60 năm Tạp chí Kiểm sát

Ngày đăng : 07:41, 26/02/2021

(Kiemsat.vn) - Hòa trong không khí phấn khởi, tự hào của cả nước mừng Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam thành công rất tốt đẹp, tập thể lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên, người lao động, các cộng tác viên và bạn đọc Tạp chí Kiểm sát vui mừng kỷ niệm 60 năm ngày xuất bản ấn phẩm đầu tiên (26/02/1961 - 26/02/2021).

Sau khi Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) được thành lập (26/7/1960), để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phục vụ việc triển khai thực hiện Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960, sau một thời gian ngắn khẩn trương chuẩn bị, vào ngày 26/02/1961, số 01 của “Tập trao đổi kinh nghiệm công tác kiểm sát”, ấn phẩm báo chí đầu tiên của ngành Kiểm sát nhân dân, tiền thân của Tạp chí Kiểm sát ngày nay, đã được xuất bản. Chủ trương làm và phát hành ấn phẩm này là một trong những quyết định mang tính chiến lược của lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao lúc bấy giờ, mà trực tiếp là đồng chí Hoàng Quốc Việt, Viện trưởng đầu tiên của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Trong bối cảnh vào đầu những năm 60 của thế kỷ XX, ngành Kiểm sát nhân dân mới được thành lập, vừa khẩn trương triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ rất mới mẻ, vừa từng bước xây dựng tổ chức và đội ngũ cán bộ, mà phần lớn chưa được đào tạo về pháp luật, chưa có kinh nghiệm về công tác kiểm sát, thì sự ra đời của ấn phẩm “Tập trao đổi kinh nghiệm công tác kiểm sát” vào thời điểm đó có ý nghĩa to lớn, thực sự là tài liệu học tập quan trọng, bổ ích, góp phần tích cực vào việc bồi dưỡng kiến thức, trao đổi kinh nghiệm nghiệp vụ, học hỏi lẫn nhau của đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên của ngành Kiểm sát nhân dân. Với phương châm và cách thức cơ bản là tuyên truyền kịp thời, nhanh, sắc bén, phục vụ cho từng đợt công tác, tập trung vào việc định hướng thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành qua các bài viết của các đồng chí lãnh đạo VKSND tối cao và các vụ, cục trực thuộc, các bài phản ánh thực tiễn, trao đổi kinh nghiệm nghiệp vụ, các bài dịch tài liệu... đã cung cấp những thông tin, nhận thức cơ bản về lý luận tổ chức, hoạt động của VKSND, về công tác kiểm sát.

Đầu năm 1963, lãnh đạo VKSND tối cao chỉ đạo đổi tên “Tập trao đổi kinh nghiệm công tác kiểm sát” thành “Nội san công tác kiểm sát”. Nếu như ấn phẩm đầu tiên - “Tập trao đổi kinh nghiệm công tác kiểm sát” (1961, 1962) với định hướng chính là trao đổi kinh nghiệm thì “Nội san công tác kiểm sát” (giai đoạn 1963 - 1980) đã có bước phát triển về nội dung, không chỉ trao đổi kinh nghiệm mà đã có nhiều bài viết mang tính chất nghiên cứu với hình thức thể hiện khá phong phú về thể loại; số lượng phát hành tăng lên (từ 500 cuốn lên 2.500 cuốn), phạm vi phát hành từng bước được mở rộng.

Tháng 01 năm 1981, “Nội san công tác kiểm sát” được đổi tên thành “Tập san công tác kiểm sát” nhằm đáp ứng yêu cầu mở rộng phát hành để nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Từ đây, ấn phẩm này được phát hành rộng rãi, không chỉ trong nội bộ ngành Kiểm sát nhân dân. Đây cũng là giai đoạn Tòa soạn hoạt động trong cơ chế bao cấp, tác động không nhỏ đến mọi hoạt động của đơn vị, song cán bộ, biên tập viên, phóng viên “Tập san công tác kiểm sát” đã kiên trì bám sát thực tiễn, thường xuyên đi xuống cơ sở thu thập tin tức, viết bài, chuẩn bị nội dung; đồng thời, tìm các biện pháp khắc phục những khó khăn về giấy in, thiếu thốn về phương tiện làm việc và thiết bị nghiệp vụ báo chí, tìm cách mở rộng phát hành. Về mặt tổ chức của Tòa soạn cũng có sự phát triển như Chi bộ Đảng, Chi hội Nhà báo được thành lập, lực lượng biên tập viên được tăng cường, các bộ phận nghiệp vụ từng bước được chuyên môn hóa... Đó chính là những tiền đề rất quan trọng để “Tập san công tác kiểm sát” với những kinh nghiệm tích lũy được sau gần 30 năm hoạt động đã sẵn sàng cho việc chính thức thành lập một cơ quan báo chí chuyên trách của VKSND tối cao; trở thành tờ tạp chí khoa học nghiệp vụ chuyên ngành của thời kỳ đổi mới.

Ngày 28/12/1989, Luật báo chí đầu tiên được Quốc hội thông qua, quy định cụ thể về nghề báo ở nước ta, mở ra những hướng đi và yêu cầu đổi mới hoạt động báo chí. Ngày 12/10/1990, Viện trưởng VKSND tối cao  ký Quyết định số 79/QĐ thành lập Tạp chí Kiểm sát, là đơn vị tương đương cấp Vụ, trực thuộc VKSND tối cao. Ngày 14/12/1991, Bộ Văn hoá và Thông tin cấp Giấy phép hoạt động báo chí cho Tạp chí Kiểm sát. Theo đó, “Tập san công tác kiểm sát” chính thức được đổi tên thành “Tạp chí Kiểm sát”. Sự kiện này xuất phát từ hai yếu tố: Một là, sự phát triển nội tại của ấn phẩm này sau 30 năm xây dựng đã đáp ứng yêu cầu của ngành Kiểm sát nhân dân cần có một cơ quan báo chí độc lập với tôn chỉ, mục đích hoạt động là thông tin lý luận, nghiệp vụ chuyên ngành và tuyên truyền về các mặt hoạt động của ngành; hai là, để thực hiện chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật về tăng cường sự lãnh đạo, quản lý đối với hoạt động báo chí trong thời kỳ đổi mới.

Công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo thực hiện trong hơn 35 năm qua đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, trong đó có những kết quả quan trọng trong cải cách tư pháp. Tổ chức và hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân cũng có nhiều thay đổi. Chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND được khẳng định trong Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức VKSND năm 2014; hệ thống VKSND được tổ chức theo hệ thống 4 cấp; thực hiện nhiệm vụ hiến định là bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Trong tiến trình cải cách tư pháp với những thay đổi lớn lao đó, công tác thông tin tuyên truyền của ngành Kiểm sát nói chung và hoạt động của Tạp chí Kiểm sát nói riêng đã có những đóng góp đáng ghi nhận. Tạp chí Kiểm sát đã không ngừng phấn đấu để luôn xứng đáng là cơ quan thông tin lý luận và nghiệp vụ của ngành Kiểm sát nhân dân; đã thông tin kịp thời các chủ trương công tác, chỉ đạo của lãnh đạo VKSND tối cao đối với hoạt động của toàn ngành; ngày càng có nhiều hơn những bài viết chất lượng cao, thực sự là kết quả nghiên cứu công phu của các nhà khoa học, các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực tư pháp; tăng cường các bài viết trao đổi kinh nghiệm thực tiễn công tác kiểm sát, thực tiễn áp dụng pháp luật.

 Trong những năm gần đây, thực hiện nhiệm vụ được Ban cán sự Đảng, lãnh đạo VKSND tối cao giao cho, Tạp chí Kiểm sát đã đảm nhiệm và hoàn thành tốt vai trò là đơn vị thường trực của Ban chỉ đạo công tác tuyên truyền, góp phần tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác tuyên truyền của ngành. Về tổ chức và hoạt động của Tạp chí Kiểm sát có những bước phát triển mới. Hiện nay, Tạp chí Kiểm sát có 5 phòng chuyên môn nghiệp vụ và 01 cơ quan đại diện; thực hiện 3 loại hình báo chí, đó là tạp chí in, báo mạng điện tử với trang web Kiemsat.vn và báo hình với Chương trình Truyền hình Kiểm sát nhân dân. Trong đó, đáng chú ý là từ năm 2013, Tạp chí Kiểm sát được lãnh đạo VKSND tối cao tin tưởng giao nhiệm vụ phối hợp với Truyền hình Công an nhân dân thực hiện, phát sóng Chương trình Truyền hình Kiểm sát nhân dân, mở ra một kênh thông tin hiệu quả để tuyên truyền về ngành Kiểm sát nhân dân. Sau gần 3 năm hoạt động, chương trình Truyền hình Kiểm sát nhân dân đã phát sóng ổn định mỗi tháng 2 số và thường xuyên cập nhật các bản tin truyền hình trên kênh ANTV; từ đầu năm 2017, nâng cấp trang thông tin điện tử và được cấp phép hoạt động Tạp chí điện tử Kiểm sát. Gần đây, thành công của bộ phim “Sinh Tử” với sự đóng góp rất tích cực của Tạp chí Kiểm sát khi làm đầu mối phối hợp với Trung tâm sản xuất phim truyền hình Đài Truyền hình Việt Nam đã ghi dấu ấn đậm nét trong công tác tuyên truyền của ngành Kiểm sát nhân dân; bên cạnh đó, là các hoạt động tuyên truyền về kỷ niệm 60 năm thành lập ngành như: Biên soạn, xuất bản sách “Ảnh tư liệu 60 năm Viện kiểm sát nhân dân Việt Nam”, phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam xây dựng, phát sóng bộ phim tài liệu “60 năm ngành Kiểm sát nhân dân Việt Nam”, phim giới thiệu về VKSND có phụ đề tiếng Anh, 09 phim tài liệu ngắn về sự ra đời và các giai đoạn phát triển của VKSND; biên soạn và phát hành cuốn sách “Viện kiểm sát nhân dân - Những dấu ấn không phai mờ”... đã thể hiện sự phát triển, trưởng thành của Tạp chí Kiểm sát.

Nhìn lại 60 năm xây dựng và phát triển, có thể nói, Tạp chí Kiểm sát đã luôn giữ vững tôn chỉ, mục đích hoạt động, không ngừng đổi mới, liên tục phấn đấu,  đưa Tạp chí Kiểm sát phát triển về mọi mặt; bảo đảm sự vững vàng, đúng đắn về tư tưởng, chính trị, sự phong phú về nội dung và hấp dẫn về hình thức thể hiện; đã triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trong công tác tuyên truyền do lãnh đạo VKSND tối cao giao cho, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu nghiên cứu, học tập và vận dụng vào thực tiễn công tác của các đơn vị trong ngành Kiểm sát nhân dân và đông đảo bạn đọc.

Với những kết quả và thành tích đạt được, Tạp chí Kiểm sát đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1985), Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2004) và Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2011); ba lần được tặng Cờ thi đua của Chính phủ và nhiều năm liên tục được tặng Cờ đơn vị thi đua xuất sắc của ngành Kiểm sát nhân dân; nhiều tập thể và cán bộ của Toà soạn được tặng thưởng Huân chương Lao động, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Bằng khen của Viện trưởng VKSND tối cao.

Đội ngũ những người làm Tạp chí Kiểm sát luôn nhận thức rằng, để có được những kết quả và thành tích đó, là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo VKSND tối cao, của các cơ quan quản lý báo chí, sự phối hợp giúp đỡ của các đơn vị trong và ngoài ngành Kiểm sát nhân dân; sự ủng hộ của bạn đọc và đặc biệt là sự cộng tác nhiệt tình, có hiệu quả cao của đội ngũ cộng tác viên.

Kế thừa, phát huy truyền thống đáng tự hào và những bài học kinh nghiệm quý báu; thấy rõ và tích cực, chủ động khắc phục những mặt còn hạn chế để tiếp tục phấn đấu xây dựng Tạp chí Kiểm sát luôn xứng đáng là cơ quan thông tin lý luận, nghiệp vụ của VKSND tối cao và là đơn vị thường trực Ban chỉ đạo công tác tuyên truyền ngành Kiểm sát nhân dân, trong thời gian tới, Tạp chí Kiểm sát cần tập trung làm tốt những nội dung trọng tâm sau đây:

Một là, luôn nắm vững và thực hiện đúng, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ mục đích hoạt động.

Nhận thức đúng, đầy đủ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tôn chỉ, mục đích của Tạp chí Kiểm sát, từ đó tham mưu, đề xuất với lãnh đạo VKSND tối cao về định hướng nội dung trọng tâm tuyên truyền và chỉ đạo tổ chức thực hiện, nhất là tuyên truyền việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng trong ngành Kiểm sát nhân dân; tuyên truyền phổ biến pháp luật; tuyên truyền sâu rộng về vai trò, vị trí chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của Viện kiểm sát các cấp, góp phần xây dựng hình ảnh người cán bộ Kiểm sát trong sự nghiệp đổi mới, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.

Tập trung nâng cao chất lượng về nội dung, thể hiện sâu sắc hơn tính khoa học, tính thực tiễn và thể hiện rõ nét hơn tính nghiệp vụ chuyên ngành của Tạp chí Kiểm sát, phục vụ thiết thực, có hiệu quả việc nghiên cứu, học tập và vận dụng vào thực tiễn công tác của các đơn vị trong ngành Kiểm sát nhân dân và đông đảo bạn đọc trong và ngoài ngành.

Hai là, làm tốt hơn công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, trọng tâm là đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, kỹ năng cho các biên tập viên, phóng viên, từ đó nâng cao chất lượng công tác biên tập, chuẩn bị nội dung cho các số tạp chí in, các ấn phẩm xuất bản, Tạp chí điện tử Kiểm sát, Chương trình Truyền hình Kiểm sát nhân dân.

Biên tập viên, phóng viên giữ vai trò quan trọng đối với chất lượng của Tạp chí, Chương trình Truyền hình. Do vậy, phải chăm lo củng cố, xây dựng, rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ biên tập viên, phóng viên để có khả năng tổng hợp tốt, phát hiện vấn đề nhanh, có kiến thức vững vàng về lý luận chính trị, về khoa học pháp lý, khoa học nghiệp vụ kiểm sát, am hiểu về thực tiễn hoạt động tư pháp, các lĩnh vực công tác kiểm sát và xây dựng ngành, có kiến thức nền tảng về ngôn ngữ, văn học, kỹ năng biên tập, nghiệp vụ báo chí để làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền đáp ứng nhu cầu thông tin của bạn đọc tạp chí. Ban Biên tập và các biên tập viên, phóng viên của Tạp chí Kiểm sát phải thường xuyên nghiên cứu, cập nhật để nắm vững đường lối, các quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, về hoạt động tư pháp, về Viện kiểm sát các cấp, định hướng nhiệm vụ, công tác của ngành để xác định nội dung trọng tâm thông tin trên Tạp chí Kiểm sát. Trên cơ sở đó có kế hoạch tổ chức bài, đặt bài, viết bài, biên tập, chuẩn bị nội dung các số tạp chí, các ấn phẩm, nội dung của phiên bản điện tử Tạp chí Kiểm sát và Chương trình Truyền hình Kiểm sát nhân dân. Các biên tập viên, phóng viên của Tạp chí Kiểm sát cần tích cực tự nghiên cứu, học tập phấn đấu nâng cao trình độ và kỹ năng làm báo để đảm nhiệm công việc với yêu cầu ngày càng có chất lượng cao, có nhiều bài viết, chương trình truyền hình hấp dẫn, tạo ấn tượng cho người đọc, người xem.

Ba là, củng cố và phát triển đội ngũ cộng tác viên, bởi đây là lực lượng chủ yếu, quyết định chất lượng của Tạp chí Kiểm sát. Để tập hợp được đông đảo đội ngũ Cộng tác viên, trước hết Ban Biên tập và các biên tập viên của Tạp chí Kiểm sát phải có biện pháp thu hút cộng tác viên, phát hiện những người có khả năng viết để gợi ý, trao đổi những đề tài cần thiết, chủ động đặt bài viết đúng trọng tâm, có chất lượng. Đây là bài học quan trọng để Tạp chí Kiểm sát tiếp tục nâng cao tính khoa học, tính nghiệp vụ và tính thực tiễn của cơ quan báo chí chuyên ngành. Ban Biên tập phải thường xuyên thông báo cho cộng tác viên định hướng thông tin, kế hoạch nội dung của Tạp chí Kiểm sát để họ nắm được tôn chỉ, mục đích, thể loại và những yêu cầu cụ thể của bài viết. Ban Biên tập cần duy trì thường xuyên việc liên hệ thông qua hộp thư và tổ chức hàng năm việc gặp gỡ với đông đảo cộng tác viên để thông báo tình hình tiếp nhận, biên tập, sử dụng bài, hướng viết bài trong năm tới và nhất là lắng nghe ý kiến nhận xét, đánh giá góp ý của các cộng tác viên cho hoạt động của Tòa soạn. Mặt khác, cần khẩn trương hoàn thiện cơ chế phối hợp, chế độ đãi ngộ phù hợp đối với đội ngũ cộng tác viên.

Bốn là, làm tốt công tác xuất bản, mở rộng phạm vi phát hành, phát sóng, phối hợp làm phim về ngành.

Cập nhật và thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về xuất bản ấn phẩm, đảm bảo các ấn phẩm, chương trình có chất lượng, đẹp, hấp dẫn. Số lượng người đọc qua mạng điện tử ngày càng gia tăng do đó, phải chú trọng phát triển, nâng cấp Tạp chí điện tử Kiểm sát nhằm cập nhật thông tin, quảng bá, giới thiệu các bài viết trên tạp chí in, các ấn phẩm và cập nhật Chương trình Truyền hình Kiểm sát nhân dân. Bên cạnh nâng cao chất lượng nội dung, đổi mới các format chương trình thì cần có biện pháp để tăng thời lượng, mở rộng phát sóng các chương trình trên nhiều đài, kênh truyền hình và đặc biệt phải chú trọng việc cập nhật, phát sóng trực tuyến trên Tạp chí điện tử Kiểm sát. Tiếp tục phối hợp với VFC Đài truyền hình Việt Nam xây dựng và phát sóng phần hai bộ phim truyền hình nhiều tập về VKSND.

Năm là, giữ vững sự đoàn kết, thống nhất dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Tăng cường công tác quản lý các hoạt động của Toà soạn theo các quy định của Luật báo chí, Quy chế, quy định của ngành. Nâng cao tính chủ động, sáng tạo và tinh thần tự chịu trách nhiệm của các phòng, cơ quan đại diện và cán bộ công chức, viên chức trong Toà soạn; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật theo quy định của Luật tổ chức VKSND, các quy chế, quy định của Tòa soạn. Thực hiện cơ chế tự chủ trong hoạt động báo chí theo chủ trương của Nhà nước dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo VKSND tối cao, đảm bảo mọi hoạt động đúng quy định, hiệu quả.

Sáu mươi năm Tạp chí Kiểm sát đồng hành trong cùng chặng đường phát triển của VKSND, hòa cùng dòng chảy của báo chí cách mạng Việt Nam, đó là bước đường rất đỗi tự hào, ghi dấu tâm huyết, trí tuệ, công sức của nhiều thế hệ lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên, cộng tác viên của Tòa soạn. Những người làm Tạp chí Kiểm sát hôm nay có trách nhiệm giữ gìn, vun đắp cho con đường đó phát triển, đi tới và đẹp hơn./.

Ban Biên tập TẠP CHÍ KIỂM SÁT