Tìm hiểu đặc điểm tâm lý của người dân tộc Mông theo đạo “Tin Lành Vàng Chứ” ở khu vực biên giới tỉnh Điện Biên nhằm phục vụ tốt công tác vận động quần chúng của Bộ đội biên phòng.
Ngày đăng : 13:06, 21/01/2021
Điện Biên là tỉnh miền núi biên giới nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, phía bắc tiếp giáp huyện Giang Thành, TP. Tư Mao, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc với chiều dài 38,5km đường biên giới; phía tây tiếp giáp 2 tỉnh Luông Pra Băng và Phông Xa Lỳ của Lào với chiều dài 360km đường biên giới; phía đông tiếp giáp với tỉnh Lai Châu; phía nam và phía đông nam giáp tỉnh Sơn La. Khu vực biên giới tỉnh Điện Biên địa hình hiểm trở, nhiều núi cao, bị chia cắt bởi nhiều sông suối, hệ thống giao thông chưa phát triển, đi lại khó khăn. Hiện có 16.005 hộ, 83.474 khẩu, gồm 15 dân tộc cùng sinh sống, trong đó chủ yếu là dân tộc Mông, Thái, Kinh, Khơ Mú, Dao...; các dân tộc sống xen kẽ và phân bố không đồng đều; dân tộc Kinh, Thái, Tày, Nùng chủ yếu ở vùng thấp, gần đường giao thông; dân tộc Mông, Dao, Khơ Mú và một số dân tộc khác cư trú ở vùng sâu, vùng xa, trên sườn núi cao, sát đường biên giới. Đồng bào các dân tộc ở KVBG tỉnh Điện Biên có đời sống tâm linh, phong tục, tập quán đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, bên cạnh những nét đẹp truyền thống vẫn còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu như tín ngưỡng đa thần, cưới xin, ma chay của người Mông.
Những năm gần đây, đạo “Tin Lành Vàng Chứ” đã phát triển trong đồng bào dân tộc Mông ở KVBG tỉnh Điện Biên. Qua tìm hiểu, “Tin Lành Vàng Chứ” là một thứ đạo do Vàng Pao, một tướng phỉ sau khi thất trận đã chạy sang Mỹ dựng lên nhằm mục đích chống Cộng trên cơ sở đạo Tin Lành. Một trong những hoạt động của đạo này là mê hoặc, lôi kéo đồng bào dân tộc thiểu số trong đó có người Mông để tập hợp lực lượng, chống đối lại chính quyền gây mất an ninh, trật tự. Điều đáng lo ngại, cùng với các hoạt động sinh hoạt tôn giáo, tuyên truyền đạo trái pháp luật và di, dịch cư tự do là tình trạng bỏ sản xuất, phá rừng, đốt nương làm rẫy, cô lập những người không theo đạo. Tình trạng này đã đẩy đồng bào dân tộc Mông trở lại cuộc sống ngày càng nghèo khó và tạo ra những điểm nóng về an ninh trật tự ở KVBG Tây Bắc nói chung và KVBG tỉnh Điện Biên nói riêng.
Theo kết quả khảo sát hiện nay có 1797 người thuộc 16/24 xã biên giới tỉnh Điện Biên theo “Tin Lành Vàng Chứ”. Thời gian qua các thế lực thù địch trong và ngoài nước đã tiến hành lợi dụng vấn đề này để thực hiện âm mưu "Diễn biến hòa bình", thành lập "Vương quốc Mông" tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhằm chia rẽ đoàn kết nội bộ, gây mất ổn định an ninh chính trị ở địa bàn. Mặt khác xét về tín ngưỡng, người Mông theo đạo “Tin Lành Vàng Chứ” cho rằng tất cả những gì họ có đều do thần linh, do “Vàng Chứ” tạo ra cho họ. Khi theo “Vàng Chứ” sẽ được che chở và được hưởng sung sướng, họ còn cho rằng chúa Jêsu cũng là “Vàng Chứ”, theo chúa Jêsu cũng được sung sướng, có cuộc sống tốt đẹp, khi chết họ sẽ được về với chúa ở trên thiên đàng. Với nhận thức mơ hồ vào thế giới huyền bí, đồng bào dân tộc Mông đã bị các thế lực thù địch nhồi nhét, lôi kéo họ theo đạo “Tin Lành Vàng Chứ” tác động tiêu cực đến tình hình an ninh trật tự KVBG tỉnh Điện Biên thời gian qua.
Nghiên cứu đặc điểm tâm lý tình hình người Mông theo đạo “Tin Lành Vàng Chứ” ở KVBG tỉnh Điện Biên, có thể rút ra những nguyên nhân cơ bản sau:
Khủng hoảng về tinh thần khiến người dân bị lôi kéo theo đạo “Tin Lành Vàng Chứ” với hy vọng tìm một lối thoát: Các thế lực thù địch trong và ngoài nước, đặc biệt là số cốt cán trong đạo “Tin lành Vàng Chứ” tập trung lợi dụng sự bế tắc về tư tưởng để tuyên truyền, lôi kéo bà con tín đồ tin và theo mình. Khi cuộc sống đang khó khăn, bế tắc, tinh thần đang bị khủng hoảng thì “Tin lành Vàng Chứ” đến với họ làm củng cố thêm niềm tin tín ngưỡng tôn giáo.
Tin vào đấng siêu nhiên, không có thật: “Tin lành Vàng Chứ” mới thâm nhập vào đồng bào dân tộc Mông ở KVBG tỉnh Điện Biên, nhưng do cuộc sống và đặc điểm tâm lý như: nhận thức hạn chế, dễ tin, dễ nghe đã làm cho họ có niềm tin vào tôn giáo. Với những luận điệu tuyên truyền của các thế lực thù địch về chúa Jêsu, về thiên đàng và địa ngục, nên họ có niềm tin là mọi thứ đều do một thế lực siêu nhiên sáng tạo ra, tin chúa Jêsu là đấng tối cao, quyền năng có thể tạo ra tất cả những gì có trên thế giới này. Họ tin rằng, niềm tin ấy sẽ cho họ cuộc sống sung sướng, bình an, tin chúa sẽ che chở cho họ trước các thế lực, trước kẻ xấu. Trước luận điệu tuyên truyền “Vàng Chứ” hay chúa Jêsu xuất hiện và đang chờ các con đến để thờ phụng và được chúa ban cho phước lành và sự bình an, điều đó đã thúc đẩy tạo nên hiện tượng di cư tự do của đồng bào người Mông ở Điện Biên vào các tỉnh Tây Nguyên và làm gia tăng người Mông theo đạo “Tin Lành Vàng Chứ”. Niềm tin đó còn thể hiện qua việc họ không quản ngại khó khăn về đường xá xa xôi để đi đến gặp chúa, đến các điểm cầu nguyện mặc dù phải đi bộ, ăn uống thất thường, đến điểm cầu nguyện thì nơi ăn, nơi ở không có phải nằm vạ vật xung quanh điểm cầu nguyện…
Đồng bào người Mông ở KVBG vốn là những người thật thà chất phác, trình độ dân trí còn thấp, bằng thủ đoạn tuyên truyền đạo trái pháp luật, các đối tượng truyền đạo đã lôi kéo và tác động vào tâm lý của họ để họ tin và nghe theo chúng. Niềm tin vào tôn giáo là một đặc điểm tâm lý biểu hiện rất rõ ràng của đồng bào Mông theo đạo “Tin Lành Vàng Chứ”, đây là một đặc điểm tâm lý nổi bật đang bị các thế lực thù địch khai thác và tiếp tục lợi dụng để lôi kéo dần tạo ra một thế lực chống đối nhằm chống lại chính quyền địa phương, là mầm mống gây ra biểu tình, bạo loạn.
Nhu cầu, mong muốn có cuộc sống sung sướng hơn mà không phải lao động vất vả: Phần lớn đồng bào dân tộc Mông ở KVBG, đời sống vật chất còn nhiều khó khăn, kinh tế thiếu thốn, cuộc sống chủ yếu là dựa vào làm nương rẫy, săn bắt thú rừng, mang tính tự cung tự cấp. Người Mông có tâm lý tự ti, mặc cảm về bản thân, sống xa lánh với các dân tộc cùng trên địa bàn. Cư trú thành bản hoặc rải rác ở những vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao đã dẫn đến người Mông ở KVBG ít có sự giao lưu, học hỏi trong việc phát triển kinh tế để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Người Mông còn tồn tại nhiều phong tục tập quán lạc hậu, canh tác phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, vì vậy cuộc sống của họ gặp rất nhiều khó khăn. Khi gặp khó khăn họ lại tìm lời giải đáp ở một thế lực siêu nhiên thần bí như thần sông, thần núi... Họ cầu mong sự trợ giúp, mang lại cho họ niềm tin thoát khỏi cuộc sống khó khăn vất vả hiện tại. Họ luôn ao ước một cuộc sống no đủ, sung sướng và đó là nhu cầu chính đáng của con người, nhưng để thoát khỏi được những khó khăn, vất vả trong cuộc sống hiện tại thì không có gì khác ngoài việc là họ phải vươn lên chiến thắng chính bản thân mình; phải tập trung lao động sản xuất, biết áp dụng những khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến tâm lý tiêu cực, tin vào sức mạnh thần bí siêu nhiên để đổi đời, có cuộc sống tốt đẹp. Vì vậy, khi được tuyên truyền về cuộc sống lý tưởng đó, về một sức mạnh vô biên của chúa "Jêsu", của "Vàng Chứ", người Mông đã dễ dàng tin và nghe theo các đối tượng xấu.
Những năm gần đây trên địa bàn KVBG tỉnh Điện Biên đã xuất hiện những vấn đề phức tạp trong vùng đồng bào dân tộc Mông: như gây rối an ninh trật tự ở Mường Nhé năm 2011, 2012... Những vụ việc xảy ra đều liên quan đến các hoạt động tuyên truyền phát triển đạo “Tin Lành Vàng Chứ” trái pháp luật. Thực tế đó đã bộc lộ những hạn chế nhất định trong công tác vận động quần chúng ở vùng đồng bào dân tộc Mông.
Công tác vận động quần chúng là một trong những biện pháp công tác cơ bản của Bộ đội Biên phòng (BĐBP), giữ vai trò quan trọng trong công tác đảm bảo an ninh, ổn định chính trị ở vùng dân tộc ở KVBG. Để góp phần đảm bảo an ninh chính trị trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào người Mông nói riêng trên địa bàn tỉnh Điện Biên đòi hỏi lực lượng BĐBP trong công tác vận động quần chúng phải lôi kéo, thuyết phục được quần chúng không để các thế lực thù địch và các loại đối tượng lợi dụng hoạt động làm mất ổn định an ninh, trật tự. Nhận thức được vấn đề này BĐBP tỉnh Điện Biên cần tập trung tuyên truyền và làm tốt những nội dung sau:
Một là, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người Mông về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước: Với trình độ nhận thức còn hạn chế, nên phần đông đồng bào người Mông chưa hiểu được đường lối, chính sách của Đảng mà chủ yếu họ cảm nhận qua những hành động thực tế của cán bộ trực tiếp là cán bộ xã, bản. Trước hết, BĐBP tỉnh Điện Biên phải giáo dục, tuyên truyền cho đồng bào dân tộc Mông ở KVBG nắm được chủ trương, chính sách, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về vấn đề dân tộc, tôn giáo; giáo dục cho họ thấy những chủ trương, chính sách đúng đắn đó đã đi vào cuộc sống, mang lại cho việc phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống, vật chất tinh thần cho đồng bào trong những năm qua. Trong các buổi tuyên truyền, giáo dục đó, BĐBP tỉnh Điện Biên cần giải thích cụ thể cho đồng bào hiểu về quan điểm, tư tưởng của Đảng về tôn giáo cũng như các chính sách của Nhà nước về hoạt động tôn giáo. Đó là: Đảng và Nhà nước ta luôn có quan điểm bình đẳng với các tín đồ, không phân biệt đối xử; kiên trì chính sách tự do tín ngưỡng tôn giáo và đại đoàn kết dân tộc; đồng thời kiên quyết trấn áp những kẻ lợi dụng tôn giáo trong đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào Dân tộc Mông nói riêng để bảo vệ an ninh quốc gia. Về phương pháp, việc tuyên truyền được tiến hành phải khéo léo, phù hợp với tâm lý và nhận thực của đồng bào. Đồng thời, phải phân tích cho bà con hiểu rằng đời sống hiện tại của bà con đồng bào đang còn nhiều khó khăn nhưng so với trước đây là đã tốt hơn rất nhiều. Đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội được nâng lên. Con em họ đã có trường học, trạm xá, điện, đường... Văn hóa xã hội được phát triển, kinh tế ổn định, đường sá đi lại thuận tiện hơn. Bà con có điều kiện được tiếp cận với thông tin văn hóa... điều đó chứng tỏ, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm rất nhiều đến đồng bào.
Hai là, giải thích rõ âm mưu, ý đồ của các thế lực thù địch trong và ngoài nước đang lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để gây chia rẽ đại đoàn kết các dân tộc anh em: Cùng với việc tuyên truyền, giáo dục cho đồng bào dân tộc Mông về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, BĐBP tỉnh Điện Biên cần giải thích cho họ hiểu âm mưu, ý đồ của các thế lực thù địch trong và ngoài nước đang lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để gây chia rẽ đoàn kết các dân tộc anh em. Vì vậy, cần giải thích cho đồng bào hiểu rằng việc đồng bào theo tôn giáo nào không quan trọng miễn họ thực hiện đúng chính sách của Đảng, Nhà nước về dân tộc, tôn giáo, đúng pháp luật, không vi phạm pháp luật. Đi đâu, làm gì phải xin phép chính quyền; không tự ý làm theo và đi theo kẻ xấu xúi giục. Bên cạnh đó, BĐBP tỉnh Điện Biên tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan, ban ngành ở địa bàn KVBG, triển khai các hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động của các đối tượng truyền đạo trái pháp luật, qua đó giúp cho đồng bào nhận thức rõ về âm mưu, ý đồ của kẻ địch lợi dụng tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc anh em.
Ba là, nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần của đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn KVBG: Đời sống của bà con đồng bào dân tộc Mông ở KVBG tỉnh Điện Biên còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp là nguyên nhân trực tiếp tạo cho họ có nhiều diễn biến tâm lý phức tạp; làm cho họ bị dao động, nhất là khi nghe các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của kẻ xấu. Do đó, cùng với việc làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, BĐBP tỉnh Điện Biên phải tham gia vào các hoạt động cụ thể ở địa phương trong việc phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương như vấn đề về y tế, giáo dục, tư vấn cho bà con về phương thức canh tác, sản xuất, ổn định nơi cư trú và làm ăn sản xuất không di, dịch cư tự do, từng bước ổn định tâm lý cho đồng bào người Mông, nâng cao đời sống vật chất và phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao dân trí cho họ; đặc biệt quan tâm đúng mức đến nhu cầu tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Mông theo đạo. Đặc biệt, BĐBP cần phải nắm và quản lý tốt số di cư tự do mới vào hoặc đi khỏi địa bàn, quy hoạch vùng đồng bào dân tộc Mông để tránh hiện tượng du canh, du cư của đồng bào người Mông đang sinh sống không ổn định trên địa bàn. Điển hình như số đồng bào người Mông đang sinh sống trên địa bàn các đồn Biên phòng Nà Hỳ, Mường Nhé, Nậm Kè…
Bốn là, khơi dậy và phát huy được truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc Mông đang cư trú trên địa bàn: Lịch sử hình thành của người Mông đã trải qua nhiều thăng trầm, có nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Nét truyền thống văn hóa thể hiện rất rõ trong quá trình lao động, sản xuất; trong các nghề thủ công như nghề rèn, dệt vải.. Đồng bào dân tộc Mông có nhiều phong tục tập quán rất riêng biệt, thể hiện tính đặc trưng như trong hôn nhân, gia đình, quan hệ bạn bè... Bên cạnh đó, còn có những lễ nghi, trò chơi mang tính chất dân gian trong những ngày lễ tết.
Truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của họ hết sức phong phú và đa dạng, nó được truyền từ đời này sang đời khác; là một sợi dây gắn kết trong cộng đồng dân tộc người Mông. Bản thân những phong tục tập quán là tốt đẹp, song do cuộc sống, do bị một số đối tượng lợi dụng, do thời gian mà bị thay đổi nên đi kèm với những nét văn hóa tốt đẹp là những hủ tục tập quán lạc hậu, kìm hãm sự phát triển của xã hội. Những hủ tục tập quán lạc hậu đó luôn đi kèm với sự mê tín dị đoan, thủ tục cúng bái nhiều khi gây phiền hà tốn kém mà người dân không muốn duy trì. Để củng cố tâm lý cho đồng bào dân tộc Mông, hạn chế các điều kiện và khả năng các đối tượng lợi dụng để phát triển đạo “Tin lànhVàng Chứ” trái pháp luật, cần phục hồi, củng cố, phát triển những phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào. Bên cạnh đó cũng phê phán, loại trừ những phong tục lạc hậu như mê tín dị đoan, cúng bái để chữa bệnh. Từ đó tránh xa mọi luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của kẻ xấu, làm cho bà con hiểu rằng không được làm theo bọn tuyên truyền lừa bịp mà ảnh hưởng đến tình đoàn kết của 54 dân tộc anh em trên đất nước ta.
Năm là, vận dụng linh hoạt, khéo léo các phương pháp, hình thức vận động quần chúng để đảm bảo việc tác động tâm lý người Mông theo đạo có hiệu quả: Trên cơ sở đã nghiên cứu các đặc điểm tâm lý của người Mông theo đạo “Tin Lành Vàng Chứ ” đang cư trú trên địa bàn KVBG giúp cán bộ Bộ đội Biên phòng làm công tác vận động quần chúng cần phải biết cách tác động tâm lý để cho họ hiểu và nhận thức được đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đồng thời nhận rõ âm mưu, ý đồ của địch đang lợi dụng dân tộc, tôn giáo để can thiệp vào công việc nội bộ của ta, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam. Trước hết, phải xác định phương pháp, hình thức vận động quần chúng để tác động tâm lý phù hợp với từng đối tượng. Khi tuyên truyền, vận động bà con, BĐBP cần phải lựa chọn nội dung để tuyên truyền cho phù hợp, lựa chọn cán bộ có khả năng tốt nhằm truyền đạt thông tin tới bà con thật tình cảm, dễ hiểu, dễ nghe; nếu lựa chọn cán bộ là người Mông thì càng tốt hơn. Quá trình vận động quần chúng cần phải đa dạng các hình thức như đối thoại, cảm hoá, giáo dục, thuyết phục hoặc có thể gọi hỏi, gặp gỡ cá biệt. Đặc biệt, sử dụng những người có uy tín trong đồng bào dân tộc Mông thông qua họ tuyên truyền vận động bà con vì chính những người này được bà con tin tưởng, kính nể, và họ hiểu sâu sắc tâm tư, nguyện vọng của bà con. Cũng chính người này thay mặt cho bà con nói lên những bức xúc, nhu cầu chính đáng của họ.
Khi tiến hành vận động quần chúng cán bộ Bộ đội Biên phòng kết hợp hình thức vận động tập trung với vận động cá biệt. Công tác vận động quần chúng có đạt hiệu quả tốt hay không còn phụ thuộc nhiều vào việc phải biết phối kết hợp hình thức vận động tập trung và hình thức vận động cá biệt. Qua những buổi phát động quần chúng tập trung đó làm cho người Mông có cái nhìn thực tế hơn, rõ ràng hơn về âm mưu, phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng lợi dụng dân tộc, tôn giáo xâm phạm an ninh quốc gia. Chú trọng đến vai trò của người có uy tín trong dân tộc Mông, tranh thủ già làng, trưởng bản, đối tượng cốt cán tiến hành tổ chức phát động thi đua thôn bản văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa tốt đẹp, giúp bà con theo đạo sống “tốt đời đẹp đạo”.