Thực tiễn và kiến nghị giải quyết việc Vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông đường bộ

Ngày đăng : 18:37, 26/01/2021

(Kiemsat.vn) - Ngày 01/01/2020, Luật phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực, điều chỉnh mức nồng độ cồn vi phạm khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn một số vướng mắc. Bài viết chia sẻ kinh nghiệm giải quyết và nêu ra một số vướng mắc, kiến nghị khi giải quyết vụ án “vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" có bị can sử dụng rượu bia.

Theo thống kê của Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia cho thấy tỷ lệ người dân tự điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu bia chiếm 68%, trong đó có 40% người say rượu bia vẫn tiếp tục lái xe. Dịp cuối năm, lễ, Tết, mỗi người đều có rất nhiều lý do để sử dụng rượu bia nên tình trạng sử dụng rượu, bia tham gia giao thông gây tai nạn dự báo sẽ tăng cao, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm những hành vi này để kiềm chế tai nạn giao thông. Trong đó có việc áp dụng trách nhiệm hình sự để làm tốt công tác phòng ngừa chung.

Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (sau đây gọi là BLHS) quy định tình tiết “trong tình trạng có sử dụng rượu bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng” theo điểm b Khoản 2 Điều 260 BLHS, nhằm cá thể hóa trách nhiệm hình sự của hành vi sử dụng rượu, bia gây tai nạn giao theo hướng tăng nặng hình phạt.

Bài viết này tác giả chỉ đặt vấn đề về việc người gây tai nạn giao thông sử dụng rượu bia và có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở vượt quá mức quy định. Vậy “vượt quá mức quy định” là mức độ bao nhiêu, được hiểu như thế nào, để giải quyết câu hỏi này thông thường các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng quy định trong các luật chuyên ngành. Cụ thể:

Trước thời điểm ngày 01/01/2020, liên ngành tố tụng áp dụng khoản 8 Điều 8 Luật giao thông đường bộ năm 2008: “8. Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.” Như vậy người điều khiển xe ô tô có nồng độ cồn trong máu hoặc người điều khiển xe mô tô, xe máy có nồng độ cồn trên 50mg/100ml máu hoặc trên 0,25 mg/1l khí thở gây tai nạn phải chịu trách nhiệm hình sự theo điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS.

Tuy nhiên, sau thời điểm ngày 01/01/2020, Luật phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực, tại khoản 1 Điều 35 quy định: "Sửa đổi, bổ sung Khoản 8 Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ 2008 đã sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 như sau: 8. Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Như vậy, từ thời điểm này tất cả những người có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở gây tai nạn phải chịu trách nhiệm hình sự theo điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS.

Trên thực tế, sau nhiều vụ tai nạn giao thông người tham gia giao thông ở cả hai bên đều bị thương và nhập viện, do đó lực lượng chức năng sử dụng máy đo nồng độ cồn trong hơi thở khi xảy ra tai nạn là không thể thực hiện được. Trong trường hợp này, Kiểm sát viên được phân công kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường phải yêu cầu Cơ quan điều tra làm phiếu yêu cầu xét nghiệm nồng độ cồn trong máu theo quy định tại Thông tư liên tịch số 26/2014/TT-BCA-BYT ngày 23/7/2014 của Bộ Công an - Bộ y tế quy định về xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Tuy nhiên, trong trường hợp không kịp hoặc không thể yêu cầu xét nghiệm nồng độ còn trong máu, Kiểm sát viên khi nghiên cứu hồ sơ vụ việc cần nghiên cứu hồ sơ bệnh án để xem xét kết quả xét nghiệm Ethanol trong máu. Vì kinh nghiệm giải quyết các vụ việc này cho thấy khi đưa nạn nhân vào cấp cứu, có khai báo do tai nạn giao thông thì cơ sở y tế tiến hành xét nghiệm Ethanol trong máu theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Thông tư liên tịch số 26/2014/TT-BCA-BYT: “…4. Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ bị tai nạn giao thông được đưa đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải được bác sĩ chỉ định xét nghiệm nồng độ cồn trong máu”.

Tuy nhiên, việc sử dụng kết quả xét nghiệm theo phiếu yêu cầu xét nghiệm nồng độ cồn trong máu hiện nay còn nhiều vướng mắc và có nhiều cách hiểu khác nhau. Cụ thể: Phiếu trả lời kết quả xét nghiệm (mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 26/2014/TT-BCA-BYT) có mục “trị số bình thường”, trị số bình thường này giao động từ 0-10.9 mmol/l. Nếu kết quả xét nghiệm nằm trong ngưỡng trị số bình thường thì xử lý người gây tai nạn như thế nào, có được hiểu trị số bình thường là sai số cho phép của máy xét nghiệm (tức là người bình thường, không sử dụng rượu, bia có thể có kết quả trong khoảng này do sử dụng thực phẩm hoặc do các tác nhân khác) và không xem xét trách nhiệm hình sự tăng nặng đối với người gây tai nạn không.

Theo tác giả, “trị số bình thường” trong phiếu trả lời xét nghiệm không được hiểu là sai số của máy xét nghiệm. Trị số bình thường phải được hiểu là khi người được xét nghiệm có kết quả trong khoảng này thì cơ thể vẫn có thể hoạt động hoạt động bình thường, nếu vượt quá ngưỡng trị số bình thường sẽ dẫn đến một số hoạt động không bình thường như đỏ mặt, nôn mửa, phản xạ chậm chạp, giảm nhạy bén…. (1). Mặt khác, theo Quyết định 933/QĐ-BYT ngày 23/3/2010 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành quy định về đo nồng độ cồn (Etanol) trong máu áp dụng trong các bệnh viện thì 01 mg/100 ml = 01mmol/l x 4,608 nên trị số bình thường 0 - 10.9mmol/l số này tương đương 0 - 50,2272 mg/100ml, điều này là phù hợp với quy định của Luật giao thông đường bộ cũ (chưa được sửa đổi bổ sung khoản 8 Điều 8) về việc nghiêm cấm điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu. Do vậy, nếu người gây tai nạn có kết quả nồng độ cồn trong máu, bất kể kết quả xét nghiệm có kết quả nằm trong trị số bình thường hay không đều phải chịu trách nhiệm hình sự tăng nặng, định khung theo điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS.

Để việc áp dụng tình tiết có sử dụng rượu bia vượt mức cho phép được thống nhất, đề nghị Bộ Y tế, Bộ Công an có văn bản hướng dẫn cụ thể việc sử dụng kết quả xét nghiệm nồng độ cồn trong máu theo Thông tư liên tịch số 26/2014/TT-BCA-BYT ngày 23/7/2014 của Bộ Công an - Bộ y tế, cần giải thích cụ thể “trị số bình thường” trong kết quả xét nghiệm được hiểu như thế nào. Đồng thời tác giả cũng đề xuất góp ý sửa đổi điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS bỏ cụm từ “vượt quá mức quy định”, cụ thể điều luật cần được sửa đổi như sau “trong tình trạng có sử dụng rượu bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác”.

Trên đây là quan điểm nhận thức và thực tiễn áp dụng tình tiết “trong tình trạng trong tình trạng có sử dụng rượu bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng” trong tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ của tác giả. Rất mong được ý kiến trao đổi, đóng góp của đồng nghiệp và bạn đọc.

Nguyễn Tiến Hoàn, VKSND huyện Phú Xuyên