Làm tốt kháng nghị phúc thẩm là vấn đề cốt lõi để nâng cao chất lượng công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự
Ngày đăng : 14:13, 24/04/2021
Toàn cảnh Hội nghị |
Tham dự Hội nghị, về phía đại biểu khách mời, có các đồng chí đại diện lãnh đạo Vụ 9, Vụ 10, Vụ 14 VKSND tối cao; đại diện lãnh đạo VKSND cấp cao tại Hà Nội; lãnh đạo, Trưởng phòng 9, 10 của 07 VKSND cấp tỉnh trong cụm thi đua số 5; đại diện lãnh đạo TAND tỉnh Vĩnh Phúc. Về phía VKSND tỉnh Vĩnh Phúc có các đồng chí lãnh đạo VKSND tỉnh, huyện; Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, chuyên viên của VKSND hai cấp.
Viện trưởng VKSND tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị |
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Lê Tất Hiếu, Viện trưởng VKSND tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh: VKSND tỉnh luôn quan tâm, chú trọng, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác kháng nghị phúc thẩm theo tinh thần Chỉ thị số 10 ngày 06/4/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao.
Đồng chí cho biết, việc tổ chức Hội nghị tổng kết chuyên đề nhằm đánh giá kết quả, chỉ ra những ưu điểm, tồn tại hạn chế trong công tác kháng nghị phúc thẩm án hành chính, dân sự, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra giải pháp thiết thực, hiệu quả để nâng cao số lượng, chất lượng kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát hai cấp trong thời gian tới.
Đồng chí Bùi Mạnh Cường - Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Vĩnh Phúc trình bày Báo cáo tổng kết thực hiện Chuyên đề |
Báo cáo tổng kết thực hiện chuyên đề do Phó Viện trưởng Bùi Mạnh Cường trình bày đã nêu bật những kết quả đạt được của VKSND 02 cấp tỉnh Vĩnh Phúc. Theo đó, việc triển khai thực hiện chuyên đề đã tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ, Kiểm sát viên, khắc phục tình trạng ít quan tâm tới công tác giải quyết án dân sự, hành chính; các phòng nghiệp vụ (Phòng 9, phòng 10) đã tích cực tham mưu triển khai nhiều biện pháp cụ thể để tăng chất lượng công tác kháng nghị. Cụ thể, VKSND tỉnh đã kiểm sát 100% bản án, quyết định của Viện kiểm sát huyện, kịp thời phát hiện vi phạm để hướng dẫn cho Viện kiểm sát cấp huyện kháng nghị hoặc tham mưu cho lãnh đạo Viện kiểm sát tỉnh kháng nghị nên số lượng kháng nghị của năm 2020 tăng cao so với năm 2019 (Năm 2020, VKSND hai cấp ban hành được 68 kháng nghị, trong đó, kháng nghị dân sự có 59 vụ; kháng nghị hành chính, kinh doanh thương mại có 9 vụ) tăng 183% so với năm 2019 (68/37 vụ); kháng nghị ngang cấp tăng 15 kháng nghị (40/25). Chất lượng kháng nghị được chấp nhận đạt 97,7 %, tăng 1,2% so với năm 2019.
Quá trình triển khai thực hiện chuyên đề, VKSND tỉnh Vĩnh Phúc đã tổng kết 07 dạng vi phạm phổ biến để ban hành kháng nghị ngang cấp như: Vi phạm trong xác định quan hệ tranh chấp; vi phạm trong thu thập, đánh giá chứng cứ; vi phạm trong việc giải quyết vượt quá yêu cầu khởi kiện hoặc giải quyết không hết yêu cầu của đương sự; vi phạm liên quan đến xác định tư cách tố tụng của đương sự, không đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng; vi phạm về án phí, chi phí tố tụng; vi phạm trong áp dụng quy định của pháp luật và một số loại vi phạm khác.
Đại biểu tham dự Hội nghị |
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, đồng chí Phó Viện trưởng cũng chỉ ra một số tồn tại trong công tác quản lý chỉ đạo điều hành ở một số đơn vị chưa hiệu quả; số lượng, chất lượng kháng nghị không đồng đều giữa các đơn vị; chất lượng nghiên cứu hồ sơ vụ việc và kiểm sát tại phiên tòa của Kiểm sát viên còn hạn chế nên chưa phát hiện được vi phạm… Từ đó, VKSND tỉnh Vĩnh Phúc đã đề ra các nhóm giải pháp về công tác chỉ đạo, điều hành; nhóm giải pháp về nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và giải pháp về công tác phối hợp, kiểm tra để nâng cao chất lượng công tác kháng nghị phúc thẩm.
Tham luận tại Hội nghị của lãnh đạo các phòng nghiệp vụ, của đại diện các VKSND cấp huyện và các Kiểm sát viên về kết quả thực hiện, kinh nghiệm và giải pháp thực hiện có hiệu quả khâu công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự đã góp phần làm sáng tỏ và phong phú thêm nội dung báo cáo chuyên đề.
Tại Hội nghị, các ý kiến phát biểu của lãnh đạo các Vụ 10, Vụ 14 và VKSND cấp cao tại Hà Nội cùng đánh giá cao kết quả thực hiện chuyên đề của VKSND tỉnh Vĩnh Phúc, đồng thời đóng góp những ý kiến tâm huyết để VKSND 02 cấp tỉnh Vĩnh Phúc nâng cao hơn nữa chất lượng công tác kháng nghị phúc thẩm án hành chính, dân sự.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Viện trưởng VKSND tỉnh Vĩnh Phúc đánh giá sau một năm thực hiện chuyên đề, công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự năm 2020 của VKSND 02 cấp tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được những kết quả tích cực trong công tác kháng nghị phúc thẩm, giúp khắc phục được vi phạm pháp luật trong các bản án, quyết định sơ thẩm; từ đó nâng cao vai trò, vị thế của Viện kiểm sát và góp phần bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân./.