Bối cảnh lịch sử ra đời Tập trao đổi kinh nghiệm công tác kiểm sát (1961 - 1962)
Ngày đăng : 08:29, 22/04/2021
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi với việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 đã mở ra một giai đoạn cách mạng mới ở nước ta. Đại hội lần thứ III của Đảng (tháng 9/1960) đã phân tích tình hình trong nước và quốc tế, vạch ra nhiệm vụ chiến lược của cách mạng cả nước cũng như nhiệm vụ cụ thể của cách mạng hai miền Nam - Bắc. Đại hội chỉ rõ vị trí, mối quan hệ giữa công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc với sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam.
Một trong những yêu cầu xây dựng chủ nghĩa xã hội là đảm bảo pháp chế thống nhất. Điều đó phải có sự thống nhất giữa chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước với ý chí, nguyện vọng của nhân dân, thực hiện pháp chế thống nhất để công cuộc cách mạng của nước ta giành thắng lợi. Trước yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng, tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước cũng có sự thay đổi, vừa thực hiện nhiệm vụ đấu tranh giải phóng dân tộc, vừa thực hiện xây dựng kinh tế - xã hội nhằm tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Bộ máy nhà nước cần có những cải cách để phù hợp với tình hình đất nước mới trong đó có cải cách về hoạt động tư pháp.
|
Ngày 15/7/1960, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa II nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thông qua Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960 gồm 6 chương, 25 điều, quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân. Tại điều 2 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960 quy định: “Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật làm cho pháp luật được chấp hành một cách nghiêm chỉnh và thống nhất, pháp chế dân chủ nhân dân được giữ vững. Mục đích của việc kiểm sát là bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân, trật tự xã hội, tài sản công cộng và những quyền lợi hợp pháp của công dân, góp phần bảo đảm cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh nhằm hiện thực thống nhất nước nhà được tiến hành thắng lợi”.
Ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh công bố Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân - đánh dấu sự ra đời của cơ quan Viện kiểm sát trong hệ thống tổ chức bộ máy Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, thực hiện nhiệm vụ kiểm sát tuân theo pháp luật và thực hành quyền công tố Nhà nước, với những đặc điểm cơ bản như sau: (1) Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan do Quốc hội - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất thành lập; (2) Viện kiểm sát nhân dân các địa phương không phụ thuộc vào hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân địa phương; (3) Viện kiểm sát là một hệ thống thống nhất dưới sự lãnh đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; (4) Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội; (5) Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị đối với những nghị quyết, quyết định, thông tư, chỉ thị hoặc biện pháp không hợp pháp của các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ và của các cơ quan nhà nước địa phương.
Ngày 16/4/1962, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh quy định cụ thể về tổ chức Viện kiểm sát nhân dân tối cao: Viện trưởng, Phó Viện trưởng và các Kiểm sát viên, Kiểm sát viên dự khuyết. Tại Viện kiểm sát nhân dân tối cao thành lập ra Uỷ ban kiểm sát thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao gồm có: Vụ Kiểm sát chung, Vụ Điều tra thẩm cứu, Vụ Kiểm sát điều tra, Vụ Kiểm sát xét xử hình sự, Vụ Kiểm sát xét xử dân sự, Vụ Tổng hợp và Kiểm tra, Vụ Tổ chức và cán bộ, Văn phòng. Ngoài ra còn có Phòng Kiểm sát giam giữ.
Trong giai đoạn này, thực hiện quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960, hoạt động của ngành Kiểm sát đã tập trung phục vụ công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, xây dựng quan hệ sản xuất mới ở miền Bắc, bảo vệ quyền dân chủ nhân dân, trấn áp bọn phản cách mạng và các loại tội phạm.
Là cơ quan mới trong hệ thống tổ chức nhà nước, trong bối cảnh bấy giờ, thông tin về ngành Kiểm sát đến các cơ quan và nhân dân còn rất hạn chế. Do đó, hoạt động tuyên truyền pháp luật và tuyên truyền về ngành là vô cùng cần thiết để phát huy cao nhất vai trò của Viện kiểm sát nhân dân. Với yêu cầu đó, ngay sau khi thành lập ngành, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trương triển khai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân nói riêng và pháp luật nói chung trong cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân và nhân dân, làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ hơn về tổ chức và nhiệm vụ của Viện kiểm sát, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Trong bối cảnh đó, tập “Trao đổi kinh nghiệm công tác kiểm sát” ra đời nhằm đáp ứng cho nhu cầu thực tiễn của việc tuyên truyền và phổ biến kiến thức pháp luật cũng như thông tin về ngành Kiểm sát nhân dân.