Thông tư hướng dẫn về công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Kiểm sát nhân dân
Ngày đăng : 09:05, 22/12/2020
Theo đó, Thông tư 01/2020 đã sửa đổi khoản 2 Điều 4 như sau: Việc công nhận phạm vi ảnh hưởng, hiệu quả áp dụng của sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học để làm căn cứ xét tặng danh hiệu thi đua và khen thưởng thực hiện theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 12/2019/TT-BNV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ và quy định của VKSND tối cao.
Sửa đổi khoản 1, khoản 3 và khoản 4 Điều 7 như sau: “1. Xác định rõ mục tiêu, phạm vi, đối tượng thi đua, trên cơ sở đó đề ra các chỉ tiêu và nội dung thi đua gắn với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị và xây dựng các tiêu chí đánh giá phù hợp với thực tế làm căn cứ bình xét thi đua, khen thưởng trong các kỳ sơ kết, tổng kết.
Phong trào thi đua phải có chủ đề, tên gọi dễ nhớ, dễ hiểu, có chỉ tiêu, nội dung, kế hoạch; bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của Ngành, của địa phương, đơn vị để đề ra phương pháp thi đua cụ thể, thiết thực, phù hợp với điều kiện, khả năng tham gia của tập thể, cá nhân”.
“3. Triển khai các biện pháp tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tham gia thi đua, thường xuyên đôn đốc, theo dõi quá trình tổ chức thi đua; chỉ đạo điểm để rút kinh nghiệm và đề ra các giải pháp để thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua trong thời gian tiếp theo”.
“4. Tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả phong trào thi đua và lựa chọn tập thể, cá nhân có thành tích suất sắc, tiêu biểu để khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để biểu dương, tôn vinh, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến đã lập thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua.
Đối với phong trào thi đua có thời gian dài phải chú trọng công tác chỉ đạo điểm, hướng dẫn, kiểm tra và phải tổ chức sơ kết vào giữa đợt để rút kinh nghiệm; kết thúc đợt thi đua tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả, lựa chọn công khai để khen thưởng những tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trong phòng trào thi đua. Tăng cường phổ biến các sáng kiến, kinh nghiệm, cách làm hay, hiệu quả để mọi người học tập”.
Ngoài ra, Thông tư cũng sửa đổi khoản 4 Điều 42 với nội dung: Đối với Huân chương, danh hiệu vinh dự Nhà nước, “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước”, danh hiệu “Chiến sỹ thi đua toàn quốc”, Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Kiểm sát nhân dân có trách nhiệm phối hợp với Báo Bảo vệ pháp luật, hoặc Cổng thông tin điện tử VKSND tối cao, Tạp chí Kiểm sát đăng tải và báo cáo Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Kiểm sát nhân dân trước khi Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Kiểm sát nhân dân họp xét, đề nghị khen thưởng.
Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 15/12/2020.