Kỷ niệm đáng nhớ về Tạp chí Kiểm sát

Ngày đăng : 15:06, 04/01/2021

(Kiemsat.vn) - Trong không khí kỷ niệm 60 năm Ngày Tạp chí Kiểm sát xuất bản số đầu tiên (26/02/1961 - 26/02/2021), chúng tôi gặp và được nghe đồng chí Nguyễn Văn Nông - Kiểm sát viên VKSND tối cao (nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Kiểm sát) kể về câu chuyện đoàn công tác của Tạp chí Kiểm sát đi khảo sát và nghiên cứu chuyên đề “Tổ chức và hoạt động của các VKSND cấp huyện ở vùng sâu, vùng xa” tại hai khu vực: Phía Bắc và miền Trung.

Tháng 6 năm 2005, Viện trưởng VKSND tối cao quyết định điều động và bổ nhiệm tôi làm Phó Tổng Biên tập Tạp chí Kiểm sát theo đề nghị của đồng chí Tổng Biên tập lúc bấy giờ - Anh Lại Hợp Việt, người anh cả của nhiều công chức, viên chức của Tạp chí Kiểm sát qua các thời kỳ.

Sau khi được bổ nhiệm, tôi được Tổng Biên tập phân công giúp Tổng Biên tập phụ trách mảng nội dung. Tôi còn nhớ thời kỳ này, kinh tế quảng cáo của Tạp chí còn chưa đi xuống, Tổng Biên tập lại là người năng động, sốt sắng với công việc chung không chỉ của Tạp chí mà còn với công tác chung của VKSND tối cao và của Ngành.

Đồng chí Nguyễn Văn Nông Kiểm sát viên VKSND tối cao, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Kiểm sát chia sẻ với phóng viên về những kỷ niệm đáng nhớ trong thời gian công tác tại Tạp chí Kiểm sát

Tổng Biên tập đã báo cáo, đề xuất với Lãnh đạo Viện giao cho Tạp chí Kiểm sát chủ trì nghiên cứu nhiều đề án, đề tài, chuyên đề khoa học như đề tài nghiên cứu về án tạm đình chỉ, đình chỉ trong tố tụng hình sự; chuyên đề nghiên cứu về tổ chức và hoạt động của các VKSND cấp huyện ở vùng sâu, vùng xa. Với tác phong làm việc của Tổng Biên tập, các đề án, đề tài đều được tổ chức nghiên cứu nghiêm túc, có hiệu quả thiết thực và được Lãnh đạo Viện đánh giá cao. Điều đáng nói hơn nữa là kinh phí thực hiện các đề án, đề tài, chuyên đề khoa học không phải từ nguồn ngân sách nhà nước mà được sử dụng từ nguồn kinh phí “tự có” của Tạp chí Kiểm sát.

Trong thời gian đó cũng có ý kiến cho rằng Tạp chí Kiểm sát làm như thế là “lấn sân” sang công việc của người khác. Tôi còn nhớ vào nửa đầu năm 2007, Tổng Biên tập giao cho tôi làm Trưởng đoàn, cùng với một số công chức, viên chức của Tạp chí đi khảo sát và nghiên cứu chuyên đề về “Tổ chức và hoạt động của các VKSND cấp huyện ở vùng sâu, vùng xa” tại hai khu vực: Phía Bắc và miền Trung.

Sau khi lên kế hoạch, xây dựng nội dung chương trình, báo cáo Tổng Biên tập phê duyệt, liên lạc với các đơn vị VKSND địa phương, đoàn công tác của chúng tôi lên đường, có đợt đi với thời gian nửa tháng trời. Đoàn công tác đã đặt chân đến nhiều VKS cấp huyện ở các vùng sâu, vùng xa của các tỉnh phía Bắc như: VKSND huyện Tràng Định, Đình Lập ( Lạng Sơn); Lục Yên, Mù Cang Trải (Yên Bái); Than Uyên, Tân Uyên, Phong Thổ (Lai Châu); Quỳnh Nhai, Sông Mã, Yên Châu, Mai Sơn, Mộc Châu (Sơn La); tới nhiều VKS cấp huyện của các tỉnh miền Trung như: Bắc Trà My (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi) v.v…Có quá nhiều kỷ niệm tôi còn nhờ đến bây giờ.

Nhớ khi đến huyện Mù Cang Chải, chị Viện trưởng kể say sưa cho chúng tôi nghe về công việc của Kiểm sát viên đi kiểm sát khám nghiệm hiện trường, có vụ việc phải vào bản xa, đi và ở mất vài ngày, xe đạp, xe máy của anh em phải bọc thêm dây vào lốp xe mới leo được đốc; công việc của một Viện trưởng là huyện ủy viên, định kỳ xuống bản gặp gỡ người dân, nắm tâm tư tình cảm, nhu cầu cuộc sống của người dân…

Tôi nhớ khi ra huyện đảo Lý Sơn, thấy trước cổng mỗi cơ quan Viện kiểm sát, Tòa án, Công an…đều có đặt máy phát điện, khi đến giờ máy chạy thì kêu ầm ỹ, nhả khói đen kịt. Vì huyện đảo khi đó chưa có điện lưới quốc gia. Khi đến VKSND huyện Bắc Trà My, đơn vị chưa có trụ sở, đang thuê một ngôi nhà của người dân trên đồi làm trụ sở. Nói là nhà nhưng thực ra là một khung nhà được quây xung quang bằng tôn, mái lợp cùng bằng tôn.

Đồng chí Nguyễn Văn Nông Kiểm sát viên VKSND tối cao

Nhớ khi ngồi làm việc với anh em, trời nóng quá, phải mở toang các cửa, bật quạt (cũng chỉ có một hai cái quạt) mồ hôi vẫn đầm đìa. Lại thấy thương anh chị em của Viện. Kỷ niệm về chuyến công tác thì nhiều lắm, nhưng tôi nhớ là sau khi kết thúc khảo sát, Đoàn công tác đã báo cáo Tổng Biên tập để báo cáo kết quả với Lãnh đạo VKSND tối cao, trong đó có đề xuất nhiều vấn đề về tổ chức và hoạt động của VKSND cấp huyện, trong đó có hai đề nghị đã được Lãnh đạo Viện đánh giá tốt:

Một là, trong những năm này, Ngành Kiểm sát đang tiếp tục nghiên cứu việc thực hiện chủ trương của Đảng về tổ chức các Viện kiểm sát và Tòa án khu vực được nêu trong Nghị quyết số 49/NQ-TW của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp. Từ thực tiễn khảo sát cho thấy mặc dù ở một số Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện tại các vùng sâu, vùng xa có số lượng công việc không nhiều, nhưng vẫn cần thiết thành lập các cơ quan tư pháp ở địa bàn, bởi những nơi đó là “phên dậu” của quốc gia.

Mặt khác nếu sáp nhập các VKS cấp huyện để thành lập các VKS khu vực sẽ gây khó khăn rất nhiều cho công tác của các đơn vị này cũng như khó khăn cho người dân khi có công việc liên quan đến tư pháp do địa bàn miền núi xa xôi, hiểm trở, đi lại khó khăn, trong khi điều kiện kinh tế của đát nước nói chung, của người dân nói riêng còn khó khăn.

Hai là, thời điểm này, kinh phí ngân sách cấp cho mỗi công chức trong Ngành vẫn theo một mức chung, trong đó bao gồm cả tiền lương và phụ cấp hành chính, chưa phân theo các ngạch chức danh; vì vậy khi ngân sách cấp cho các VKSND địa phương thì khoản tiền để trả lương cho các chức danh chiếm đa số, nhất là với VKS cấp tỉnh (do có nhiều Kiểm sát viên trung cấp), do vậy kinh phí hành chính dành cho các VKSND cấp huyện nói chung và các VKSND cấp huyện ở vùng sâu, vùng xa nói riêng là rất hạn chế, khó khăn cho công tác; do vậy cần xem xét, tách riêng khoản ngân sách dùng trả lương cho công chức với khoản kinh phí hành chính phục vụ công tác đáp ứng nhu cầu công việc.

Tôi kể những kỷ niệm này để nhớ về một trong những kỷ niệm về Tạp chí Kiểm sát, và hơn thế nữa, là dịp để nhớ về anh Lại Hợp Việt, người Tổng Biên tập đáng kính của Tạp chí Kiểm sát.

PV