Người cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng có thể được hỗ trợ kinh phí

Ngày đăng : 10:46, 25/03/2021

(Kiemsat.vn) - Chiều 24/3, theo chương trình làm việc, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Hội trường về dự án Luật phòng, chống ma túy (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên thảo luận.

Cân nhắc duy trì hình thức cai nghiện ma túy tại cộng đồng

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, về cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc việc duy trì biện pháp cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, có ý kiến đại biểu đề nghị duy trì biện pháp này và bổ sung quy định để bảo đảm tính hiệu quả, khả thi.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, biện pháp cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng phù hợp với chủ trương đa dạng hóa các hình thức cai nghiện, tạo điều kiện cho tất cả những người nghiện ma túy lần đầu đều có thể được cai nghiện tự nguyện, nhất là người khó tiếp cận cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện; đồng thời, thể hiện trách nhiệm và huy động sự tham gia của gia đình, cộng đồng đối với người nghiện ma túy. Báo cáo bổ sung của Chính phủ cho thấy, những tồn tại, hạn chế trong công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng chủ yếu liên quan đến việc tổ chức thực hiện chính sách.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả của biện pháp cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng: Quy định rõ thời hạn cai nghiện ma túy từ đủ 6 tháng đến 12 tháng và người tham gia cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng mà hoàn thành ít nhất 3 giai đoạn của quy trình cai nghiện ma túy (quy định tại khoản 1 Điều 29) thì được hỗ trợ kinh phí; quy định cụ thể trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong quản lý, kiểm tra, hướng dẫn, tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; trách nhiệm của người cai nghiện ma túy, cơ sở cai nghiện ma túy, tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện cung cấp hoạt động cai nghiện ma túy. 

Nhất trí với việc duy trì hình thức cai nghiện ma túy tại cộng đồng, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) cho rằng, quy định này sẽ góp phần giảm chi phí cho ngân sách nhà nước, tạo cơ hội để người nghiện ma túy không bị tách biệt khỏi cộng đồng, dễ dàng hòa nhập xã hội sau khi cai nghiện.

Đề xuất không coi người nghiện ma túy là người bệnh 

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (nguyên Giám đốc Công an Nghệ An) cho biết trong dự thảo luật không thể hiện rõ nhưng các báo cáo thẩm định tại Kỳ họp thứ 10 và nhiều đại biểu Quốc hội vẫn cho rằng nên coi người nghiện ma túy là người bệnh để chữa trị cho họ. "Quan điểm này là không đúng", ông Cầu nói.

Theo ông, hiện một số người nghiện đòi hỏi được hưởng các quyền và nghĩa vụ của người bệnh quy định tại Chương II của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2011. Họ cho rằng trung tâm cai nghiện ma túy không phải là hình thức tổ chức và cơ sở khám, chữa bệnh theo Luật Khám chữa bệnh hiện hành. Trong khi đó, khảo sát thực tiễn gần 8.900 người nghiện ma túy có hồ sơ kiểm soát tại tỉnh Nghệ An, ông thấy 100% người nghiện là do sử dụng trái phép chất ma túy dẫn đến nghiện. "Vì vậy, người nghiện ma túy là người vi phạm pháp luật", Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nêu quan điểm.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An) 

Ông Nguyễn Hữu Cầu đề nghị, Quốc hội khẳng định rõ quan điểm này trong luật để thống nhất thực hiện. Khoản 5 Điều 3 quy định về chính sách của nhà nước về phòng, chống ma túy cần được bổ sung nội dung "người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy là người có hành vi vi phạm pháp luật cần phải được quản lý chặt chẽ và tổ chức cai nghiện cho họ, khuyến khích người nghiện ma túy tự nguyện cai nghiện, khuyến khích cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức tham gia hỗ trợ hoạt động cai nghiện và quản lý người nghiện".

Đại biểu Phan Thái Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) cũng cho rằng, từ khi bỏ Điều 199 về tội sử dụng trái phép chất ma túy trong Bộ luật Hình sự năm 1999, tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy diễn ra nhiều, số người nghiện tăng lên.

Đại biểu Phan Thái Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam)

"Người sử dụng trái phép chất ma túy thì không thể xem như là người bệnh được. Điều đó rất nguy hại", ông Phan Thái Bình đề nghị Quốc hội nghiên cứu, sửa đổi Bộ luật Hình sự theo hướng bổ sung trở lại các tội danh với người sử dụng trái phép chất ma túy. Ví dụ, ai đã bị xử lý hành chính mà còn tiếp tục sử dụng trái phép thì xử lý hình sự hoặc đã đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mà tái phạm thì xử lý hình sự.

Phát biểu giải trình thêm, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp với các cơ quan thẩm định tiếp tục tiếp thu, chỉnh sửa và sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, báo cáo Quốc hội quyết định việc thông qua dự luật này theo đúng quy định.

Dự án luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) đã được trình Quốc hội cho ý kiến từ Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV và cũng là Dự án Luật duy nhất sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIV. 

Minh Tú