Nội san công tác kiểm sát giai đoạn 1963 – 1975: Nâng cao tính lý luận, tăng cường phổ biến kinh nghiệm thực tiễn

Ngày đăng : 12:04, 30/04/2021

(Kiemsat.vn) - Trong giai đoạn 1963 – 1975, “Nội san công tác kiểm sát” đã hoàn thành tốt nhiệm vụ truyền tải nghiệp vụ kiểm sát, bắt đầu có những bài viết tổng kết thực tiễn và trao đổi kinh nghiệm.

Sau những năm đầu thành lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngành Kiểm sát nhân dân ổn định dần về mặt tổ chức, phát huy vai trò trong công cuộc đấu tranh chống bọn phản cách mạng và tội phạm khác, ngăn ngừa những hành động vi phạm pháp luật của Nhà nước, góp phần nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật trong cán bộ và nhân dân. Công tác kiểm sát đã hướng vào thực hiện nhiệm vụ trung tâm của Đảng và Nhà nước, đã giúp các cấp ủy đảng phát hiện và ngăn chặn được một số việc làm không đúng với chính sách và pháp luật. Các đơn vị trong ngành Kiểm sát nhân dân từ Trung ương đến địa phương đã đẩy mạnh hoạt động kiểm sát phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965); xây dựng, củng cố hậu phương và chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ mở rộng ra miền Bắc, công tác kiểm sát ở miền Bắc đã kịp thời chuyển hướng, phục vụ các yêu cầu của thời chiến trên cả 2 mặt trận: Sản xuất và chiến đấu.

Ngày 01/02/1963, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 68-NQ/TW về công tác kiểm sát. Đây là một sự kiện chính trị quan trọng đối với ngành Kiểm sát nhân dân. Nghị quyết khẳng định vai trò quan trọng của ngành kiểm sát trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, quy định một số vấn đề cụ thể về tổ chức và hoạt động của ngành Kiểm sát, Công an, Tòa án, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với ngành Kiểm sát nhằm giúp cho ngành Kiểm sát thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Thực hiện Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác kiểm sát, chủ trương của lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao là cùng với việc triển khai chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân do luật định, cần chú trọng và tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật và tuyên truyền về hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân. Bộ Chính trị cũng cho ý kiến chỉ đạo về công tác kiểm sát trong năm 1963 cần tập trung vào 5 nhiệm vụ lớn, trong đó có nhiệm vụ “đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong cán bộ và nhân dân”.

Ngày 19/9/1965, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ra Nghị quyết về nhiệm vụ của ngành Kiểm sát. Nghị quyết nêu rõ: “Để phục vụ cho nhiệm vụ vừa đẩy mạnh sản xuất, xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa chiến đấu chống Mỹ, bảo vệ miền Bắc và triệt để giúp cách mạng miền Nam, nhà nước dân chủ nhân dân của ta chẳng những cần tiếp tục củng cố mà còn cần tăng cường hơn nữa pháp chế xã hội chủ nghĩa, một mặt cần điều chỉnh và bổ sung các chính sách và luật lệ cho phù hợp với yêu cầu của cách mạng và thông qua việc vận động quần chúng thực hiện các công tác trung tâm về sản xuất và chiến đấu mà giáo dục mọi người ý thức tôn trọng luật lệ, tôn trọng kỷ luật và trật tự; mặt khác cũng cần đẩy mạnh việc giám sát, kiểm tra và kiểm sát việc chấp hành nghiêm chỉnh các luật lệ, chế độ, thể lệ, kịp thời ngăn ngừa và xử lý các tội phạm và phạm pháp luật khác xảy ra, nhằm củng cố vững chắc trật tự pháp lý xã hội chủ nghĩa trong thời chiến”.

Quán triệt các nghị quyết của Đảng, hoạt động của ngành Kiểm sát trong giai đoạn này tập trung phục vụ công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng quan hệ sản xuất mới ở miền Bắc, bảo vệ quyền dân chủ của nhân dân, trấn áp bọn phản cách mạng và bọn tội phạm. Công tác kiểm sát đã kịp thời chuyển hướng tư tưởng, tổ chức và lề lối làm việc cho phù hợp với thời chiến; nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, phục vụ các yêu cầu của thời chiến trên cả hai mặt trận sản xuất và chiến đấu. Với mục tiêu hàng đầu là giữ vững an ninh chính trị, xây dựng hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa vững mạnh, kịp thời chi viện cho tiền tuyến, Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã phối hợp chặt chẽ với các ngành Công an, Toà án tập trung đấu tranh chống địch phá hoại, nghiêm trị bọn gián điệp, biệt kích và phản động, các loại tội phạm và vi phạm pháp luật gây cản trở việc thực hiện chính sách hậu phương quân đội và chi viện cho tiền tuyến; đấu tranh khắc phục các biểu hiện buông lỏng kỷ luật thời chiến, vi phạm các quyền dân chủ của nhân dân; chống phá hoại kinh tế, làm tốt công tác kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử để xử lý nghiêm khắc và kịp thời các phần tử phá hoại sản xuất, máy móc, thiết bị, kho tàng, tài sản của Nhà nước và tập thể, tích cực phục vụ cuộc vận động nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế, tài chính, chống tham ô, lãng phí, quan liêu và cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã nông nghiệp; bảo đảm chính sách hậu phương quân đội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhân dân.

Trong bối cảnh tình hình mới, công tác tuyên truyền pháp luật và trao đổi kinh nghiệm công tác kiểm sát được chú ý hơn. Tháng 01/1963, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo đổi tên tập “Kinh nghiệm công tác kiểm sát” thành “Nội san công tác kiểm sát”. Việc thay đổi tên gọi của ấn phẩm là nhằm nâng cao tính lý luận, tăng cường phổ biến kinh nghiệm thực tiễn, chỉ đạo của lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao là: Với đà trưởng thành của ngành, yêu cầu công tác ngày càng phát triển, đòi hỏi không những phải trao đổi kinh nghiệm mà còn phải nâng kinh nghiệm lên thành lý luận, có như vậy mới đảm bảo cho việc xây dựng của ngành ngày càng đi vào chính quy và hiện đại.

Giai đoạn này, Đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, các cơ quan tại Hà Nội phải sơ tán tới nhiều nơi. Năm 1965, cùng với cơ quan Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cán bộ, nhân viên của “Nội san công tác kiểm sát” được sơ tán về huyện Thanh Oai (tỉnh Hà Tây). Các cơ sở như nơi biên tập, thiết kế, chế bản, nhà in cũng chuyển đến các địa điểm sơ tán xa Hà Nội... Tình hình đó đã đặt ra cho cán bộ Toà soạn phải khắc phục nhiều khó khăn để đảm bảo việc xuất bản ấn phẩm đều đặn và phát hành cho phù hợp với điều kiện thời chiến; qua đó, “Nội san công tác kiểm sát” tiếp tục được phát hành với chất lượng bài viết ngày càng được nâng cao.

Về cơ cấu tổ chức: Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành bản “Điều lệ tạm thời quy định nhiệm vụ của các Vụ và Phòng trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao”. Theo đó, Phòng Tuyên truyền - Nội san có nhiệm vụ giúp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phụ trách công tác tuyên truyền pháp luật trong toàn ngành, phụ trách việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tình hình thời sự trong cơ quan, phụ trách ấn phẩm “Nội san công tác kiểm sát”. Về nhân sự, bên cạnh những cán bộ cũ, đã bổ sung thêm các đồng chí làm công tác trị sự, phát hành và biên tập, cụ thể như sau: Đồng chí Trần Hiệu -  Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục trực tiếp phụ trách và chỉ đạo hoạt động của “Nội san công tác kiểm sát”. Trưởng phòng Nội san, kiêm Tổng biên tập  “Nội san công tác kiểm sát” là đồng chí Nguyễn Văn Khuê. Biên tập viên kiêm phóng viên là đồng chí Thạch Giản. Phụ trách công tác trị sự, phát hành là đồng chí Phạm Quang Lý. Sau này, Toà soạn được bổ sung thêm các đồng chí làm nhiệm vụ biên tập: Đồng chí Nguyễn Thị Chín, Trần Ngọc Mậu, Nguyễn Đình Quế, Bùi Hữu Hùng.

Từ năm 1963 đến năm 1967, “Nội san công tác kiểm sát” phát hành hàng tháng, cả năm phát hành 12 kỳ. Số trang không cố định, từ 26, 30, 36 hoặc 40 trang, khổ 17cm x 21cm, số lượng in 2.000 cuốn, lưu hành nội bộ tới các đơn vị trong ngành Kiểm sát nhân dân. Từ năm 1968 đến 1969, phát hành tháng rưỡi 1 kỳ, cả năm 8 kỳ, số trang không cố định, từ 24 đến 30 trang. Từ năm 1970 đến năm 1973, xuất bản 2 tháng 1 kỳ, cả năm 6 kỳ, từ 32 trang đến 36 trang 1 số. Từ năm 1974 đến năm 1975 phát hành ổn định mỗi tháng 1 kỳ, mỗi kỳ 32 trang.

“Nội san công tác kiểm sát” giai đoạn này được in typo, không có ảnh trên trang bìa và các trang ruột, có số in kèm phụ lục đặc biệt. Hầu hết có mục điểm tin in ở các trang cuối; một vài số có đăng những mẩu chuyện vui. Kết cấu của “Nội san công tác kiểm sát” giai đoạn 1963 - 1975 đã có sự hoàn thiện hơn so với “Tập trao đổi kinh nghiệm công tác kiểm sát”: Các bài viết được sắp xếp theo các chủ đề như: Xã luận; Tư tưởng và tổ chức; Công tác kiểm sát chung; Hình sự, Dân sự; Hôn nhân và gia đình; Tổ chức chỉ đạo và lề lối làm việc; Tuyên truyền giáo dục pháp luật; Tài liệu dịch; Giải đáp pháp luật; Giới thiệu kinh nghiệm công tác và phần tin tức về các sự kiện như đón tiếp các đoàn đại biểu nước ngoài sang thăm và làm việc với Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam, Điện cảm ơn...

Nội dung của “Nội san công tác kiểm sát” đã bám sát tình hình chính trị của đất nước, nhiệm vụ chính trị và các hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân lúc đó. Cụ thể như sau: Tập trung phản ánh những hoạt động phục vụ các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Ngành trong thời chiến, trao đổi những vấn đề về công tác kiểm sát, về chuyển hướng công tác và tổ chức của ngành Kiểm sát nhân dân trong thời chiến; phục vụ những công tác lớn của ngành trong giai đoạn này như: Công tác kiểm sát phục vụ nhiệm vụ “thực hiện phong trào hợp tác hoá nông nghiệp” và “cải tiến quản lý hợp tác xã nông nghiệp”; “thực hiện cuộc vận động ba xây ba chống”, phục vụ nhiệm vụ bảo đảm giao thông vận tải, quản lý thị trường trong thời chiến...; phản ánh, trao đổi những kinh nghiệm về công tác giải quyết án hình sự, giải quyết án dân sự... Nhiều vụ án lớn về trật tự trị an, các vụ án chống gián điệp, biệt kích, các vụ án về tội phạm kinh tế... đã được đăng, phân tích, rút kinh nghiệm trong “Nội san công tác kiểm sát”.

Đã có những bài viết đi sâu phân tích Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác kiểm sát. Điển hình như bài viết của đồng chí Nguyễn Quốc Hồng - Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao“Nắm vững tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị ra sức nâng cao trình độ tư tưởng, chính trị và nghiệp vụ để làm tốt công tác kiểm sát” đăng trên “Nội san công tác kiểm sát” số 02/1963. Bài viết phân tích: Bộ Chính trị định rõ vị trí chính trị của ngành Kiểm sát, nêu lên những tác dụng bước đầu của ngành Kiểm sát trong việc góp phần đấu tranh chống các bọn phản cách mạng và các bọn phạm tội khác, trong việc ngăn ngừa những hành vi vi phạm pháp luật Nhà nước để phục vụ những nhiệm vụ trung tâm của Đảng và Nhà nước. Bộ Chính trị chủ trương tổ chức ngạch Kiểm sát viên, đồng thời đề ra nguyên tắc về phạm vi công tác, về quan hệ công tác giữa Viện kiểm sát nhân dân và các ngành hữu quan trong bộ máy nhà nước.

Về chủ đề tăng cường công tác lãnh đạo và chỉ đạo, cải tiến tổ chức và lề lối làm việc theo tính chất nghiệp vụ pháp lý, tiếp tục bồi dưỡng quan điểm đấu tranh giai cấp và nghiệp vụ kiểm sát cho đội ngũ cán bộ cũng có nhiều bài viết phản ánh. Bài phát biểu của đồng chí Hoàng Quốc Việt - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại buổi bế giảng lớp bổ túc nghiệp vụ kiểm sát 6 tháng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao đăng trong “Nội san công tác kiểm sát” (5/1964) đã chỉ ra những nguyên lý cơ bản về phương pháp công tác kiểm sát, về sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác kiểm sát. Đồng chí Viện trưởng Hoàng Quốc Việt lưu ý: “Chính sách của Đảng là linh hồn của pháp luật, công tác kiểm sát của chúng ta chính là công tác nhằm triệt để chấp hành chính sách của Đảng. Do đó công tác kiểm sát phải đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, sự lãnh đạo của Đảng là một đảm bảo căn bản của công tác kiểm sát của chúng ta, cho nên trong khi tiến hành công tác, chúng ta cần phải tranh thủ sự lãnh đạo của Đảng”.

Về công tác kiểm sát chung, “Nội san công tác kiểm sát” tháng 10/1964 đã đăng bài phát biểu của đồng chí Hoàng Quốc Việt tại Hội nghị chuyên đề về công tác kiểm sát chung đã nhấn mạnh mục đích của công tác kiểm sát chung là bảo đảm sự thống nhất của pháp chế xã hội chủ nghĩa, đồng chí chỉ rõ: “Nhiệm vụ của ngành Kiểm sát chúng ta là kiểm sát việc tuân theo pháp luật làm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Tại sao pháp luật phải được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất? Nền pháp chế của chúng ta được xây dựng phù hợp với quan điểm pháp quyền của chủ nghĩa Mác - Lênin, nó là một bộ phận quan trọng của thượng tầng kiến trúc xã hội xã hội chủ nghĩa, là phương tiện cần thiết của giai cấp công nhân xây dựng và phát triển kinh tế xã hội chủ nghĩa, tiêu diệt những thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa, tiêu diệt sự bóc lột, xoá bỏ nghèo nàn và lạc hậu xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa phồn vinh và hạnh phúc”.

“Nội san công tác kiểm sát” năm 1966 có các bài tiêu biểu như: Bài “Một số ý bàn về việc thực hiện chủ trương mở rộng thẩm quyền truy tố, xét xử cho cấp huyện” của tác giả Trần Nam (đăng số 4/1966); Bài phát biểu của đồng chí Hoàng Quốc Việt tại Hội nghị tổng kết công tác năm 1965 của ngành Kiểm sát nhân dân đăng trong tập “Nội san công tác kiểm sát” tháng 6/1966 với nội dung quán triệt tính nhân văn và mục đích của công tác kiểm sát giam, giữ, cải tạo; đồng chí nhấn mạnh: “Công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong các trại giam có một ý nghĩa chính trị rất lớn, nó chứng tỏ sự nhân đạo của Nhà nước ta. Khi con người đã phạm tội, đã bị tước quyền tự do, vào ở tù, vẫn có cơ quan giám sát để cho các chế độ cải tạo lao động và giáo dục họ được chấp hành nghiêm chỉnh; nhằm mục đích để khi họ hết hạn tù sẽ trở thành người công dân lương thiện, có nghề nghiệp đảm bảo cuộc sống. Điều luật quy định về công tác kiểm sát giam giữ tuy chỉ có mấy dòng nhưng nó bao hàm cả một sự nhân đạo của chế độ chúng ta”; bài viết “Ra sức phát huy ưu điểm và khắc phục khuyết điểm, để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa” đăng trên “Nội san công tác kiểm sát” tháng 7/1966 của đồng chí Hoàng Quốc Việt đánh giá những kết quả, ưu điểm mà ngành Kiểm sát nhân dân đã làm được qua 6 năm thành lập ngành, cùng những tồn tại và chỉ rõ nguyên nhân; đồng chí đã chỉ ra những nhiệm vụ cơ bản cho toàn ngành: “(1) Tăng cường hơn nữa công tác giáo dục chính trị và tư tưởng bao gồm giáo dục đường lối chính sách của Đảng, nâng cao tính giai cấp, tính tiền phong và tinh thần cảnh giác cách mạng cho cán bộ toàn Ngành… Chúng ta cũng cần phải tăng cường việc bồi dưỡng ý thức tổ chức và kỷ luật, đạo đức cách mạng cho cán bộ toàn ngành, làm cho mỗi người chúng ta phải có tinh thần kỷ luật và ý thức trách nhiệm cao, có đầy đủ những đức tính cần thiết của người cán bộ Kiểm sát là: Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn… (2) Về mặt nghiệp vụ, chúng ta cần tăng cường hơn nữa kiểm tra của trên đối với dưới để kịp thời phát hiện và uốn nắn những sai sót trong việc chấp hành chính sách và pháp luật cũng như trong vấn đề về tư tưởng đạo đức và tác phong của cán bộ. (3) Khi giải quyết công việc, chúng ta phải biết vận dụng chính sách, sách lược cho chính xác… (4) Trong hoàn cảnh mới, mọi mặt công tác của chúng ta đều có nội dung và yêu cầu mới. Để đáp ứng yêu cầu đó, chúng ta cần có kế hoạch công tác có trọng tâm trọng điểm, đẩy mạnh việc rút kinh nghiệm, chú trọng đến công tác nghiên cứu, kịp thời đề xuất những vấn đề mới, tích cực góp phần vào việc xây dựng pháp luật, làm tốt hơn nữa nhiệm vụ tham mưu đối với cấp uỷ. Trong công tác đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật, chúng ta cần có nhận thức đầy đủ hơn nữa về chức năng của ngành, biết vận dụng một cách có kết quả nhất các khâu nghiệp vụ kiểm sát để thực hiện tốt phương châm: Chính xác, triệt để và kịp thời. Để thích hợp với tình hình khẩn trương của thời chiến, chúng ta còn phải chú trọng cải tiến lề lối làm việc… (5) Trong hoàn cảnh mới, cán bộ Kiểm sát cần phải ra sức bồi dưỡng hơn nữa quan điểm quần chúng trong công tác của mình, đi sát cơ sở, dựa vào quần chúng để làm án và xử lý các vi phạm pháp luật, xây dựng công tác kiểm sát trên cơ sở của đông đảo quần chúng, kết hợp chặt chẽ việc đấu tranh bảo vệ pháp chế với toàn bộ cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân. Bồi dưỡng quan điểm quần chúng không những là cơ sở để chúng ta hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác mà còn là cơ sở để chúng ta nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, cải tạo tác phong, tự bồi dưỡng cho mình những đức tính không thể thiếu được của người cán bộ Kiểm sát là: Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Có thể nói đây là bài viết chuyên sâu về công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức phẩm chất cán bộ và quan điểm công tác của đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; chỉ ra những định hướng cơ bản để toàn ngành quán triệt, thực hiện.

Bài “Đồng chí Hồ Đức Thành, một Viện trưởng huyện xuất sắc” của tác  giả Huyền Trân (đăng số 01/1967), đây là bài viết đầu tiên về chủ đề nêu gương người tốt, việc tốt.

“Nội san công tác kiểm sát” năm 1968 với các bài viết đáng chú ý như: Bài nói chuyện của đồng chí Hoàng Quốc Việt tại hội nghị chuyên đề của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về đấu tranh chống tội phạm đăng trong số ra tháng 01/1968. Bài nói chuyện đã đề cập đến tính Đảng, tính quần chúng và tính khoa học của công tác kiểm sát trong nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm. Trong đó nhấn mạnh: “Quán triệt tính Đảng trong công tác đấu tranh chống tội phạm còn có nghĩa là phải đứng trên quan điểm lập trường và phương pháp tư tưởng của giai cấp vô sản để phân tích từng tội phạm cụ thể, từng đối tượng phạm tội để vận dụng đúng đắn đường lối chính sách của Đảng của pháp luật của Nhà nước.... Để làm tốt công tác của mình, ngành Kiểm sát lại phải quán triệt tính quần chúng của Đảng. Tính quần chúng trong công tác đấu tranh chống tội phạm xuất phát từ quan điểm của Đảng “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, “quyền lực của Nhà nước thuộc về nhân dân”. Quán triệt quần chúng là phải làm cho chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đi sâu vào quần chúng, làm cho nó trở thành một phong trào sâu rộng của quần chúng, nghiên cứu pháp luật, sử dụng pháp luật làm vũ khí đấu tranh chống vi phạm pháp luật và phạm tội”; bài “Tiến tới việc xây dựng luật hình về tố tụng” của tác giả Phạm Quân (đăng số 4/1968) là bài viết nghiên cứu chuyên sâu về mối quan hệ phối hợp công tác giữa ba ngành Công an, Kiểm sát, Toà án...

Bài phát biểu của đồng chí Hoàng Quốc Việt tại Hội nghị tổng kết 3 cuộc vận động đăng trên “Nội san công tác kiểm sát” tháng 5/1968 chỉ rõ:“… Đảng và Nhà nước giao cho chúng ta một nhiệm vụ lớn: Kiểm sát việc tuân theo pháp luật, làm cho pháp luật được chấp hành một cách nghiêm chỉnh và thống nhất, pháp chế xã hội chủ nghĩa được giữ vững. Chúng ta chỉ làm tốt nhiệm vụ đó khi chúng ta có nhiệt tình công tác; nếu không có nhiệt tình công tác thì thiếu hẳn mất cái gì gắn bó chúng ta với nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao cho, con người chúng ta sẽ như hòn than nguội, không tiếp xúc được với những sự việc đang diễn biến ngoài xã hội, mất hết sức nhạy cảm, và như vậy sẽ dễ bị kẻ thù lợi dụng tấn công. Công tác kiểm sát đòi hỏi những cán bộ Kiểm sát phải có tính tổ chức cao, tính chính sách cao, phải nhạy cảm với tình hình, phải gắn bó mật thiết với quần chúng, phải biết phát hiện vấn đề kịp thời, chính xác, trên cơ sở đó mà áp dụng đường lối xử lý cho đúng đắn, phù hợp với đường lối giai cấp của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Chúng ta có thể nói rằng, mỗi một hành động của người cán bộ Kiểm sát không nhằm giải quyết vấn đề gì khác ngoài việc làm lợi cho cách mạng”.

Chiến tranh phá hoại lần thứ nhất do đế quốc Mỹ tiến hành từ năm 1965 đến năm 1968 đã gây ra cho miền Bắc những tổn thất nặng nề, làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, lao động sản xuất và tổ chức quản lý kinh tế, xã hội. Trước tình hình đó, nhiệm vụ khẩn cấp là phải nhanh chóng khắc phục những hậu quả nặng nề của chiến tranh, khôi phục và phát triển một bước nền kinh tế quốc dân, sớm ổn định tình hình, tăng cường lực lượng cho cách mạng miền Nam. Trong hoàn cảnh mới, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng xác định nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, chú trọng phát hiện các vi phạm pháp luật trong công tác quản lý, góp phần xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa; đồng thời, tích cực thực hiện công tác tuyên truyền.

Trên “Nội san công tác kiểm sát” số 4/1969 đăng bài “Bàn về chế độ song trùng trực thuộc”, đây là bức thư của Lênin gửi đồng chí Stalin vào ngày 20/5/1922 để chuyển đến Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô. Trong bức thư này, Lê nin đã chỉ rõ nguyên tắc hoạt động của ngành Kiểm sát, sự khác nhau của nó với ngành Thanh tra. Đây là tài liệu rất quý, giúp soi sáng chức năng của ngành Kiểm sát, trên cơ sở đó mà bảo đảm công tác kiểm sát đi đúng hướng.

Trong khi quân và dân miền Bắc đang nỗ lực thực hiện kế hoạch khôi phục kinh tế sau chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ với nhiều phong trào thi đua rộng khắp thì ngày 02/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Đây là một tổn thất vô cùng lớn lao cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời để lại cho nhân dân bản Di chúc lịch sử. Biến đau thương thành sức mạnh, từ đó tăng thêm quyết tâm hoàn thành sự nghiệp cách mạng, ngày 29/9/1969, Bộ Chính trị quyết định mở đợt sinh hoạt chính trị Học tập và làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, trong đó có cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân phấn đấu làm theo Di chúc của Người, mong muốn góp phần đưa cách mạng nước ta nhanh chóng đến thắng lợi. Tờ “Nội san công tác kiểm sát” số tháng 9/1969 đăng bài “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”. Bài viết nhắc đến nhiều kỷ niệm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với ngành Kiểm sát nhân dân và khẳng định: “Trong giờ phút đau thương này, mỗi cán bộ, công nhân viên ngành Kiểm sát nhân dân nguyện triệt để thực hiện lời kêu gọi của Trung ương Đảng, hãy biến đau thương thành hành động cách mạng, đoàn kết chặt chẽ xung quanh Trung ương Đảng, dũng cảm tiến lên, tiếp tục sự nghiệp Hồ Chí Minh, noi gương Người suốt đời hy sinh, phấn đấu vì độc lập, thống nhất Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội…”.

Năm 1970, đế quốc Mỹ tiếp tục tiến hành các hoạt động phá hoại miền Bắc, cùng với nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ miền Bắc, trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trên các mặt trận sản xuất, đầu năm 1970 cuộc vận động lao động sản xuất được phát động nhằm động viên mọi lực lượng lao động, sản xuất của toàn xã hội. Ngày 18/4/1970, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 176-CT/TW về tăng cường công tác kiểm tra, kiểm sát, thanh tra, giải quyết các vụ khiếu nại, tố giác. Nhằm thực hiện Nghị quyết của Đảng và pháp luật Nhà nước, ngành Kiểm sát nhân dân tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 1969 và xác định phương hướng công tác năm 1970. Hội nghị xác định mục tiêu phấn đấu của toàn ngành là phát huy chức năng kiểm sát một cách toàn diện và vững chắc, xây dựng và bồi dưỡng nghiệp vụ nhằm phục vụ việc khôi phục và phát triển kinh tế, nâng cao từng bước đời sống nhân dân, củng cố vững mạnh hậu phương, đảm bảo chi viện tốt cho tiền tuyến. Hội nghị cũng đề ra nhiệm vụ lớn của công tác kiểm sát phục vụ các mặt hoạt động kinh tế, bảo vệ trị an xã hội và an ninh, phục vụ quốc phòng. Từ năm 1970, phương hướng hoạt động của “Nội san công tác kiểm sát” được xác định là cần đi sát những phương hướng, nhiệm vụ công tác kiểm sát mà có sự cố gắng trong việc cải tiến nội dung trên các mặt: Tư tưởng, chính sách; công tác chuyên môn và nghiên cứu khoa học.

Nhân kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Lênin, “Nội san công tác kiểm sát” tháng 02/1970, đã đăng bài viết của đồng chí Hoàng Quốc Việt về lời dạy của Lênin về công tác kiểm sát. Bài viết có đoạn: “Muốn thực hiện được đầy đủ nhiệm vụ chính trị của mình, ngành Kiểm sát cần có một tổ chức xây dựng theo nguyên tắc tập trung thống nhất”. Về vấn đề này, Lênin đã nêu rõ: “Bênh vực cho chế độ “song trùng” trực thuộc của Viện kiểm sát là tước mất quyền của nó đối với mọi quyết định trái pháp luật của cơ quan chính quyền địa phương, như thế không những gây khó khăn cho nhiệm vụ chủ yếu của chúng ta là thường xuyên thi hành đúng pháp chế mà lại còn bênh vực cho những lợi ích và đám người quan liêu ở địa phương, tức là bức rào tệ hại nhất nó ngăn cách một bên là những người lao động và một bên nữa là chính quyền Xô-viết ở địa phương và Trung ương, cùng với chính quyền Trung ương của Đảng cộng sản Nga”.

Thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược năm 1972 của quân và dân ta ở miền Nam cùng với việc đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai bằng không quân và hải quân Mỹ ở miền Bắc buộc đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn phải ký Hiệp định Pa-ri. Ngày 27/01/1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Sau khi chiến tranh phá hoại kết thúc, nhân dân miền Bắc khẩn trương khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống, sẵn sàng chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam kết thúc thắng lợi kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương Đảng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho toàn ngành là “đẩy mạnh đấu tranh chống vi phạm và tội phạm, tích cực quyền bảo vụ dân chủ nhân dân, giữ gìn pháp chế thống nhất về tổ chức, về quản lý tài sản xã hội chủ nghĩa và trật tự xã hội, góp phần tăng cường chuyên chính vô sản, đề cao sự lãnh đạo của Đảng, pháp huy hiệu lực của cơ quan nhà nước và quyền làm chủ tập thể của nhân dân, phục vụ việc khôi phục và phát triển kinh tế, ổn định sản xuất, ổn định đời sống, ổn định trật tự xã hội, củng cố quốc phòng, giữ gìn bí mật nhà nước và góp phần xây dựng Đảng”.

“Nội san công tác kiểm sát” trong thời gian này đã có nhiều bài viết phản ánh kết quả hoạt động phục vụ các nhiệm vụ công tác trọng tâm của Ngành trong các năm từ 1972 đến 1975 như thực hiện       Nghị quyết 228-NQ/TW ngày 12/01/1974 của Bộ Chính trị về cuộc đấu tranh chống lấy cắp tài sản xã hội chủ nghĩa, chống làm ăn phi pháp, tăng cường quản lý lao động, quản lý thị trường, giữ vững trật tự trị an, phục vụ tốt phong trào lao động sản xuất và tiết kiệm, phục vụ tốt đời sống nhân dân.

“Nội san công tác kiểm sát” tháng 3/1974 đã đăng bài viết “Tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa để phục vụ tốt nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế xã hội chủ nghĩa” của đồng chí Hoàng Quốc Việt. Trong bài viết, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã chỉ rõ: “Một vấn đề có tính chất nguyên tắc trong đường lối pháp chế của Đảng ta là pháp luật không chỉ đề ra nghĩa vụ cho nhân dân thực hiện mà điều quan trọng hơn và trước hết là đề ra nghĩa vụ cho các cơ quan Nhà nước và cho cán bộ phải gương mẫu chấp hành... Để tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, tăng cường kỷ luật xã hội thì trước hết các cơ quan Nhà nước, các cán bộ đảng viên cần nghiêm chỉnh tuân theo chính sách và pháp luật. Cơ quan Nhà nước và cán bộ đảng viên làm đúng thì dân tin và làm theo. Trên mà công minh, chính trực và gương mẫu thì dưới cũng không dám làm trái, làm bừa. Trái lại khi trong Đảng, trong các cơ quan Nhà nước có những vi phạm chính sách và pháp luật thì khó có thể giáo dục được nhân dân ý thức nghiêm chỉnh tuân theo chính sách, pháp luật”.

Giai đoạn 1963 - 1975 là giai đoạn chiến tranh ác liệt. Cả hai miền Nam - Bắc đều tập trung tinh thần, lực lượng, của cải vật chất phục vụ công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Ngành Kiểm sát nhân dân trong giai đoạn này đã góp phần tích cực vào việc giữ gìn sự ổn định cho miền Bắc, đó là cơ sở vững chắc để hậu phương miền Bắc phát triển vững mạnh, kịp thời chi viện cho tiền tuyến miền Nam. “Nội san công tác kiểm sát” đã đồng hành cùng với những hoạt động của ngành Kiểm sát, kịp thời truyền tải những chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và của lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao đến cán bộ toàn ngành. Với phạm vi lưu hành ở miền Bắc, khắc phục những khó khăn của thời chiến, “Nội san công tác kiểm sát” đã hoàn thành tốt nhiệm vụ truyền tải nghiệp vụ kiểm sát, bắt đầu có những bài viết tổng kết thực tiễn và trao đổi kinh nghiệm. Nội dung Nội san dần dần có sự đa dạng hóa.

Thùy Linh (trích "Lịch sử Tạp chí Kiểm sát (1961-2021)")