Nâng cao chất lượng, các phiên tòa giả định phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật
Ngày đăng : 10:52, 29/01/2021
Một mặt phát huy những yếu tố tích cực từ phiên tòa lưu động, mặt khác đây là một hình thức tuyên truyền linh hoạt phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Phiên tòa giả định thu hút được sự quan tâm của nhiều tầng lớp, đối tượng khác nhau, tạo được hiệu quả tuyên truyền tích cực.
Phiên tòa giả định được tổ chức tại huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai |
Mô hình phiên tòa giả định không chỉ ứng dụng ở môi trường giảng dạy trong các trường đại học đào tạo luật mà còn được ứng dụng rộng rãi trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở các địa phương trên cả nước. Được thực hiện bởi Đoàn thanh niên, Hội luật gia, các cơ quan tư pháp,.. Ngoài ra, còn được tổ chức thực hiện và phát sóng trên kênh truyền hình của quốc gia với tên gọi "Chương trình Tòa tuyên án”. Tuy có nét tương đồng với phiên Tòa lưu động trên thực tế, nhưng việc thực hiện phiên tòa theo hình thức mô phỏng này có một số ưu điểm đáng kể. Việc thực hiện có thể chủ động về mặt thời gian, nội dung thể hiện trực quan, sinh động. Mặc khác lại không yêu cầu cao về trình độ hiểu biết pháp luật cũng như những kiến thức kỹ năng cần có của đối tượng thực hiện. Bằng việc ứng dụng rộng rãi, phiên tòa giả định có lẽ là một giải pháp hiệu quả trong việc nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân. Bên cạnh đó còn góp phần vào công cuộc đấu tranh phòng ngừa tội phạm, giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật xảy ra trong cộng đồng.
Qua quá trình thực hiện, tác giả đề ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả việc tổ chức các phiên tòa giả định như sau:
Cần có kế hoạch tổ chức chi tiết và chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung trước khi tổ chức phiên tòa giả định. Với mỗi đối tượng tuyên truyền hướng đến khác nhau cần có kế hoạch tổ chức thực hiện khác nhau. Bên cạnh đó, chú ý đến việc chọn lọc, biên soạn nội dung kịch bản phù hợp với từng đối tượng. Tình tiết nội dung cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu. Xây dựng dựa theo nội dung những vụ án có thật trong thực tiễn xét xử, những vụ án được dư luận quan tâm sẽ có ảnh hưởng lớn đến nhận thức pháp luật của người được tuyên truyền.
Việc chấp hành pháp luật tố tụng hình sự trong phiên tòa giả định là cần thiết tuy nhiên nên giản lược một số nội dung về phần thủ tục. Về phần nội quy phiên tòa cũng như một số nội dung trong Cáo trạng, Luận tội,... cần được rút ngắn hơn so với thực tế và có sự chỉnh sửa phù hợp. Chẳng hạn: Phiên tòa tổ chức cho đối tượng là học sinh trường Trung học cơ sở thì trong nội quy phiên tòa cần lược bỏ bớt nội dung quy định tại Khoản 5, Điều 256 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 “Người dưới 16 tuổi không được vào phòng xử án, trừ trường hợp được Tòa án triệu tập đến phiên tòa”.
Như vậy, phiên tòa đúng trọng tâm với nội dung, thời lượng thích hợp sẽ tránh được sự xao nhãng, mất tập trung giúp đối tượng được tuyên truyền dễ theo dõi và nắm được toàn bộ nội dung mà chúng ta muốn truyền đạt. Ngoài ra, phần đối đáp giữa các nhân vật trong các vai Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên, bị cáo, bị hại...; phần phát biểu quan điểm của vị đại diện Viện Kiểm sát, phần tuyên án của Hội đồng xét xử tại phiên tòa giả định cần được viết lại hàm chứa nội dung giáo dục pháp luật hoặc những thông điệp có ý nghĩa nâng cao nhận thức về pháp luật cho người dân.
Đây cũng là phần có thể lồng ghép đưa thêm một số quy định pháp luật liên quan như vấn đề trách nhiệm liên đới giữa các bị cáo về bồi thường thiệt hại; trách nhiệm của cha mẹ, người giám hộ đối với người chưa thành niên theo quy định của pháp luật, trách nhiệm của gia đình và xã hội…Phần tuyên hình phạt này cần được thực hiện một cách nghiêm trang, giọng đọc to, rõ ràng, mạch lạc, dứt khoát. Mức hình phạt phù hợp sẽ có tác dụng răn đe, phòng ngừa và mang tính giáo dục cao. Qua đó nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đến với người dân.
Kết hợp nhiều hình thức trong việc tổ chức phiên tòa giả định cho sinh động, thu hút người xem. Có thể phối hợp với nhà trường hoặc địa phương tổ chức diễn kịch để tạo sự hứng thú cho người xem, người nghe. Trong quá trình tổ chức phiên tòa, kết hợp với việc phát tờ rơi tuyên truyền (nếu có). Sau khi phiên tòa diễn ra, tổ chức phiên hỏi đáp, trả lời thắc mắc.
Chú ý trong việc chọn thời gian tổ chức phiên tòa. Tránh các thời điểm trong tuần vào các ngày làm việc. Có thể tổ chức vào cuối tuần để thu hút đông đảo người xem. Địa điểm tổ chức ngoài một số nơi như trường học, ủy ban nhân dân, hội trường, trụ sở tổ dân phố, trụ sở thôn, nhà rông của làng thì có thể linh động tổ chức tại các địa điểm đông dân như khu vực chợ, trên vỉa hè, đường phố,...
Tổ chức rút kinh nghiệm sau mỗi phiên Tòa giả định để người thực hiện có thể nhìn nhận và đánh giá được những ưu khuyết điểm của bản thân cũng như được lắng nghe những ý kiến góp ý để trau dồi thêm kỹ năng. Từ đó, thực hiện có hiệu quả hơn những phiên Tòa sau.
Trên đây là một số quan điểm của tác giả nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả việc tổ chức các phiên tòa giả định phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của quý độc giả./.