Chủ tịch huyện Kon Plông (Kon Tum): Giải quyết công việc phải có “phong bì” mới thông?

Ngày đăng : 10:33, 07/04/2021

(Kiemsat.vn) - Chiếc phong bì được hiện diện rất nhiều trong các quan hệ xã hội, các công việc khác nhau dù nhỏ, hay lớn... Và lâu dần đã hình thành cái gọi là “văn hóa phong bì”, thiếu nó người dân sẽ gặp không ít khó khăn trong công việc, lớn, nhỏ... Ranh giới giữa việc nhận phong bì thay lời cảm ơn, hay là hạch sách, tham nhũng rất mong manh...

Kon Plông là một huyện miền núi nằm ở phía đông tỉnh Kon Tum, với địa lý đắc địa để phát triển du lịch sinh thái. Ngày 05/02/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 298/QĐ - TTg phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen và Quy hoạch chung đô thị huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đến năm 2030. Từ đó các doanh nghiệp cả nước đổ về tìm cơ hội để đầu tư. Tuy nhiên, tốc độ phát triển của Kon Plông đến nay chưa được như kỳ vọng!?

Ông Đặng Thanh Nam - Chủ tịch UBND huyện Kon PLông tại buổi trò chuyện cà phê sáng hàng tuần

Tại buổi trò chuyện cà phê sáng hàng tuần với doanh nghiệp, ông Đặng Thanh Nam - Chủ tịch UBND huyện Kon PLông đã “bật mí” với cộng đồng cà phê sáng: Khi đi làm việc phải có phong bì, phong bao thì công việc mới thông và bản thân ông cũng phải sử dụng “chiêu” đó mới được việc.

Điều bất ngờ là văn hóa "phong bì" được tuyên truyền rộng rãi từ chính vị Chủ tịch huyện. Sự thẳng thắn, tuyên bố công khai có vẻ như trở thành "luật lệ" bắt buộc dường như đã diễn ra phổ biến ở nơi đây?

Phóng viên đã phỏng vấn một số doanh nghiệp trên địa bàn thì được biết "đây là văn hóa chung, không có phong bì không xong việc".

Dư luận đặt câu hỏi: Với tư duy và cách làm của vị Chủ tịch UBND huyện Kon Plông như vậy thì có đúng với quy định pháp luật không? Tại sao được phổ biến công khai như vậy?

Phóng viên sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng để làm rõ quan điểm này!

 Điều 354 của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về Tội nhận hối lộ như sau:

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Lợi ích phi vật chất.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng;

đ) Phạm tội 02 lần trở lên;

e) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;

g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này”.

Nhóm PV