3/1992); Chuyên đề “Các bài nghiên cứu về Hiến pháp năm 1992”;... Bài phỏng vấn Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh (đăng trên số 2/1995); phỏng vấn đồng chí Nguyễn Bá, Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An (đăng trên số 3+4/1995); bài “Bàn về nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học của ngành Kiểm sát” của tác giả Ngô Văn Đọn (số 1/1995); bài “Bàn về phạm vi công tác kiểm sát thi hành án” của tác giả Trần Phàn (số 5/1995); bài “Ngành Kiểm sát nhân dân trân trọng lắng nghe các ý kiến của báo chí trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm sát” của tác giả Nguyễn Văn Đức (số 6/1999); bài “Về định hướng và phương pháp phòng chống tội phạm trong tình hình mới” của PTS. Phạm Hồng Hải (số 9/1999)...

Bên cạnh đó là những bài tuyên truyền, trao đổi kinh nghiệm kiểm sát như bài “Cải cách tư pháp và việc xây dựng Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) ở nước ta”của tác giả Khuất Văn Nga (số 3/1996); bài “Bàn về vị trí của Viện kiểm sát nhân dân trong cải cách bộ máy nhà nước CHXHCN Việt Nam” của PTS. Lê Hữu Thể (số 4/1997)... Hay như các chuyên đề: “Kỷ niệm 25 năm trường Cao đẳng Kiểm sát Hà Nội”, “Kỷ niệm 35 năm thành lập Viện kiểm sát nhân dân”, “Chuyên đề về Bộ luật Hình sự năm 1999”, “Chuyên đề về sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự”...

Bạn đọc với Tạp chí Kiểm sát tại Hội báo Xuân Canh Thìn (năm 2000)

Nội dung Tạp chí Kiểm sát trong giai đoạn này, ngoài các bài viết mang tính chất chỉ đạo, triển khai công tác của các đồng chí Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao như đồng chí Trần Quyết, đồng chí Nguyễn Văn Thìn, các bài nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm của các đồng chí trong ngành, tạp chí cũng đã in nhiều bài viết, bài phát biểu của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước như: Đồng chí Phùng Văn Tửu (Phó Chủ tịch Quốc hội), đồng chí Nông Đức Mạnh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội... nhiều bài của các nhà nghiên cứu khoa học như: Phó Tiến sĩ Luật Võ Khánh Vinh, Phó Tiến sĩ Đỗ Ngọc Quang... nghiên cứu, bàn luận các vấn đề của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Hình sự; số lượng bài tăng, chất lượng bài viết nghiên cứu sâu hơn và nhiều tác giả ở nhiều lĩnh vực công tác. Điển hình như: Bài “Bàn về một số vấn đề sửa đổi, bổ sung chế định Viện kiểm sát nhân dân trong Hiến pháp” của tác giả Khuất Bình Nguyên (số 1/1991); bài “Về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự” của tác giả Võ Khánh Vinh (số 1/1991); bài “Hiến pháp 1992 tiếp tục khẳng định chức năng của Viện kiểm sát nhân dân trong việc bảo đảm cho pháp luật được chấp hành” của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Văn Tửu….

Đánh giá hoạt động của tạp chí những năm này, Báo cáo số 03/VP ngày 20/01/1997 của Viện  kiểm sát nhân dân tối cao đã nhận xét: Hoạt động của Tạp chí Kiểm sát tiếp tục được cải tiến, nâng cao chất lượng, từ đầu năm đã ra hàng tháng với nhiều chuyên mục, thể loại, phát hành đúng kỳ hạn. Nội dung của Tạp chí được mở rộng đề tài để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của ngành, được người đọc hoan nghênh. Báo cáo số 01/VP ngày 02/01/1998 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao đánh giá: Tạp chí Kiểm sát ngày càng cải tiến để nâng cao chất lượng với nhiều chuyên mục, thể loại, hình thức đẹp, phát hành đúng thời hạn. Báo cáo số 03/VP ngày 14/01/1999 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao đánh giá hoạt động của Tạp chí Kiểm sát năm 1998: Tạp chí Kiểm sát được cải tiến với nội dung phong phú, phản ánh nhiều hoạt động của ngành Kiểm sát, đổi mới cơ chế và hình thức phối hợp với cộng tác viên, tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật, từng bước nâng cao chất lượng của một tạp chí chuyên ngành, phục vụ tốt cho công tác nghiệp vụ. Báo cáo số 04/BC-VKSTC ngày 05/01/2001 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao đánh giá về tình hình công tác tuyên truyền năm 2000: Tạp chí Kiểm sát tiếp tục đổi mới công tác quản lý, mở rộng mạng lưới cộng tác viên, ấn hành đều đặn các số tạp chí với nội dung và hình thức phong phú, sát với hoạt động nghiệp vụ của ngành hơn. Tạp chí đã có nhiều cố gắng trong công tác tuyên truyền pháp luật, nhất là phục vụ cho đợt kỷ niệm 40 năm thành lập ngành. Bản tin Kiểm sát được phát hành đã góp phần tăng thêm lượt thông tin về hoạt động của các đơn vị trong toàn ngành. Báo cáo số 19/VP ngày 05/01/2000 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã nhận xét: Tạp chí Kiểm sát đã xây dựng được một số quy định về nhiệm vụ, chức trách của Tạp chí, về quản lý nghiệp vụ, quản lý tài chính. Tạp chí đã có một số cải tiến về nội dung và hình thức với nhiều chuyên mục, thể loại phong phú sát với hoạt động nghiệp vụ của ngành, đồng thời đổi mới cơ chế và hình thức phối hợp với cộng tác viên, tăng cường cử phóng viên, cán bộ đi nghiên cứu thực tế, đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, từng bước nâng cao chất lượng, phục vụ tốt cho công tác của ngành...

Thùy Linh (trích "Lịch sử Tạp chí Kiểm sát (1961-2021)")