Thôi nhé anh đi, Hoàng Dũng

Ngày đăng : 10:44, 20/02/2021

(Kiemsat.vn) - Mồng 3 Tết Tân Sửu bất ngờ được tin Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Hoàng Dũng mất, tôi lặng người sốc vì đột ngột dù vẫn biết dạo này sức khỏe anh giảm sút.

77f31295-c861-47d7-ba15-ae68e51a29c6.jpeg
NSND Hoàng Dũng thủ vai Chủ tịch tỉnh Trần Nghĩa trong bộ phim “Sinh tử” do nhà văn Phạm Ngọc Tiến làm biên kịch

Mới chỉ cách nay ít tháng, tôi và Hoàng Dũng gặp nhau ở một sự kiện văn hóa, anh còn rôm rả bàn luận về các vai diễn đã gắn kết chúng tôi ở các dự án phim truyền hình mà tôi là biên kịch còn anh thủ những vai chính. Tất nhiên thương hiệu Hoàng Dũng phải là những vai chủ chốt của phim sao có thể trượt được.

Cao hứng anh bình luận so sánh về vai Chủ tịch tỉnh này với Chủ tịch tỉnh kia trong hai phim "Đàn trời" và "Sinh tử" tôi và anh tham gia một cách chính xác công tâm khiến tôi dù là biên kịch phải ngỡ ngàng để rồi tâm phục khẩu phục sự am hiểu phim ảnh của anh dù xuất thân của anh là diễn viên kịch nói. Hoàng Dũng nói một cách ngắn gọn là một diễn viên tài năng hiếm hoi của điện ảnh, truyền hình và sân khấu Việt.

Năm 2003, trong bối cảnh ảm đạm của sân khấu nước nhà, Nhà hát kịch Hà Nội cho công diễn vở "Cát bụi". Thú thật tôi không nhớ tác giả kịch bản hay đạo diễn là ai nhưng tôi nhớ như in diễn xuất của Hoàng Dũng trong vai Cả Khoa. Đồng diễn với Hoàng Dũng là những nghệ sĩ nổi tiếng Trung Hiếu và Tiến Đạt…

Vở diễn hay một cách thảng thốt với tôi. Trong một cảm xúc hiếm hoi về sân khấu tôi viết một bài bình về vở diễn này với diễn xuất phải nói là vô cùng xuất thần của Hoàng Dũng. Bài in trên một tờ báo lớn và đây là bài viết duy nhất của tôi về sân khấu.

Bấy giờ Hoàng Dũng đang là Phó Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội. Bài viết của tôi nặng về cảm tính nhưng nói trúng về vở diễn và thực trạng sân khấu nên rất được hoan nghênh. Đến tận bây giờ Nhà hát vẫn trích dẫn bài viết của tôi để giới thiệu khi vở "Cát bụi" có mặt trên sàn diễn.

Nhắc đến "Cát bụi" bởi từ vở diễn đó tôi và Hoàng Dũng có mối tương giao nghề nghiệp. Trước "Cát bụi" Hoàng Dũng đã đóng nhiều phim truyền hình thậm chí là phim đầu tiên của thể loại phim truyền hình mới mẻ. Nếu tôi nhớ không nhầm thì đó là phim "Bản hùng ca số 5" là phim đầu tay của đạo diễn Khải Hưng và Hoàng Dũng được mời đóng một vai khi anh vừa tốt nghiệp khóa diễn viên của Trường Cao đẳng Nghệ thuật HN.

Anh có mặt thường xuyên trong các dự án phim. Với riêng tôi, sau "Cát bụi" khi đã quen biết Hoàng Dũng tôi luôn manh nha có một vai diễn cho anh trong một kịch bản chính luận nào đấy.

Năm 2011 tôi hoàn thành bộ kịch bản 36 tập "Đàn trời". Một phim chính luận về một tỉnh miền núi. Vai Chủ tịch tỉnh Đinh Xuân Ấn là mẫu cán bộ tha hóa, tham nhũng bị khởi tố bắt giam. Đạo diễn Bùi Huy Thuần mời Hoàng Dũng vào vai Chủ tịch Ấn.

Một vai như sau này anh thú nhận xấu từ đầu đến cuối, xấu từ trong ra ngoài và kết cục thì không thể khác. Tôi đã rất mừng khi Hoàng Dũng có những cảm nhận tích cực về vai diễn. Và quả nhiên anh vào vai rất ngọt.

"Đàn trời" ở thời điểm phát sóng nhận về những hiệu ứng tích cực nhưng nó không được như tôi kỳ vọng. Vì nhiều lý do mà dĩ nhiên đừng nên đổ tại cho ai đó, hãy dũng cảm nhận kịch bản chưa đúng tầm với những gì cuộc sống đang diễn ra và cái xấu nảy nở với một tốc độ kinh hoàng khiến nghệ thuật tụt hậu sau nó.

Tôi bày tỏ điều này với Hoàng Dũng, anh gạt đi bảo tôi nghĩ khác, phim tốt, tôi đã rất tâm đắc khi nhập vai ông Ấn. Đây là một vai tôi dành nhiều tâm sức, hứng thú, chúng ta đừng quá cầu toàn, cuộc sống luôn là như thế đừng cực đoan, không dễ có một Chủ tịch tỉnh như thế lên sóng quốc gia.

Tôi nghe Hoàng Dũng vì biết anh trăn trở lao động hết mình với vai diễn nhưng vẫn nuôi ý định làm một phim chính luận khác về đề tài thể chế và quan trường. Và "Sinh tử" ra đời.

Nói đến phim "Sinh tử" phải nói đến Hoàng Dũng. Tôi chắc chắn thế. Kịch bản tôi chuẩn bị trong nhiều năm và phải đến 2018 nó mới có cơ duyên ra đời. Riêng về vai Chủ tịch Trần Nghĩa dù rất tôn trọng đạo diễn và nhà sản xuất nhưng tôi yêu cầu mời Hoàng Dũng, bởi khi viết tôi đã mặc định anh. Từ dáng đi, điệu nói, cái chém tay, khuôn mặt biểu cảm rất Hà Nội của Hoàng Dũng luôn thường trực trong tôi ở những trường đoạn viết về Chủ tịch Trần Nghĩa.

Trước đó trong những lần gặp nhau ở sự kiện nào đó tôi đã nói với anh về kịch bản này. Hoàng Dũng hỏi tôi so với Đinh Xuân Ấn thì Trần Nghĩa thế nào? Tôi trả lời Trần Nghĩa hiện đại hơn, mưu lược hơn, gian manh hơn về tha hóa nhưng lại có tâm nguyện đặt dấu ấn để thay đổi quê hương mình, phần nào đó chính là tính tích cực. Đó là những mâu thuẫn nội tại giằng kéo nhiều nhân vật đa diện này, một vai diễn khó. Hoàng Dũng có vẻ rất hào hứng.

"Sinh tử" phát sóng xong, tôi tràn xúc động về vai diễn Trần Nghĩa trong phim. Một Hoàng Dũng thăng hoa, tột đỉnh thăng hoa đẩy chính cha đẻ kịch bản từ bến bờ này sang bến bờ khác của cảm xúc. Tôi rơi nước mắt ở những cảnh kết khi Hoàng Dũng trong vai Chủ tịch tỉnh bày tỏ tâm trạng gan ruột của mình.

Trong nguồn cảm hứng tôi viết một chân dung văn học về Hoàng Dũng, chàng trai Hà Nội, một người phố cổ Hàng Đường lịch lãm, phong thái nhưng trên hết là một nghệ sĩ đích thực, một tài năng hiếm hoi của điện ảnh, truyền hình, sân khấu. Khi đọc xong Hoàng Dũng có nhắn cảm ơn tôi, anh nói con trai tôi đọc thích lắm nhà văn à.

Mới đây tôi và Hoàng Dũng còn trao đổi về một vai Chủ tịch tỉnh tử tế để anh thể hiện chứ hai vai kia xấu quá. Tôi không hứa nhưng vẫn nghĩ Hoàng Dũng bằng tuổi tôi bính thân 1956 sẽ còn có thể tiếp tục cống hiến. Vậy mà anh ra đi sớm quá. Thật tiếc cho một nghệ sĩ tài năng.

Biết làm sao được, Hoàng Dũng. Đời là vậy như vở kịch đình đám anh đóng vai chính năm nào: "Cát bụi". Ai rồi cũng về cát bụi nhưng cách ta hiện diện ở cuộc đời này thế nào mới là quan trọng. Anh xứng đáng. Thôi nhé anh đi./.

Phạm Ngọc Tiến