Một số kinh nghiệm giải quyết vụ án về tham nhũng, chức vụ
Ngày đăng : 13:49, 07/05/2021
Phiên tòa xét xử 2 cựu chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến trong vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ |
Kinh nghiệm giải quyết án về tham nhũng, chức vụ trong giai đoạn điều tra và truy tố
Trong nghiên cứu tài liệu điều tra vụ án:
Đối với các vụ án về tham nhũng, chức vụ, cần hết sức chú trọng việc đánh giá tài liệu thu thập được vì hành vi của các đối tượng/bị can là lãnh đạo trong các cơ quan, tổ chức thường rất tinh vi. Họ thường lợi dụng sự đan xen các quy định của pháp luật điều chỉnh lĩnh vực quản lý mà họ được giao để thực hiện hành vi sai phạm vì động cơ vụ lợi cá nhân. Vì vậy, quá trình điều tra thường khó đánh giá và “buộc” được ngay trách nhiệm của các đối tượng này theo dấu hiệu hình sự đang điều tra hoặc chuẩn bị khởi tố điều tra. Để khai thác có hiệu quả tài liệu điều tra, Kiểm sát viên (KSV) cần lưu ý một số nội dung sau:
Thứ nhất, khi phối hợp với Điều tra viên (ĐTV) tham gia hoạt động khám xét hoặc thu thập tài liệu trong quá trình điều tra, cần chú ý các tài liệu là tờ trình, dự thảo công văn, quyết định, đề án, thông báo kết luận các cuộc họp có ý kiến chỉnh sửa, bổ sung của bị can có chức vụ, quyền hạn không; thẩm quyền quyết định liên quan trực tiếp đến sai phạm (khi thực thi công vụ đã ban hành các chủ trương mang tính “áp đặt”, “chỉ đạo”, “chỉ định”, “yêu cầu”, “phải thực hiện” có nội dung trái nguyên tắc, không đúng quy trình, quy định của pháp luật liên quan đến nội dung sai phạm đã được khởi tố điều tra hoặc đang tiến hành điều tra). Từ đó, KSV thống nhất quan điểm đánh giá với ĐTV nhằm chứng minh bản chất của hành vi mà đối tượng/bị can đã thực hiện là trái quy định của pháp luật, là tiền đề dẫn đến gây thất thoát tài sản cho nhà nước hoặc với mục đích “vụ lợi cá nhân”.
Thứ hai, KSV phải tìm hiểu và nắm chắc quy trình thực hiện một công việc, một công đoạn của công việc, việc hoàn thiện một thủ tục hành chính, pháp lý có tính quyết định chủ trương đã ban hành hoặc hoàn thiện quy trình hay còn gọi là “kết thúc” một công việc liên quan trực tiếp đến nội dung sai phạm để giải đáp các câu hỏi: Quy trình giải quyết công việc này phải qua bao nhiêu công đoạn? Trách nhiệm thuộc về ai? Căn cứ nào để ban hành, xem xét, đánh giá các nội dung tờ trình, công văn, quyết định có đúng quy định pháp luật không? Nội dung đã ban hành có lợi cho nhà nước hay nhóm lợi ích hoặc có phải là tiền đề dẫn đến gây thiệt hại cho nhà nước không? Từ việc giải đáp các câu hỏi này, KSV yêu cầu hoặc cùng ĐTV trực tiếp thu thập để làm rõ, trong đó lưu ý các bút phê chỉ đạo của bị can và người có thẩm quyền quyết định tại các tài liệu đang được lưu trữ để làm rõ trách nhiệm cá nhân và hậu quả pháp lý của bút phê nêu trên. Điều này có ý nghĩa trong việc chứng minh trách nhiệm hình sự hoặc là “tiền đề” để bị can là cấp dưới lợi dụng ban hành các công văn, quyết định có nội dung trái với quy định của pháp luật vì động cơ vụ lợi hoặc tạo điều kiện về pháp lý để đem lại lợi ích cho cá nhân khác, đồng thời gây thiệt hại cho tài sản nhà nước. Từ đó, nhận diện được cách thức thực hiện tội phạm và cá thể hoá trách nhiệm hình sự, vai trò, vị trí trong vụ án đồng phạm, đồng thời xác định tội danh được chính xác.
Thứ ba, trong việc xác định thiệt hại và trưng cầu giám định, trước đây KSV chỉ kiểm sát sau khi Cơ quan điều tra chuyển giao bản kết luận giám định, định giá tài sản Giám định viên đã ban hành. Đây chính là thiếu sót của KSV khi phối hợp thực hiện vì nếu không kiểm sát được nội dung trưng cầu, định giá sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động điều tra của ĐTV và định hướng điều tra của Cơ quan điều tra. Do đó, KSV phải chủ động thống nhất với ĐTV về việc xác định thiệt hại trên cơ sở phân tích được hành vi của bị can so với tội danh đã phê chuẩn khởi tố điều tra, gắn trực tiếp với thiệt hại xảy ra hoặc là nguyên nhân chính dẫn đến hậu quả thiệt hại; trong đó, lưu ý mối quan hệ trực tiếp giữa động cơ, mục đích với hành vi khách quan thể hiện là đã cố ý thực hiện hành vi làm trái để tư lợi, hưởng lợi hoặc để chiếm đoạt hoặc gây thất thoát tài sản. Kiểm sát viên cũng phải tham gia trực tiếp vào nội dung dự thảo trưng cầu giám định của Cơ quan điều tra. Mặt khác, trong quá trình giám định KSV phải phối hợp với ĐTV trao đổi với Giám định viên để thống nhất nội dung trưng cầu và tài liệu cung cấp giám định. Trước khi ban hành kết luận giám định, KSV phải yêu cầu Giám định viên chuyển bản dự thảo để cùng ĐTV nghiên cứu, có ý kiến phản hồi nhằm bảo đảm việc kết luận chính xác, có ý nghĩa chứng minh tội phạm. Đặc biệt, Giám định viên phải kết luận rõ hậu quả của việc có thiệt hại hoặc gây thất thoát xuất phát từ lỗi cụ thể thuộc về trách nhiệm của cá nhân nào? Nằm ở quy trình thực hiện nào trong tổng thể các sai phạm đã được điều tra? Đây là căn cứ pháp lý khi định tội danh, truy cứu trách nhiệm hình sự các bị can trong vụ án.
Trong việc ban hành bản yêu cầu điều tra:
Đối với vụ án về tham nhũng, chức vụ, việc ban hành nội dung yêu cầu điều tra có ý nghĩa rất lớn, tác động trực tiếp đến kế hoạch điều tra của Cơ quan điều tra và hoạt động điều tra của ĐTV, đồng thời sẽ là điểm “đột phá” của KSV khi chứng minh hành vi phạm tội; bởi vì tội phạm về tham nhũng, chức vụ thường có sự đan xen, gắn kết giữa hành vi quản lý kinh tế và hành vi liên quan đến quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn; phần lớn đối tượng phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn, có nhiều kiến thức và kinh nghiệm trong việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội theo chuyên ngành được giao.
Do vậy, để có cơ sở đánh giá các hành vi đã diễn ra có phải hành vi phạm tội hay không và phân biệt rõ hành vi nào gắn với động cơ vụ lợi, lợi ích nhóm; cố ý thực hiện hay chỉ là thiếu trách nhiệm nhằm xác định đúng bản chất vụ việc chứng minh tội phạm thì trên cơ sở tội danh đã được phê chuẩn, KSV cần tập trung nghiên cứu tài liệu, chứng cứ liên quan trực tiếp đến tội danh đã khởi tố vụ án, bị can để phân tích chính xác yếu tố lỗi, động cơ, mục đích sai phạm, bản chất của hành vi khách quan, quy định pháp luật nào trực tiếp điều chỉnh hoặc liên quan đến hành vi phạm tội, hậu quả của tội phạm thực tế đã xảy ra. Kiểm sát viên nên vẽ sơ đồ về vụ án để có thể hình dung được “bức tranh” tổng thể các hành vi đã thực hiện, các chi tiết cần quan tâm, các vấn đề cần phải chứng minh và các nghi vấn xung quanh nội dung vụ án để đưa ra được câu hỏi “vì sao”, “ai thực hiện”, “đâu là chứng cứ để chứng minh”. Từ đó, xây dựng được các nội dung yêu cầu điều tra cụ thể để định hướng và tác động trực tiếp đến hoạt động điều tra của ĐTV trong việc thu thập chứng cứ; trong đó cần chú trọng một số điểm chính sau:
- Làm rõ cách thức thực hiện tội phạm gắn với vị trí công tác, chức vụ được phân công ngoài các quy định của pháp luật về quản lý tài sản nhà nước, lưu ý hành vi làm trái các quy định về chức trách, nhiệm vụ được giao do cấp trên hoặc do chính các bị can đó ban hành để chứng minh động cơ, mục đích của sai phạm;
- Đưa ra được những vấn đề yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định trưng cầu, định giá tài sản để chứng minh rõ nét phương thức, thủ đoạn phạm tội và xác định hậu quả thiệt hại;
- Đưa ra được những nội dung yêu cầu Cơ quan điều tra thu thập chứng cứ, chứng minh sự câu kết, hưởng lợi thông qua cách thức thực hiện hành vi trái công vụ khi ban hành các chủ trương, ký các công văn, quyết định; bút phê trực tiếp tại các đơn đề nghị, tờ trình của cấp tham mưu có nội dung giải quyết theo đề nghị của “đối tác” mà không theo quy định, quy trình đã ban hành đối với công việc cụ thể đó, dẫn đến thất thoát tài sản hoặc gây thiệt hại cho nhà nước.
Trong giai đoạn truy tố:
Đối tượng phạm tội trong loại án này là những người có chức vụ, giữ vị trí chủ chốt trong các cơ quan, tổ chức kinh tế lớn, có ảnh hưởng ít nhiều đến cộng đồng và được dư luận xã hội quan tâm. Vì vậy, khi xây dựng nội dung truy tố, KSV cần phải có kiến thức tổng hợp về pháp luật và lưu ý sự ảnh hưởng của họ đối với xã hội, cụ thể:
Thứ nhất, nội dung truy tố cần thể hiện được “bản chất bên trong” của hành vi mà đối tượng đã thực hiện (hay nói cách khác là bản chất của vụ án), để khẳng định hành vi phạm tội đã diễn ra là “điểm xuất phát” và cũng là “điểm kết thúc” của vụ án. Phân tích có tính logic về vai trò của họ theo hướng xuyên suốt quá trình thực hiện tội phạm và các đồng phạm khác để mô tả được toàn bộ vụ án theo tội danh truy tố. Phải lựa chọn những căn cứ pháp lý “sát” nhất với hành vi của họ để dẫn chứng và chứng minh yếu tố “lỗi”, khẳng định tội phạm đã được thực hiện và gây hậu quả thiệt hại đến tài sản của nhà nước.
Thứ hai, tập hợp các ý kiến của dư luận xã hội sau khi vụ án kết thúc điều tra, từ đó tham khảo, vận dụng những căn cứ có ý nghĩa, đúng pháp luật để đưa vào nội dung truy tố khi phân tích hành vi và hậu quả của vụ án.
Kinh nghiệm giải quyết các vụ án về tham nhũng, chức vụ trong giai đoạn xét xử
Để thực hiện tốt vai trò công tố tại phiên tòa, KSV cần tập trung vào các nội dung sau:
Thứ nhất, cần xây dựng hệ thống chứng cứ theo phương pháp lập bảng biểu, phân chia theo từng tội danh trong vụ án, từng giai đoạn thực hiện tội phạm, từng bị can theo nội dung truy tố. Bảng biểu có các cột/mục trong đó trích dẫn chi tiết, chính xác hành vi truy tố theo bút lục có dẫn chiếu căn cứ pháp lý để lập luận, quy kết. Khi cập nhật chỉ dẫn hành vi phạm tội, ngoài các chứng cứ vật chất, căn cứ pháp lý, cần chọn bổ sung chứng cứ của bị can khác có liên quan trực tiếp đến hành vi truy tố để bảo đảm tính logic của vấn đề nêu tại phiên toà.
Bên cạnh cột/mục thống kê hành vi bị truy tố, cần có cột/mục thống kê đầy đủ các chứng cứ gỡ tội, đặc biệt là tổng hợp được các nội dung kiến nghị của Luật sư trong quá trình tham gia bào chữa cho bị can để đối chiếu giữa “buộc tội” và “gỡ tội”. Về nguyên tắc, KSV phải đưa ra được nội dung phản biện để chứng minh bằng căn cứ pháp lý, chứng cứ cụ thể (chứng cứ vật chất, nội dung khai nhận của bị can hoặc đồng phạm khác, trích dẫn quy định của pháp luật, điều lệ tổ chức hoạt động, nghĩa vụ/trách nhiệm phải thực hiện trong công việc được phân công, giao thực hiện…).
Bên cạnh đó, hệ thống chứng cứ phải được sắp xếp theo diễn biến hành vi phạm tội của từng bị can. Các bị can theo tội danh truy tố phải được quy nạp theo nhóm các chứng cứ chứng minh cụ thể, chi tiết theo diễn biến của hành vi. Việc xây dựng hệ thống chứng cứ theo nguyên tắc “xâu chuỗi” và phải có tính logic, thứ tự theo các bút lục trong hồ sơ vụ án.
Thứ hai, trong việc soạn thảo đề cương khi tham gia xét hỏi, với loại án này, việc xét hỏi đối với bị can chính, có chức vụ cao nhất trong nhóm các bị can bị truy tố có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo vệ cáo trạng vì nội dung khai của bị can tại phiên toà sẽ tác động và có ảnh hưởng đến nhóm các bị can cấp dưới. Do vậy, KSV cần chuẩn bị kỹ nội dung các câu hỏi, đặc biệt, trên cơ sở nội dung truy tố cần lựa chọn nội dung cáo buộc tốt nhất để quy trách nhiệm và “chốt” được các yếu tố: Lỗi trực tiếp; cố ý làm trái các quy định; vì động cơ vụ lợi, tư lợi; xuất phát từ chủ trương này mà các đồng phạm khác biết sai nhưng vẫn thực hiện; từ chỉ đạo này các bị can đồng phạm đã cố ý làm không đúng quy định của pháp luật… Khi hỏi KSV cần chú trọng các căn cứ pháp lý quy định chi tiết, trực tiếp điều chỉnh ý thức chủ quan, hành vi khách quan đã được mô tả trong cáo trạng; để khẳng định việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử là có căn cứ pháp luật.
Thứ ba, việc đối đáp và tranh tụng với Luật sư bào chữa tại phiên toà: Trên cơ sở chuẩn bị tốt việc xây dựng hệ thống chứng cứ, đề cương xét hỏi như nêu trên, tại phần tranh tụng cần tập trung làm tốt vấn đề sau:
- Chọn tài liệu được xác định là chứng cứ tốt nhất và căn cứ pháp lý sát nhất với hành vi chính mà bị can đã thực hiện, gây ra hậu quả để chốt vấn đề yêu cầu đối đáp của Luật sư bào chữa theo nguyên tắc không xa rời chứng cứ và nội dung truy tố đối với bị can trong vụ án.
- Lựa chọn nội dung khai nhận của đồng phạm khác có trong hồ sơ vụ án và khai nhận tại phiên toà, đồng thời chọn nội dung trong kết luận giám định tư pháp để lý giải, khẳng định tội phạm và hành vi đã thực hiện là nguyên nhân dẫn đến chuỗi hành vi vi phạm của đồng phạm khác, đồng thời gây thiệt hại trực tiếp đến tài sản của nhà nước./.