Về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc

Ngày đăng : 09:25, 18/05/2021

(Kiemsat.vn) - Một trong những vướng mắc lớn trong áp dụng quy định người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc là xác định cha đẻ, mẹ đẻ của người để lại di chúc còn sống hay đã chết vào thời điểm mở thừa kế; đặc biệt việc xin cấp Trích lục khai tử rất khó thực hiện nếu cha đẻ, mẹ đẻ của họ đã chết từ lâu. Bất cập này cản trở việc tiến hành các thủ tục mở thừa kế, ảnh hưởng đến quyền lợi của những người thừa kế hợp pháp.

Khó khăn, vướng mắc trong áp dụng quy định người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc

Theo Điều 644 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015, con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng hoặc con thành niên mà không có khả năng lao động vẫn sẽ được hưởng phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn 2/3 suất đó. Quy định này chỉ không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này. Như vậy, về nguyên tắc, những người kể trên đương nhiên được hưởng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật mà không phụ thuộc vào việc họ có được di chúc phân chia di sản cho hay không.

Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy nhiều vướng mắc phát sinh đối với trường hợp cần xác định cha đẻ, mẹ đẻ của người để lại di chúc còn sống hay đã chết vào thời điểm mở thừa kế.

Theo quy định, những người thừa kế của người để lại di chúc sẽ tiến hành các thủ tục mở thừa kế khi người để lại di chúc qua đời (thường là tại Phòng công chứng hoặc Văn phòng công chứng). Công chứng viên phải xác định chính xác, rõ ràng những người sẽ được hưởng thừa kế. Theo đó, như đã nêu trên, cha đẻ, mẹ đẻ là những người đương nhiên được hưởng thừa kế mà không bị phụ thuộc vào nội dung của di chúc. Do vậy, nếu cha đẻ, mẹ đẻ vẫn còn sống vào thời điểm mở thừa kế thì sẽ bắt buộc phải chia cho những người này. Còn nếu như cha đẻ, mẹ đẻ của người để lại di chúc cũng đã qua đời thì quy định này mới không được thực hiện.

 Khi tiến hành thủ tục mở thừa kế, những người thừa kế sẽ phải xuất trình giấy Trích lục khai tử của người chết có để lại di chúc và trong trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ của người chết cũng đã chết thì còn phải cung cấp thêm Trích lục khai tử của những người này. Nếu không, Công chứng viên sẽ không thể tiến hành các thủ tục mở thừa kế vì không xác định rõ ràng việc cha đẻ, mẹ đẻ của người để lại di chúc đã chết thật hay chưa. Tuy nhiên, một vướng mắc rất lớn chính là nếu như cha đẻ, mẹ đẻ của người để lại di chúc đã chết từ rất lâu thì việc xin cấp Trích lục khai tử gần như khó có thể thực hiện được. Bởi thời kỳ trước, việc tiến hành các thủ tục cấp “Trích lục khai tử” dường như vẫn còn rất xa lạ với đại đa số người dân Việt Nam và chính quyền; công tác quản lý hành chính chưa thật sự được quan tâm, chú trọng. Nói cách khác, trước đây, các vấn đề liên quan đến thủ tục quản lý hộ tịch nói chung và thủ tục khai tử nói riêng khá lỏng lẻo, sơ sài. Cũng vì thế, rất nhiều gia đình khi có người chết thì chỉ báo qua với xã, phường và xã, phường cũng không yêu cầu tiến hành các thủ tục gì thêm. Hiện nay, việc quản lý hộ tịch lại rất chặt chẽ, bài bản; thậm chí nhiều nơi áp dụng máy móc, vì thế, đã làm nảy sinh sự không tương thích, mâu thuẫn giữa việc quản lý hộ tịch trong những giai đoạn khác nhau. Việc mở thừa kế thực hiện theo quy định là phải có căn cứ rõ ràng để xác định cha đẻ, mẹ đẻ của người để lại di chúc đã chết. Điều này gây khó khăn và cản trở rất lớn cho những người thừa kế hợp pháp và trên thực tế, không ít trường hợp, việc giải quyết trở nên bế tắc vì không thể tìm được căn cứ chứng minh cho những tình huống trên. Thông thường, khi giải quyết vấn đề tìm căn cứ xác định cha đẻ, mẹ đẻ của người để lại di chúc đã chết thì hầu hết các Phòng công chứng hoặc các Văn phòng công chứng sẽ hướng dẫn những người thừa kế tiến hành theo các cách thức như sau:

Cách thứ nhất, về địa phương (nơi cư trú cuối cùng của cha đẻ, mẹ đẻ người để lại di chúc) xin Ủy ban nhân dân (UBND) xã, phường cấp (hoặc cấp lại tùy theo yêu cầu của từng nơi) “Trích lục khai tử” cho cha đẻ, mẹ đẻ của người để lại di chúc. Tuy nhiên, do công tác quản lý hành chính và địa hạt của Việt Nam thường xuyên thay đổi; một địa phương có thể tách, nhập; chuyển từ huyện lên quận hoặc thường xuyên thay đổi số nhà, tổ dân phố… Do vậy, nhiều UBND từ chối cấp “Trích lục khai tử” vì lấy lý do vào thời điểm người chết qua đời thì nơi cư trú cuối cùng của người chết thuộc địa bàn của phường, xã khác; tại UBND không có bản sao hoặc giấy tờ gì có thể xác định việc cha, mẹ của người để lại di chúc từng cư trú hoặc chết. Trong trường hợp này, UBND xã, phường sẽ hướng dẫn người thân của người chết lên UBND cấp huyện, quận hoặc cơ quan công an huyện, quận để xin xác nhận thông tin của người chết. Tuy nhiên, do công tác bàn giao giấy tờ, sổ sách từ các cơ quan hành chính qua các giai đoạn khác nhau thường không có sự thống nhất hoặc do thời gian quá lâu nên đã mất mát, hư hỏng, vì thế, không ít trường hợp các UBND huyện, quận và công an huyện, quận lại trả lại hồ sơ.

Cách thứ hai, nếu không thể xuất trình “Trích lục khai tử” của cha đẻ, mẹ đẻ của người để lại di chúc thì người thừa kế phải đi xin xác nhận của UBND phường, xã về việc cha đẻ, mẹ đẻ của người để lại di chúc đã qua đời. Thế nhưng, thông thường, các UBND phường, xã sẽ từ chối vì nhiều lý do. Hơn nữa, nếu đặt giả thiết người để lại di chúc qua đời ở tuổi 80 (tạm xác định lấy mốc năm 2019 và người này sinh năm 1939) và cha, mẹ của người này mất ngay từ năm 1940, tức là còn trước thời điểm Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (02/9/1945). Vì vậy, các cơ quan quản lý hành chính hiện nay lại càng không thể xác định cha, mẹ của người để lại di chúc đã chết hay chưa hoặc nơi cư trú cuối cùng của họ là ở đâu. Do đó, trên thực tế, cách này gần như không thực hiện được.

Cách thứ ba, các Công chứng viên (đặc biệt tại các Văn phòng công chứng) sẽ phải tự đi điều tra, xác minh (bằng nhiều phương pháp như hỏi thông tin từ hàng xóm của gia đình người chết hoặc từ những người thân của người để lại di chúc) về việc cha đẻ, mẹ đẻ của người đó đã chết thật hay chưa. Thậm chí, có trường hợp, Công chứng viên còn bí mật đến tận nhà người để lại di chúc chỉ để quan sát ảnh thờ cúng của cha đẻ, mẹ đẻ của người để lại di chúc. Dù vậy, đây chỉ là các phương pháp của cá nhân Công chứng viên để có thể kết luận việc mở thừa kế và loại bỏ quyền hưởng thừa kế không phụ thuộc vào di chúc của cha đẻ, mẹ đẻ của người để lại di chúc. Ngoài ra, cũng có trường hợp, Công chứng viên tự đưa ra tiêu chí xác định dựa trên độ tuổi của người để lại di chúc khi qua đời. Cụ thể, do chưa có quy định và hướng dẫn cụ thể của pháp luật nên khá nhiều Công chứng viên tự cho rằng, nếu người để lại di chúc chết khi đã trên 85 tuổi thì có thể loại bỏ cha đẻ, mẹ đẻ của người để lại di chúc ra khỏi diện thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc. Bởi lẽ, nếu tính toán cơ học bằng việc cộng tuổi của người để lại di chúc với độ tuổi cần thiết để có thể sinh ra người để lại di chúc thì đương nhiên khi đó cha đẻ, mẹ đẻ của người để lại di chúc cũng đã hơn 100 tuổi và có lẽ rất ít người còn có thể sống đến thời điểm này. Còn nếu trường hợp người để lại di chúc chết trước khi đủ 85 tuổi (hoặc có thể tùy thuộc quan điểm của từng Công chứng viên) thì các Công chứng viên sẽ lại phải tự điều tra, xác minh và đưa ra quyết định cuối cùng, chủ yếu dựa vào “niềm tin nội tâm” của chính bản thân họ.

Tóm lại, cho dù có tiến hành theo cách thức nào để có thể xác định cha đẻ, mẹ đẻ của người để lại di chúc đã qua đời hay chưa thì đều gây khó khăn cho những người thừa kế hợp pháp, các Công chứng viên và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có liên quan đến quá trình tiến hành các thủ tục mở thừa kế.

Một số kiến nghị

Có thể khẳng định, việc quy định những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc nhằm “bảo vệ lợi ích của một số người trong diện những người thừa kế theo pháp luật, phù hợp với phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta”. Thế nhưng việc thực hiện các quy định này lại không phù hợp với tình hình, hoàn cảnh, điều kiện thực tế trong nhiều trường hợp và đây lại là nguyên nhân gây ra sự khó khăn, phức tạp cho nhiều bên liên quan đến quá trình tiến hành thủ tục mở thừa kế. Từ đó, theo tác giả, pháp luật cần có hướng giải quyết đối với trường hợp người chết từ rất lâu mà không thể tiến hành các thủ tục xin cấp Trích lục khai tử hoặc cấp lại Trích lục khai tử thì những người thừa kế hợp pháp vẫn có thể nhanh chóng tiến hành thủ tục mở thừa kế. Tác giả cho rằng, nếu những người thừa kế hợp pháp đã tiến hành đầy đủ các thủ tục theo đúng yêu cầu của UBND nơi cư trú cuối cùng của người là cha đẻ, mẹ đẻ của người để lại di chúc; đã yêu cầu các cơ quan như UBND quận, huyện, cơ quan công an quận, huyện và các cơ quan này đều đã có công văn trả lời về việc không thể xác định nơi cư trú cuối cùng hoặc nơi chết thì tất cả những người thừa kế hợp pháp phải cùng lập văn bản cam kết trước sự chứng kiến của Công chứng viên hoặc tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đảm bảo trước pháp luật về việc cha đẻ, mẹ đẻ của người để lại di chúc cũng đã chết. Tuy nhiên, để loại trừ các trường hợp cố tình gian dối khi khai nhận thừa kế, rất cần bổ sung các quy định về hình phạt đối với việc phạm tội cố tình khai nhận di sản thừa kế. Khung hình phạt phải đủ sức răn đe và phòng ngừa. Theo tác giả, đây sẽ là hướng giải quyết hợp lý để các Công chứng viên và những người thừa kế hợp pháp có thể tiến hành nhanh chóng, thuận lợi các thủ tục mở thừa kế tiếp theo.

Bên cạnh đó, trên thực tế, không ít trường hợp những người thừa kế hợp pháp có thể cung cấp được cho Công chứng viên hoặc cho các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền những loại giấy tờ có liên quan đến việc xác định cha đẻ, mẹ đẻ của người để lại di chúc đã chết như Hợp đồng tang lễ, Hợp đồng nhập mộ, Thẻ mộ (tại một số nghĩa trang lớn trước đây) … Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các loại giấy tờ này không được Công chứng viên hoặc các cơ quan quản lý nhà nước chấp nhận vì lý do các tổ chức chịu trách nhiệm cấp, quản lý giấy tờ này không phải là các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Mặc dù vậy, theo tác giả, cần xem xét và nên công nhận giá trị pháp lý của các loại giấy tờ trên. Trong đó, trước mắt cần xây dựng cơ chế liên kết, tìm kiếm và tra cứu thông tin giữa các Ban quản lý nghĩa trang với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi giải quyết thủ tục mở thừa kế, để phối hợp trong việc xác định một người đã chết từ cách đây rất lâu. Từ đó, có thể giải quyết được một phần khó khăn, vướng mắc khi tiến hành xác định cha đẻ, mẹ đẻ của người để lại di chúc đã chết hay chưa; tạo điều kiện cho các bên liên quan trong quá trình tiến hành các thủ tục mở thừa kế./.

TS. Nguyễn Vinh Hưng (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội)