Giới thiệu Tạp chí Kiểm sát số 02/2021

Ngày đăng : 16:03, 26/01/2021

(Kiemsat.vn) - Tạp chí Kiểm sát số 02/2021 phát hành ngày 20/01/2021 có các nội dung chính sau đây.

Nổi bật trên chuyên mục NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI có bài viết: “Về các căn cứ quyết định hình phạt” của Tiến sĩ Phạm Mạnh Hùng. Từ những đánh giá tổng quan, tác giả phân tích các căn cứ chung khi quyết định hình phạt và trong một số trường hợp cụ thể. Theo đó, Tòa án cần căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự, tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhân thân... Nếu bị cáo là người dưới 18 tuổi, pháp nhân thương mại phạm tội, chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt, có đồng phạm thì cần áp dụng những điều luật riêng biệt.

 

Trong bài viết “Rút quyết định truy tố và một số giải pháp hoàn thiện”, tác giả Quan Tuấn Nghĩa đã đề cập đến những vướng mắc trong quy định của pháp luật đối với việc rút quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa và tại phiên tòa. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định Viện kiểm sát có quyền rút quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa và tại phiên tòa, nhưng chưa quy định rõ thế nào là rút một phần, rút toàn bộ quyết định truy tố; việc rút quyết định truy tố khi được ủy quyền truy tố và rút quyết định truy tố tại phiên tòa còn nhiều bất cập đã dẫn đến khó khăn trong thực tiễn áp dụng pháp luật.

Bài viếtKhai thác chứng cứ từ nguồn dữ liệu điện tử phục vụ việc buộc tội, tranh tụng của Viện kiểm sát tại phiên tòatrên chuyên mục CÔNG TÁC KIỂM SÁT của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hạnh phân tích ý nghĩa quan trọng của dữ liệu điện tử đối với Viện kiểm sát trong việc buộc tội, tranh tụng tại phiên tòa. Đây là một trong số những nguồn chứng cứ đã được Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 ghi nhận; từ nguồn dữ liệu điện tử, Viện kiểm sát có thể khai thác được các chứng cứ sử dụng trong việc buộc tội, chứng minh việc truy tố đối với bị cáo là đúng đắn. Tuy nhiên, hiện việc áp dụng các quy định pháp luật và triển khai hoạt động khai thác dữ liệu điện tử phục vụ việc buộc tội, tranh tụng tại phiên tòa gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Tác giả đề xuất một số giải pháp, trong đó nhấn mạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến việc quản lý, khai thác dữ liệu điện tử phục vụ việc buộc tội, tranh tụng tại phiên tòa hình sự; hình thành những kho dữ liệu điện tử hỗ trợ khai thác để phục vụ việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự…

Chuyên mục THỰC TIỄN - KINH NGHIỆM có bài của tác giả Hoàng Đình Duyên bàn về “Vướng mắc khi áp dụng biện pháp ngăn chặn sau khi bắt người theo quyết định truy nã”, trong đó, tác giả đưa ra một tình huống không thống nhất trong thực tiễn: Việc tiến hành thủ tục tố tụng tiếp theo để áp dụng biện pháp ngăn chặn sau khi bắt, nhận người theo quyết định truy nã mà trước đó có lệnh bắt bị can để tạm giam (Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ, lệnh tạm giam hay tiếp tục áp dụng lệnh bắt bị can để tạm giam trước đó?). Tác giả kiến nghị có hướng dẫn cụ thể trường hợp này theo hướng: Áp dụng tạm giam theo lệnh bắt bị can để tạm giam trước đó chưa thi hành được. Trường hợp Cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã không đến kịp để nhận người bị bắt theo quyết định truy nã thì gửi lệnh bắt bị can để tạm giam; quyết định phê chuẩn lệnh bắt bị can để tạm giam trước đó đến để thi hành.

Ngoài ra, Tạp chí Kiểm sát số 02/2021 còn có các bài viết đáng chú ý khác: “Biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong Luật hình sự Việt Nam” của tác giả Hà Lệ Thủy; “Về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc” của Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hưng; “Bất cập trong quy định về người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ” của tác giả Ngô Văn Lượng…

Trân trọng giới thiệu và kính mời Quý độc giả đón đọc!

Cẩm Thi