Vận chuyển trái phép sừng tê giác nhận bản án hơn 12 năm tù
Ngày đăng : 10:52, 29/12/2020
Theo nội dung vụ án, tháng 12/2019, Đỗ Thanh Sơn (SN 1982, ngụ phường Hàng Bột, quận Đống Đa, Hà Nội) đã xuất cảnh sang nước Cộng hòa Mozambique. Đến tháng 2/2020, Sơn nhận vận chuyển hàng hóa là sừng tê giác cho người đàn ông nước ngoài tên Domigos từ Mozambique về Việt Nam với tiền công là 1.000USD, chi phí chuyến đi do Domigos chi trả.
Bị cáo Đỗ Thanh Sơn tại phiên tòa |
Ngày 29/2, theo lịch trình, Sơn sẽ mang theo 11 sừng tê giác (để trong vali) về Việt Nam bằng đường hàng không và đáp tại sân bay Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên lịch trình chuyến bay thay đổi, hạ cánh tại sân bay quốc tế Cần Thơ. Sơn liên lạc và thông báo cho Domigos về sự thay đổi chuyến bay, sau đó xóa hết thông tin dữ liệu trên điện thoại di động và tài khoản mạng xã hội có liên hệ với Domigos.
Ngày 2/3, Sơn nhập cảnh tại cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ, qua soi chiếu hành lý, lực lượng chức năng phát hiện nghi vấn nên yêu cầu Sơn phối hợp kiểm tra thực tế hành lý, qua đó đã phát hiện bên trong có chứa 11 sừng tê giác. Sau thời gian cách ly phòng chống dịch bệnh theo quy định, Đỗ Thanh Sơn bị bắt để tạm giam cho đến ngày xét xử.
Kết quả giám định của các cơ quan chuyên môn kết luận: 11 sừng tê giác có tổng khối lượng 28,2495kg. Kết quả phân tích AND xác định là sừng tê giác trắng có tên khoa học là Ceratotherium simun simun, thuộc phụ lục II danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã thuộc phụ lục công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật nguy cấp CITES.
Quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, bị cáo thành khẩn khai báo, thừa nhận hành vi phạm tội và xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt.
Đại diện Viện kiểm sát nhận định hành vi của Sơn đã xâm phạm đến các quy định về bảo vệ cân bằng sinh thái, đa dạng sinh học của các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm trong môi trường sinh thái được pháp luật bảo vệ. Hành vi của Đỗ Thanh Sơn đã phạm vào tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo điểm d khoản 3 Điều 244 BLHS nên đề nghị HĐXX ra bản án nghiêm khắc, tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo để đảm bảo tính răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung. Sau khi xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo mức án như trên.